Pages

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

'Tony Blair thẳng thắn với lãnh đạo VN'

Cựu thủ tướng Anh, ông Tony Blair, trong hội thảo ngày 4/3 tại Hà Nội
Cựu Thủ tướng Anh đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn trước các lãnh đạo Việt Nam về vấn đề cải cách kinh tế, một chuyên gia trong nước cho biết.
Nhận định trên được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một trong các chuyên gia có mặt tại hội thảo do ông Tony Blair và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng chủ trì tại Hà Nội hôm 4/3, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC.

Hội thảo, với tên gọi "Vai trò mới của Doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế, kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam", còn có sự tham gia của nhiều đại diện của các tập đoàn nhà nước, theo truyền thông Việt Nam.
BBC: Ông nhận định chung như thế nào về các ý kiến mà cựu thủ tướng Anh đưa ra trong hội thảo ngày 4/3, thưa ông?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Ông Tony Blair đã đến Việt Nam từ năm 2012 và đã gặp Thủ tướng Việt Nam.
Đến năm 2013 thì công ty Tony Blair Associates đã lập một văn phòng cạnh Bộ Kế hoạch Đầu tư và đã có tham vấn, đóng góp ý kiến về các văn bản cổ phần hóa.
Mới đây công ty này cũng cố vấn về nghị định hợp tác công tư (PPP).
Hôm 4/3, ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và ông Tony Blair đã đồng chủ trì một hội thảo về vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước.
Công ty của Tony Blair đã có một bản báo cáo khá dài, với tính chất chuyên môn đáng tin cậy.
Ông Tony Blair sau đó cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Cuối giờ chiều hôm qua thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Blair và hứa sẽ tiếp tục hợp tác và mong đợi những ý kiến tư vấn của ông.
BBC: Ông Tony Blair nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân lên cùng lúc để tránh cho nền kinh tế bị "hụt hẫng". Theo ông thì khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã đủ sức thay thế doanh nghiệp nhà nước hay chưa?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thì chậm. Cái chậm đó có nhiều nguyên nhân.
Sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân cũng chậm và không được như mong muốn.
Năm 1999, khi luật doanh nghiệp nhà nước được ban hành và sau đó có sự bùng phát mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng rất tiếc doanh nghiệp tư nhân đã không phát triển theo hướng chúng ta mong đợi.
Từ năm 2007, sau khi gia nhập WTO, lẽ ra Việt Nam phải thay đổi cách quản lý và cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên Việt Nam lại đi đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào thị trường chứng khoán - các hoạt động mang tính đầu cơ.
Đặc biệt là chính quyền đã mở rộng quyền đầu tư của các tập đoàn nhà nước để các tập đoàn nhà nước lần đầu tiên tham gia vào hoạt động đầu cơ chứ không phải các lĩnh vực chuyên môn do các tập đoàn đó phụ trách.
Ví dụ như tập đoàn dầu khí lại đi đầu tư vào bất động sản, tài chính và chứng khoán.
Điều này làm cho các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động theo hướng tìm kiếm các mối 'quan hệ' và tìm kiếm các sự chênh lệch giá - giá đất, giá khai thác rừng, khai thác mỏ và các loại kinh doanh khác.
Từ năm 2007 đến năm 2011 thì lạm phát tăng rất cao, lãi suất ngân hàng tăng đến 21%, khiến các doanh nghiệp tư nhân không nhận được sự ưu đãi, tín dụng đặc biệt nên đã bị suy yếu đi rất nhiều.
Cho đến nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, thiếu sự chuẩn bị để cạnh tranh trong môi trường kinh tế trong thời gian tới đây, và tôi thấy đây là điều rất đáng tiếc.
Công ty Tony Blair Associate đã nhiều lần cố vấn về chính sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
BBC: Ông Tony Blair nhận xét quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vẫn diễn ra chưa hiệu quả. Ông có thể giải thích rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành thí điểm từ năm 1991-1992 và đã có các nỗ lực để đẩy mạnh trong những năm sau đó.
Nhưng trong thời gian 2007-2011 thì quá trình cổ phần hóa chậm lại rất nhiều, vì các tiêu chí về mặt tài chính, tiền tệ và sự an toàn trên thị trường chứng khoán vô cùng mong manh, trong lúc lãi suất và lạm phát tăng lên quá cao.
Điều này khiến giới đầu tư trở nên dè dặt trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được đưa lên thị trường chứng khoán. Thế nên quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước bị tắt nghẽn.
Năm 2012, chính phủ đã có quyết định đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa và dự kiến trong 3 năm 2013, 2014, 2015 có thể cổ phần hóa 432 cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cho đến nay tốc độ cổ phần hóa đó chưa đạt được như mong đợi.
Dự kiến trong năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước. Đó là tốc độ chưa từng thấy và tôi nghĩ phải chờ xem có đạt được hay không, nhưng theo tôi là rất khó khăn.
Điểm thứ hai là việc cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đều không có luật. Các nước khác đều có luật về quá trình cổ phần hóa. Thậm chí có các doanh nghiệp cổ phần hóa mà có ý nghĩa đặc biệt lớn thì phải có luật riêng cho doanh nghiệp đấy.
Ở Việt Nam thì chưa có khung pháp luật đó.
Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang muốn đẩy mạnh việc nhượng lại các cảng hàng không như cảng Phú Quốc, hay hiện giờ có hai hãng đang muốn mua lại cảng hàng không Nội Bài.
Cảng hàng không là thứ thể hiện uy tín quốc gia và liên quan rất nhiều đến lợi ích cộng đồng.
Vì vậy rất mong Quốc hội sẽ ủng hộ và sẽ ban hành luật về cổ phần hóa để tạo khuôn khổ pháp lý giúp thực hiện cổ phần hóa một cách an toàn.
BBC: Nhân việc ông Blair đề cập tầm quan trọng của việc thực hiện cổ phần hóa một cách minh bạch, đúng cách thức. Mới đây, đợt IPO của Vietnam Airlines đã bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ trích vì số cổ phiếu đưa ra thị trường rơi hết vào tay hai ngân hàng trong nước. Theo ông thì liệu sắp tới điều này có thay đổi? Nhất là khi xét đến vai trò cố vấn hiện nay của ông Blair với Bộ giao thông Vận tải Việt Nam?
Việc cổ phần hóa của Vietnam Airlines thì nhà nước vẫn giữ 75% sở hữu. Trong số 25% cổ phần bán ra thì 24% do các ngân hàng chủ nợ của Vietnam Airlines mua lại, vì vậy số cổ phần bán ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài là quá nhỏ, không ai muốn mua.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn là việc mua cổ phần sẽ đi kèm với sự đại diện của họ và có sự cải cách mạnh mẽ về mặt nhân sự và quản trị doanh nghiệp.
Với số cổ phần bé như vậy thì họ chỉ có thể gửi tiền của mình vào đó, và để cho nhân sự cũ kinh doanh bằng đồng tiền của họ. Đó là điều mà họ không sẵn sàng làm.
Mô hình cổ phần hóa của Vietcombank là mô hình tốt hơn. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã có vai trò là cổ đông chiến lược, có đại diện ngồi tại hội đồng quản trị của Vietcombank và giúp ngân hàng này thay đổi theo hướng tốt hơn.
Gần đây đại diện của IMF đã nói việc cổ phần hóa cần được thực hiện thiết thực hơn, ở đây có ý là phải để cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngồi trong hội đồng quản trị để có thay đổi về nhân sự, thay đổi về quản trị doanh nghiệp thì mới có thể cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
BBC: Ông Blair nói 'cải cách mà không vấp phải phản đối thì không phải cải cách tốt'. Ông nghĩ gì về nhận định này, và liệu Việt Nam có vượt qua được những mâu thuẫn để đẩy mạnh cải cách hay không?
Theo tôi thì ý kiến của ông Blair rất thẳng thắn. Cải cách mà không có ai phản đối cả thì coi như cải cách đó không đụng chạm tới ai, tức là cải cách đó không có ý nghĩa gì rõ ràng cả.
Đó là một thái độ sẽ giúp cho phía Việt Nam nhìn nhận sự phản đối một cách xây dựng, chứ không phải xem mọi ý kiến phản đối là của thù địch, phản động.
Rất nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống mà người ta có nhiều ý kiến khác nhau, cần được tôn trọng.
Tôi nghĩ rằng đang có ý kiến thảo luận thì cần có sự khách quan, bình tĩnh, cầu thị để nhìn nhận, thảo luận và đi đến quyết định chính xác, phù hợp thực tế, chứ không phải vì một người cầm quyền đưa ra quyết định thì quyết định đó được ngẫu nhiên xem là đúng và những ai phản đối đều bị xem là thù địch.

Không có nhận xét nào: