Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực biển Trường Sa


Khu vực biển thuộc Trường Sa có thể giới hạn từ vĩ tuyến 6° đến vĩ tuyến 12°. Sự hiện diện của TQ tại khu vực biển này bắt đầu từ tháng 3 năm 1988, sau khi chiếm được trên tay của VN một số đá, bãi ngầm như đá Gạc Ma và Tư Nghĩa (cách nhau 30km thuộc nhóm Sinh Tồn), đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu bi (thuộc nhóm Thị Tứ), đá Ga ven (nhóm Ba Bình, Nam Yết)... Trước đó, năm 1956, quân của Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) chiếm đảo Ba Bình (Itu-Aba). Đảo này được nhà cầm quyền bảo hộ Pháp tuyên bố chủ quyền ngày 10 tháng 4 năm 1933 và sáp nhập cùng năm vào tỉnh Bà Rịa.
Việc chiếm đóng đảo Ba Bình của Đài Loan, cũng như việc xâm lăng quần đảo Hoàng Sa năm 1974, không đem lại cho TQ chủ quyền lãnh thổ ở các nơi đây vì việc chiếm đóng đi ngược lại các nguyên tắc chiếm hữu được quốc tế qui định : Tại Hoàng Sa TQ chiếm hữu bằng vũ lực trong khi tại Ba Bình thì chiếm một lãnh thổ đã có chủ.
Hành vi chiếm đóng của TQ tại các bãi, đá thuộc Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988 lý ra sẽ không đem lại danh nghĩa chủ quyền cho nước này. Nhưng một số dữ kiện liên quan được tiết lộ gần đây cho thấy, trong chừng mực danh nghĩa chủ quyền của TQ (tại các bãi, đá mới chiếm năm 1988) đã được củng cố.
Theo các nhân chứng (trả lời phỏng vấn RFA 19-10-2011) có tham dự trong « cuộc chiến » thì quân đội VN được lệnh « không được nổ súng bất cứ giá nào ». Theo báo chí trong nước thì đó là « trận hải chiến mà súng nổ chỉ từ một phía ». Một tướng lãnh thuộc QDNDVN vừa mới lên tiếng xác định dữ kiện trên là có thật. Vị này còn cho biết lệnh trên là đến từ Lê Đức Anh.
Đây là một trường hợp đặc biệt về việc chiếm hữu lãnh thổ. Theo luật quốc tế, nếu TQ chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực (như trường hợp Hoàng Sa) thì chủ quyền (vùng lãnh thổ này) sẽ không được nhìn nhận.
Trường hợp các bãi, đá chiếm năm 1988, dĩ nhiên TQ đã sử dụng bạo lực. Vấn đề là phía VN đã không sử dụng quyền « tự vệ chính đáng » (được Hiến chương LHQ qui định) để chống trả lại. Nhà nước VN cũng từ chối mọi thủ tục pháp lý (có sẵn) để tranh đấu chống lại TQ ở thời điểm đó (mặc dầu nhà nước CHXHCNVN có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện). Các công hàm phản đối dĩ nhiên không có hiệu lực bảo vệ chủ quyền mạnh mẽ bằng các phương tiện pháp lý.
Sự im lặng đồng thuận của VN (về chủ quyền các bãi, đá) kéo dài từ năm 1990 cho đến nay.
Phải chăng, một cách ám thị, VN đã từ bỏ chủ quyền (tại các bãi, đá đó) cho TQ ?
Các công hàm bảo lưu của VN gởi LHQ, năm 1996, khi TQ thông qua Luật Biển UNCLOS không nói rõ rệt về chủ quyền các bãi, đá đã bị TQ chiếm năm 1988, mà chỉ phản đối về hệ thống đường cơ bản của TQ (đồng thời khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS).
Việc khẳng định chủ quyền một cách « chung chung » như vậy là không đủ. Quần đảo Trường Sa bao gồm một khu vực biển rất lớn, hàng triệu cây số vuông, có đến hàng ngàn bãi, đá, bãi ngầm, bãi cạn, đá chìm, đá nổi, đảo, cụm đảo… khác nhau. Các cấu trúc địa lý này một số gộp lại thành nhóm. Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã chỉ tuyên bố chủ quyền các cụm đảo Trường Sa, An Bang, Ba Binh (Itu-Aba), Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ chứ không bao gồm tất cả (bãi chìm, bãi nổi, đá chìm, đá nổi rải rác trên biển, cách nhau hàng trăm, hàng ngàn ki lô mét).
Dầu vậy, trên phương diện pháp luật quốc tế, các bãi, đá mà TQ chiếm của VN năm 1988, trên danh nghĩa đã thuộc chủ quyền của VN.
Đá Chữ Thập, trên danh nghĩa (địa lý) thì thuộc nhóm Tizard, bao gồm các đảo Ba Bình, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết… Pháp đã tuyên bố chủ quyền và sáp nhập cụm đảo này vào tỉnh Bà Rịa năm 1933.
Tương tự ở đá Châu Viên thuộc nhóm đảo Trường Sa, đá Xu bi thuộc nhóm Thị Tứ.
Hai đá Gạc Ma và Tư Nghĩa (còn gọi là đá Huy Gơ) thuộc nhóm Sinh Tồn mà nhóm này không thuộc danh sách các đảo đã được sáp nhập năm 1933. Nhưng theo các tài liệu của VN, trước 1975 cụm đảo này do VNCH chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền.
Theo một phán lệ của quan tòa Max Huber về vụ kiện « quần đảo Palmas » trước Tòa Trọng tài năm 1928, chủ quyền một nhóm đảo tùy thuộc vào đảo chính. Ta có thể hiểu là, trong một nhóm đảo bất kỳ, bao gồm một đảo chính và các đảo phụ thuộc, quốc gia nào có chủ quyền ở đảo chính thì cũng sẽ có chủ quyền ở các đảo phụ thuộc chung quanh.
Nhà nước bảo hộ Pháp đã cẩn trọng tuyên bố chủ quyền không chỉ ở các đảo chính mà còn nhấn mạnh ở các đảo phụ thuộc.
Vì vậy hành vi chiếm đóng của TQ tại các bãi, đá ghi trên là không đem lại chủ quyền cho nước này. Đơn giản vì đã chiếm một lãnh thổ đã có chủ.
Ngoại trừ hành vi từ bỏ chủ quyền của nhà nước CSVN.
Các hành vi có thể ghi nhận là công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng và một số hành vi khác, bao gồm thái độ im lặng (đồng thuận ám thị) của nhà nước này trong một thời gian dài. Các « hành vi khác » quan trọng có thể nhắc là lãnh đạo đảng CSVN, ông Lê Khả Phiêu, nhìn nhận « có ba vùng biển tranh chấp » với TQ.
Điều này bảo kê sự hiện diện « chính đáng » của TQ tại vùng biển Trường Sa.
Ngoài VN, phía Phi Luật Tân cũng đã mở cơ hội cho TQ có mặt tại Trường Sa.
Năm 2005, chính phủ Phi đã ký kết song phương với với Trung Quốc thỏa thuận « thăm dò chung – JMSU » tại một vùng biển rộng lớn thuộc Trường Sa, trong đó một phần có chồng lấn với vùng biển và các hải đảo của VN. Vùng biển này bao gồm luôn Reed Bank (tức Bãi Cỏ Rong).
Tuyên bố của Lê Khả Phiêu và việc làm của Phi đã thừa nhận sự hiện diện chính đáng của TQ tại vùng biển liên hệ. Biến một vùng biển « không có tranh chấp » thành vùng biển « có tranh chấp ».
Hiện nay TQ ráo riết xây dựng các bãi, đá dã chiếm của VN.
Trên đá Chữ Thập (tên quốc tế là Fiery Cross Reef, tên TQ là Vĩnh thử tiều (Yongshu Reef). Theo thông tin tiết lộ từ báo chí của phía TQ (Kanwa Defense) dự tính của TQ là sẽ xây dựng tại đây thành một căn cứ quân sự hải quân và không quân, có chiều dài 5.000 mét, rộng 500 mét; phi đạo dài 2.000 mét để có thể tiếp nhận các loại chiến đấu cơ của TQ như SU 30, J 10, J 11…. Căn cứ này (và căn cứ trên đá Châu Viên), trên quan điểm quân sự, có thể ngăn chặn mọi tiếp tế của VN, đến từ bờ hay từ trung tâm Trường Sa, cho các đảo khu vực Trường Sa.
TQ cũng xây dựng hai căn cứ quan trọng thuộc cụm đảo Sinh Tồn : Gạc Ma và Tư Nghĩa. Hiện nay, đảo chính của cụm đảo Sinh Tồn không phải là đảo Sinh Tồn mà là hai đảo nhân tạo của TQ. Đảo Sinh Tồn (hiện do VN chiếm đóng) đã trở thành đảo “phụ thuộc”.
Chiến thuật “tầm ăn dâu” của TQ, Mỹ gọi là “xắt lát sa la mi”, thực ra chỉ mới bắt đầu ráo riết từ sau khi giàn khoan 981, vào tháng 3 năm 2013. Mọi hành vi của TQ đều được biện hộ vì cái cớ trả đũa vụ Phi đi kiện. Theo họ, Phi đã vi phạm tuyên bố DOC 2002, theo đó phải giữ “nguyên trạng”, không làm rắc rối thêm tình hình.
Đối diện với một TQ hung hăng, dầu sao thì Phi cũng được Mỹ chống lưng. Hai bên có quan hệ “đồng minh” truyền thống. Còn VN thì nan đề chỉ mới bắt đầu. Dầu vậy, phía VN xem ra vẫn còn rất lạc quan. Họ vẫn tự hào vì đã đánh thắng bốn đế quốc sừng sỏ Pháp, Nhật, Mỹ và Trung Cộng. Vấn đề là học giả VN không chịu nhắc để lãnh đạo VN không bị hiệu ứng “tự sướng” làm mù mắt. Đó là, thắng đế quốc nào thì VN lúc đó cũng có liên minh với một cường quốc khác. VN từ cây súng đến viên đạn đều đến từ nước ngoài, chỉ có xương và máu mà thôi.
Hiện nay cái tâm lý “chống Mỹ” vẫn còn bàng bạc chắc chắn sẽ đưa đến mất nước.
Bây giờ lấy cái gì để bảo vệ lãnh thổ, nếu không liên minh với Mỹ ?

Không có nhận xét nào: