Pages

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Ngô Nhân Dụng - Sức Mạnh Mềm của Trung Quốc [đối thoại]

Ngô Nhân Dụng
Cuối năm 2011 tôi được giới thiệu với một người Mỹ cùng tuổi, nghe nói anh thích văn hóa Á Đông, đọc và viết chữ Hán, nói tiếng Quan Thoại trôi chảy từ gần 50 năm. Dick đã có hẹn với mấy người bạn nên lái xe chở tôi đi cùng. Thế là tình cờ tôi được gặp cả một nhóm người Mỹ và người Trung Hoa từ lục địa qua. Họ thuộc một tổ chức nhỏ trong Đại học Wisconsin tại thành phố Platteville mang tên là “Viện Khổng Tử, Confucius Institute,” người Trung Quốc gọi là Khổng Tử Học Viện! Tôi đọc báo đã biết kể từ năm 2004 chính phủ Trung Quốc đã mở ra 400 cái Viện Khổng Tử nho nhỏ khắp thế giới, riêng nước Mỹ có tới 75 viện. Nhưng đâu ngờ thành phố Platteville bé nhỏ này cũng có một Confucius Institute, với mấy thầy cô giáo từ Vũ Hán, Bắc Kinh, Quảng Châu qua dậy tiếng Tầu cho sinh viên Mỹ! Mấy giáo viên này trong lớp tuổi 40, đều nói tiếng Anh thông thạo.

Quả nhiên, Dick nói tiếng Tầu giỏi quá, gặp mấy người Trung Hoa anh như cá gặp nước, anh còn đứng lên hát chung với một cô giáo Tầu, đối đáp từng câu! Hồi 1960 Dick bị động viên, vào không quân. Đồn trú tại Okinawa, trong căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản; anh thấy có chương trình khuyến khích các binh sĩ học thêm một thứ tiếng Á Đông; như tiếng Nhật, tiếng Cao Ly, vân vân, ai tốt nghiệp sẽ được thêm điểm, thêm lương, anh đã tình nguyện và chọn tiếng Tầu. Khi học xong anh còn được gửi sang Đài Loan thực tập nữa. Nhưng sau khi giải ngũ, anh không mấy khi có cơ hội dùng tiếng Tầu. Cho tới lúc về già, anh trở thành một nghị viên trong Hội đồng Thành phố Dubuque, và tự nhiên có dịp đại diện thành phố đi Tầu trong những phái đoàn chính thức. Thế là anh trở thành một chuyên viên về Trung Quốc trong cả vùng này!
Tình cờ đi với Dick, tôi được gặp những người trong Viện Khổng Tử thuộc Đại học UW Platteville! Một bà giáo sư người Mỹ làm chủ tịch; có một cô giáo người Tầu ăn mặc rất chải chuốt, mà tôi đoán cô là “bí thư chi bộ” vì mọi người Tầu khác có vẻ nể nang cô. Một thầy giáo trẻ tuổi đang ở dậy tiếng phổ thông ở Đại học Platteville ngồi kế bên tôi. Anh ta họ Hạ, nhưng yêu cầu gọi tên Jack, cho “hòa hài” với các người bạn Mỹ mới. Lúc đầu Jack nói chuyện với tôi bằng tiếng Tầu, và rất ngạc nhiên khi Dick bảo: Ông này không hiểu tiếng Tầu đâu! Sau mấy câu chuyện xã giao, khi giới thiệu tên họ từng người, thấy họ nghe tên mình có vẻ khó khăn, tôi viết tên tôi bằng chữ Hán cho họ thấy quen thuộc. Từ bé khi thầy tôi dậy tôi chữ Hán, tôi đã biết viết tên mình rồi. Mấy cô giáo Tầu khen chữ tôi viết rất đúng tiêu chuẩn; Jack bèn hỏi: Ông có phải gốc Trung Hoa hay không? Tôi cải chính, giải thích rằng trong gia phả nhà tôi, chép chuyện các cụ tổ từ cuối thế kỷ 15, trong đó không thấy nói ai là người Trung Hoa cả. Nhưng Jack vẫn không tin; trước sau anh cứ cười cười, nói nói: Không, ông đúng là người gốc Hoa rồi! Trong lối nói, mắt cười và dáng điệu của anh, có vẻ như anh muốn nói thế để nâng tôi lên cho “ngang hàng” với anh, như một cách an ủi tôi vậy! Tôi cũng chỉ cười, đưa câu chuyện sang hướng khác.
Rất nhiều người Trung Hoa có thói quen nghĩ rằng nếu các sắc dân Á Đông khác mà trở thành người Tầu thì là một điều may cho họ. Cũng giống như nhiều người Mỹ; họ cũng hay lấy làm tiếc cho dân Canada, tại sao không được làm người Mỹ như họ! Một người Pháp tôi gặp trong một tiệm ăn ở Miến Điện, cũng ngỏ lời khen: Ông nói tiếng Pháp có giọng tốt lắm, không có cái giọng của người Canada, chắc ông đã được sống ở Pháp nhiều năm nhỉ? Khi tôi nói chưa hề sống ở Pháp, ông ta có vẻ tiếc cho cuộc đời tôi vẫn còn thiếu may mắn! Có lẽ đó là tâm lý thông thường của người dân những nước lớn; họ tự hào về quê hương họ, và khi quý mến ai thì muốn người khác cũng được như họ.
Có lúc tôi hỏi Jack: “Nếu anh sang đây dậy thêm được một người Mỹ nói tiếng Tầu thông thạo, chắc anh coi đó là một thắng lợi cho Trung Quốc, phải không?” Jack gật đầu. Tôi nói tiếp: “Người Mỹ cũng nghĩ vậy đấy. Nếu có thêm một người Mỹ nói thông thạo tiếng Tầu, nước Mỹ họ cũng coi là một thắng lợi!” Jack có vẻ không hiểu.
Tôi nêu thí dụ: “Coi anh Dick đây này, nửa thế kỷ trước Dick bị động viên; đi lính không quân đóng ở Okinawa. Chính phủ Mỹ đã cấp học bổng, thuê người vào trại lính dậy anh ta ngoại ngữ, anh ấy chọn tiếng Tầu.” Jack nghe tỏ ý thích, tôi nó thêm: “Khi trả tiền cho Dick đi học, chính phủ Mỹ đã đầu tư vào cuộc đời anh ta. Đa số dân Mỹ lười, ít ai chịu học tiếng ngoại quốc. Thêm một người Mỹ biết một tiếng ngoại quốc, cũng giống có ai đi như học được một nghề, một kỹ thuật mới vậy; trước sau rồi nước này cũng có lợi nhờ việc học hỏi của cá nhân đó, chính phủ Mỹ tính toán như vậy cho nên đầu tư vào anh Dick. Giống như mọi việc đầu tư vào giáo dục; cứ một người dân nào học được, giỏi giang thêm về một nghề nào đó nhờ học hỏi, cuối cùng cả quốc gia sẽ có lợi! Thành ra anh Jack, anh sang đây dậy tiếng Tàu là anh đang giúp nước Mỹ nhiều lắm đó nghe!”
Tôi chắc đến giờ này Jack vẫn thấy điều này khó hiểu: Tại sao trong việc anh đi dậy học ở Platteville, Wisconsin, cả nước Tầu và nước Mỹ cùng thắng lợi! Khi được đưa đi dậy tiếng Tầu cho người ngoại quốc, các giáo viên như anh được tập huấn rằng họ sắp đi truyền bá văn minh Trung Hoa ra thế giới. Anh đóng vai một chiến sĩ văn hóa, cũng giống như các phái bộ truyền giáo tây phương hồi thế kỷ 16 đưa người sang Tầu vậy. Họ đang chinh hục thế giới trên mặt trận văn hóa. Đối với Jack, nếu những giáo sư được chính phủ Bắc Kinh trả lương như anh lại đang làm lợi cho cả nước Mỹ thật là khó hiểu!
Người dân các nước cộng sản vẫn có thói quen suy nghĩ theo lối chơi “zero-sum game” tức là những cuộc chơi “thằng này ăn, thằng kia thua.” Các nước theo chủ nghĩa cộng sản huấn luyện dân theo lối chiến tranh trường kỳ: Thế giới là một chiến trường, giai cấp vô sản và giai cấp tư bản là kẻ thù, bên này thắng tất nhiên bên kia bại. Đó là căn bản của phong trào cộng sản quốc tế, từ thời ông Lenin vẫn suy nghĩ như thế. Người dân quen sống trong không khí tinh thần như vậy mấy thế hệ rồi. Họ khó hiểu được trên đời lại có cuộc chơi nào mà khi mình thắng lợi thằng kia cũng được lợi!
Thế giới Tây phương nghĩ khác hẳn. Lịch sử có cạnh tranh nhưng cũng có hợp tác. Khi trao đổi thì hai bên đều có lợi. Trong một “xã hội mở,” người ta không sợ cho dân chúng tiếp xúc và học hỏi những cái mới lạ, thí dụ, học một ngôn ngữ khác. Người ta cũng sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới, các ý kiến, quan điểm mới. Vì biết rằng khi được trao đổi tự do thì cuối cùng quốc gia sẽ được lợi nhiều hơn là bị thiệt. Kiến thức là một thứ đem cho cũng không mất, có khi đem cho càng nhiều người nhận thì người cho càng có lợi!
Người Trung Quốc vẫn chưa quen với lối suy nghĩ này. Chỉ cần nghe ông Hồ Cẩm Đào nói cũng đủ biết là một người như Jack chưa thể nào quen lối sống của những xã hội mở (open society). Trong tuần lễ đầu năm 2012, tạp chí 求是 Cầu Thị, một cơ quan lý thuyết của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một số lời phát biểu của ông Hồ. Một lần ban huấn thị trước các cán bộ cao cấp của đảng, ông Hồ đã cảnh cáo: “Các thế lực thù địch quốc tế đang gia tăng âm mưu chiến lược” với mục đích tấn công, xâm nhập trường kỳ vào “các lãnh vực chủ thuyết cùng văn hóa” của Trung Quốc!
Tại sao ông Hồ phải nói như vậy? Vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc sợ. Họ dư biết chủ nghĩa Mác Lenin Mao lạc hậu, chẳng ai thèm tin nữa. Bây giờ mà ai còn đi học chủ nghĩa Marx thì thật là ngớ ngẩn, dở hơi, hay là lập dị! Nhưng họ vẫn muốn kiểm soát chặt chẽ cái gì chứa trong đầu hơn một tỷ người Trung Hoa! Vẫn phải chiếm độc quyền thông tin, độc quyền kiểm soát báo chí, điện ảnh, truyền hình, vân vân. Đảng Cộng sản vẫn còn sợ những hiểu biết mới, ý kiến mới, tư tưởng, quan niệm mới; không dám cho xâm nhập vào đầu óc người dân Trung Hoa, đặc biệt là các thanh niên, trí thức.
Viện Khổng Tử
Trong khi đó, họ lại muốn lợi dụng cái tên ông Khổng Tử để gây ảnh hưởng khắp thế giới. Viện Khổng Tử đặt ra theo lối Goethe Institute của nước Đức, hay Alliance Francaise của Pháp. Các cơ quan truyền bá văn hóa này có nhiệm vụ giúp người ngoại quốc hiểu nước Đức, nước Pháp hơn. Nhưng chính phủ Bắc Kinh muốn dùng Viện Khổng Tử như một khí cụ để gây ảnh hưởng, một thứ ảnh hưởng bây giờ quen gọi là “Sức Mạnh Mềm;” Soft Power, một từ do Giáo sư Joseph Nye, Đại học Havard bầy ra để phân biệt với Sức mạnh Cứng (Hard Power) như quân đội, vũ khí, tài nguyên, vân vân. Một quốc gia có thể ảnh hưởng trên thế giới mà không cần dùng tiền tài hay vũ lực, nếu biết dùng các sức mạnh mềm. Người Trung Hoa dịch Soft Power là “Nhuyễn Thực lực,” nhuyễn nghĩa là mềm. Bắc Kinh hy vọng dùng Viện Khổng Tử làm một “mũi nhọn” tấn công bằng sức mạnh mềm.
Đưa Khổng Tử ra làm một khuôn mặt tiêu biểu cho văn hóa Trung Hoa đời trước, rất xứng đáng. Văn hóa cả vùng Á Đông từ Hàn Quốc, Nhật Bản cho tới Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo. Nhưng Khổng Giáo thực sự có giá trị phổ biến, cả loài người đều theo được vì dựa trên lương tri bình thường. Hồi 1947, đại diện của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đã vận động bằng được để ghi một câu của Khổng Tử vào lời nói đầu bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Người trong bốn biển đều là anh em.” Đến khi chính quyền cộng sản ở lục địa được ngồi vào ghế ở Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan, đại biểu của Bắc Kinh đã cực lực phản đối việc đề cao một nhà tư tưởng “lạc hậu và phản động” này! Lúc đó, đầu thập niên 1970, Mao Trạch Đông đang phát động phong trào “Phê Lâm, Phê Khổng” để triệt hạ các đối thủ trong hàng ngũ lãnh đạo đảng! Mãi tới sau biến cố Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình mới cho phép Khổng Tử “sống lại” để dùng vào việc biện minh và củng cố uy quyền tập trung. Năm 1990, một Hội Khổng Học chính thức ra đời, do một ủy viên Trung Ương Đảng đứng đầu. Và Viện Khổng Tử được sinh ra, nằm trong cơ quan “Hán Bạn,” phụ trách việc truyền bá văn minh Trung Hoa trên thế giới.
Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc có thể biến Khổng Tử thành một “chiến sĩ tiền phương” cho cuộc chinh phục thế giới bằng “Sức Mạnh Mềm” hay không? Có một nhà trí thức Trung Hoa đã trả lời là không!
Sức mạnh mềm là gì
Giáo sư Bàng Trung Anh (庞中英 Pang Zhongying), Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nghiên cứu vấn đề “Sức Mạnh Mềm” (软实力 Nhuyễn Thực Lực) từ lâu. Ông đã phân tích và phê bình khái niệm này để đặt câu hỏi xem nước ông có thể tạo được Sức Mạnh Mềm bằng cách nào. Ông liệt kê các sức mạnh gọi là mềm theo cách trình bầy của Joseph Nye. Có thể kể ra những sức mạnh căn bản của một xã hội nằm trong các yếu tố như sau: Hệ thống sản xuất kinh tế; hệ thống giáo dục; những kinh nghiệm phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa mà nước khác muốn học; thêm sức hấp dẫn của các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; số giải Nobel đã nhận được; các ngôi sao thể thao, văn nghệ được thế giới hâm mộ; khả năng ảnh hưởng trong các định chế quốc tế; và nói chung, một uy tín tinh thần khiến người nước khác kính nể; vân vân. Không quốc gia nào thâu đạt được tất cả các sức mạnh mềm kể trên nhưng nước nào càng có được nhiều thì càng mạnh hơn. Các quốc gia đang phát triển có thể chịu ảnh hưởng về sức mạnh mềm của các nước đi trước; thí dụ khi họ tổ chức hệ thống ngân hàng theo lối người Anh, hoặc hệ thống giáo dục theo lối Pháp, Đức hay Mỹ; các nhà kinh doanh sẽ học theo cách tổ chức xig và chiến lược chinh phục thị trường quốc tế của các công ty Nhật, Mỹ, Đức; vân vân. Sinh viên các nước có thể đua nhau đi du học ở Đức hay Nhật Bản; giới trẻ thích phim ảnh Mỹ hoặc phim bộ Hàn Quốc, hâm mộ các cầu thủ Brazil, mặc quần áo do người Ý vẽ kiểu, hay thích coi sách, phim hoạt họa của Nhật, vân vân. Đó là những thí dụ về biểu hiện của “sức mạnh mềm.”
Sau khi liệt kê các tiêu chuẩn của sức mạnh mềm, Giáo sư Bàng Trung Anh nhận xét, nếu kiểm điểm các yếu tố tạo thành Nhuyễn Thực Lực thì Trung Quốc hiện nay còn rất nhiều thua kém, không thể sánh với Mỹ được. Bàng Trung Anh thú nhận trong thế giới bây giờ Trung Quốc chưa có cái gì để làm mẫu cho các nước khác noi theo cả. Nước ông chỉ đóng vai Xưởng Máy của Thế giới (World Plant). Và đóng vai Người Làm Công của thế giới (World Employed Laborer). Muốn tạo được Nhuyễn Thực Lực, Bàng Trung Anh viết, thì một quốc gia phải tin tưởng vào một số giá trị phổ quát (Universal Values, người Trung Hoa gọi là Phổ Thế Giá Trị); và cùng chia sẻ các giá trị đó với các dân tộc khác. Tự do tư tưởng, Quyền con người, đó là những giá trị được loài người chia sẻ. Nhưng hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đều phủ nhận những “Phổ thế Giá trị;” trừ ông Ôn Gia Bảo lâu lâu lên tiếng đề cao nhu cẩu cải tổ được coi là thuộc “Phổ thế phái.” Thế giới chưa thấy có Sức Mạnh Mềm nào Made in China cả!
Thử nhìn vào những di sản mà Đế quốc Anh để lại ở các thuộc địa, chúng ta thấy một hình ảnh về sức mạnh mềm của dân tộc họ. Sau Đại chiến Thứ hai, những sức mạnh cứng của họ, về quân sự cũng như về kinh tế, đã tan rã. Nhưng người Anh còn có những quan niệm về quyền tự do cá nhân; hệ thống hành chánh và pháp luật của họ vẫn còn được giữ lại, được sử dụng và phát triển thêm ở nhiều thuộc địa. Các nước Úc, Tân Tây an, Canada, Ấn Độ xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu mẫu của nước Anh. Những thuộc địa như Hồng Kông, Singapore dùng các luật lệ về kinh doanh của người Anh giúp cho cơ chế thị trường triển khai được các thành quả tốt nhất nên phát triển kinh tế vượt bực. Một viên chức hành chánh người Anh giải thích tại sao Hồng Kông thu hút đầu tư quốc tế mạnh hơn các nước nhược tiểu khác trong thập niên 1960 – 70: “Đồng tiền sẽ đến, nếu nó biết có thể được tự do đi.” Câu nói này bao hàm những bảo đảm của một hệ thống: Tài sản mọi người được tôn trọng. Nhà nước không tùy tiện thay đổi luật lệ, kiếm cớ để lấy tiền của dân một cách bừa bãi. Nếu ai không đồng ý có thể thưa kiện ra tòa, biết chắc sẽ được xử đúng luật. Những bảo đảm đó đạt được nhờ các giá trị nền tảng của những định chế do người Anh lập ra. Như quan niệm về tự do cạnh tranh, quyền bình đẳng trước pháp luật, hệ thống hành chánh và thẩm phán độc lập với chính trị. Đó là những sức mạnh mềm của dân tộc Anh, người Hồng Kong vẫn còn cố giữ gìn sau khi được trao trả cho Trung Quốc. Các giá trị đó nay vẫn còn gây ảnh hưởng khắp thế giới. Nước Trung Hoa chưa phát triển được một định chế hay quan niệm tổ chức xã hội nào có giá trị phổ quát như vậy, để cho người nước khác học và bắt chước.
Chúng ta không kỳ vọng đa số người Trung Hoa sẽ đồng ý với Giáo sư Bàng Trung Anh, dám nghĩ rằng đất nước họ, đông dân nhất, sản lượng kinh tế cao nhất, mà vẫn còn thua kém các nước khác. Họ chưa tập được thói quen suy nghĩ ngoài những khuôn khổ do các ông Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình vạch ra. Họ vẫn được nhào nặn theo lối nghĩ “zero-sum game,” trò chơi “ăn bù thua,” trong đó họ muốn ăn nhiều hơn thua, cả trong lãnh vực “phần mềm.”
Người Trung Hoa trong lục địa bị ám ảnh về cuộc cạnh tranh với Mỹ, họ nhìn đâu cũng thấy một “đấu trường” xem ai thắng ai bại; mà hễ người này thắng thì người kia phải thua. Công ty Mỹ Disney khởi công xây dựng một khu giải trí ở Thượng Hải trong năm 2011, tính đầu tư khoảng bốn tỷ đô la Mỹ. Tân Hoa Xã loan báo tin này, với lời bình luận nói rằng khu giải trí này sẽ là “một đấu trường về Sức Mạnh Mềm (Nhuyễn Thực Lực) giữa các dân tộc.” Một blog bên Tầu cũng báo động: “Sức mạnh mềm của Mỹ đang tấn công vào nền văn minh rực rỡ 5,000 năm của Trung Quốc!” Đây là dấu hiệu của tình trạng thiếu tự tin: Nhìn đâu cũng sợ hãi.
Trên thế giới bây giờ trẻ em thích các trò chơi của Disney cũng như mê phim hoạt họa Nhật Bản, người lớn mê coi phim bộ Đại Hàn; nam phụ lão ấu đều mê coi đá banh; trẻ con Mỹ cũng hâm mộ Diêu Minh (Yao Ming), cầu thủ bóng rổ người Tầu; giới thẩm âm thích nghe Yo Yo Ma kéo hồ cầm, Lang Lang đàn dương cầm; tại sao không nhìn thấy tất cả những cuộc trao đổi đó là có lợi cho tất cả mọi người? Tại sao nhìn thấy một khu giải trí sắp ra đời không lấy làm mừng cho trẻ em mà lại lo lắng nó thành cái đấu trường, nều người Mỹ ăn tức là người Tàu thua?
Chỉ riêng cách suy nghĩ đó đã chứng tỏ nước Trung Hoa vẫn chưa có Sức Mạnh Mềm. Một quốc gia có Sức Mạnh Mềm thì trước hết họ rất tự tin. Họ không sợ hãi khi phải gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thi đua với các sản phẩm văn hóa, giáo dục, các tin tức, các ý kiến, quan điểm; từ những quốc gia các dân tộc khác đem tới. Khi ông Hồ Cẩm Đào còn tưởng tượng ra các “thế lực thù địch” gây ảnh hưởng trên bộ óc biết suy tư của người Trung Hoa, thì nước ông còn chưa đủ mạnh. Không những thế, các ông lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc cứ lo như vậy tức là còn muốn kìm hãm quyền tự do trao đổi và tiếp nhận của người dân, khiến họ sẽ không thể phát triển được sức mạnh mềm cho dân tộc Trung Hoa.
Hơn hai ngàn rưởi năm trước, những thế hệ các ông Khổng Tử, Lão Tử, truyền tới Mạnh Tử, Trang Tử, Hàn Phi, đã dựng nên cơ sở cho Sức Mạnh Mềm của văn minh Trung Hoa, từ thời đại của họ đã gây ảnh hưởng tới các nước Á Đông. Ngày nay thế giới đã thay đổi. Loài người đã khám phá ra những giá trị mới từ ba bốn trăm năm nay. Giờ đây ai cũng thiết tha với giá trị tự do, với các luật chơi dân chủ; ai cũng tin rằng phẩm giá của từng con người phải được tôn trọng chứ không đổ tất cả mọi người vô một cái thúng, gọi là “quần chúng nhân dân.” Trong chữ “quần” có bộ dương, nghĩa là con cừu. Năm 2011 đánh dấu cuộc thức tỉnh của hàng trăm triệu người Á Rập do giới thanh niên, trí thức dẫn đầu. Nếu thanh niên Trung Hoa vẫn bị bịt tai, che mắt, không được biết đến các giá trị đó, không được chia sẻ và thảo luận với nhau, thì còn lâu Trung Quốc mới tiến lên được. Cái thế lực thù địch nguy hiểm làm cho Trung Quốc chậm tiến, chính là cái đầu chật hẹp của giới lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa!
Ðến đá bóng cũng thối nát
Ông Bàng Trung Anh nghĩ rằng nước ông bây giờ chẳng có Sức Mạnh Mềm nào cả. Trung Quốc không có cái gì với sức hấp dẫn đủ mạnh mẽ khiến người nước khác muốn bắt chước. Hệ thống chính trị, không. Mô hình kinh tế, không. Hệ thống tư pháp, hệ thống giáo dục, đều không nốt. Ca nhạc, hội họa, điện ảnh, thời trang, không thu hút được người nước ngoài bằng các sản phẩm của Nhật Bản, Nam Hàn. Chỉ có thể thao, họ chiếm nhiều huy chương Olympics nhất thế giới. Nhưng khi nhìn vào các lò huấn luyện lực sĩ của họ, và tình cảnh tiêu điều của các lực sĩ khi không còn việc làm, thì người ta thấy không nên bắt chước.
Ðến thức ăn Tàu nổi tiếng, bây giờ cũng xuống dốc, vì ai cũng sợ mỡ, sợ đường, sợ bột ngọt, nhất là những người thuộc giới trung lưu trở lên. Cứ đến một thành phố lớn ở Âu Châu, Mỹ Châu, Úc, Tân Lây Lan, sẽ thấy các tiệm cơm Tàu bây giờ chỉ dành cho thực khách bình dân. Người ăn sang muốn nếm hương vị phương Ðông sẽ đi tìm tiệm Nhật, tiệm Thái, tiệm Hàn Quốc, và tiệm Việt Nam nữa. Chả giò với phở đều đã thành các món ăn phổ biến quốc tế rồi. Sẽ đến ngày người mình dùng khoa tiếp thị biến mấy chục “món gỏi” hay “món cuốn” của mình thành những món ăn quốc tế vừa sang, vừa đẹp, vừa lành mạnh, lại vừa bán giá đắt!
Trở lại câu chuyện Soft Power, Sức Mạnh Mềm, của Trung Quốc. Phải nhắc nhở, vì ông Bàng Trung Anh đã bỏ qua, không nói đến một thức Sức Mạnh rất Mềm mà nước ông đang sử dụng. Nó đã được đem ra thi triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây được ảnh hưởng rất đáng kể, nhiều người phát ghen, muốn làm theo mà không làm được. Ðó là món Hối Lộ!
Cứ nhìn các công ty Trung Quốc đang đi khai thác tài nguyên quặng mỏ, rừng, biển, từ Phi Châu tới Nam Mỹ và các nước Trung Á, Ðông Nam Á Châu thì biết họ đã biết sử dụng sức hấp dẫn của đồng tiền hối lộ một cách có hiệu quả! Làm sao chuyên chở về Tàu được đủ những thứ như đồng và nhôm ở Congo, dầu lửa từ Sudan, Nigeria, gỗ và ngọc thạch từ Miến Ðiện, sắp tới bô xít từ Việt Nam? Trung Quốc quả đang có một thứ Sức Mạnh Mềm rất hiệu quả.
Tại sao Giáo Sư Bàng Trung Anh lại bỏ qua không nói đến thứ sức mạnh mềm hối lộ, tham nhũng này? Chắc vì ông biết, cái đó là một chất độc. Dùng nó để đầu độc người khác thì chính mình cũng bị nhiễm độc! Các nước Âu Châu, Nhật Bản, Úc và Mỹ Châu đã làm luật cấm các xí nghiệp của họ không được hối lộ quan chức các nước khác, chính vì lý do đó.
Sở dĩ người Trung Hoa đến nay vẫn dùng món độc dược này vì nó đã nằm sâu trong cơ thể của cơ cấu xã hội họ, một thứ văn hóa hối mại quyền thế “thâm căn cố đế” chưa biết cách nào tẩy rửa được! Gốc rễ của căn bệnh này nằm trong hệ thống chính trị độc quyền, độc đảng. Báo Economist, số cuối năm 2011 viết một bài về môn Túc Cầu tại Trung Quốc, dẫn lời một viên chức giấu tên trong ngành công an: “Các bạn biết tất cả các vấn đề xã hội mà người ta đổ lỗi cho hệ thống chính trị nước ta chưa? Muốn biết hãy nhìn vào tình trạng môn túc cầu!”
Môn đá banh được người Tàu hâm mộ từ khi tiếp xúc với người Anh. Hội Túc Cầu Toàn Quốc (gọi là CFA) được thành lập từ năm 1924, thời Quốc Dân Ðảng. Năm 1931 họ được gia nhập FIFA, tổng hội đá banh thế giới. Người Trung Hoa vẫn hãnh diện khoe rằng môn đá banh phát xuất từ nước Tề, vùng Sơn Ðông bây giờ, vào đời Chiến Quốc (500 đến 200 năm trước Công nguyên), trong môn chơi gọi là Xúc Cúc (蹴鞠 Cuju), nghĩa là quả banh da, đẩy bằng chân, môn chơi thịnh hành vào các đời Đường, Tống. FIFA công nhận sự kiện lịch sử cổ xưa này. Người Trung Hoa còn cho thế giới coi một bức tranh cổ vẽ cảnh Vua Tuyên Tông nhà Minh (1426-1435) ngồi coi đá banh (hay đánh Golf cũng được).
Nhưng vào năm 2012 đội đá banh quốc gia của Trung Quốc đứng hàng thừ 77 trên thế giới, và mới thua một trận trước đội Iraq, sẽ bị loại không được dự giải Ðá Bóng Thế Giới World Cup năm 2014! Trận thua Iraq này thật là điều nhục nhã, cả nước Trung Hoa muốn khóc. Một nhà báo thể thao viết: “Ví thử chúng ta thua Nhật Bản hay Hàn Quốc thì đáng thua, vì họ đá giỏi thật. Thua Saudi hay Qatar cũng được đi, vì họ bỏ rất nhiều tiền nuôi cầu thủ. Còn thua Iraq? Nước họ vẫn còn chưa hết nội chiến, sân banh trong nước họ còn chưa dùng để đá banh được! Thế mà Iraq vẫn đánh bại Trung Quốc 1-0! Ðội banh Trung Quốc chỉ được vào đấu Giải Thế Giới (World Cup) một lần, năm 2002. Và trong ba trận năm đó thua cả ba, các cầu thủ Trung Quốc không làm được một bàn nào cả!
Có phải người Trung Quốc thể lực yếu, hay không thích thể thao? Không phải. Họ chiếm nhiều huy chương nhất trong Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh và 2012 ở London! Khán giả các đài ti vi đều theo dõi những trận đá banh, không khác gì dân Mỹ coi bóng bầu dục. Vậy tại sao ngành bóng đá ở Trung Quốc thảm hại như vậy?
Lý do chính là vì chế độ độc tài, tập trung quyền hành, không có gì minh bạch, công khai; những người nắm quyền thì không chịu trách nhiệm trước công chúng; người dân không ai được bàn chuyện các quan chức làm ăn. Ai hé miệng sẽ bị trừng trị!
Tổ chức đá bóng ở Trung Quốc đầy tham nhũng, nói chung là cái gì cũng mua được, có tiền là đổi trắng thay đen. Mà nạn tham nhũng sinh sôi nẩy nở là vì các quan chức trông coi ngành đá bóng đều phải do đảng chỉ định chứ các cầu thủ, các huấn luyện viên hay những người hâm một đá bóng. Họ không chịu trách nhiệm với các đội banh, không lo báo chí, không lo dân ghiền đá banh soi mói. Do nguồn gốc đó, tất cả các cầu thủ, trọng tài, cho đến chủ nhân các đội banh (trên nguyên tắc đều là của chính quyền) đều có thể đi mua và bị người khác mua chuộc. Ai mua? Những người đánh cá độ. Một trọng tài ra tòa vì tội ăn tiền đã thú nhận rằng chỉ có một lần ông từ chối không nhận tiền để sắp xếp cho một đội thắng, lý do vì đã có quan trên trong Hội Túc Cầu bảo ông hãy thiên vị đội bên kia! Các quan trên Trung Quốc không bao giờ nói thẳng ra như vậy. Nhưng các ám hiệu họ đưa ra đều hiểu được, như một vị trọng tài kể: Khi quan trên điện thoại nói: “Nhớ công bằng nhé;” câu đó nghĩa là: Phải cho đội chủ nhà thua đội khách!
Nghề trọng tài hái ra tiền, vì công “xếp đặt ai thua ai thắng,” tiếng Anh là “fix”. Trọng tài là Trương Kiến Cường (张建强 Zhang Jianqiang) đã khai trước ti vi là ông kiếm được 2 triệu 6 đồng nhân dân tệ, tương đương với 410,000 đô la Mỹ. Một trọng tài họ Dương khai đã kiếm được 12 triệu nguyên (gần 2 triệu Mỹ kim) kể từ khi được bổ nhiệm năm 1995. Một ông họ Lữ kể rằng ông được hối lộ tới 800,000 đô la cho một trận quốc tế. Ông họ Dương kể trước một trận đấu, đội cầu Thượng Hải đã đem bao thư 700,000 nguyên đến tận văn phòng ông. Ông chia cho ông Lữ một nửa!
Tất nhiên các cầu thủ cũng được mua, giám đốc các đội banh cũng biết bán độ! Một cầu thủ muốn được đưa vào hàng ngũ “đội quốc gia” cũng phải hối lộ khoảng 110,000 đồng nguyên (tương đương 15,500 đô la). Cùng trong nền văn hóa tham nhũng đó, chủ nhân đội cầu của Thành Ðô đã đút tiền cho chủ nhân một đội khác để họ đá thua, nhờ thế Thành Ðô được xếp vào “Trung Quốc Túc Cầu Hiệp Hội Siêu Cấp Liên Trại” thường gọi tên là Trung Siêu Liên Trại. Hiện hai đội Quảng Châu và Thành Ðô về sau đã bị đưa ra tòa và đuổi ra khỏi hàng ngũ Trung Siêu!
Có cách nào để ngành đá banh Trung Quốc thoát khỏi nạn tham nhũng, hối lộ hay không? Phải công khai, minh bạch, không nể nang, không nhắm mắt. Không nên chờ người ngoài than thở mới ngó vào. Lần đầu tiên giới túc cầu bị điều tra là năm 2007, do cảnh sát Singapore yêu cầu công an Trung Quốc điều tra, vì họ khám phá có “bán độ” trong một trận cầu ở Singapore! Ðến lượt báo chí bên Anh loan tin các trận đấu “giao hữu” giữa đội banh Thẩm Quyến với Manchester United năm 2007 (Thẩm Quyến thua 6-0) và trận Thượng Hải với Sydney (Thượng Hải thắng) năm 2003 đều bị bán độ. Năm 2010 các cuộc điều tra từ từ bắt đầu. Mãi tới năm 2011 mới có những vụ bắt bớ, rồi đến cuối năm thì xét xử.
Ðứng đầu ngành đá bóng Trung Quốc là Hiệp Hội Túc Cầu, gọi tắt là CFA. Hai ông cựu chủ tịch Nam Dũng (南勇 Nan Yong) và phó chủ tịch và Dương Nhất Dân (杨一民 Yang Yimin) đã bị bắt vào Tháng Ba năm 2011, cùng với ông Tạ Á Long (谢亚龙 Xie Yalong), một phó chủ tịch khác mới bị bắt vào Tháng Mười. Ông này đã mất chức sau khi đội banh Trung Quốc bị loại trong Thế Vận Hội 2008. Vụ xét xử các ông tai to mặt lớn, các trọng tài và cầu thủ diễn ra từ ngày 18 Tháng Mười Hai năm 2011. Nhưng họ lại xử kín, công chúng không được thấy! Giống như xử lý nội bộ vậy! Họ không dám cho công chúng và báo chí tham dự, vì sợ các bị cáo sẽ lôi ra tên họ các quan chức cao cấp hơn trong đảng! Nan Yong Xie Yalong Yang Yimin
Nạn tham nhũng gây tai hại cho nền túc cầu và sức khỏe thể lực của cả nước. Với tình trạng tham nhũng tràn lan, người Trung Hoa hết hy vọng vào tương lai nền túc cầu nước họ. Cha mẹ không muốn cho con chơi đá banh. Từ năm 1990 đến 2000, nước Tàu có khoảng 600,000 trẻ tham dự các đội banh chính thức. Trong 5 năm tiếp theo, con số xuống chỉ còn 180,000 thanh thiếu niên. Và đến năm 2012 các quan chức CFA ước tính chỉ còn độ 100,000.
Một tác giả về thể thao, Declan Hill đã xuất bản cuốn sách về nạn bán độ, tên là The Fix. Ông có đưa ra Mười Ðiều Răn để tránh khỏi nạn này. Thí dụ: Phải bảo đảm lương bổng cho các cầu thủ, cùng sự an toàn trong việc làm, không lo vô cớ bị đuổi. Phải bảo vệ những người tố cáo nạn bán độ. Phải có những biện pháp khích lệ cho các cầu thủ sống ngay thẳng, lương thiện.
Chỉ cần đọc ba điều đó thôi cũng thấy là khó. Vì nếu người ta thực hiện được ba điều đó trong Túc Cầu Siêu Cấp thì họ đã đem áp dụng cho cả guồng máy cai trị nước Trung Hoa rồi! Sở dĩ túc cầu Trung Quốc thối nát là vì đảng Cộng sản nuôi một guồng máy cai trị thối nát!
Tình trạng túc cầu cho chúng ta hình dung được những ngành sinh hoạt khác ở Trung Quốc như thế nào. Liệu một quốc gia sống trong không khí thối nát như vậy có tương lai hay không? Họ có thể dùng hối lộ đi mua chính quyền các nước chậm tiến để khai thác rừng, biển, quặng mỏ của người ta. Nhưng họ làm sao trở thành một quốc gia mẫu mực cho các nước khác noi theo; để tính chuyện dùng Sức Mạnh Mềm gây ảnh hưởng trên thế giới?
Để bù vào chỗ trống đó, họ đem Khổng Tử ra trưng bầy ở Quảng trường Thiên An Môn trong một thời gian, vừa đủ để cả thế giới ngạc nhiên, rồi lại đem cất đi vì nội bộ giới cầm quyền chưa “nhất trí.” Tuy nhiên, Viện Khổng Tử vẫn được cấp tiền để phát triển ở ngoại quốc, đem nhà tư tưởng Trung Hoa địch thực làm kiểu mẫu cho nhân loại.
Việc sử dụng hình ảnh Khổng Tử, Bàng Trung Anh nhận thấy chỉ chứng tỏ một tình cảnh sinh khí trí thức cằn cỗi, nghèo nàn! Tại sao phải đem một nhà tư tưởng sống trước đây 2,500 năm ra làm mẫu mực cho nhân loại vào thế kỷ 21? Vì Trung Hoa bây giờ không tìm được một thần tượng, một khuôn mẫu đương thời nào để nêu cao; cho nên mới phải khiêng một ông thánh cổ ra trưng bầy!
Bàng Trung Anh nói thẳng: Không nên khai thác đem Khổng Tử làm một thứ “Nhuyễn Thực Lực!” Muốn có sức mạnh mềm, Trung Quốc hãy lo phát triển một nền giáo dục phổ cập cho toàn dân; lo bảo vệ đạo đức trong xã hội. Hãy hướng về một thế giới tương lai, đi tìm các giải pháp phù hợp cho thế giới đó. Ông nói thẳng: Sức Mạnh Mềm đáng kể nhất thời nay là chế độ dân chủ.
Năm 2010, một người Mỹ từng là giáo sư dậy đại học ở Nam Kinh và Thiên Tân, sau khi đã đi Trung Quốc hơn một trăm lần từ năm 1967, đã xuất bản một cuốn sách ca ngợi hệ thống xã hội, kinh tế của Trung Quốc. Ông John Naisbitt kể rằng ông đã được Chủ tịch Giang Trạch Dân khuyến khích viết một cuốn sách về Trung Quốc từ năm 1996, sau khi có tời 20 triệu người Trung Hoa đã đọc cuốn Megatrends của Naisbitt viết về nước Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cấp tiền cho ông mở một Học Viện Naisbitt, ông dùng 28 nhân viên trong đó để thu thập tài liệu viết thành cuốn sách mới. Trong cuốn China’s Megatrends, Naisbitt nêu ra tám “cột trụ” của hệ thống xã hội Trung Hoa hiện nay. Quan trọng nhất là một mô hình mà Naisbitt đặt tên là “Dân Chủ Theo Chiều Dọc” (Vertical Democracy).
Mô hình Dân Chủ Theo Chiều Dọc, tức là ở trên ban lệnh xuống, nhưng cũng lắng nghe ý kiến ở dưới đưa lên. Nhưng trong 24 năm John Naisbitt đã quan sát nước Trung Hoa, ông chỉ nêu ra được một thí dụ giới lãnh đạo Trung Quốc nghe ý kiến của người dân rồi đem áp dụng khắp nước, nhờ thế đưa tới một quyết định thay đổi số phận nước Trung Hoa. Ngoài ra toàn là những ý kiến vụn vặt, ở cấp huyện, cấp xã. Biến cố lớn xẩy ra năm 1978, khi một nhóm nông dân làng Tiểu Cương, tỉnh An Huy họp nhau lại, quyết định sẽ không theo các chỉ thị của đảng Cộng sản; họ đồng ý mỗi hộ gia đình tự làm thửa ruộng của mình, lời ăn, lỗ chịu. Các cán bộ nắm toàn quyền trong làng cũng ký vào bản hợp đồng đó, chấp nhận là nếu bên trên có hỏi thì họ đứng ra chịu tội. Và sau đó họ thành công. Các cán bộ cấp trên ngạc nhiên trước kết quả này, tới điều tra, và cuối cùng dân phải thú tội đã có đủ thóc gạo ăn nhờ đi hẳn ra ngoài đường lối đảng.
May mắn cho dân làng Tiểu Cương, Mao Trạch Đông đã chết trước đó hai năm. Tứ Nhân Bang cũng đã bị khai trừ. Đặng Tiểu Bình đang loay hoay tìm cách thoát khỏi cảnh kinh tế suy sụp. Ông bí thư tỉnh lúc đó là Vạn Lý lại là người biết suy nghĩ. Ông ta không kết tội dân làng mà còn lấy đó làm mẫu để áp dụng cho các nơi khác. Khi ông trình kết quả lên trên, Đặng Tiểu Bình nhìn thấy ngay đây là con đường thoát cho kinh tế Trung Quốc. Từ đó sinh ra cuộc cải cách áp dụng cho cả nước.
Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc lại chấp nhận cải tổ? Bời vì đó là con đường duy nhất cứu nước họ khỏi cảnh suy sụp kinh tế. Không phải vì họ nghĩ phải theo một mô hình Dân Chủ Theo Chiều Dọc. Những ý kiến giản dị nhất, người nông dân vô học cũng có thể nghĩ ra; nhưng các lãnh tụ phải đợi cho dân gần chết đói mới chấp nhận xóa bỏ các công xã nhân dân. Những sau đó, đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục đàn áp tất cả những người nêu ý kiến khác với đường lối trung ương. Những người tranh đấu chống cướp đất của dân bán cho các nhà thầu xây cất; đòi bãi bỏ nhà máy hóa học để bảo vệ mội trường sống; muốn bảo vệ phụ nữ đang bị cưỡng bách triệt sản; đòi trừng trị tham quan, vân vân, bao nhiêu người đã bị đánh, bị giết, trước khi đảng “lắng nghe.” Mỗi năm ở Trung Quốc có hơn trăm ngàn lần dân chúng biểu tình phản kháng, nhiều lần bạo động. Nhưng tình hình không đến nỗi khổ cùng cực như kinh tế năm 1978. Cho nên các quan trên vẫn chưa thay đổi bao nhiêu.
Chế độ gọi là Dân Chủ Theo Chiều Dọc, có thể gọi là Dân Chủ Nhỏ Giọt, thực ra đã được áp dụng trên trái đất từ lâu rồi. Tiếng ta gọi là “Mềm nắn, rắn buông.” Nó còn tệ hơn chế độ quân chủ đời xưa; vì các ông vua đời xưa không có nhiều công an và cũng không giỏi nghe lén dân nói vụng như bây giờ! Nếu người Trung Hoa tính đem mô hình đó đem biếu các dân tộc khác, như Phi Luật Tân hay Indonesia chẳng hạn, họ sẽ lắc đầu, xin lỗi. Họ sẽ nói: Cảm ơn lắm, nhưng chúng tôi đã ăn thử món này vào thời ông Marcos, ông Suharto rồi! Cái này không thể coi là một món hàng rẻ tiền đem xuất khẩu được!
Người Trung Hoa nên nghe lời Giáo sư Bàng Trung Anh: Sức Mạnh Mềm đáng kể nhất thời nay là chế độ tự do dân chủ. Thể hiện lối sống đó, nhân loại sẽ nhìn vào mà thán phục.

Không có nhận xét nào: