Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Nga lên tiếng vụ Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh có tầm quan trọng chiến lược
Bộ Ngoại giao Nga “lấy làm khó hiểu” khi Mỹ phản đối máy bay Nga được tiếp nhiên liệu tại cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Tuyên bố đăng trên trang web của bộ này ngày 13/3 đề cập tin đăng trên truyền thông cho hay Mỹ yêu cầu Việt Nam ngưng cho Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ của Nga.

Phía Mỹ nói máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã có các chuyến bay nhằm biểu thị sức mạnh trước Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương.
Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng máy bay Nga thực hiện những chuyến bay “khiêu khích”.
Nay Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Chúng tôi lấy làm khó hiểu vì các bình phẩm của quan chức Mỹ rằng hành động của Không quân Nga, gồm việc dùng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh, Việt Nam để tiếp nhiên liệu, có thể dẫn tới ‘căng thẳng khu vực gia tăng’.”
“Thật lạ khi nghe những lời này từ đại diện một nhà nước có quân lực đồn trú ở nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương, và vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự trong vùng.”
Mỹ cáo buộc máy bay Nga bay quanh cả khu vực lãnh thổ Guam thuộc Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nơi có một căn cứ quân sự quy mô của Hoa Kỳ.
Tướng Brooks nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng các chuyến bay của Nga “làm ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của chúng tôi và lợi ích của các nước khác.”
Nhưng Nga nói không quân Nga, “cũng như sự hợp tác của Nga với các đối tác nước ngoài, gồm Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, hoàn toàn tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và thỏa thuận song phương”.
Nga nói hoạt động của họ “không đem lại đe dọa cho hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về vụ việc này.
Hồi tháng Giêng, Bộ Quốc phòng Nga cho hay từ năm 2014 không quân nước này bắt đầu sử dụng sân bay Cam Ranh ở Việt Nam cho các phi vụ tầm xa.
Bản tin đăng trên trang mạng của bộ này hôm 4/1 nói vào năm ngoái, Nga lần đầu tiên sử dụng sân bay ở tỉnh Khánh Hòa miền Trung Việt Nam để hạ cánh máy bay vận tải Il-78 vốn dùng để tiếp dầu trên không cho chiến đấu cơ ném bom Tu-95MS.
Loại chiến đấu cơ mang theo tên lửa này có biến thể sử dụng để tuần tra biển.
Bộ Quốc phòng Nga nói Nga quay trở lại hiện diện quân sự tại các khu vực xa xôi từ năm 2007 sau một thời gian ngắt quãng. Do vậy, thỏa thuận cho phép Nga được dừng chân tại các điểm trung chuyển chiến lược như Cam Ranh được cho là rất quan trọng.

Không có nhận xét nào: