Pages

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Lý Quang Diệu: TQ trỗi dậy nhiều nước bất an, Tập Cận Bình "rắn như thép"


(GDVN) - Quý vị có nói điều gì khiến ông ta không vui, ông ta cũng sẽ vẫn giữ nguyên một vẻ mặt thường thấy. Ý chí của ông ấy rắn như thép. 


Ông Lý Quang Diệu và ông Tập Cận Bình. Ảnh: China Daily.

BBC tiếng Trung Quốc ngày 23/3 có bài bình luận về mối liên hệ giữa ông Lý Quang Diệu, một người Hoa chính gốc lập ra Cộng hòa Singapore với giới lãnh đạo Trung Quốc, tiếp theo bài 1 "Lý Quang Diệu người Hoa chính gốc, luận Mao Trạch Đông - Tần Thủy Hoàng", xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung phần 2 bài bình luận của BBC tiếng Trung Quốc. Tít bài do PV đặt.



Lý Quang Diệu ấn tượng nhất là Đặng Tiểu Bình


Tháng 10/1978, Đặng Tiểu Bình thăm Singapore. Trước đó Trung Quốc đang ở thời kỳ "cực tả" nên liên tục gọi Singapore là "kẻ bám gót chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Khi sang Singapore, Đặng Tiểu Bình vô cùng kinh ngạc trước thành tựu phát triển của quốc gia này và thừa nhận việc cải cách mở cửa thu hút đầu tư là đường lối đúng đắn.


Bình luận về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Lý Qung Diệu nói rằng Trung Quốc phải ngừng "xuất khẩu cách mạng". Trầm ngâm giây lát Đặng Tiểu Bình hỏi ông: "Ông bảo tôi phải làm thế nào?" khiến Lý Quang Diệu ngạc nhiên. Thủ tướng Singapore liền mạnh dạn nói: "Phải ngừng hoạt động tuyên truyền phát thanh của đảng Cộng sản Mã Lai và Indonesia ở Hoa Nam, ngừng ủng hộ các lực lượng du kích ở Malaysia và Indonesia".


Sau này Lý Quang Diệu nhớ lại, ông chưa từng gặp một lãnh tụ Trung Quốc nào khi đối diện trước hiện thực lại có thể chấp nhận bỏ lại mọi kiến giải của mình, thậm chí còn hỏi chủ nhà rằng ông ta phải làm thế nào. Chuyến đi Singapore lần này, Đặng Tiểu Bình đã khiêm tốn một cách đáng kinh ngạc, thay mặt Trung Nam Hải thừa nhận và sửa đổi 2 sai lầm, thứ nhất là từ bỏ tư duy bảo thủ đóng cửa, chủ trương cải cách mở cửa thu hút đầu tư, hai là tiếp thu kiến nghị ngừng "xuất khẩu cách mạng", cải thiện rõ rệt quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Ông Lý Quang Diệu tiếp Đặng Tiểu Bình sang thăm Singapore. Ảnh: BBC tiếng Trung Quốc/Tân Hoa Xã.

Một lần nhắc lại về cuộc gặp này, Lý Quang Diệu nói rằng Đặng Tiểu Bình là người ông có ấn tượng sâu sắc nhất trong số các nhà lãnh đạo ông từng gặp, tuy không cao nhưng là "hào kiệt". Tuổi đã 74 nhưng khi đối diện với hiện thực không vui vẻ gì, Đặng Tiểu Bình lúc nào cũng sẵn sàng thay đổi cách nghĩ của mình. 2 năm sau, Trung Nam Hải có "sắp xếp khác" cho đảng Cộng sản Mã Lai và Thái Lan, sau đó ngừng phát sóng truyền thanh từ Hoa Nam.

Trung Quốc không phải bạn, chẳng phải thù của Mỹ, luận Tập Cận Bình "rắn như thép"


Thời kỳ ông Hồ Cẩn Đào, Ôn Gia Bảo nắm quyền điều hành Trung Quốc, Lý Quang Diệu từng được hỏi rằng ông đánh giá thế nào về dàn lãnh đạo mới này của Trung Nam Hải. Tại một hội nghị về lãnh đạo châu Á do Viện Kinh doanh quốc tế (INSEAD) tại Anh tổ chức, Lý Quang Diệu tiết lộ rằng, trước đó các quan chức Phủ Tổng thống Mỹ cũng hỏi ông, bây giờ Hoa Kỳ nên coi Trung Quốc là bạn hay kẻ thù.


Câu trả lời của Lý Quang Diệu là, tình hình lúc này cả hai đều không phải. Trong vòng 20 năm tiếp theo đối tượng giao thiệp với Mỹ là những lãnh tụ Trung Quốc có bối cảnh khác nhau. "Dàn lãnh đạo Trung Quốc hiện thời do Liên Xô đào tạo. Cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều có ngoại ngữ đầu tiên là tiếng Nga. Nhưng thế hệ lãnh đạo trẻ, đặc biệt là các tỉnh thành thì ngoại ngữ đầu tiên của họ là tiếng Anh", ông Diệu nhấn mạnh.


"Trong vòng 20 năm tiếp theo, giả sử tình hình chính trị so với hiện nay không khác nhau mấy, khi quý vị gặp gỡ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng hay ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, họ đều hiểu rất rõ quý vị đang nói gì. Khi hội đàm chính thức, họ nói tiếng Trung Quốc, nhưng hễ ngồi riêng với quý vị uống cà phê hay trong bữa ăn, họ sẽ nói chuyện với quý vị bằng vốn tiếng Anh lưu loát. Họ rất có khả năng là những thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường quản lý kinh tế thương mại của Anh, châu Âu hoặc Mỹ, lúc đó đối với nước ngoài đây sẽ là một thách thức không bình thường chút nào".


Bộ đôi Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo và thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thời đó do Liên Xô đào tạo. Ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.

Bình luận về nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lý Quang Diệu cho rằng: "Ông ấy là người thâm trầm, nói như vậy không có nghĩa là ông ta không biết đàm luận với quý vị, ý tôi là ông ta sẽ không dễ để lộ những cái mình thích hay mình gét, hoặc là dù quý vị có nói điều gì khiến ông ta không vui, ông ta cũng sẽ vẫn giữ nguyên một vẻ mặt thường thấy. Ý chí của ông ấy rắn như thép".

Thách thức từ Trung Quốc


30 năm cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, địa vị quốc tế của Bắc Kinh cũng theo đó tăng cao. Khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới xuất phát từ Mỹ và lan rộng toàn cầu không chỉ làm nền kinh tế Hoa Kỳ trọng thương, mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia khác, đánh trực tiếp vào hình ảnh quốc tế của Mỹ. Trong khi đó các nền kinh tế mới nổi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đều cho thấy cục diện quốc tế sẽ có những thay đổi to lớn.


Trên vũ đài chính trị quốc tế, Trung Quốc ngày càng trỗi dậy làm lãnh đạo nhiều quốc gia cảm thấy bất an, bao gồm cả cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ngày 28/10/2009 Lý Quang Diệu cảnh báo Mỹ, nếu Washington không tiếp tục tham dự các sự vụ châu Á, cần bằng thực lực kinh tế và quân sự với Trung Quốc thì sẽ đánh mất địa vị lãnh đạo toàn cầu của mình. Lúc đó Lý Quang Diệu 86 tuổi đã phát biểu rằng, Trung Quốc trỗi dậy ngày nay đã trở thành lực lượng không thể địch lại ở châu Á, Mỹ nên duy trì chiến lược cân bằng ở châu Á.


"Nếu Mỹ không nhận thức được rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm hoạt động kinh tế thế giới trong tương lai mà đánh mất ưu thế kinh tế ở khu vực này hoặc vai trò lãnh đạo ở Thái Bình Dương, họ sẽ đánh mất địa vị lãnh đạo toàn cẩu của mình", ông Diệu bình luận.


Ông cũng lưu ý, Nhật Bản và Ấn Độ rất nên cảnh giác, bởi hải quân Trung Quốc khi đã có tàu sân bay rồi sẽ không đơn giản chỉ dùng cho hoạt động "thống nhất Đài Loan". Trong tình hình hiện nay, cả Ấn Độ và Nhật Bản chưa đủ sức để cân bằng với Trung Quốc. Từ lúc làm Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chủ trương rằng, muốn duy trì ổn định ở Đông Á, tất yếu phải đảm bảo cân bằng trục 3 bên Mỹ - Trung - Nhật./Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: