Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Lời nguyền Vũng Áng

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg10164266-622.jpg

Hiện trường vụ sập giàn giáo làm ít nhất 13 người chết, 28 người bị thương vào đêm 25/3/2015 ở công trường khu Liên hợp gang thép Formosa và Cảng Sơn Dương, Vũng Áng, Hà Tĩnh.
AFP



Vụ sập giàn giáo làm ít nhất 13 người chết, 28 người bị thương vào đêm 25/3/2015 ở công trường khu Liên hợp gang thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương, Khu Kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh được báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin. Một lần nữa máu lại đổ tại dự án đầu tư lớn nhất Việt Nam với tổng trị giá 15 tỷ đô la và cũng từng là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất trong công luận.

Phớt lờ cảnh báo?

Trả lời Nam Nguyên tối 26/3/2015, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần phân biệt hai vấn đề khác nhau là an toàn lao động và sự cố công trình gây ra ảnh hưởng tính mạng người lao động. TS Phạm Sĩ Liêm nhận định:
“Đây là việc biện pháp thi công, tổ chức thi công không tốt không cẩn thận. Bộ giàn giáo này được ghép rất cao rất lớn thì phải có đảm bảo độ an toàn của nó. Thực tế diễn ra chứng tỏ độ an toàn chưa đảm bảo và thiếu sự kiểm tra, người ta thông báo những dấu hiệu có thể đổ sập giàn giáo thì những người kỹ sư ở đấy bảo không có vấn đề gì cứ trở lại làm việc. Vấn đề ở đây là biện pháp thi công tổ chức thi công kém và gây ra sự cố công trình như vậy.”
Tôi mong rằng lần này với sự cố này Bộ Xây dựng vào cuộc và phải rút ra được những kết luận trách nhiệm thuộc về ai và đưa ra những chế tài cần thiết để nêu gương chứ không phải chỉ có việc đền bù cho một số người thiệt hại rồi mọi việc coi như xong và kết thúc thì không nên.
-TS Phạm Sĩ Liêm
Theo VnExpress, chiều 26/3 Bộ lao động Thương binh và xã hội  cho biết nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai nạn ở khu công nghiệp Formosa Vũng Áng là hệ thống phanh thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ giàn giáo dài 40 mét rộng 35 mét đổ sập xuống từ độ cao khoảng 20 mét. Báo Thanh Niên đưa tin,  một số công nhân, nạn nhân trong vụ sập giàn giáo ở Formosa
Hà Tĩnh cho biết trước lúc giàn giáo sập xuống khoảng 30 phút, giàn giáo đã bị rung lắc. Công nhân hoảng sợ bỏ chạy nhưng chỉ huy công trình người Hàn Quốc đã yêu cầu họ quay trở lại tiếp tục làm việc và thảm kịch xảy ra sau đó.
Đáp câu hỏi là cần có những biện pháp gì để không tái diễn những vụ việc như vừa xảy ra ở công trường Formosa Vũng Áng và gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng. TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ việc. Ông nói:
“Kể cả những việc đã xảy ra trước đây như vụ ở cầu Cần Thơ cũng là giàn giáo đổ sập, thì người ta cứ gọi đấy là tai nạn lao động. Mà đã là tai nạn lao động thì quan trọng là đền bù cho những người lao động và coi như thế là xong công việc. Còn vấn đề rút kinh nghiệm như thế nào và trừng phạt những người có trách nhiệm liên quan thì không thấy làm, không thấy công bố. Tôi mong rằng lần này với sự cố này Bộ Xây dựng vào cuộc và phải rút ra được những kết luận trách nhiệm thuộc về ai và đưa ra những chế tài cần thiết để nêu gương chứ không phải chỉ có việc đền bù cho một số người thiệt hại rồi mọi việc coi như xong và kết thúc thì không nên, bởi vì như thế không rút ra được bài học và những giải pháp nào đó cần thiết cho tương lai.”
000_Hkg10164267-400.jpg
Một nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong vụ sập giàn giáo ở công trường khu Liên hợp gang thép Formosa và Cảng Sơn Dương, Vũng Áng, Hà Tĩnh hôm 25/03/2015. AFP PHOTO.
Vụ sập giàn giáo đêm 25/3/2015 ở đại công trường Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh, cụ thể xảy ra ở hạng mục xây dựng Cảng nước sâu Sơn Dương với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và là một thành phần của Dự án Formosa. Theo Thời báo kinh tế Việt Nam online, tai nạn xảy ra tại khu vực thi công của nhà thầu Hàn Quốc Samsung C&T. Công trình Cảng nước sâu Sơn Dương được khởi công từ tháng 2/2012 dự kiến hoàn tất vào tháng 6/2016. Cảng này có cầu cảng dài 3km, đê chắn sóng dài 5km. Theo Tuổi Trẻ Online, nhà thầu Samsung C&T cho biết số công nhân thi công tại công trường thuộc nhà thầu phụ của hãng này. Tuy nhiên là chủ đầu tư thi công giàn giáo, Samsung C&T nhận trách nhiệm trong việc phải có biện pháp hỗ trợ nạn nhân. Công ty này hứa sẽ hợp tác đầy đủ với chính quyền để điều tra về nguyên nhân tai nạn.
Sự cố công trình trong thi công xảy ra ở Vũng Áng với hơn 50 người thương vong được mô tả là sự kiện mới nhất được nêu lên, trong cả chuỗi sự kiện nóng bỏng về Dự án Khu gang thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương. Ngược dòng thời gian trên mạng Internet, chúng tôi ghi nhận hàng trăm bài báo với các ý kiến tranh cãi của giới nhân sĩ trí thức chuyên gia và các nhà phản biện chính sách.

Xui nhưng ưu đãi thì không ai bằng?

Cùng với những âu lo về an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng và cả sự lo ngại cấp thời về việc tạo ra những phố người Hoa khu dân cư Trung Quốc; đại dự án Formosa rơi vào đỉnh điểm phong trào chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo VN qua sự kiện giàn khoan Trung Quốc Hải Dương 981 đầu tháng 5/2014. Mặc dù Công ty mẹ của của dự án Formosa ở Đài Loan và doanh nghiệp Trung Quốc chỉ có 5% cổ phần, nhưng dự án Formosa đa phần giao cho nhà thầu Trung Quốc thi công và sử dụng một khối lượng lớn công nhân đến từ Hoa Lục.
Bị cuốn trong cơn lốc xoáy thời cuộc với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên toàn quốc, chiều 14/5/2014 hàng ngàn công nhân Việt Nam đã đụng độ với công nhân Trung Quốc tại dự án nhà máy thép Formosa. Vụ bạo động này khiến phía Trung Quốc thiệt mạng 4 người, 130 người bị thương. Đến ngày 19/5/2014 chính quyền Trung Quốc đã đưa hai tàu đến Cảng Vũng Áng sơ tán khoảng 4.000 công nhân Trung Quốc về nước.
Dự án Vũng Áng dư luận lên tiếng rất nhiều về chuyện lao động nước ngoài cụ thể là lao động Trung Quốc, đó là những chuyện nổi cộm nhưng theo tôi chưa phải là vấn đề trầm trọng nhất ở đây mà là vấn đề người ta trải thảm đỏ để mời đầu tư nước ngoài mà không cân nhắc những hậu quả của nó.
-TS Nguyễn Quang A
Dự án Formosa bao gồm Khu liên hợp gang thép khổng lồ với nhiều ưu đãi, có công suất lý thuyết tới 22 triệu tấn/năm, được cho là ảnh hưởng an ninh kinh tế vì có thể làm công nghiệp thép của Việt Nam phá sản. Dự án này được quyền sử dụng trong 70 năm một diện tích 3.300 ha ở vị trí địa lý chiến lược, bao gồm 2.000 ha đất liền và 1.200 ha mặt nước ở phía Nam Vịnh Vũng Áng Hà Tĩnh. Giới phản biện quan ngại việc một khu vực quan trọng như thế được giao đứt cho nước ngoài trong 70 năm và có dính líu ít nhiều tới yếu tố Trung Quốc. Theo đó Vũng Áng gần và đối diện đảo Hải Nam Trung Quốc, một khu vực khép kín 3.300 ha dất và biển sẽ trao cho chủ nhân của nó khả năng khống chế thủy đạo Bắc Nam và chia cắt Việt Nam ngang Hà Tĩnh. Chuyên gia đề cập tới sự kiện đường bộ từ Lào qua Hà Tĩnh chỉ tốn thời gian rất ngắn. Giả thiết khi chiến tranh xảy ra, Cảng nước sâu Sơn Dương với cầu cảng dài 3km, đê chắn sóng dài 5 km sẽ dễ dàng cho chủ nhân của nó tiếp nhận tàu quân sự, binh sĩ và khí tài.
Trong một dịp trả lời chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từng bày đỏ sự quan ngại sâu sắc:
“Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Cho nên tôi cho là những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước.”
Quan ngại về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế xuất phát từ Dự án Formosa được các quan chức nhà nước bỏ ngoài tai, vì dù sao nó mới chỉ là giả thiết. Nhưng thật sự khó thể gác bỏ mối lo ngại về an ninh môi trường và an ninh năng lượng; luyện thép là một ngành sử dụng năng lượng rất lớn và ảnh hưởng môi trường không kém.
TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện xã hội dân sự ở Hà Nội từng lên tiếng:
“Dự án Vũng Áng dư luận lên tiếng rất nhiều về chuyện lao động nước ngoài cụ thể là lao động Trung Quốc, đó là những chuyện nổi cộm nhưng theo tôi chưa phải là vấn đề trầm trọng nhất ở đây mà là vấn đề người ta trải thảm đỏ để mời đầu tư nước ngoài mà không cân nhắc những hậu quả của nó. Thí dụ tất cả những dự án mà tốn năng lượng gây ô nhiễm môi trường nhiều, tôi chưa nói đến chuyện an ninh quốc phòng hay an ninh kinh tế, mà vẫn khuyến khích thì đấy là những khuyến khích hết sức nông cạn và nó có thể gây tác hại cho Việt Nam hàng năm bảy chục năm nữa. Bởi vì những hệ quả nó để lại có thể rất khủng khiếp về vấn đề môi trường, về tiêu thụ năng lượng mà tiêu thụ năng lượng cũng dính tới môi trường và không những thế, rất có khả năng người ta trải thảm đỏ thì người ta đồng ý cho những nhà đầu tư nước ngoài được hưởng một giá rẻ nhất định.”
Doanh nghiệp, thương nhân Á châu đặc biệt người Hoa như Trung Quốc và Đài Loan cũng như người Việt thường rất chú trọng một số yếu tố phi kinh tế, chẳng hạn như điềm gở, sự xui xẻo. Dự án Formosa quả thật gặp quá nhiều xui xẻo, từ bạo động đến máu đổ người chết và một điềm gở khác là họ cố tình bất tuân pháp luật xây dựng miếu thờ ông địa trước công trình và đã phải gỡ bỏ.
Nhưng ngược lại chưa có dự án nào hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng, thời gian sử dụng đất, miễn giảm thuế như Formosa. Hồi đầu tháng 3 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn hợp thức hóa một sai phạm của tỉnh Hà Tĩnh khi cấp giấy phép cho Formosa có thời hạn 70 năm thay vì 50 năm như luật định. Formosa xui thì thật là xui nhưng ưu đãi của nhà nước thì không ai bằng
.

Không có nhận xét nào: