Pages

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Định Thiên - Sư "không quốc doanh"

Ngót 20 năm trời chưa về thăm thầy, khoảng thời gian đủ dài, bãi bể thành nương dâu! Đành là kẻ nam người bắc nhưng nại lý do "xa xôi cách trở" nghe lòng không thỏa! Thực tình, trong vài lần ít ỏi về thăm Huế, tôi mượn xe người quen chạy loanh quanh thăm cảnh cũ người xưa thì trong vô thức đã đôi lần bánh xe dừng lại trước cổng ngôi chùa nơi thầy đang ở ẩn. Từng bước chân thổn thức trên bậc tam cấp rêu phong, nhìn trước ngó quanh, tình cờ bắt gặp vài ánh mắt xoi mói. E hèm, té ra "bọn cớm" canh thầy 24/24! Tự nhiên thấy lòng mình hụt hẩng, không phải vì sợ hãi mà vì không muốn những ánh nhìn khiếm nhã kia có cái cớ "phóng uế" lên người mình. Đành đứng ngoài vọng vào "tịch liêu" của thầy, căn phòng đầy ắp sách báo, từng một thời là nơi chốn lý tưởng của bọn sinh viên nghèo mê đọc. Vị thầy mà tôi kính mến nhắc tên trong bài viết này là Hòa thượng Thiện Hạnh, một nhà hoạt động giáo dục nổi tiếng trước năm 1975, một vị thầy dạy giáo lý Phật pháp khả kính của nhiều thế hệ tăng ni phật tử xứ Huế.

Thầy nổi tiếng là một tu sĩ có bề dày thực tu thực học. Non chục năm làm hiệu trưởng trường Bồ Đề thành nội, hệ thống giáo dục tư thực duy nhất của Phật Giáo, nức tiếng một thời trước 1975. Sau ngày giải phóng hệ thống giáo dục này bị nhà nước giải thể, thầy lui về tu luyện ở liêu thượng tổ đình chùa Báo Quốc cho đến ngày nay.

Ở Huế thời đó trong giới tu sĩ Phật giáo phân biệt khá rạch ròi ra hai nhánh. Nhánh thầy tu ít học chuyên đi cúng, đi tụng đám thì hầu bao rủng rỉnh vì nhận bao thơ phong bì của thí chủ. Họ có xe cup đời mới, có áo quần đẹp, có sữa bột, mì gói cất trong tủ... nhưng vì bận đi cúng nên công phu tu tập cũng chểnh mãn. Đạo cũng như đời, ít học ít tu luyện mà rủng rỉnh thì đa phần sinh lệch lạc. Nhánh khác, là những tu sĩ chuyên tâm hành trì tu luyện thì ít đi cúng đi tụng đám trừ những nơi thâm tình hoặc trong gia quyến. Các vị trong nhánh này chuyên lo giáo dục thế hệ trẻ, nghiên cứu kinh điển, lo lắng cho tương lai Phật giáo... Đa phần có cuộc sống nghèo mà đạo hạnh thanh cao, được tăng ni phật tử kính trọng. Hòa thượng Thiện Hạnh là một vị sư đứng đầu trong trong nhánh này.

Hòa thượng dạy rất hay các môn như Triết học, Duy Thức Học, và giáo lý Phật học nâng cao. Còn nhớ như in lời thầy: "người chỉ ra lỗi của ta là thầy ta, người khen việc ta làm sai là kẻ thù của ta" để hạ hỏa những cái đầu trẻ tuổi khi phản ứng thái quá trước dư luận liên quan đến đời tư của vài tu sĩ. Một lần khác, để trả lời câu hỏi của một trí thức Phật tử rằng: sao thầy không ra gánh vác trọng trách lãnh đạo Phật giáo mà chấn chỉnh lại những việc làm lệch lạc không đúng chánh pháp của vài vị, làm mất tín tâm của phật tử? Thầy trầm ngâm một lúc rồi đọc hai câu thơ: "người khôn người tìm chốn lao xao, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ".! Đằng sau hai câu thơ của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm thầy viện dẫn để trả lời, chất chứa một bầu tâm tư của thầy với tiền đồ của Phật giáo.

Không đi tìm chùa to phật lớn để trú trì để khuếch trương thanh thế, không nuôi đệ tử không môn phái cục bộ... Thầy nhận tất cả những người có tín tâm với Phật pháp cho dù đến từ vùng miền địa phương nào làm đệ tử.Thầy gom góp từng đồng của phật tử cúng dường cộng thêm một phần tài chánh do Sư ông Nhất Hạnh gởi về danh làm học bổng Hiểu và thương cho tăng ni cho sinh viên nghèo. Thầy nhắc nhở giới trẻ về những tấm gương vượt khó tinh tấn tu học và đã có những đóng góp quan trọng cho đạo Phật cho xã hôi như Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thác... những tu sĩ có gốc gác xuất thân ở Huế. Đáng buồn thay, trước áp lực của cường quyền các vị ấy cũng như thầy đều lui về cuộc sống ẩn tu, để lại "sân khấu giáo hội" một khoảng trống mênh mông.

Không như thời nay, các thầy tu sính bằng cấp mà thường là bằng chuyên tu tại chức, các thầy cúng tụng đám đắc show, các thầy tu thích lăn xăng với quan chức Đảng viên... thì được đôn lên làm "lãnh đạo". Còn những bậc chân tu bản lĩnh thì bị thất sủng. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra vấn nạn một tôn giáo bén rể sâu vào đời sống tâm linh của người dân Việt nam như Phật giáo, bây giờ chỉ là cái vỏ vật chất không hơn không kém. Còn đạo đức xã hội thì điều hành một cách méo mó trong một hệ thống truyền thông "giàu tính Đảng mà thiếu tính nhân bản" tạo nên thực trạng xã hội như thế này đây:

- LỄ HỘI CẦU MAY THÀNH NƠI ĐÂM CHÉM NHAU (congly.com.vn/...hoi/.../le-hoi-cau-may-tro-thanh-noi-dam-chem-nhau- 84336.html)
- HỖN CHIẾN KINH HOÀNG Ở LỄ HỘI ĐỀN GIÓNG (vtc.vn/hon-chien-kinh-hoang-o-le-hoi-den-giong.2.541867.htm)
- Trong 9 ngày nghỉ Tết, có khoảng 6.200 người nhập viện do đánh nhau (tuoitre.vn/tin/phap...6200-nguoi...vien...danh-nhau.../712899.html)
- TIỀN LẺ NHÉT ĐẦY TAY TƯỢNG PHẬT (vnexpress.net/tin.../tien-le-nhet-day-tay-tuong-phat-2951477.html)

Thời cách đây ba bốn mươi năm về trước Phật giáo Huế ẩn tàng một nguồn mạch tâm linh mạnh mẽ. Nguồn năng lượng ấy có được là truyền thừa của nhiều đời thầy tổ có thực tu thực chứng hai ba trăm năm về trước cho đến thời cận hiện đại. Có thể kể đến như các ngài Liễu Quán, Nguyên Thiều, Hải Đức, Giác Nhiên, Tịnh Khiết, Đôn Hậu, Trí Thủ, Trí Quang... Thời ấy các chùa đa phần rất nghèo. Các vị Hòa thượng cao niên khi có Phật sự thì đi bộ, với chiếc áo nâu sồng, mang đôi guốc mộc và đội chiếc nón lá to vành sải những bước khoan thai trên những dốc đồi thoai thoải của chùa Huế tạo một hình ảnh rất đẹp. Chùa nào cũng lao động tăng gia sản xuất trồng lúa làm vườn. Các thầy tu trẻ thì ngoài công phu tu học thì làm việc quần quật từ sáng tới tối. Ăn uống sơ sài, y phục thiếu thốn... Nhưng niềm tin vào Tam Bảo vào thầy tổ thì sắc son. Giai đoạn đó, cùng với cố hòa thượng Đức Tâm, thầy Thiện Hạnh là cánh tay đắc lực của quý ngài Giác Nhiên, Đôn Hậu, Trí Thủ... trong các vấn đề trọng trách của Phật pháp, chăm lo đối nội đối ngoại.

Qua những năm thập niên 90, những tưởng đem nhiệt huyết lý tưởng ra chung tay xây dựng quê hương nên thầy tham gia giáo hội Phật giáo nhà nước (GHPGVN) với cương vị Phó ban Trị sự PG tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng rồi những cái "lắc đầu" trước thực trạng chính quyền, an ninh can thiệp sâu vào sinh hoạt của Phật giáo. Thầy kiên định ba đức Bi Trí Dũng để chống lại mưu đồ "lai giống" tư tưởng đạo Phật với những tư tưởng ngoại lai. Vượt qua nhiều mua chuột, thủ đoạn khủng bố tinh thần... thầy vẫn kiên định lập trường không bắt tay thỏa hiệp. Kết quả là Thầy bị đá văng ra ngoài cái cơ chế giáo hội đó. Vậy là gần 30 năm qua, họ "khóa tay khóa chân" một hòa thựơng có đạo tâm đạo lực như thầy trong một căn phòng sơ sài chưa một lần được sơn phết. Còn tổ chức gọi là GHPGVN chỉ là vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Các "thầy tu lãnh đạo" là phiên bản photocopy của các Đảng viên tuyên huấn, hạ bút viết một dòng, mở miệng ra nói một câu thì nội dung luôn "có tính Đảng".


Điều ưu tư nhất của người viết là việc để lão hòa thượng năm nay đã 86 tuổi như thầy xài chung nhà vệ sinh công cộng ở chùa báo Quốc, thầy phải đi bộ từ phòng ra hơn 30m mới tới nơi trong cái thời tiết nắng mưa phập phù xứ Huế! Đề cập chuyện này qua cuộc gọi viễn liên thì được thầy trả lời: "Thời mạc pháp, pháp nhược ma cường, tu trong chướng duyên sẽ mau được gặp Phật con nờ"!

Cuộc đời thầy là một bài giáo lý "tánh không" sống động: không chùa riêng, không đệ tử, không điạ vị, vô ngã vị tha. Một đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng ni phật tử. Thầy vững vàng từng trang giáo điển, tường tận từng động thái kỷ thuật hành pháp, hành chánh giáo hội. Không thể kể đếm những người thọ ơn giáo dưỡng của thầy. Trong đó có người đang ở trên cao chót vót quyền lực trong cơ chế giáo hội mới. Họ lao xao với giới truyền thông, say mê đi xây "kỷ lục" chùa to Phật lớn màu sắc sặc sỡ. Hoặc ra mặt ở các sự kiện chính trị, nơi mà tà áo nâu áo vàng của họ sẽ làm ai đó hài lòng. Đầu năm thấy quan chức lãnh đạo cấp tập đi chùa bỗng lòng thấy lo, mà nhớ về thầy. Đi chùa theo cách của họ thì tìm đâu ra minh triết để trị quốc!? Hay chỉ là những quả bong bóng thổi bay vào không gian vô vọng?

Có về thăm lại, sẽ thấy thầy trong căn phòng ngày xưa. Cũng cái ghế gỗ, chiếc giường tróc sơn, những kệ sách chiếm phần lớn diện tích, màu vôi của bức tường phòng 30 năm chưa một lần sơn phết lại. Thầy vẫn ngồi đó, vô ngại giữa trăm ngàn chướng ngại!

Định Thiên, Sài Gòn

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: