Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

'Hy vọng Việt - Mỹ vun đắp thiện chí'

Đại sứ Mỹ Ted Osius
Bài phát biểu của Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 06/3/2015 được nhà quan sát đánh giá là 'xây dựng, thiện chí'.

Bài phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Ted Osius đưa ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 06/3/2015 thể hiện quan điểm 'thiện chí, xây dựng' và có thể hy vọng hai bên Việt Mỹ sẽ "xây dựng, vun đắp" thiết thực cho thiện chí này, theo ý kiến nhà quan sát từ Việt Nam.

Trao đổi với BBC hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói:

"Tôi nghĩ rằng những bày tỏ thiện chí và hợp tác đó là một điều hết sức dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay, và tôi hy vọng thiện chí đó sẽ được hai bên xây dựng, vun đắp và sẽ dẫn đến những hành động thiết thực để có lợi cho cả hai bên để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam."

Đại sứ Mỹ trong bài phát biểu hôm thứ Sáu nói:

"Tập trung vào việc hiện đại hoá năng lực phòng thủ, Việt Nam có thể sẽ tìm đến các đối tác truyền thống của mình. Điều này có thể hiểu được.

"Việt Nam cần có nhiều bạn bè – nhất là ở trong một khu vực phức tạp và năng động như thế này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có nhiều để đề xuất nhằm tăng cường an ninh của Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tôi đánh giá cao nội dung phát biểu ý kiến của ông Đại sứ Ted Osius ở Đại học Quốc gia Hà Nội, và tôi nghĩ rằng đây là một bài phát biểu quan trọng, thiện chí và xây dựng
TS. Lê Đăng Doanh

Bình luận về điểm này, Tiến sỹ Doanh bình luận:

"Hiện nay Việt Nam đã có đề nghị là Việt Nam sẵn sàng mua những vũ khí sát thương của Hoa Kỳ, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ về một loạt lĩnh vực về phòng thủ, về trang thiết bị quân sự.

"Và tôi nghĩ rằng là trong tương lai không xa hai bên có thể trao đổi để có thể thêm những sự trợ giúp của Hoa Kỳ về việc huấn luyện, đào tạo, nâng cao trình độ của các sỹ quan trong những lĩnh vực nhất định mà hiện nay Việt Nam rất cần để phát triển.

"Thí dụ như chiến tranh điện tử, thí dụ như tác chiến trên biển, hay là thí dụ rất cần những thông tin về tình báo để có thể không bị bất ngờ đối với bất kỳ một cuộc tấn công nào."

Đánh giá tổng thể nội dung bài phát biểu của vị Đại sứ Mỹ, Tiến sỹ Doanh nói:

"Tôi đánh giá cao nội dung phát biểu ý kiến của ông Đại sứ Ted Osius ở Đại học Quốc gia Hà Nội, và tôi nghĩ rằng đây là một bài phát biểu quan trọng, thiện chí và xây dựng trong năm 2015 mà cả hai nước sẽ kỷ niệm các mối quan hệ về ngoại giao và đấy cũng là cơ hội để hai bên sẽ nâng cao hơn nữa sự hợp tác toàn diện vì lợi ích của cả hai bên."

'Táo bạo, lạc quan?'

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Đại sứ Ted Osius cũng nói:

"Còn nhiều điều mà hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm để duy trì hoà bình, thịnh vượng và độc lập cho Việt Nam và cho khu vực.

"Để làm được như vậy, cả hai bên sẽ cần phải có những quyết định táo bạo và hướng tới một tương lai mới, mặc dù chúng ta vẫn nhớ và thành tâm giải quyết lịch sử của mình.

"Tuy chúng ta chia sẻ một lịch sử phức tạp, tôi tin rằng chúng ta cũng chia sẻ một tương lai tươi sáng."

Bình luận về điều này, Giáo sư Vũ Minh Giang, đương kim Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội nói với BBC:

"Cái ý táo bạo của ông Đại sứ theo tôi hiểu tức là có thể có những quyết định mà trong ý nghĩ thông thường người ta không nghĩ tới.

"Hoặc là nó có những ngăn trở mà từ trước tới nay không vượt qua, thế thì nếu nó đụng tới những việc như thế thì có thể gọi là táo bạo.
Tôi nhìn ở góc độ tích cực là với một cách phát biểu như thế thì tôi là một trong những người trông chờ. Mong rằng tất cả những điều mà ông phát biểu như thế sẽ dần dần diễn ra trong thực tế - Giáo sư Vũ Minh Giang
"Thí dụ như Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thiết lập quan hệ thân thiết hơn là quan hệ như hiện nay, chẳng hạn như thế."

Khi được hỏi liệu vị tân Đại sứ Mỹ có 'quá lạc quan' hay là không, Giáo sư Giang, người cũng từng là thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản, nói:

"Tính cách của Đại sứ mới thể hiện một người rất cởi mở trong cách nhìn nhận các vấn đề và thứ hai thể hiện rất rõ một cái năng động và rất quyết tâm trong việc thực hiện một cái gì đó mà ông mong muốn.

"Tôi nhìn ở góc độ tích cực là với một cách phát biểu như thế thì tôi là một trong những người trông chờ.

"Mong rằng tất cả những điều mà ông phát biểu như thế sẽ dần dần diễn ra trong thực tế, bởi vì hướng tới tương lai và mong cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

"Còn nói rằng như thế là có quá lạc quan hay không, thì cũng khó có cơ sở để nói điều gì hơn hay là bình luận về nhận định ấy."

'Chi tiết bất ngờ?'

Đại sứ Mỹ
Đại sứ Ted Osius nói có thể hai nước có thể có những 'quyết định táo bạo' hướng tới tương lai mới.

Hôm thứ Sáu, một nhà quan sát chính trị - xã hội Việt Nam từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, cho rằng bài phát biểu của Đại sứ Mỹ là 'tự tin'.

Ông nói: "Trong cuộc tiếp xúc với giới sinh viên của Việt Nam thì quả là ông Ted Osius đã tự tin tới mức mà đưa ra thông tin là ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ sớm thăm Mỹ.

"Điều đó cho thấy rằng có vẻ như là ông Ted Osius không chỉ nắm được lịch trình của đoàn Việt Nam, sắp tới ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, ông Quang và có thể cả những chính sách nữa đi Mỹ, mà còn có thể dự đoán được kết quả của chuyến đi đó thành công như thế nào và thành công ở mức độ nào."
Một số chính khách Việt Nam còn mơ màng với Bắc Kinh trước đây, họ dường như là tỉnh ngộ, tỉnh giấc và bắt buộc phải nghĩ tới những thế lực quốc tế có thể hỗ trợ Việt Nam chẳng hạn như Mỹ. - TS. Phạm Chí Dũng
Khi được hỏi có thể dự đoán những kết quả như vậy là gì, Tiến sỹ Dũng nói thêm:

"Kết quả đó nó sẽ nương theo xu thế quan hệ Việt Mỹ thôi, tại vì đây là một xu thế khó có thể đảo ngược, đặc biệt khi Việt Nam đã cảm nhận được một cách rõ ràng trên lòng bàn tay về mối nguy cơ.

"Và qua vụ Giàn khoan HD-981, mặc dù là một sự gây hấn hung hãn của Trung Quốc, nhưng cũng phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đã quá chủ quan trong việc áp đặt thế lực của mình.

"Thành thử điều đó làm cho một số chính khách Việt Nam còn mơ màng với Bắc Kinh trước đây, họ dường như là tỉnh ngộ, tỉnh giấc và bắt buộc phải nghĩ tới những thế lực quốc tế có thể hỗ trợ Việt Nam chẳng hạn như Mỹ.

"Và đặc biệt một nguyên nhân nói về góc độ riêng tư là rất nhiều quan chức Việt Nam có tài sản, có nhà cửa, có người thân và con cái du học ở Mỹ chứ không phải là ở Trung Quốc."

(BBC)

Không có nhận xét nào: