Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo: Việt Nam đang vi phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo Tín Ngưỡng

VRNs (14.01.2015) – Hà Nội – Qua bốn báo cáo của bốn quý trong năm 2014 do Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo thực hiện cho thấy các cơ quan thuộc hệ thống chính phủ Việt Nam, nhất là công an, đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của công dân, theo Hiến Pháp 2013.
—-

Việt Nam đang vi phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo Tín Ngưỡng

Báo cáo tổng hợp của Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo

Phần 1: Tóm tắt
Việt Nam chính thức là thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc ngày 12/11/2013. Sự kiện được đánh giá là bước ngoặt, là cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia độc tài. Kể từ khi là thành viên của Hội đồng Nhân Quyền LHQ trong một số lĩnh vực tuy có sự cải thiện về Nhân quyền nhưng bên cạnh đó cũng còn những sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Đã có rất nhiều các báo cáo nhân quyền cho thấy sự vi phạm Nhân quyền của Chính phủ Việt Nam đối với người dân của mình. Đó là các báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự mang tiếng nói độc lập, những tổ chức này luôn bị chính phủ coi là tổ chức đối kháng với nhà nước.
Nhưng một sự kiện đáng chú ý trong năm 2014 vừa qua là chuyến thăm của vị báo cáo viên đặc biệt ông Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng của Liên hợp quốc trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Việt Nam từ ngày 21 – 31/7. Trong bản báo cáo sơ bộ (chưa chính thức) của mình ông cho biết: “Tôi nhận được những thông tin đang tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc di chuyển của chúng tôi cũng bị giám sát chặt bởi “những cán bộ an ninh hoặc công an” mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng. Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào.”
Đánh giá sơ bộ ông Heiner cho rằng: “đã có sự cải thiện hơn so với trước đây, các cộng đồng tôn giáo đã có không gian sinh hoạt nhưng một số vùng nông thông vẫn còn bị hạn chế về cơ sở thờ tự và không gian sinh hoạt tôn giáo chưa được tạo điều kiện đầy đủ.”
Trong những năm qua đã có 6 BCV Liên Hiệp Quốc vào Việt Nam nhưng ông Bielefeldt là BCV đầu tiên về quyền dân sự và chính trị đến Việt Nam trong 16 năm qua. Đây là một điểm mới đáng khích lệ. Bản báo cáo sơ khởi của ông Bielefeldt đã cho thấy một vài vấn đề cơ bản cần phải sửa đổi liên quan đến quan niệm về quyền tự do tôn giáo và các thức đối xử của nhà nước Việt Nam đối với những người có tôn giáo.
Theo báo cáo của tổ chức theo dõi Nhân Quyền thế giới  Việt Nam đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị và có thể đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết trong một cuộc họp báo.
Cũng trong báo cáo của tổ chức này chỉ ra: Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo, phúc trình cho biết, bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ các giáo hội của Nhà nước như các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Trước những sức ép rất lớn từ cộng đồng quốc tế một số vấn đề tự do tôn giáo được nhà nước Việt Nam cố gắng cải thiện. Một số hoạt động tôn giáo như mừng lễ Phật đản, dịp lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh hay những sinh hoạt tôn giáo mang tính chất cộng đồng được ủng hộ và trợ giúp nhất định về địa điểm tổ chức, an ninh trật tự…
Phần 2: Bối cảnh chính trị và Pháp lý
2.1 Bối cảnh chính trị: 
Với thể chế độc đảng Việt Nam có xu hướng phát triển chậm hơn so với một số quốc gia trong khối ASEAN. Vai trò của đảng cộng sản ngày càng bị đẩy xuống, mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng trước những chính sách hạn chế của các cơ quan nhà nước. Những vấn đề về bất bình đẳng xã hội gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt, quyền con người không được quan tâm đầy đủ, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết khi chính thức là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Sự quản lý yếu kém của các lãnh đạo, nạn tham nhũng là vấn nạn hiện nay của Việt Nam khiến đất nước đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, ngoài các yếu tố về trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trong nước thì  sự tác động ngày càng tăng của những xu thế biến đổi trên thế giới, trong đó có toàn cầu hóa.
Sự tác động này tác động này đã thay đổi rất nhiều về tình hình chính trị cũng như xã hội ở Việt Nam.  Xu thế toàn cầu hóa đưa lại những thời cơ, cơ hội để Việt Nam tích cực đổi mới tư duy chính trị, hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế, vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội thế giới. Người dân cũng hiểu rõ hơn quyền của mình.
Những tác động của toàn cầu hóa đến đổi mới chính trị ở Việt Nam đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề như vị thế kinh tế của Việt Nam còn thấp kém hơn nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới; những thách thức trong “luật chơi” của các tổ chức khu vực và thế giới như ASEAN, WTO…; sức ép cạnh tranh của quốc tế; âm mưu bành trướng của Trung Quốc… Việt Nam đang đứng giữa cuộc chiến về ý thức hệ và nhu cầu chính yếu của đại đa số của người dân về một sự thay đổi toàn vẹn.
2.2 Pháp lý: Hạn chế Nhân quyền bằng khung pháp lý
Trong rất nhiều lần sửa đổi điều luật Việt Nam cũng đã đưa ra những điều luật tưởng như nhằm bảo hộ quyền lợi của người dân, nhưng những điều luật này đến khi thực thi lại không được áp dụng đúng như quy định. Có nhiều báo cáo và đánh giá cho thấy Việt Nam tiếp tục thông qua nền Pháp lý để hạn chế Nhân quyền, bất chấp những nghĩa vụ quốc tế của mình và sử dụng luật pháp như công cụ để hạn chế quyền căn bản của người dân.
Điều 4 Hiến pháp được sử dụng triệt để đề cao vai trò của Đảng cộng sản, nó trở thành rào cản cho sự phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự với hàng loạt các điều có thể khiến người dân vào tù bất kỳ lúc nào nếu nhà cầm quyền muốn bởi các điều luật như:
Điều 79 hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,
Điều 80 gián điệp,
Điều 87 phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo.
Điều 88 tuyên truyền chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam
Điều 91 trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống lại chính quyền nhân dân.
Điều 258 Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức công dân.
Riêng với tôn giáo
Tại Điều 24, Chương II quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam kìm hãm sự phát triển tôn giáo bằng các Nghị định, các văn bản hành chính Nghị định 92  này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 là nghị định vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Nghị định này kìm hãm gần như toàn bộ những vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo tín ngưỡng như việc phải đăng kí đi tu, hay đăng ký sinh hoạt tôn giáo, phải xin giấy phép mới được tu sửa cơ sở tôn giáo…
Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam đổ lỗi cho lịch sử cưỡng chiếm nhiều cơ sở tôn giáo và theo 4 bản báo cáo của 4 quý trong năm 2014 chính quyền Việt Nam có nhiều hành vi, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của người dân.
Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo đã thống kê hầu hết các vụ vi phạm về quyền tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Và trong chuyến thăm và khảo sát về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vị báo cáo viên đặc biệt đã có những đánh giá rất khách quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.
Ông nhận định: đã có sự cải thiện hơn so với trước đây, các cộng đồng tôn giáo đã có không gian sinh hoạt nhưng một số vùng nông thông vẫn còn bị hạn chế về cơ sở thờ tự và không gian sinh hoạt tôn giáo chưa được tạo điều kiện đầy đủ.
Ông cũng cho biết: ông biết Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và hầu hết các tôn giáo này đều tồn tại một cách hòa bình, không có sự mâu thuẫn đáng kể nào và hầu hết dưới sự quản lý của chính phủ.
Cần nhấn mạnh hơn về các tổ chức tôn giáo độc lập không nằm trong các tôn giáo được công nhận của chính phủ như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hỏa hay Phật giáo thống nhất.
Về hạ tầng pháp lý: Ông chỉ ra một số trích dẫn đã ghi rõ trong thông cáo trong đó có điều 24 Pháp lệnh của chính phủ Việt Nam về quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, điều 24 này còn nhiều hạn chế rộng. Văn bản hành chính này làm nhòe đi ranh giới của quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Quyết định từ trung ương xuống địa phương chưa được phổ biến triệt để nên còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc báo cáo không rõ ràng, còn mơ hồ. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là quy định pháp lý về tôn giáo vẫn bị giới hạn.

Phần 3: Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam
3.1:  Tiến bộ trong việc phát triển tự do tôn giáo
Trong thời gian vừa qua, việc thay đổi chính sách đối với tôn giáo được một số địa phương áp dụng, tôn trọng những hoạt động tôn giáo hơn, ủng hộ một số hoạt động tôn giáo và có những hỗ trợ nhất định. Chúng tôi đã cố gắng tổng hợp những thông tin về những điều tích cực này từ phía chính quyền cũng như mong muốn họ duy trì được những điều tốt đẹp và phát huy hơn nữa quyền tự do tôn giáo của người dân. Một số những việc làm tiến bộ mà chúng tôi ghi nhận được:
Một là: Tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo xây dựng trường mầm non: Theo thống kê của Bộ giáo dục cho biết các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã thành lập 269 trường, 905 nhóm, lớp mầm non. Các cở sở này hàng năm đã giải quyết nhu cầu học tập cho hơn 125.000 trẻ (không phân biệt tôn giáo), chiếm tỷ lệ hơn 3% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc. Có những cá nhân, tổ chức tôn giáo đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.
Hai là: Công nhận thêm một số tôn giáo hoạt động (điều này đi ngược lại với một số điều trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền xong cũng là một điểm sáng mới) Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 13 tổ chức tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo mới.
Ba là: Việc in kinh sách phục vụ các tôn giáo cũng được tạo điều kiện. Theo thống kê của Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản 620 đầu sách của các tổ chức tôn giáo trong đó có 30.000 cuốn kinh thánh bằng các tiếng Bana, Êđê, Giarai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của tín đồ ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Việc in Kinh thánh bằng tiếng H’Mông cũng đang được nghiên cứu.
Bốn là: Đến nay, khoảng 70% các cơ sở tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các sinh hoạt tôn giáo như thực hiện lễ nghi, lễ hội tôn giáo, đặc biệt, những ngày lễ trọng như: Phật đản, Giáng sinh, Phục sinh… đều được tổ chức trọng thể.
3.2 Vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng
Trong 4 bản báo cáo chúng tôi đã đưa ra trong 4 quý vừa qua bao gồm:
Quý 1 (từ ngày 1/1 đến ngày 31/3) có ít nhất 7 vụ các cơ quan thuộc hệ thống Chính phủ Việt Nam đã xâm phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo.
Quý 2 (từ ngày 1/4 đến ngày 30/6) chúng tôi tiếp nhận thông tin có ít nhất 6 thông tin vi phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo.
Quý 3 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9) chúng tôi tổng hợp và tiếp nhận thông tin có 11 vụ vị phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo.
Quý 4 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/12) với 14 vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo
Các vụ vi phạm chính yếu thuộc về các nhóm tôn giáo nhỏ lẻ chưa được nhà nước công nhận như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Hội Thánh Tin Lành Mennonite, nhóm dân tộc thiểu số như H’mông, khu vực Tây Nguyên v.v
Những nhóm và những tổ chức tôn giáo này thường xuyên bị chính quyền gây sức ép như không được thực thi các nghi lễ tôn giáo, không được gặp gỡ tổ chức câu nguyện, không được tập trung. Thậm chí, với Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở Bến Cát – Bình Dương sự việc không dừng lại ở sách nhiễu thông thường mà còn đập phá cơ sở tôn giáo này hết sức nhẫn tâm. Gia đình mục sư Nguyễn Hồng Quang thường xuyên bị đe dọa nguy hiểm đến tính mạng…
Các tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo cũng không được tự do trong các hoạt động tôn giáo của mình, thường xuyên bị sách nhiễu mang tính chất cá nhân, đe dọa và gây sức ép với các tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo.
Bên cạnh đó, một số tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc như đạo Công giáo các linh mục thường xuyên bị quản lý chặt chẽ không được đến dâng lễ, thậm chí có những văn bản yêu cầu không được dâng lễ trong dịp Giáng Sinh.
Vấn đề đất đai của các cơ sở tôn giáo luôn gây nhức nhối: sự việc liên quan đến khu vực đất đai của chùa Liên Trì và đất Hồ Ba Giang thuộc quản lý của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà lại một lần nữa gây rung động dư luận, bất chấp sự phản đối của các chức sắc tôn giáo, các tín đồ và dư luận trong nước và ngoài nước những mảnh đất tôn giáo này vẫn bị chiếm dụng và vi phạm nghiêm trọng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với văn bản Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Các cơ sở tôn giáo được nhà nước bảo hộ”
Đặc biệt trong tháng 10 năm 2014 Hội Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo ra thông cáo báo chí về Dự án Quyền Tôn Giáo cho Quân nhân. Sau khi gửi thư cho tất cả các cơ quan, các văn phòng trực thuộc trung ương, văn phòng Quốc hội, Bộ Quốc Phòng, Ban Tuyên giáo và các đơn vị quân đội trên toàn đất nước Việt Nam yêu cầu cho các quân nhân đang theo một tôn giáo nào đó được thực thi nghi lễ tôn giáo của mình. Tuy nhiên, Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo chưa nhận được bất kỳ sự hồi âm nào từ phía các cơ quan này.

Phần 4: Các khuyến nghị
Một là: Cần xóa bỏ ngay nghị định 92 kìm hãm sự phát triển của tự do tôn giáo.
Hai là: Trả lại đất đai cho các cơ sở tôn giáo cũng như phải tôn trọng và bảo vệ các nơi thờ tự theo những gì Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định.
Ba là: Tôn trọng quyền tự do tôn giáo tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân là công dân, quân nhân và cả tù nhân. Đặc biệt với các nhóm tôn giáo nhỏ, yêu cầu nhà chính quyền công nhận để những tôn giáo đó được sinh hoạt tôn giáo bình thường và tôn trọng tôn giáo đó và tín đồ của họ.
Bốn là: Yêu cầu trả lời văn thư về quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng cho Quân nhân mà Hội Bảo Vệ Quyền Tự do Tôn giáo đã gửi đi trong tháng 10/2014 tới các cơ quan trực thuộc Chính Phủ, Văn Phòng Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng, các Quân khu, Quân đoàn và các đơn vị quân đội…
Mọi ý kiến đóng góp và phản hồi: Xin vui lòng gởi đến chúng tôi qua điện thư: quyentongiao@gmail.com.
Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo

Không có nhận xét nào: