Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Ẩn họa vùng biên giới Trung - Triều

Người dân Trung Quốc sống gần khu vực biên giới với CHDCND Triều Tiên đang đối mặt với những nguy cơ đe dọa đến sinh mạng.

 
Lính Triều Tiên canh gác tại biên giới với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo tờ South China Morning Post, các vụ án mạng gần đây do người Triều Tiên vượt biên gây ra đang khiến nhiều gia đình Trung Quốc phải rời bỏ nhà cửa tháo chạy. Mới nhất là vụ 4 người bị một binh sĩ Triều Tiên đào ngũ bắn chết cuối năm ngoái, khiến Bắc Kinh gửi công hàm phản đối đến Bình Nhưỡng. 



Vào đêm 28.12.2014, người lính biên phòng CHDCND Triều Tiên đã lẻn vào làng Nam Bình thuộc thị xã Hòa Long, Khu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên (Trung Quốc). Khu vực này nằm ở phía bắc sông Đồ Môn, nhìn sang tỉnh Bắc Hamkyong của Triều Tiên. Binh sĩ đào ngũ đã uy hiếp một số người dân để cướp tiền rồi bắn chết 4 người Trung Quốc, làm bị thương 1 người khác trước khi bỏ trốn sâu vào nội địa. Ngay sau đó, lực lượng an ninh Trung Quốc đã mở cuộc truy lùng gắt gao và cuối cùng đã tiêu diệt thủ phạm. Án mạng nghiêm trọng xảy ra không lâu sau khi một người Triều Tiên dùng dùi cui đánh chết 3 thành viên trong một gia đình cũng ở Nam Bình để cướp 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng). South China Morning Post dẫn lời giới chức địa phương cho biết hơn 20 cư dân Nam Bình đã bị sát hại trong những năm gần đây.


Theo Yonhap, Trung Quốc và truyền thông nước này ban đầu giữ kín các vụ việc trên. “Chính quyền Trung Quốc đã tích cực làm việc với phía Triều Tiên để giải quyết và hai bên đồng ý xử lý kín đáo”, một nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, đến tháng 1.2015, một số tờ báo Trung Quốc đăng tải rộng rãi và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã gửi công hàm phản đối, đồng thời cho biết “sẽ xử lý theo pháp luật”.

“Tình hình nghiêm trọng”


Theo các chuyên gia Hàn Quốc, tình trạng mất an ninh ở khu vực biên giới Trung - Triều có thể là bằng chứng cho thấy tâm lý bất ổn và đời sống khó khăn của các đơn vị biên phòng miền Bắc. Ngoài việc tìm kiếm lương thực, họ còn vượt biên để trộm cướp tiền bạc. South China Morning Post dẫn lời Giáo sư quan hệ quốc tế Kang Dong-wan tại Đại học Dong-a Busan (Hàn Quốc) nhận định: “Hối lộ từng là nguồn thu nhập lớn của lính biên phòng Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và ra lệnh siết chặt kỷ luật, các đơn vị này trở nên thiếu thốn và làm liều”. 


Biên giới Trung - Triều trải dài từ sông Áp Lục ở phía tây qua núi Baekdu và đi dọc theo sông Đồ Môn ở phía đông. Sông này hiện đang đóng băng giúp binh sĩ Triều Tiên dễ xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc hơn và càng làm gia tăng sự lo sợ trong các cộng đồng dân cư. Nhiều người đã phải dọn nhà khỏi những nơi gần khu vực binh sĩ Triều Tiên đồn trú. Theo tờ Dong-A Ilbo, sau khi nhận công hàm từ láng giềng, Bình Nhưỡng đang “tái sắp xếp” lực lượng ở biên giới còn Bắc Kinh cũng đã có những động thái tăng cường an ninh. 


Mới đây, tờ China Daily đưa tin chính quyền Diên Biên đã thành lập một “hệ thống phòng thủ quân - dân sự”, tuyển dụng và huấn luyện một đội ngũ dân phòng bán quân sự tuần tra liên tục. Ngoài ra, cứ 10 hộ gia đình sẽ lập ra một tổ an ninh riêng trong khi máy quay giám sát được lắp đặt tại các khu vực gần sát biên giới cũng như trong các làng. 


Nhiều chuyên gia nhận định tình trạng “sống trong sợ hãi” của người dân đang tạo ra sức ép lớn đối với nhà chức trách Trung Quốc trong việc quản lý đường biên giới dài 1.400 km với Triều Tiên cũng như ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 láng giềng đồng minh này. Reuters dẫn lời chuyên gia Trương Liên Quế thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc nhận định: “Tình hình biên giới đang rất nghiêm trọng. Việc người CHDCND Triều Tiên vượt biên vào Trung Quốc cho thấy việc kiểm soát biên giới của nước này đang có vấn đề. Dường như họ đang rất lơ là”. Theo ông, còn quá sớm để đánh giá tình trạng hiện nay có gây căng thẳng ngoại giao lâu dài hay không. Tuy nhiên, “người dân tại các khu vực biên giới đang rất hoang mang. Nếu nói không có ảnh hưởng gì đến quan hệ hai bên thì quá xa rời thực tế”.

Bất an gần căn cứ quân sự
Cuộc sống của người dân gần các căn cứ quân sự nước ngoài không phải lúc nào cũng an toàn. Theo Đài RT ngày 22.1, Ủy ban Điều tra Armenia thông báo binh sĩ Nga Valery Permyakov đã nhận tội sát hại một gia đình 7 thành viên ở nước này. Permyakov đang đồn trú trong một căn cứ quân sự Nga gần Gyumri, thành phố lớn thứ hai của Armenia. Binh sĩ này hôm 12.1 đã bỏ gác xông vào nhà dân và bắn chết 7 người, trong đó có 1 em bé 6 tháng tuổi. Một phái đoàn Nga do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Arkady Bahini phải lập tức tới Gyumri để phối hợp điều tra. Nhà chức trách chưa cho biết động cơ gây án. Mặt khác, bất đồng về việc thủ phạm bị xét xử ở đâu cũng đang gây căng thẳng giữa 2 đồng minh chiến lược này và hồi tuần trước đã xảy ra một cuộc biểu tình phản đối Nga hiếm hoi tại Gyumri, theo RT.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây cũng xảy ra các vụ lính Mỹ đồn trú lẻn khỏi căn cứ để cướp tiền, giết người và cưỡng bức phụ nữ, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối lớn, theo AFP. Các thủ phạm đều bị xét xử và lĩnh án nặng nhưng những vụ án trên vẫn gây áp lực lớn lên chính quyền sở tại và Mỹ về việc duy trì căn cứ quân sự.


Trùng Quang

Không có nhận xét nào: