Pages

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Đặc khu Phú Quốc sẽ bị 'siết' bởi cơ chế trung ương tập quyền?

VNTB: "Chính quyền ở đặc khu kinh tế hành chính có quyền rất lớn, có những việc ở đây Chính phủ phải quyết định chứ tỉnh không được quyết, và có những việc Quốc hội phải quyết chứ Chính phủ không quyết được", Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định "đổi mới được hay không là ở chỗ này".

Lại thêm một dấu ấn nữa đáng chú ý và rất không nên bỏ qua việc phân tích 'thời tiết chính trị" liên quan đến "chỉ đạo” trên của ông Nguyễn Sinh Hùng - một nhân vật đứng chân trong "bộ tứ" Việt Nam.


Dư luận hoài nghi: "Đặc khu kinh tế hành chính" mà ông Hùng đề cập chỉ là một khái niệm chung hay muốn hàm ý về những khu vực cụ thể nào?


Nếu ý chỉ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về dành hẳn một chương trong Luật tổ chức chính quyền địa phương để quản lý loại hình đặc khu kinh tế hành chính, dĩ nhiên Đặc khu kinh tế hành chính Phú Quốc vừa được thành lập cũng phải nằm trong "tầm ngắm" của Quốc hội, Chính phủ và khi cần có thể bị chế tài bởi cơ chế trung ương tập quyền.


Cần nhắc lại, vào tháng 9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đô thị loại 2.


Theo BBC, tại Kiên Giang, ông Nguyễn Tấn Dũng từng làm bí thư Huyện Hà Tiên, sau thăng chức làm phó bí thư rồi bí thư Tỉnh ủy. Ông cũng từng là chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Nơi đây được cho là có nhiều thành phần ủng hộ ông Dũng.


Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hồi tháng Ba năm 2014 đã được Bộ Chính trị luân chuyển về tỉnh Kiên Giang làm phó bí thư Tỉnh ủy.


Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận "chủ trương đầu tư" một dự án có casino tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.


Hiện tại Việt Nam chưa có luật liên quan đến hoạt động casino và mới chỉ có dự thảo nghị định do Bộ Tài chính trình Chính phủ từ tháng 8/2014.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đưa đặc khu kinh tế - hành chính vào luật


"Đặc khu kinh tế - hành chính có quyền rất lớn, có những việc Chính phủ phải quyết định chứ tỉnh không được quyết".


Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trong Dự thảo luật tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và ý kiến còn rất khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, phương án quận, phường không tổ chức HĐND, chuyển các chức năng đại diện, giám sát, quyết định vấn đề ở địa phương cho HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm và phương án thiết kế chính quyền địa phương vẫn phải theo hướng tổ chức các cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính đều chưa thật sự thuyết phục.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị trước mắt, cần giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng có HĐND và UBND. Cũng có các ý kiến đề nghị cần phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị và nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn.

chu-tich-qh-5150-1421739318.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị 2 phương án tiếp thu, chỉnh lý. 

Phương án một là ở nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại tỉnh, huyện, xã; ở đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Theo ông Lý, việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án một thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính nông thôn với đô thị theo như yêu cầu đã nêu trong Hiến pháp năm 2013. Việc tổ chức chính quyền hai cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của nhân dân. 

Phương án hai là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị. Điều này thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này thì cần điều chỉnh lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp mới.

"Thường trực Ủy ban pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án 1. Dự thảo Luật cũng đang được thiết kế theo phương án 1", ông Lý cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tờ trình của Ủy ban Pháp luật chưa toát lên được vấn đề, các cấp chính quyền địa phương chưa rõ. Theo quy định, ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó có chính quyền, và từ chính quyền mới tổ chức thành các cấp chính quyền (2 cấp, 3 cấp, 4 cấp). Các cấp chính quyền lại phải được tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo.

"Luật chưa nói câu nào về hải đảo. Ở những đảo tổ chức thành xã, huyện thì có hội đồng nhân dân không, tổ chức như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đặc khu hành chính kinh tế cũng cần phải làm rõ trong luật, xem ở những đặc khu này có phải là một cấp chính quyền hay không.

"Chính quyền ở đặc khu kinh tế hành chính có quyền rất lớn, có những việc ở đây Chính phủ phải quyết định chứ tỉnh không được quyết, và có những việc Quốc hội phải quyết chứ Chính phủ không quyết được", Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định "đổi mới được hay không là ở chỗ này".

Giải trình trước Thường vụ, ông Phan Trung Lý cho biết, Dự thảo luật do Chính phủ trình không đưa vào phạm vi điều chỉnh quy định về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà để Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của Việt Nam nên trong Luật tổ chức chính quyền địa phương cần quy định một số nội dung có tính nguyên tắc về vấn đề này.

"Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật này một chương quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó xác định tính chất của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này… Còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó", ông Lý cho hay.
(Nguồn VnExpress)

Không có nhận xét nào: