Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Ngô Nhân Dụng – Chống độc quyền tư pháp của một đảng

1“Các bà mẹ bị oan ức, hãy đoàn kết lại!” Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam có thể phát động lời kêu gọi đó, thay cho khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” của Karl Marx ai cũng biết là hoàn toàn trống rỗng, giả dối.
Trong nước Việt Nam bây giờ, các bà mẹ, các bà vợ đang lo chồng, con có thể chết oan ức, cần kết hợp lại cùng tranh đấu. Phải lật đổ một guồng máy tư pháp vô hồn, tham nhũng, thối nát nằm trong bàn tay đảng Cộng sản, đã kết tội tử hình bao nhiêu người oan uổng, đã dung túng bao cảnh người bị bắt vào đồn công an đánh chết, rồi báo tin nạn nhân tự dưng treo cổ chết.

Bà Nguyễn Thị Loan, người mẹ của tử tội Hồ Duy Hải đã bắt đầu cuộc chiến đấu này, suốt bẩy năm qua, và đã khiến guồng máy tàn bạo, bất nhân bị lay chuyển. Cuộc hành trình của bà từ Thủ Thừa, Long An, ra tới Hà Nội, đi lại nhiều lần, cần được phổ biến cho tất cả phụ nữ trên thế giới biết. Cũng như mọi người đã ca ngợi cuộc hành trình của bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ người tù vì lương tâm Đinh Nguyên Kha, khi bà đi khắp thế giới vận động đòi tự do cho con. Hai bà mẹ cùng xuất thân từ quận Thủ Thừa là những tấm gương cho các phụ nữ nước ta muốn bảo vệ chồng, con của mình khỏi bị bộ máy kìm kẹp nhân danh công lý của đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 2008 hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị cắt cổ chết. Hai tháng sau, anh Hồ Duy Hải, lúc đó 22 tuổi, bị truy tố là thủ phạm. Tòa sơ thẩm (Long An) và phúc thẩm (Sài Gòn) đã kết án tử hình, mặc dầu không đủ chứng cớ để kết tội anh, ngoài những “lời thú tội.” Nhưng anh Hồ Duy Hải cho biết bản văn tự thú đó hoàn toàn do công an bầy ra bắt anh ký. Anh đã phải ký sau khi bị tra tấn quá không chịu nổi.
Các phiên tòa trên đều bất chấp những quy tắc sơ đảng của pháp luật. Biên bản khám nghiệm nơi xẩy ra vụ giết người của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An cho biết có rất nhiều dấu vết: dấu chân trên sàn nhà, dấu tay dính máu trên cửa và các dấu vân ngón tay trên chiếc gối đè mặt một nạn nhân, trên kính cửa buồng ngủ, cánh cửa nhà vệ sinh, vòi nước rửa tay, trên thanh sắt cài cửa sau, trên công tắc điện, vân vân. Phòng giảo nghiệm thấy không một dấu ngón tay nào giống 10 dấu ngón tay của Hồ Duy Hải.
Các bản cáo trạng trong tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều mô tả chi tiết hành vi giết người của hung thủ, đập đầu nạn nhân bằng cái thớt và cắt cổ bằng con dao, cả hai thứ có sẵn trong bệnh xá. Nhưng công an không đưa ra các tang vật trên mà lại sai một nhân viên bưu điện ra chợ mua con dao và cái thớt về  nộp làm tang chứng khi xử án.  Bà Loan còn cho biết có “một nhân chứng cho biết không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại nơi xẩy ra vụ giết người, nhưng trước tòa án công an vẫn khai là người đó có thấy.” Bà Loan nói rằng nhân chứng này vẫn còn sống và sẵn sàng đứng ra làm chứng điều này.”
Mỗi năm bà Nguyễn Thị Loan lại ra “Văn phòng tiếp dân” của chính quyền cộng sản ở Hà Nội, cầm băng rôn kêu oan hàng tháng rồi đi về, chứ không được ai tiếp nhận đơn. Ngày 25 tháng 11 vừa qua, cán bộ tỉnh đến bảo bà rằng họ sắp tiêm thuốc độc giết con bà để thi hành án tử hình, họ bảo gia đình chỉ cần làm đơn xin nhận xác, hoặc không nhận. Trong cơn tuyệt vọng bà Nguyễn Thị Loan ra Hà Nội một lần nữa, nơi bà đã đến gõ cửa nhiều lần nhưng chỉ gặp những cánh cổng vô tình. Bà tới Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội dự lễ cầu nguyện cho con, tay nâng tấm bảng viết: “Con tôi vô tội! Con tôi không giết người!” Bà đã được báo Lao Động phỏng vấn và được nhiều bloggers đưa tin, hỗ trợ. Cuối cùng, nhờ công lao vận động của bà mẹ và dư luận sôi nổi khắp nước, ngày 4 tháng 12, phó chánh án tòa Long An đã ký giấy hoãn việc chích thuốc độc giết Hồ Duy Hải, đáng lẽ thi hành vào ngày hôm sau. Chỉ hoãn, không hứa hẹn điều tra lại, xét xử lại. Cái án tử hình vẫn treo trên đầu chàng thanh niên 29 tuổi.
“Dư luận ở Long An từ lâu đã đồn rằng, Hải phải chết thay cho người khác vì vụ đó dính dáng đến nhiều người ở trên cao to lắm.” Một blogger đã viết như thế. Nếu những dấu vân ngón tay tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì của ai? Tại sao cảnh sát công an điều tra không đi tìm những người bị nghi ngờ khác, có thể mang những dấu ngón tay đó? Chắc chắn cơ quan điều tra đã biết những ngón tay đó là của ai rồi. Trong bẩy năm qua, bao nhiêu cơ quan thẩm quyền tiếp tục nhơn nhơn ngậm miệng, trong khi người mẹ có đứa con mang án tử hình chạy khắp nơi kêu cứu. Bà Nguyễn Thị Loan đã quyết tâm không để cho đứa con mình chết thay cho một hoặc nhiều hung thủ đang nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật. Cả bộ máy tư pháp, từ công an, viện kiểm sát tới quan tòa được dùng để bảo vệ một quan chức lớn hay một đại gia nào đó. Điều đáng kinh tởm là nhiều tờ báo đã nhận được lệnh là không được viết gì về vụ Hồ Duy Hải.
Bà Nguyễn Thị Loan sẽ còn tiếp tục cuộc tranh đấu, không phải chỉ để cứu sống con trai bà, mà còn muốn cứu chồng, con của bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác. Bà Loan nói: “Tôi ra trước quốc hội cũng không ai cho tôi nói hết… Tới trước tòa tôi cũng bị công an đuổi. Tôi đi đến đâu khiếu kiện và biểu tình thì công an đều đuổi tôi đi. Không ai giải quyết cho con tôi hết. Nếu ai cũng im lặng và bỏ qua thì rồi có thể một ngày nào đó, con cháu bạn cũng sẽ là một nạn nhân như Hồ Duy Hải.”
Lời kêu gọi của Bà Nguyễn Thị Loan sẽ có nhiều người hưởng ứng vì thông cảm. Báo chí đã loan tin rất nhiều vụ án oan khuất. Ông Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng bị cáo buộc giết một thiếu tá công an để cướp xe máy buổi tối năm 2007, ở Hải Phòng. Blogger Nguyễn Tường Thụy vẫn theo dõi vụ này. Nguyễn Văn Chưởng, 31 tuổi, đã chứng minh được rằng lúc xảy ra vụ giết người thì ông ở xa chỗ đó tới 40 cây số. Nhiều người bạn và em trai anh làm chứng vào lúc xẩy ra vụ giết người, từ 19 giờ đến hơn 21 giờ ngày 14 tháng 7, 2007, Chưởng đang gặp những ai, đi nhậu với ai. Ðặc biệt trong thời gian xảy ra vụ án, số điện thoại 0974863087 của Chưởng có rất nhiều lần gọi đến và gọi đi. Nhưng khi cung cấp bảng kê các cú điện thoại đó, họ cũng lờ không nhận.
Nguyễn Trọng Ðoàn, em trai Chưởng kể rằng bị công an bắt, “Còng tay xong, họ thay nhau đấm đá em, bắt em phải khai là anh em sáng 15 tháng 7, 2007, mới nhà về thì họ mới thả em. Không chịu được những trận đòn trí mạng, Nguyễn Trọng Ðoàn đành phải khai theo sự chỉ đạo của cán bộ điều tra. Nhưng sau đó Đoàn cũng bị đưa ra tòa và xử hai năm tù chỉ vì muốn thanh minh cho anh, gây trở ngại cho guồng máy tư pháp đảng Cộng sản.
Chưởng kể với phóng viên báo Người Ðưa Tin: Những vết tích khi bị tra tấn, chịu nhục hình vẫn in hằn trên thân thể em. Không chỉ dùng hình với em, họ còn đe dọa lấy tính mạng người thân trong gia đình em. Lúc đó em chỉ có một suy nghĩ là cần hy sinh để bảo vệ người thân và không còn cách nào khác là phải nghe theo họ.
Năm 2005 xẩy ra vụ ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang bị kết tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” rồi bị cả Toà án Bắc Giang lẫn Tòa án Tối cao tuyên án tử hình hai lần. Ông Long tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội, nhưng ông đành “nhận tội” với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa. Cho đến nay, dù sau gần 10 năm bị bắt, tử tù Long vẫn không ngừng kêu oan. Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Long, vẫn thay chồng đều đặn gửi đơn, thư “gõ cửa” không biết bao nhiêu cơ quan, thuộc lòng từng địa chỉ. Bà nói:
“Tối hôm xảy ra vụ án, tôi ở nhà với chồng, tận mắt thấy chồng đi xát gạo về rồi ăn cơm với cả nhà thì làm sao anh ấy gây án được?”
Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng ở Bắc Giang đã được trả tự do vào đầu tháng 11, sau 10 năm thi hành bản án chung thân về “tội giết người.” Ông được tòa tuyên bố vô tội sau khi thủ phạm thật sự đã ra đầu thú. Ông nói đã bắt buộc phải nhận tội sau khi bị cán bộ công an tra tấn. Nên nhớ rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn UNCAT. Nhưng trong tất cả các vụ án oan khuất trên đây, công an cộng sản vẫn dùng tra tấn, nhục hình kết án, giết người vô tội.
Một vụ án từ năm 1998 cũng mới được xét lại. Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận bị cáo buộc giết người cướp của. Ông bị tù chung thân dù đã khai bị điều tra viên đánh đập, mớm cung, ép cung. Bây giờ người ta công nhận trong việc khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu giữ được số vật chứng, như ổ khóa nhà nạn nhân và một chỉ vàng 24K bị cướp, và cả sợi dây ông Nén đã “khai” dùng để siết cổ nạn nhân, sau khi bị đánh đập. Các lời khai nhận tội cũngmâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của con bà Bông và một số nhân chứng khác.
Những vụ điều tra gian dối, xử án oan ức trên đây chỉ là những thí dụ cho thấy cả guồng máy tư pháp tại Việt Nam là một đảng mafia nhỏ nằm trong đảng mafia lớn là đảng Cộng sản. Bắt người vô tội vào đồn công an đánh đến chết. Ngụy tạo tang chứng. Nhắm mắt, bịt tai không nghe không nhìn sự thật. Cả guồng máy tư pháp chỉ được sử dụng để bảo vệ quyền hành của đảng và quyền lợi các đảng viên, từ lớn đến nhỏ. Đây chỉ là một hậu quả của chủ trương chuyên chính vô sản mà ông Karl Marx đã đề nghị trước đây 160 năm mà chính ông không thể tưởng tượng nó sẽ biến hóa thế nào. Khi một nhóm người chiếm độc quyền cai trị cả nước, tự tung tự tác hơn nửa thế kỷ, thì guồng máy chuyên chế đó chắc chắn sẽ sinh ra những đám mafia thao túng tất cả các lãnh vực, từ kinh tế, văn hóa, chính trị đến tư pháp, bất chấp đạo đức cũng như công lý.
Ai có khả năng lật đổ guồng máy tư pháp mafia này? Những người như bà Nguyễn Thị Loan mẹ anh Hồ Duy Hải bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Hàn Đức Long, hay bà Nguyễn Thị Kim Liên mẹ anh Đinh Nguyên Kha, có thể đứng lên tranh đấu, nhân danh các bà mẹ, các bà vợ bảo vệ mạng sống và tự do của con, của chồng mình. Các bà mẹ oan ức có thể cứu bao nhiêu nạn nhân vô tội có thể bị nền tư pháp mafia giết trong tương lai.

Không có nhận xét nào: