Pages

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

CIA: công trạng hay tội phạm?

Việt-Long - RFA

pentagon-on-fire

Một góc Ngũ Giác Đài trong biển lửa, 11 tháng 9, 2011
Courtesy of 911review.org



Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ phổ biến một bản báo cáo, đưa ra ánh sáng những hành động bị coi là phi pháp, tàn nhẫn của CIA đối với những kẻ khủng bố thuộc tổ chức khủng bố toàn cầu Al Qaeda.
Bản báo cáo chỉ trích CIA đã không trình bày đầy đủ với các thanh tra, với quốc hội và hành pháp mức độ tàn bạo của các cuộc thẩm vấn.
Nghị sĩ Diane Feinstein, chủ tịch Ủy ban, nói trước Thượng Viện rằng kỹ thuật của CIA "trong một số trường hợp đã lên tới mức "tra tấn."
Điều gì biện minh cho những hành động đó? Tại sao một quốc gia tự hào đi hàng đầu tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền của tất cả loài người lại có thể có những hành động vô nhân đạo, phản nhân quyền ?

Cứu cánh và phương tiện

Trước khi diễn ra kế hoạch thẩm vấn này của CIA, các luật sư của CIA đã viết trong một tài liệu luân lưu nội bộ rằng nếu phương pháp thẩm vấn cứu được nhiều sinh mạng con người thì sẽ dễ dàng bào chữa trước cáo buộc tra tấn.
Về bối cảnh, CIA đã làm như vậy từ sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2011 trong đó quân khủng bố lao những chiếc máy bay chở hành khách vào hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tại New York, vào Lầu năm góc và một chiếc bay về Washington nhưng rơi ở Pensylvania; trận khủng bố giết chết tổng cộng 2996 người ở ba nơi. Quân khủng bố reo mừng "chiến thắng" và huênh hoang tuyên bố tiếp tục tiến hành các âm mưu khủng bố tàn bạo và tinh vi hơn.
twin-towers
Tháp đôi WTC trong núi lửa khi hai phi cơ Boeing chở 157 hành khách lao vào môt tầng cao
Tuy nhiên, không một lý do hay mục đích nào có thể biện minh cho những hành động đó của cơ quan CIA, dù trong bất kỳ tình thế nào. Bối cảnh tình thế nước Mỹ không biện minh được cho hành động của CIA, nhưng nói về nguyên do, thì đó là nguyên do của hành vi thẩm vấn mà trước đó chưa từng diễn ra ở mức độ "tra tấn" kinh hoàng như vậy.
Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ cũng có lưu ý đến vấn đề trách nhiệm của Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhà lãnh đạo quốc gia đứng đầu ngành hành pháp trong thời gian đó.  Báo cáo viết rằng Tổng thống Bush chấp thuận công việc đó của CIA vào năm 2002, nhưng đến năm 2006 CIA mới báo cáo những chi tiết về chương trình này cho Tổng thống. Lúc ấy Tổng thống Bush đã tỏ ra rất khó chịu  trước hình ảnh của một can phạm bị đối xử tàn nhẫn.

Bị lên án vì "công trạng"?

Từ phía những người bị quy trách, các cựu viên chức của chính phủ Bush đều chỉ trích bản báo cáo này trước khi nó được phổ biến công khai, trong thời gian quốc hội tham khảo ý kiến mọi phía chính quyền về việc có nên và có cần đưa tất cả chi tiết của vụ việc ra trước công luận quốc tế hay không. Một số dân cử của quốc hội Hoa Kỳ phản đối sự tiết lộ như vậy, vì nó sẽ đem tới ác cảm, hận thù Mỹ của phe Hồi giáo cực đoan và lực lượng chống Mỹ trên thế giới, tạo thêm lý do cho những trận trả thù ngày càng tàn bạo hơn.
Cựu Phó Tổng thống Dick Cheney gọi sự tố cáo và lên án hành động của CIA chỉ là một mớ những điều tầm phào, và những hành động của CIA hoàn toàn có thể được biện minh với lý do tình thế cấp bách trước nguy cơ tấn công khủng bố bằng vũ khí tàn sát, vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đất nước và người dân Hoa Kỳ.
Các cựu Giám đốc CIA gồm George Tenet, Porter Goss, Michael Hayden cùng ba cựu phó giám đốc viết trên tờ Wall Street Journal rằng bản báo cáo của Thượng Viện đã sai lạc khi nói là CIA đã lừa dối Tổng thống về các hành động sau ngày 11 tháng 9, 2011; cuộc điều tra phiến diện chỉ nhắm vào một mặt của vấn đề, với những sai sót về dữ kiện và cách diễn tả; cuộc điều tra và bản báo cáo  chủ yếu chỉ là cuộc tấn công chính trị vì phe đảng, mục tiêu bị tấn công là một cơ quan đã làm được nhiều việc nhất để bảo vệ nước Mỹ sau trận khủng bố 11 tháng 9.
6 cựu lãnh đạo CIA cho rằng chương trình thẩm vấn đó đã giúp phá vỡ bao nhiêu kế hoạch khủng bố vào nước Mỹ và nước khác, như vụ đánh bom bẩn của Padilla do Abu Zubaydah khai báo, âm mưu tấn công tòa lãnh sự Mỹ ở Karachi, âm mưu tấn công phi trường Heathrow của Anh, và nhất là đã dẫn tới việc giết được trùm khủng bố Bin Laden... Họ nói không có chương trình đó thì nước Mỹ, nước Anh củng nhiều nước khác đã phải tổn thất hằng chục ngàn thậm chí hằng trăm ngàn người nữa.
Cựu giám đốc CIA Michael Hayden nói trên đài Fox News rằng công tác thẩm vấn gần 100 can phạm đã đưa đến 8 ngàn trang tin tức tình báo, tạo nên nền đá tảng chứa một nửa phần kiến thức của ngành an ninh tình báo Mỹ về Al-Qaeda, mà đến nay vẫn dựa vào đó để làm việc.  Ông nói bản báo cáo do đảng Dân Chủ dẫn đạo đã bỏ qua tình thế lúc đó, là người Mỹ đang hết sức lo ngại về một cuộc tấn công
collapsed
Một người Mỹ thẫn thờ với chiếc bình chữa lửa cỏn con, trước đống vụn của hai tòa tháp đôi hùng vĩ
tiếp nối cuộc khủng bố 11 tháng 9 ở New York, Washington. Ông nói sau khi CIA đem lại sự an toàn cho dân Mỹ thì người ta lại bắt đầu chỉ trích CIA làm việc quá đáng, và bản báo cáo không chính xác chút nào khi cho rằng hành vi tra tấn không đem lại được tin tình báo nào, ai ai có can dự đến chương trình thẩm vấn đó cũng không tưởng tưởng được bằng cách nào mà Ủy ban điều tra đi đến kết luận như vậy.  Một nhân viên cao cấp của CIA nói với đài Fox là khi Khalid Sheikh Mohammed, kẻ bị cho là chủ mưu vụ khủng bố 11 tháng 9, đến lúc sụp đổ tinh thần, đã cung cấp hơn 2 ngàn báo cáo tình báo.
Báo cáo của Thượng Viện Mỹ cho thấy nhiều tin tức liên quan đã được nắm giữ trước khi thẩm vấn những tội phạm được nêu tên, và đó là điều bị các cựu giám đốc CIA cực lực phủ nhận.

Nguyên lý của dân chủ tự do

Tuy nhiên, nhìn lại, các chính quyền độc tài thường áp dụng lối biện minh theo kiểu "thời gian cấp bách, phải tìm ra ngay đồng lõa" hay, "hành vi tàn bạo của can phạm gây tang thương cho hằng trăm, hằng ngàn gia đình, chẳng lẽ không đáng bị đối xử tàn nhẫn, mà gọi là tàn nhẫn thì vẫn chưa bằng một phần nhỏ hậu quả tội ác của chúng gây ra"... vân vân.  Vì thế chuyện tra tấn tàn bạo, ngay cả giết chóc nghi can cũng trở nên chuyện thường tình, xảy ra hằng ngày ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng thử hỏi một chính quyền chính đáng có thể làm theo hành động của những kẻ độc tài tàn ác từng giết hằng ngàn người bằng những hình thức mà chúng tự biện minh bằng mục đích cách mạng, thành quả cách mạng,  hay có thể dùng phương pháp của bọn khủng bố như giết người, chôn sống tập thể, hành quyết công khai... được không?
Trong dư luận Mỹ cũng có ý kiến rằng đối với những kẻ khủng bố từng giết hằng ngàn người Mỹ, dám cắt cổ người Mỹ công khai, thì hỏi cung bằng cách trấn nước, bắt đứng hằng giờ trên cái chân bị thương của chúng, giam trong xà lim nóng bỏng hay rét lạnh, không cho ngủ hằng trăm giờ liên tục... đã thấm thía gì!
Nhưng cho dù những kẻ này có giúp thêm chi tiết cho những công trạng chống khủng bố thì cũng không thể lấy đó để biện minh cho hành động phạm pháp. Đó là nguyên lý của một nước dân chủ tự do, thượng tôn luật pháp.
Dù sao chăng nữa, giữa những mâu thuẫn đến mức náo nhiệt trong chính trường và công luận Hoa Kỳ, nếu đánh giá nước Mỹ sau những diễn tiến quanh hoạt động của CIA lần này, có lẽ vẫn phải ghi một số điểm tốt cho xứ sở Hoa Kỳ.
Mỹ là nước duy nhất trên hoàn cầu dám đem ra ánh sáng trước cả thế giới những việc làm của cính họ mà bị cho là sai trái đối với kẻ thù từng tấn công tàn sát hằng ngàn dân Mỹ.
Và nước Mỹ sẽ có biện pháp học hỏi, sửa chữa, chấn chỉnh những lỗi lầm đó, để vẫn xứng đáng là một quốc gia dân chủ, tự do, làm mẫu mực cho thế giới
.

Không có nhận xét nào: