Pages

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Trúc Giang MN – Chiều hướng bế tắc của phong trào dân chủ Hồng Kông


Gần 700.000 người Hong Kong biểu tình trong “đêm không ngủ” tại quảng trường trung tâm
1* Mở bài
Ngày 27-9-2014, hàng trăm ngàn sinh viên và trí thức Hồng Kông phát động một cuộc biểu tình đòi dân chủ, cụ thể là đòi phổ thông đầu phiếu, quyền tự do ứng cử và bầu cử, chống lại chủ trương đảng cử dân bầu, sẽ được tổ chức vào năm 2017 cho chức vụ Đặc Khu Trưởng Hồng Kông. Cuộc “cách mạng ô dù” chủ trương “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” (Occupy Central) tức là chiếm giữ khu trung tâm kinh tế tài chánh để làm áp lực đòi dân chủ.

Truyền thông quốc tế chú ý đến sự kiện dân chủ nầy, đặc biệt là một trong những nhân vật lãnh đạo là một học sinh mới có 18 tuổi tên là Hoàng Chí Phong (Joshua Wong Chi-fung)
Có nhiều cái nhìn khác nhau về sự kiện nầy, nhưng nếu nhìn dưới con mắt bi quan thì thấy phong trào dân chủ nầy sẽ đi vào ngỏ cụt, bế tắc và sau cùng là tự tan rả.
Những câu hỏi khó trả lời báo hiệu cho sự thất bại có thể xảy ra.
Nếu chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục làm ngơ, im hơi lặng tiếng thì sao?
Nếu đương kim Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh từ chức hoặc bị cách chức rồi sao nữa?
Nếu cái đám mafia tay sai Bắc Kinh tấn công mãi thì sẽ ra sao?
Nếu hoạt động kinh tế thương mại chủ yếu nầy của Hồng Kông bị tác hại, kéo theo đời sống của người lao động bị tác hại theo do biểu tình gây ra, rồi thì sao nữa?
2* Nếu chính quyền Bắc Kinh tiếp tục làm ngơ thì sao?
Cuộc biểu tình ở Hồng Kông là một loại đấu tranh từ xa, tác động gián tiếp đối với chính quyền ở Bắc Kinh. Hơn nữa, hệ thống kềm kẹp của bộ máy đảng ở Bắc Kinh khống chế tất cả mọi sinh hoạt của người dân. Cơ quan, đoàn thể nhỏ lớn nào của nhà nước và của tư nhân đều có các tổ chức của đảng kiểm tra, theo dõi, nhất cử nhất động gì bất lợi cho nhà nước thì bị phá vở từ trứng nước.
Các chi bộ đảng ở mọi đơn vị, ban ngành từ cấp xã, quận huyện, tỉnh thành là tai mắt của đảng. Công an, bộ đội là công cụ của “chuyên chính vô sản” sẵn sàng trấn áp để bảo vệ chế độ độc tài nầy.
Ở quân đội, ngoài thủ trưởng đơn vị là đảng viên, còn có những đảng viên trong chức vụ ủy viên chính trị từ cấp đại đội đến cấp sư đoàn. Toàn thể quân đội đặt dưới quyền lãnh đạo chỉ huy của đảng ở chức vụ quân ủy trung ương.
Ở khu phố thì có tổ dân phố, phường đội, công an khu vực thường xuyên kiểm tra hộ khẩu. Ở trường học thì có đội thiếu niên, đoàn thanh niên, chi bộ đảng…
Tóm lại, chế độ cộng sản có khả năng kềm kẹp và trấn áp nhân dân, cho nên biểu tình ở Hồng Kông không có tác động mạnh đến nổi làm cho chính quyền Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Vì thế Trung Cộng lục địa có thể kéo dài thời gian làm ngơ, im hơi lặng tiếng trước đấu tranh ở Hồng Kông để nó tự đi vào ngõ cụt, bế tắc. Tuy làm ngơ nhưng tung ra những đòn độc là gia tăng việc tấn công của đám tay sai xã hội đen ở địa phương. Việc nầy người Việt Nam đều biết rõ là Việt Cộng đã dùng bọn xì ke ma túy, bọn đầu gấu, du côn du đảng tấn công vào các nhà thờ, các nhà bất đồng chính kiến…
3* Nếu Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh từ chức hoặc bị cách chức thì sao nữa?
Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh
Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh
Mũi tấn công chính của cách mạng ô dù không phải chỉa trực tiếp vào ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh (Chun-Ying Leung) vì ông ta không có quyền quyết định về chính sách của Hồng Kông. Người biểu tình đòi ông ta từ chức vì ông không đứng về phe đòi dân chủ, cho dù ông ta bị Bắc Kinh thí chốt đi nữa thì cũng không giải quyết được gì. Người mới, được bầu lên cũng giống như ông ta thôi, bởi vì luật bầu cử rất phức tạp và có nhiều kẽ hở để Hoa lục tung hoành theo ý muốn của họ.
Luật bầu chức vụ Đặc Khu Trưởng
  • Chức Đặc Khu Trưởng được bầu bởi một ủy ban 1,200 người chớ không do toàn dân bầu lên.
  • Ứng cử viên phải được 150 phiếu đề cử của Ủy Ban Bầu Cử. Đa số người trong ủy ban nầy có liên hệ với Trung Cộng về chính trị hoặc về kinh tế. Do đó những người không được Bắc Kinh chấp nhận thì bị loại ra.
Phe dân chủ cho rằng chức vụ nầy chỉ do một thiểu số bầu ra. Họ đấu tranh để có một cuộc “phổ thông đầu phiếu” tức là cuộc bầu cử công khai, rộng rãi cho tất cả mọi thành phần dân tộc tham dự, không phân biệt sắc tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo…Cuộc bầu cử phải được tổ chức vào ngày chủ nhật. Tự do ứng cử và bầu cử.
4* Nếu hoạt động kinh tế Hồng Kông bế tắc thì tai hại vô cùng
                            Phe phản đối sinh viên biểu tình có nhiều người lao động
Vũ khí duy nhất của phong trào dân chủ là biểu tình, nhưng kéo dài biểu tình có tác dụng ngược to lớn, đó là tác hại đến việc giao dịch của Hồng Kông trên trường quốc tế và trực tiếp tác hại đến đời sống của người lao động, làm việc ngày nào thì có ăn ngày đó, không làm thì thiếu ăn. Nhà giàu thì có tiền bạc, của cải dư thừa dự trữ.
Cho dù Hoàng Chí Phong có đến Bắc Kinh đối mặt với Tập Cận Bình thì cũng không có kết quả như ý muốn bởi vì đàm phán trong thế yếu.
Muốn hiểu rõ bản chất của chế độ Cộng Sản thì cần phóng một cái nhìn về tổng thể tàn bạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa, từ vụ Cải Cách Ruộng Đất, Cách Mạng Văn Hóa, Thiên An Môn, Pháp Luân Công, nhất là phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989.
5* Phong trào dân chủ
5.1. “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” (Occupy Central)
Phong trào dân chủ có tên là “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” (Occupy Central), tên đầy đủ là “Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình” (Occupy Central with Love and Peace). Tên gọi tắt là “Hoà Bình Chiếm Trung”.
Trung Hoàn (Central) là tên của khu kinh tế và tài chánh trung ương của Hồng Kông.
Phong trào dân chủ phát động những cuộc biểu tình bất bạo động để chiếm giữ trung tâm tài chánh nầy với mục đích đấu tranh đòi phổ thông đầu phiếu và quyền được đề cử ứng cử viên vào chức vụ lãnh đạo Hồng Kông.
Cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 27-9-2014 vừa qua.
5.2. Nhận xét về cuộc biểu tình
Tờ New York Times mô tả cuộc biểu tình ở Hồng Kông không có một người lãnh đạo nào nhưng có tổ chức cực cao. Người biểu tình hành xử rất lịch thiệp và hòa bình.
Hoàn toàn không có hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác. Những người xuống đường đó được đài BBC cho rằng sạch sẽ quá độ.
Báo Slate magazine cho họ là “những người lịch sự nhất thế giới”. “Đây không phải là những người chỉ có lý tưởng, mà họ là những nhà hoạt động hiểu biết, mà hiểu được cách đấu tranh bất bạo động mang đến thắng lợi”.
6* Thủ lãnh cuộc biểu tình
6.1. Joshua Wong Chi-fung
Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) sinh ngày 13-10-1996 là nhà hoạt động thanh niên Hồng Kông.Năm 14 tuổi sáng lập nhóm Học Dân Tư Triều. Wong cũng là người chủ trương cầm đầu cuộc biểu tình tại Hồng Kông năm 2014, còn gợi là “cách mạng ô dù”.
Wong chịu ảnh hưởng của cha mẹ, từ nhỏ đã thích tham gia hoạt động xã hội.
Ngày 20-5-2011 anh cùng với một học sinh trung học khác têm Lâm Lương Ngạn (Ivan Lam) thành lập phong trào “Học Dân Tư Triều” mục đích đòi sinh viên có tiếng nói chính trị.
Nhóm nầy chống lại một môn học mới có tên “Giáo dục Luân lý và Quốc gia”. Họ tuyên bố: “Chúng tôi không để bị nhồi sọ”, và 120 ngàn sinh viên học sinh xuống đường biểu tình khiến cho môn học được bãi bỏ.
Tháng 8 năm 2014, Wong được nhận vào Đại học Mở, theo học môn chính trị và hành chánh công.
Ngày 26-9-2014, Wong cùng với 74 sinh viên bị bắt. Hàng trăm sinh viên tràn vào sân tổng hành dinh chính phủ, những người khác được thả, riêng Wong bị giam 2 ngày.
Tờ The Wall Street Journal gọi Wong là bộ mặt tiêu biểu của cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Anh viết một cuốn sách tựa đề I am not a Hero (Tôi không phải là anh hùng).
6.2. Tổ chức “Học Dân Tư Triều” (Scholarism)
1). Thành lập
Học Dân Tư Triều là một phong trào tư tưởng của những người có học thức (Scholarism) được một nhóm học sinh trung học thành lập ngày 29-5-2011. Lãnh đạo của nhóm nầy là Hoàng Chí Phong (Joshua Wong).
Trung Cộng cho nhóm nấy là nhóm quá khích và Hoàng Chí Phong cho biết là tên của anh bị cho vào sổ bìa đen về an ninh quốc gia.
2). Hoạt động
Nhóm nầy phản đối chương trình giáo dục đạo đức quốc dân, cổ vũ tinh thần yêu nước yêu Chủ nghĩa Cộng Sản. Đó là chương trình hồi sọ của các đảng Cộng Sản, cho rằng yêu nước là phải yêu CNCS. Đảng CS là tổ quốc, là dân tộc…nhìn bản copy ở Việt Nam thì biết được bản chánh ở Trung Cộng. Chương trình nầy do Cục Giáo dục HK đề xuất.
Nhóm của Hoàng Chí Phong phối hợp với các tổ chức phụ huynh học sinh và Liên đoàn Giái viên chuyên nghiệp, huy động hàng chục ngàn người biểu tình, cắm trại 10 ngày tại công trường bên ngoài Văn phòng của chính quyền trung ương của Hoa lục kể từ ngày 7-9-2012.
Cuối cùng Đặc Khu Trưởng HK, Lương Chấn Anh, phải rút lại chương trình nầy.
7* Trung Cộng dùng Mafia chống người biểu tình
                   Băng đảng xã hội đen Tam Hoàng chống lại sinh viên biểu tình
Ngày 4-10-2014, trên các cơ quan truyền thông, thời sự quốc tế nổi bật vẫn là cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng Hồng Kông, nhưng đã bị bọn côn đồ tấn công.
Nhật báo Libération (Pháp) nêu nghi vấn, Bắc Kinh đã dùng băng đảng xã hội đen tấn công người biểu tình đòi dân chủ qua bài viết “Mafia Trung Quốc trở lại Hongkong”. Thông tín viên tại chỗ tường thuật như sau: “Hàng trăm côn đồ, có tổ chức, mang khẩu trang giấu mặt, được thành phần thân Bắc Kinh xử dụng để tấn công vào nhóm sinh viên biểu tình ngồi. Những chiếc lều của khoảng 30 sinh viên đang cắm trại tại khu thương mại Mongkok đã bị phá hủy. Những hàng rào bảo vệ sinh viên cũng bị quân vô lại đạp đổ. Họ không ngừng chửi rủa người biểu tình”. Cảnh sát không phản ứng. Đám đông thét lên “Cảnh sát đã đồng phạm với mafia”.
Một nhiếp ảnh viên trẻ, 28 tuổi, có mặt lên tiếng: “Đó chính là mafia. Tôi nhận ra hành vi của họ, giọng nói và lời lẽ lăng mạ không phải là giọng của người Hongkong, mà họ đến từ Hoa lục”. Anh ta cho biết “Cảnh sát và chính quyền đều nhắm mắt làm ngơ” để cho bọn côn đồ ra tay.
Người Hồng Kông cho biết, đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh mượn tay mafia bịt miệng người đối kháng. Trước kia, hồi tháng hai năm 2014, phóng viên của tờ Minh Báo Hongkong đã bị một gã đội mũ bảo hiểm đâm một nhát ngay giữa ban ngày, vì anh ta viết bài đòi dân chủ.
Về người lãnh đạo Hồng Kông, Lương Chấn Anh (Chun-ying Leung) tờ Le Monde phân tích, ông là đối tượng công kích của người biểu tình. Người Hongkong cảm thấy họ bị ông nầy phản bội vì họ đã bầu ông lên để đại diện cho người dân Hồng Kông.
8* Tổng quát về Hồng Kông
8.1. Một quốc gia hai chế độ
Một quốc gia hai chế độ (Nhất quốc lưỡng chế) là chủ trương được Đặng Tiểu Bình đề xuất trong quá trình tái thống nhất Trung Quốc đầu thập niên 1980.
Họ Đặng mong muốn thành lập một quốc gia duy nhất nhưng các phần lãnh thổ độc lập như Hồng Kông, Macao và Đài Loan có thể duy trì hệ thống kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản, còn Trung Hoa đại lục thì nằm dưới chế độ XHCN.
Theo chủ trương nầy thì mỗi khu vực tiếp tục hệ thống chính trị riêng. Các vấn đề pháp lý, kinh tế, tài chánh bao gồm các hiệp ước thương mại và văn hóa với nước ngoài được hưởng một số quyền nhất định.
Về ngoại giao thì các quốc gia khác chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa lục mà thôi.
8.2. Về Hồng Kông và Ma Cao
Năm 1984 Đặng Tiểu Bình đưa ra nguyên tắc áp dụng cho Hồng Kông (HK) trong cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher về tương lai của HK sau khi hết thời gian cho thuê vào năm 1997, nguyên tắc có nội dung như sau: “Sau khi thống nhất đất nước, dù Chủ nghĩa Xã hội được áp dụng ở Trung Quốc lục địa, nhưng Hồng Kông và Ma Cao duy trì hệ thống của họ với quyền tự quyết cho đến 50 năm sau là năm 2047. (1997+50=2047)
1). Bộ luật căn bản của Hồng Kông
Chương 1. Điều 5 của Luật Hồng Kông quy định: Hệ thống chính sách XHCN không được thi hành tại Đặc khu hành chánh Hồng Kông. Hệ thống và cách sống tư bản chủ nghĩa trước đây vẫn không thay đổi trong 50 năm. Khu vực nầy gọi là Đặc khu Hành chánh SAR. (SAR=Special Administrative Region).
Chánh quyền Hoa lục chịu trách nhiệm về quốc phòng và ngoại giao.
Hồng Kông được duy trì về các mặt như sau: Duy trì chế độ chính trị – Hệ thống pháp luật – Lực lượng cảnh sát – Chế độ tiền tệ – Chính sách hải quan và chính sách nhập cư – Hệ thống xuất bản và báo chí – Hệ thống giáo dục của Anh – Các đại diện trong những tổ chức đảng phái và các sự kiện quốc tế.
Tóm lại Hoa lục chỉ chịu trách nhiệm về quốc phòng và ngoại giao mà thôi.
2). Vài nét về lịch sử Hồng Kông
                     Khu huy                        Cờ Hồng Kông
Hồng Kông là một quần đảo gồm có 260 đảo nhỏ. Hồng Kông dưới quyền cai trị của Anh từ năm 1842.
Thời thực dân Anh.
Năm 1839, nhà Thanh từ chối cho nhập cảng thuốc phiện nên nổ ra cuộc Chiến tranh Nha phiến. Quân Anh chiếm Hồng Kông từ ngày 20-1-1841.
Dưới sự cai trị của người Anh, dân số HK tăng lên không ngừng từ 7,450 tăng lên tới 123,754 gồm người Hoa và người Âu châu. Năm 1894, nạn dịch hạch từ lục địa tràn vào Hồng Kông làm chết khoảng 100,000 người.
Nhật Bản xâm chiếm Hồng Kông.
Ngày 8-12-1941, Đế quốc Nhật xâm chiếm HK. Năm 1945 Nhật đầu hàng đồng minh, Anh Quốc chiếm lại HK nhưng dân số chỉ còn khoảng 600,000, vì nạn đói xảy ra làm chết gần một triệu người trong thời Nhật cai trị.
Dân số HK lại gia tăng nhanh chóng, do dân chạy nạn trong cuộc nội chiến giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Sau khi Cộng Sản nắm quyền cai trị thì những đợt sóng người chạy trốn Cộng Sản lại đổ về Hồng Kông.
3). Kinh tế Hồng Kông
Hồng Kông có ít đất và tài nguyên cho nên phải nhập cảng thực phẩm và nguyên liệu. Kinh tế HK chủ yếu là dịch vụ. HK là trung tâm tài chánh lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2006 có 114 quốc gia đặt lãnh sự quán ở HK, lớn hơn tất cả những thành phố trên thế giới.
Năm 2013, lợi tức trung bình đầu người (GDP/per capita) là 38,142 USD, đứng hạng 14. Đương nhiên là cao hơn Hoa lục.
Lợi tức trung bình đầu người tính bằng USD năm 2013 của một số quốc gia quen thuộc do Ngân hàng Thế giới (WB) xếp như sau:
Úc : 67,468 USD . Singapore: 55,182 . Hoa Kỳ: 53,143 . Canada: 51,958 . Đức: 45,085 .New Zealand: 41,556 . Pháp: 41,421 . Anh Quốc: 39,337 . Nhật: 38,492 . Do Thái: 36,151 . Ý: 34,619 . Hàn Quốc: 25,977 . Malaysia: 10,514 . Trung Quốc: 6,807 . Thái Lan: 5,779 . Philippines: 2,765 . Việt Nam: 1,911 . Lào: 1,646 . Ấn Độ: 1,499 . Cambodia: 1,008 USD.
Lợi tức trung bình đầu người bằng tổng sản lương quốc gia (GDP) chia cho tổng số dân cư, vì thế nước nào quá đông dân như Ấn Độ có lợi tức trung bình thấp.
4). Dân số và ngôn ngữ Hồng Kông
Dân số: 7 triệu. Ngôn ngữ chính là tiếng Quan Thoại. (Ngôn ngữ Hoa lục là tiếng Phổ Thông)
Tuổi thọ trung bình của người Hồng Kông là 81.6 (2006) cao thứ 5 thế giới.
5). Kiến trúc Hồng Kông
Đất đai chật hẹp. Thành phố nầy trở thành một trung tâm kiến trúc hiện đại nhất với những tòa nhà chọc trời dày đặc của các cơ sở kinh tế, thương mại. 4 trong 15 tòa nhà chọc trời được xếp vào hạng cao nhất thế giới
6). Quân đội
Hồng Kông chưa bao giờ có quân đội riêng vì lãnh thổ nầy chưa bao giờ là một nhà nước có chủ quyền cả.
Trước kia quân đội Anh đóng quân ở những doanh trại trên khắp nơi, tài chánh do chính quyền Hồng Kông đài thọ. Người dân HK có thể gia nhập vào quân đội Anh.
Sau ngày 1-7-1997 quân đội Hoa lục đến thay thế quân đội Anh. Người dân HK không được tham gia quân đội.
Theo luật căn bản của Hồng Kông thì quân đội nầy không được can dự vào những công việc dân sự của Hồng Kông.
Một Hội đồng Quân sự Trung ương ở Trung Quốc chỉ huy lực lượng nầy.
THIÊN AN MÔN
Mặc dù cuộc biểu tình ở Hồng Kông không hoàn toàn giống sự kiện Thiên An Môn năm 1989, nhưng có hai điểm căn bản giống nhau là đòi dân chủ và đối tượng đấu tranh là đảng Cộng Sản Trung Hoa.
11* Người biểu tình vô danh
11.1. Tổng quát về bức ảnh
Trong hình chụp nổi tiếng này, một người biểu tình đơn độc, “Người biểu tình vô danh“, đứng chặn một đoàn xe tăng tại Bắc Kinh trong hơn nửa giờ ngày 5 tháng 6 năm 1989.
Hình do Jeff Widener (Associated Press) chụp.
Người biểu tình vô danh mà báo chí đặt cho cái tên là Unknown Rebel hay The Tank Man, là một biệt danh được biết đến trên khắp thế giới, được quay phim và chụp hình khi đứng trước một đoàn xe tăng gồm 17 chiếc trong sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989.
Đoạn phim ghi lại cho thấy người lái xe tăng cố ý tránh người nầy bằng cách lái xe vòng qua nhưng không khỏi vì anh ta chạy đến tiếp tục chận đầu xe.
Ngày nay hình ảnh nầy được xử dụng như một biểu tượng của đấu tranh vì dân chủ.
Tháng 4 năm 1998, tạp chí Time xếp người biểu tình vô danh nầy vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Năm 2004, một trong những bức ảnh chống xe tăng được xếp vào danh sách 100 bức ảnh làm thay đổi thế giới của tạp chí Life.
11.2. Bối cảnh của bức ảnh
Sự kiện diễn ra ngày 5-6-1989 trên đại lộ lớn tới quảng trường Thiên An Môn, cách khoảng một phút đi bộ.
Đó là ngày thứ nhì trong cuộc trấn áp biểu tình bằng bạo lực của chính quyền Bắc Kinh. Người thanh niên nầy, một mình đứng ngay giữa đường để chận đoàn xe tăng lại. Anh ta mang hai cái túi xách, mỗi bên vai một cái. Khi xe tăng dừng lại, anh ta ra dấu cho xe tăng quay đầu lại.
Trong khi đó, chiếc xe tăng dẫn đầu cố tránh anh ta bằng cách đi vòng qua một bên, nhưng anh ta bước nhanh đến đầu xe tăng.
Đoàn xe dừng lại, anh ta leo lên chiếc xe đầu và nói chuyện với người lái xe. Nội dung nói chuyện được thuật lại nhiều cách khác nhau: “Tại sao các anh lại đến đây?”. “Thành phố nầy trở thành một đống hỗn loạn là do lỗi của các anh”. “Quay đầu lại và ngừng ngay việc giết nhân dân của mình đi”. “Ra khỏi nơi đây đi!”.
Đoạn video cho thấy một vài người trong đám đông bên đường nhanh chân đưa anh ta ra khỏi đoàn xe tăng và biến mất trong đám đông.
Nhiều người cho rằng những người đó là công an mặc thường phục. Điều nầy cũng không có bằng chứng để xác nhận.
11.3. Danh tánh của người thanh niên
Một thời gian ngắn sau sự kiện Thiên An Môn, tờ Sunday Express (Anh) đã gọi người nầy tên là Wang Weilin (Vương Duy Lâm), một sinh viên 19 tuổi, đã bị buộc tội “côn đồ chính trị” và tội “ra sức chống phá Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc”.
Có nhiều giả thuyết về người thanh niên Tank Man nầy, chủ yếu là chính quyền Bắc Kinh phủ nhận tất cả mọi việc có liên quan đến anh ta.
Năm 1999, ông Bruce Herschensoln, phụ tá Tổng thống Richard Nixon, nói rằng người đàn ông nầy bị tử hình 14 ngày sau đó. (Theo điều 88 của bộ luật Hình Sự).
Hồi năm 1990, trả lời phỏng vấn của bà Barbara Walters, Giang Trạch Dân  nói ông không nghĩ rằng người đàn ông đó bị giết.
Không biết sự thật ra sao, nhưng nhìn vào số phận của Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, bị giam tại nhà cho đến chết, và gần cả chục ngàn sinh viên bị xe tăng cán nát thì biết số mạng của người dân bình thường vô danh đó chả có giá trị nào cả đối với Trung Cộng.
11.4. Giới trẻ Trung Cộng không biết gì về bức hình đó cả
Do hệ thống bưng bít thông tin của Cộng Sản, báo chí chỉ được quyền đi lề phải của chế độ, internet bị ngăn chặn những chữ như “dân chủ tự do”, “Thiên An Môn”…vì thế đa số thanh niên không biết gì về tấm hình đó cả.
Báo chí lề phải cho tấm hình đó được photo shop của máy vi tính thực hiện nhằm bôi bác chế độ ưu việt XHCN của các thế lực thù địch bên ngoài.
Mikhail Gorbachev Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Xô Viết đã nói về chế độ của ông như sau: “Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: “Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”
I have devoted half of my life for communism.
Today, I am sad to say that The Communist Party only spreads propaganda and deceives..
Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”
11.5. Những người chụp được tấm hình The Tank ManCó ba nhà báo chụp được tấm hình người đứng chặn đoàn xe tăng.
  1. Nhà báo Jeff Widener của báo Associated Press chụp từ balcon tầng 6 của khách sạn Bắc Kinh cách đó khoảng 800m. Máy Nikon FF2 có gắng ống kiếng chụp xa.
  2. Người thứ hai là nhà báo Stuart Franklin của tổ chức nhiếp ảnh quốc tế Magnum Photos, chụp từ tầng 5 của khách sạn Bắc Kinh. Cuồn phim của anh được một sinh viên Pháp giấu trong một hộp trà mang ra khỏi Trung Quốc.
  3. Người thứ bà là nhà báo Charlie Cole của tờ Newsweek, New York City, đứng cùng trên một balcon với nhà báo Stuart Franklin. Anh đã giấu cuốn phim trong phòng vệ sinh của khách sạn. Anh hy sinh hai cuồn phim chụp vể cảnh biểu tình của sinh viên bằng cách giao cho công an đột nhập vào phòng và lục lọi khắp nơi. Công an còn buộc anh phải ký giấy nhận tội.
Bức ảnh của Charlie Cole chiếm Giải thưởng Báo chí Thế giới, và đến năm 2003, bức ảnh được xếp vào danh sách 100 bức ảnh làm thay đổi thế giới của tạp chí Life.
12* Sự kiện Thiên An Môn
12.1. Nguyên nhân khởi đầu sự kiện
Nguyên nhân bắt đầu từ cái chết của Hồ Diệu Bang ngày 15-4-1989. Hồ Diệu Bang có đầu óc cấp tiến nên bị thành phần bảo thủ loại ra khỏi ban lãnh đạo bằng cách bị buộc phải từ chức năm 1989.
Trong điếu văn, đảng CSTQ cho biết, Hồ là người sáng suốt, nhận thức được sai lầm của mình nên đã từ chức sau khi biết lỗi.
Bài điếu văn gây bất bình trong quần chúng nhất là giới trí thừc, sinh viên. Một nhóm sinh viên Đại học Bắc Kinh mang vòng hoa đến đài liệt sĩ ở quảng trường Thiên An Môn. Đêm đó nhà nước ra lịnh lấy vòng hoa mang đi.
Ngày hôm sau, 3,000 sinh viên tuần hành vào Thiên An Môn với kiến nghị 7 điểm:
  1. Đảng Cộng Sản phục hồi danh dự cho Hồ Diệu Bang
  2. Chấm dứt tuyên truyền chống tiểu tư sản
  3. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận
  4. Tăng ngân sách giáo dục
  5. Cho phép biểu tình ôn hòa
  6. Chấm dứt tham nhũng và bao che tham nhũng
  7. Chấm dứt việc chính quyền dính líu vào các thương vụ bất chính
12.2. Diễn biến những cuộc biểu tình
1
Bản kiến nghị của sinh viên bị từ chối.
Ngày 18-4-1989
Ba mươi ngàn sinh viên tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn bất chấp lịnh giải tán của chính phủ.
Ngày 20-4-1989
Một đám đông tụ tập trước trụ sở Đảng trao vòng hoa tưởng niệm Hồ Diệu Bang cho lãnh đạo Đảng. Đám đông bị cảnh sát giải tán bằng dùi cui. Một số người bị bắt.
Ngày 21-4-1989
Số người tụ tập ở Thiên An Môn lên tới 200,000 người. Ủy Ban Đoàn Kết Sinh Viên được thành lập với hai đại diện là Vũ Khải (Wuer Kaixi) và Quang Đán (Wang Dan).
  Quang Đán (phải) theo học Đại học Columbia ở New York sau khi bị giam giữ nhiều năm
Một dàn loa phóng thanh được dựng lên với lời tuyên bố là “cuộc tuần hành cho dân chủ”. Các trường đại học được kêu gọi gởi đại diện đến tham gia. Bảy điểm kiến nghị của sinh viên được phổ biến rộng rãi đến quần chúng.
Nội dung cuộc biểu tình cũng được phổ biến cho dân chúng biết, gồm có: tuyệt thực, bãi khóa, biểu tình ngồi bất bạo động.
Báo chí lề phải cáo buộc sinh viên nổi loạn lật đổ chính quyền. Các trường đại học từ chối cung cấp danh sách giáo sư và sinh viên tham gia biểu tình theo yêu cầu của chính quyền.
Tin tức lan ra, tại các tỉnh cũng nổ ra những cuộc biểu tình như thế.
Ngày 27-4-1989
Một cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Trung Hoa diễn ra với trên 200,000 sinh viên từ 42 trường đại học, đã đi bộ 40km trên các ngã đường của Bắc Kinh.
Họ đã vượt qua 18 hàng rào của cảnh sát. Sinh viên bắt tay cảnh sát với thái độ thân mật. Hàng triệu người đứng hai bên đường chứng kiến. Họ đem thức ăn và nước uống cho đoàn biểu tình.
Tháng 5 năm 1989
Cuộc biểu tình ngày càng đông. Chính quyền vẫn không công nhận các đòi hỏi của sinh viên.
Ngày 13-5-1989
Cuộc tuyệt thực bắt đầu. Đài liệt sĩ ở Thiên An Môn trở thành trung tâm tuyệt thực. Sinh viên mang băng trên đầu với hai chữ “Tuyệt thực”. Họ mặc áo mang chữ “Không có dân chủ chúng tôi thà chết”.
Giáo sư đại học và gia đình sinh viên bắt đầu đổ vào quảng trường. Dân chúng mang mền và đồ ấm đến cho người biểu tình.
Cuộc tuyệt thực của sinh viên được nhân dân toàn quốc lên tiếng ủng hộ. Các công đoàn cũng tham gia.
Đến ngày tuyệt thực thứ ba, số người lên tới 3,000. Có 600 người phải đưa vào bịnh viện cấp cứu.
Ngày thứ tư, hàng triệu người đổ ra trên các đường phố Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Bằng đồng ý đối thoại với sinh viên nhưng không có kết quả nào vì hai bên vẫn giữ vững lập trường. Lý Bằng gặp hai đại diện sinh viên là Vũ Khải và Quang Đán nhưng ông ta né tránh đề cặp tới yêu sách.
Đặng Tiểu Bình mất kiên nhẫn. Ông ta chỉ trích Lý Bằng về việc gặp các sinh viên. Lý Bằng bèn ban hành lịnh giới nghiêm và ra lịnh cho bộ đội tiến vào thành phố để tái lập trật tự.
Dù vậy, dân chúng vẫn xuống đường ủng hộ cuộc biểu tình.
Bộ đội tiến vào thành phố, gồm đơn vị từ miền xa là Quân đoàn 27. Họ bị cấm xem báo, nghe đài trước khi được huy động về Bắc Kinh.
Nguồn tin duy nhất mà họ nhận được là từ cơ quan tuyên truyền của Đảng. Tin tức cho rằng đó là một cuộc nổi loạn của bọn xấu, của các thế lực thù địch đối với nhân dân.
Trước sức ép nặng nề, đại diện sinh viên Quang Đán từ chức và kêu gọi chấm dứt biểu tình. Đại diện còn lại, Vũ Khải, cho biết anh ta sẽ tiếp tục tham gia cho đến ngày Quốc hội nhóm họp là 20-6-1989.
Ngày 30-5-1989
Một bức tượng được sinh viên đúc ra gọi là “Nữ thần Dân chủ”. Tượng được dựng lên ở quảng trường đối diện với tấm hình Mao Trạch Đông treo trước cổng.
                                 Tượng Nữ Thần Dân Chủ   Sinh viên tuyệt thực
12.3. Tắm máu Thiên An Môn
Ngày 3-6-1989, Thủ tướng Lý Bằng ban lịnh hành quân. Bộ đội dàn ra trên khắp các đường phố, đánh đập không nương tay và bắt giữ bất cứ những người nào kháng cự.
Quảng trường Thiên An Môn bị khóa chặt. Sinh viên hết đường chạy thoát.
Đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6 năm 1989.
Cảnh sát ném lựu đạn cay và đánh đập mọi người bằng dùi cui và roi điện. Tiếng súng nổ vang bên ngoài thành phố.
Lúc 2 giờ sáng
Xe thiết giáp ủi san bằng chướng ngại vật do sinh viên dựng lên. Bộ đội nã súng bắn thẳng vào sinh viên biểu tình. Từng đoàn xe tăng tiến vào quảng trường cán nát thây người.
Lịnh của chính quyền
  1. Bắn bỏ bất cứ ai kháng cự
  2. Quảng trường phải được dọn sạch sẽ trước khi trời sáng. (Sáng ngày 4-6 chỉ còn những vết máu ở quảng trường)
  3. Bắt giữ những người lãnh đạo biểu tình.
12.4. Đàn áp kéo dài
Cuộc đàn áp biểu tình kéo dài nhiều ngày sau đó. Các trường đại học bị lục soát, bộ đội nã súng vào bất cứ ai có thái độ khiêu khích hay cản đường
Có hơn 1,500 người bị bắt, trong đó có 6 lãnh đạo biểu tình trong danh sách 21 người bị truy nã. Nhiều người đã trốn được ra nước ngoài.
Sáng ngày 8-6-1989, chính quyền Trung Cộng tuyên bố thắng lợi vẻ vang vì đã dẹp xong “cuộc nổi loạn phản cách mạng.”
Những bộ đội từ chối tham gia cuộc tàn sát bị cho giải ngũ sau đó.
12.5. Số người chết
Nhiều nguồn tin đưa ra những con số khác nhau:
  • Tổ chức Hồng Thập Tự: 2,000 người bị giết, hơn 30,000 người bị thương.
  • Tình báo NATO: 7,000 người chết
  • Khối Xô Viết: 10,000 người chết
  • Hồng Thập Tự Trung Quốc: 2,600 người chết.
Việc thảm sát xảy ra ban đêm và được thu dọn sạch sẽ vào sáng ngày hôm sau, chế độ bưng bít có hệ thống của Cộng Sản nên không biết con số nào là chính xác. Nói chung, quân đội nhân dân đã chính tay giải phóng kiếp nô lệ của nhân dân, cho nên bất cứ danh hiệu nào có hai chữ “nhân dân” đều là lừa bịp cả.
Vụ thảm sát xảy ra khi Triệu Tử Dương làm Tổng bí thư đảng CSTQ. Đặng Tiểu Bình giữ chức vụ Quân Ủy Trung Ương và Lý Bằng làm Thủ tướng.
13* Phản ứng của đảng Cộng Sản Trung Hoa
13.1.  Bất đồng ý kiến trong Đảng
Đặng Tiểu Bình- Giang Trạch Dân và Lý Bằng
Ngày 24-4-1989
Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương đi thăm Bắc Hàn.
Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Đây không phải là một phong trào học sinh bình thường mà là một cuộc bạo loạn chính trị nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chế độ XHCN.
Ngày 26-4-1989
Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin “Phải có thái độ rõ ràng chống bạo loạn”.
Ngày 4-5-1989
Trong buổi tiếp khách quốc tế, Triệu Tử Dương tuyên bố: “Tình hình sẽ dịu dần, sẽ không có bạo loạn. Sinh viên không chống chế độ mà họ đòi hỏi chúng tôi khắc phục những biểu hiện xấu, nhất là nạn tham nhũng. Sau cùng ông kết luận, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, sáng suốt, kiềm chế, giải quyết vấn đề trong khuôn khổ dân chủ và luật pháp”.
Ngày 15-5-1989
Phái đoàn Liên Xô do Gorbachev dẫn đầu đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên sau một thời gian dài thù địch giữa hai nước. Đặng Tiểu Bình đề nghị tái lập quan hệ bình thường và “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”.
Ngày 17-5-1989
Triệu Tử Dương đưa ra một bản văn kêu gọi sinh viên đình chỉ tuyệt thực. Giữ gìn sức khỏe.
Ngày 20-5-1989
Lý Bằng ký lịnh giới nghiêm.
Ngày 3-6-1989 Lý Bằng ban lịnh hành quân.
Ngày 5-6-1989
Sau khi dẹp tan biểu tình chính quyền đưa ra một thông cáo: “Hơn một tháng nay, một số ít người có dã tâm cố ý gây bạo loạn, cuối cùng đã bạo loạn phản cách mạng. Trước tình trạng đó Quân Giai phóng Nhân dân buộc lòng phải ra tay thực hiện biện pháp kiên quyết trấn áp bạo loạn”.
13.2. Triệu Tử Dương bị khai trừ và quản thúc tại gia
                Hồi ký Người tù của nhà nước                     Triệu Tử Dương
Ngày 23 và 24 tháng 6 năm 1989, Đảng CSTQ họp Trung Ương lần thứ tư khóa XIII thông qua bản báo cáo về những sai lầm của Triệu Tử Dương trong vụ bạo loạn chống Đảng và chia rẽ Đảng.
Hội nghị quyết định cách chức Triệu Tử Dương ở những chức vụ: Tổng Bí Thư, Ủy viên Thường vụ Bộ CT, Ủy viên BCT, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng và đặt trong tình trạng tiếp tục điều tra. (quản thúc tại gia)
Đồng thời Hồ Khải Lập cũng bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị Đảng. Một số cán bộ cấp thấp cũng bị thanh trừng.
Hội nghị quyết định cử Giang Trạch Dân làm Tổng Bí Thư Đảng CSTQ.
14* Phản ứng của thế giới 25 năm sau thảm sát Thiên An Môn
14.1. Tại Liên Hiệp Quốc
Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, bà Navi Pilla
Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, bà Navi Pilla
Ngày 3-6-2014 Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, bà Navi Pilla kêu gọi Trung Quốc tiết lộ sự thật về sự kiện Thiên An Môn cách đây 25 năm, đồng thời bà cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc ngăn chặn các cuộc thảo luận trên mạng liên quan đến sự kiện nầy.
Bà Pilla đã từng giữ chức Thẩm phán Toà án Tối cao Nam Phi và Tòa Hình sự Quốc Tế (ICC), bà nhấn mạnh: “Vì lợi ích của nhân loại, sự thật chung quanh sự kiện Thiên An Môn cần được sáng tỏ. Thay vì dập tắt các hoạt động tưởng niệm, giới chức TQ nên khuyến khích các cuộc đối thoại và thảo luận để vượt qua di sản của quá khứ”.
14.2. Tại Hồng Kông
Hàng chục ngàn người thắp nến cầu nguyện tại công viên Victoria, Hồng Kông vào năm 2009 để đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày quân đội đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ tại Bắc Kinh
Hơn 180,000 người tham dự buổi thắp nến cầu nguyện và tưởng niệm những người bị giết ở Thiên An Môn. Tại công viên Victoria đám đông khổng lồ hô vang: “Minh oan cho sự kiện ngày 4-6!” (tiếng Hoa là Lục Tứ)
Công viên biến thành một biển đèn lấp lánh khi buổi thắp nến bắt đầu. Danh tánh những người bị giết vang lên trong loa phát thanh.
Trưởng ban tổ chức, Lee Cheuk-Yan, nói với đám đông: “Hãy để cho chủ tịch Tập Cận Bình nhìn thấy ánh sáng của những ngọn nến nầy. Tại Hongkong chúng ta tiếp tục đấu tranh cho đến cùng”.
14.3. Tại Hoa Kỳ
Tòa Bạch Ốc kêu gọi chính quyền Bắc Kinh giải trình về những người bị giết, bị bắt bị mất tích sau vụ thảm sát. Hoa Kỳ cũng cho biết, sẽ thúc giục chính quyền TQ bảo đảm các quyền phổ thông và quyền tự do căn bản vốn là quyền căn bản của người dân Trung Quốc.
14.4. Tại Đài Loan
Những người bất đồng chính kiến và đã chứng kiến vụ tàn sát, đã nói chuyện với một nhóm trên 500 người, tường thuật về hành động man rợ của bộ đội và công an.
Tổng thống Mã Anh Cửu đưa ra một thông cáo cho biết vụ Thiên An Môn là một “vết thương lịch sử quá lớn”. Ông kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng sửa chữa những sai lầm đã phạm phải để bảo đảm thảm kịch như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
14.5. Phản ứng của Trung Cộng
Bắc Kinh giận dữ trước thông cáo của Nhà Trắng và buộc tội: “Washington hoàn toàn không quan tâm đến sự thật. Họ đổ lỗi cho Trung Quốc mà không có lý do nào cả. Can thiệp sâu vào chuyện nội bộ của TQ là vi phạm nguyên tắc căn bản về mối quan hệ quốc tế”, phát ngôn viên Hồng Lổi tuyên bố như thế.
15* Kết luận
Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 thể hiện bản chất độc tài dã man, tàn bạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa, từ đó cho thấy việc biểu tình bất bạo động đòi dân chủ của sinh viên và người Hồng Kông khó đạt được kết quả mong muốn. Dù đòi hỏi rất đơn giản chỉ là cho thực hiện phổ thông đầu phiếu của chức vụ Đặc Khu Trưởng Hồng Kông vào năm 2017 sắp tới.
Biểu tình bất bạo động nằm trong quyền tự do ngôn luận, được tự do bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên có một số điều kiện mà biểu tình không được vi phạm, đó là: không được làm trở ngại giao thông, không được làm trở ngại các sinh của tư nhân, của xã hội như bịnh viện, trường học, chợ búa, việc buôn bán tư nhân. Nhất là không được làm hư hại tài sản quốc gia và tài sản cá nhân…
Biểu tình Hồng Kông năm 2014 không tránh khỏi những điều cấm nêu trên. Đó là lý do để chính quyền giải tán biểu tình.
Cuộc biểu tình chiếm giữ trung tâm kinh tế tài chánh Hồng Kông làm trở ngại sinh hoạt giao dịch của Hồng Kông với quốc tế. Từ đó tác hại đến đời sống của người dân. Vũ khí biểu tình càng lâu dài thì tác hại càng nhiều. Đó là bế tắc.
Tự do dân chủ là nguyện vọng chính đáng của loài người, cho nên mỗi người cần phải ủng hộ các phong trảo dân chủ, tham gia đấu tranh, trước mắt là đòi dân chủ tự do cho đồng bào Việt Nam trong nước.
Trúc Giang
Minnesota ngày 3-11-2014

Không có nhận xét nào: