Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Nga - phương Tây tính đáp trả nhau vụ tàu Mistral




Cùng với việc một nhóm nghị sĩ Mỹ đang hối thúc Tổng thư ký NATO mua các tàu đổ bộ Mistral Pháp đóng cho Nga thì Moscow cũng có kế của mình.

Theo AP, Pháp đang chịu sức ép nhằm hủy một thỏa thuận bán 2 tàu sân bay trực thăng và đổ bộ lớp Mistral cho Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014.
Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến sẽ phải đưa ra quyết định về hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD. Trong khi ông Hollande sáp đưa ra quyết định, 8 thành viên của hạ viện Mỹ đang thuyết phục ông về một phương án thay thế.
"Do gánh nặng tài chính mà Pháp có thể gặp phải nếu từ chối chuyển giao các tàu chiến đó cho Nga, chúng tôi kêu gọi NATO mua hoặc thuê các tàu này làm tài sản hải quân thông thường", 8 nghị sĩ của Mỹ viết trong một bức thư gửi tới tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.



Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral

Họ cũng gửi một lá thư tương tự tới người tiền nhiệm của ông Stoltenberg, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, và nói rằng các thành động của Nga tại Ukraine đã làm gia tăng kêu gọi của họ đối với phương Tây nhằm mua các tàu chiến Mistral.

Để đáp lại kế hoạch trên của phương Tây, Nga đã có đòn đáp trả. Theo hãng tin China News ngày 5/11 dẫn nguồn tin từ Đài tiếng nói nước Nga cho hay, một quan chức giấu tên của Ủy ban Hợp tác đối ngoại quân sự Nga hôm 4/11 tuyên bố, tàu sân bay Mistral mà Pháp đóng cho Nga sẽ không thể chuyển giao cho nước thứ ba, bởi trên con tàu này được lắp đặt các thiết bị của Nga.


Ông nói “tàu Mistral có một phần thuộc quyền sở hữu của Nga, nếu như không có sự đồng ý của Moscow, không ai có quyền được sử dụng”.


Vị quan chức này còn cho biết thêm, “tuyến cáp quang dùng trong hệ thống thông tin liên lạc trên tàu Mistral là của Nga sản xuất, chỉ khi nào Pháp tháo trả lại hệ thống này cho Nga thì họ mới có toàn quyền sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn tháo bỏ hệ thống cáp này, đồng nghĩa với việc phải dỡ bỏ toàn bộ con tàu”.


Theo Itar-Tass, hồi tháng 9/2014, Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin cũng từng cảnh báo, nếu Pháp hủy hợp đồng không giao tàu cho Nga thì họ cũng không được bán cho ai hay đem vào sử dụng mà phải phá hủy chúng đi. Lý do là một phần ba linh kiện của tàu là do Nga chế tạo.


"Trước hết, phần đuôi của Mistral đã được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Đó là lý do tại sao nếu họ muốn giữ con tàu, chúng ta sẽ buộc phải phá lấy đi phần đuôi của nó mang về Nga sử dụng cho các tàu khác", ông Rogozin nói.


Đòn đáp trả của Nga không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại Nga đang có kế hoạch hủy bỏ hợp đồng nếu việc bàn giao con tàu không đúng như kế hoạch để nhận bồi thường. Ngày 7/11, một thành viên cao cấp Hội đồng Liên bang Nga cho biết, nước này cần phải tính đến việc chấm dứt hợp đồng bàn giao 2 chiếc tàu sân bay chở trực thăng lớp Mistral do phía Pháp không thực hiện nghĩa vụ của họ.


“Liên bang Nga cần phải tự mình nêu vấn đề chấm dứt hợp đồng này, với tất cả những bồi thường thích hợp, do phía Pháp không thực hiện hợp đồng”, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Yevgeny Serebrennikov nêu quan điểm. Thượng nghị sỹ Serebrennikov cho biết thêm rằng: “Nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc này”.


Các quan chức điện Kremlin cũng khẳng định đã có phương án dự bị trong trường hợp thương vụ này bị hủy bỏ. Nếu Paris cương quyết không chịu giao tàu, Moscow sẽ rút tiền đặt cọc đã ứng trước cho doanh nghiệp Pháp và sử dụng tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng để tự đóng tàu đổ bộ có tính năng tương tự như Mistral.


Được biết, Nga đã ký hợp đồng với Pháp đóng 2 chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào tháng 6/2011 trị giá 1,6 tỉ USD. Theo kế hoạch, chiếc đầu tiên mang tên Vladivostok sẽ được bàn giao cho hải quân Nga vào cuối năm 2014, trong khi chiếc thứ 2, mang tên Sevastopol, sẽ được bàn giao vào năm 2015.


Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng này gặp nhiều rủi ro sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do nước này bị cáo buộc can dự vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Pháp đã nhùng nhằng nước đôi chưa chịu bàn giao chiếc tàu đầu tiên này cho Nga./Hòa Sơn - theo Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào: