Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Mỹ dùng dầu khí trị gấu Nga

(PL)- Kỹ thuật khai thác dầu khí hiện đại cho phép Mỹ không còn phụ thuộc năng lượng vào nước nào, trái lại còn có khả năng dùng dầu khí để trừng phạt đối thủ.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014, dòng vốn chảy ra khỏi Nga đã lên tới 76 tỉ USD, đầu tư nước ngoài giảm 50%. Trong bài viết “Liệu Tổng thống Putin có sống sót” trước làn sóng chống đối từ Mỹ và phương Tây, nhà nghiên cứu George Friedman, sáng lập viên - Chủ tịch công ty dự báo chiến lược Stratfor, nhận định việc giá dầu dù đạt mức cao 100 USD/thùng vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Đừng nói chi đến chuyện giá dầu giảm xuống mức trên dưới 80 USD/thùng như hiện nay. Có lẽ ông Putin cũng không ngờ dầu khí - vốn là vũ khí của Nga sử dụng để “nói chuyện” với Mỹ và châu Âu - nay lại trở thành vũ khí của Mỹ tấn công Moscow. Chuyện gì đang xảy ra?

“Vàng đen núp trong lớp đá cứng”

Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, song song quá trình khoa học kỹ thuật phát triển, con người phát hiện ra rằng dầu mỏ, khí đốt tồn tại trong tự nhiên “nhiều hơn họ tưởng tượng”. Tuy nhiên, lượng dầu khí này được che chắn, bảo vệ bởi các lớp đá phiến dày, ít thấm, lẫn lộn với nhiều tạp chất do quá trình vận động của môi trường lòng đất.

Do độ thấm và độ rỗng thấp của các lớp đá phiến nên không thể hình thành dòng chảy tự phát vào giếng khoan khai thác với lưu lượng thỏa mãn điều kiện kinh tế của các phương pháp khai thác truyền thống. Hiểu nôm na đây là “dầu khí phi truyền thống”, tức dầu khí bị “nhốt” trong đá phiến, hay gọi tắt là “dầu khí đá phiến”, rất khó được khai thác.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng dầu khí đá phiến có mặt tại Mỹ, Canada, Nga, Trung Quốc, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Số liệu thống kê từ Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy trữ lượng dầu đá phiến toàn thế giới là 345 tỉ thùng, trong khi trữ lượng khí đá phiến toàn thế giới là 206.000 tỉ m3. Mỹ là quốc gia có trữ lượng dầu và khí đá phiến trong tốp đầu thế giới.

Tuy trữ lượng dầu đá phiến chỉ chiếm 1/10 tổng trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới và trữ lượng khí đá phiến cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng trữ lượng khí đốt toàn thế giới nhưng đây cũng được xem là “vàng đen ẩn mình trong đá cứng” xét trong bối cảnh các nước ngày càng khát năng lượng và dầu khí trở thành một công cụ chính trị đối nội lẫn đối ngoại đắc lực, hiệu quả.

Câu hỏi lớn nhất mà Mỹ và nhiều nước phải giải đáp là làm sao đập vỡ đá để lấy vàng. Có rất nhiều thách thức để đi đến câu trả lời xác đáng, bao gồm thách thức về địa lý, kinh tế, pháp lý, môi trường… và quan trọng là khoa học kỹ thuật. Giám đốc kỹ thuật của Shell Matthias Bichsel tại Hội nghị EAGE vào năm 2013 cho rằng công nghệ trong lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến chưa được định hình. Ngay cả các nước có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí cũng chưa hoàn thiện về mặt nguyên liệu để chế tạo thiết bị khai thác; mô hình, kết cấu, tính năng, chất lượng các thiết bị khai thác…


Công nghệ mới đã biến dầu khí - vốn là vũ khí của Nga - nay trở thành vũ khí của Mỹ. Một số nhà phân tích năng lượng bắt đầu nghĩ tới khả năng Nga sẽ xuống nước ở Ukraine và các nơi khác nếu giá dầu sụp đổ. Ảnh minh họa: Kommersant
Siêu công nghệ của Chú Sam

Sở dĩ Mỹ có thể giảm giá dầu xuống mức thấp khiến nền kinh tế dầu khí Nga lao đao là nhờ Washington đã tìm ra, sử dụng công nghệ khai thác mới, bao gồm kỹ thuật khoan horizontal drilling, tức “khoan ngang”, kết hợp hoàn hảo với kỹ thuật khai thác hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking, tức “nứt vỡ thủy lực”.

Những năm trước đây, các nước vẫn quen với việc khai thác dầu khí theo kiểu truyền thống, tức sử dụng những dữ kiện từ phương pháp địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu. Tuy nhiên, việc “mò dầu” thường trúng phải các hố không dầu (dry holes). Đó là chưa kể phương pháp này dường như bị vô hiệu hóa trong khai thác dầu khí đá phiến. Việc bỏ tiền bạc, nhân lực, thời gian để khai thác dầu khí mang về hiệu suất thấp nên chẳng trách giá dầu có khi vượt mức 140 USD/thùng.

Cặp đôi hoàn hảo “khoan ngang” và “nứt vỡ thủy lực” có khả năng “bách phát bách trúng” trong suốt quá trình khai thác dầu khí đá phiến. Theo đó, người Mỹ dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu 1-3 km xuống dưới lòng đất. Mũi khoan được bẻ cua 90 độ, rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào ngang với bán kính 1-2 km, tiến tới các mục tiêu đá phiến chứa dầu nhỏ như chiếc bánh xe một cách chính xác.

Sau đó kỹ thuật “nứt vỡ thủy lực” cho phép hàng ngàn gallon hỗn hợp nước, cát và hóa chất (nước và cát chiếm 99,5%) được bơm thẳng xuống giếng ngang với áp lực cực cao. Đáng lưu ý là thành phần hóa chất trong hỗn hợp này thường được các công ty cung cấp dịch vụ khoan giữ kín. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được chuyển thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật khai thác này được kỹ sư dầu khí George Mitchell (Mỹ) - người sáng lập công ty Mitchell Energy & Development Corporatio nghiên cứu từ thập niên 1970 và áp dụng thành công trong những năm gần đây tại Mỹ.

Việc Mỹ áp dụng “siêu công nghệ” khai thác dầu khí trong đá phiến tại ba vùng có trữ lượng lớn như vùng Bakken (thuộc tiểu bang North Dakota), vùng Permian Basin gần Midland và vùng Eagle Ford (đều thuộc tiểu bang Texas) đã mang lại bước đại nhảy vọt về sản lượng dầu khí của Mỹ, đặc biệt kể từ năm 2011. Theo đó, lượng dầu hỏa tăng lên mức kỷ lục, đạt 46%. Năm 2013 mức sản xuất dầu của Mỹ là 7,5 triệu thùng dầu một ngày và con số này năm 2014 ước đạt 8,3 triệu thùng. Cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency dự báo đến năm 2020, Mỹ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11,6 triệu thùng dầu một ngày.

Tờ Diplomat dẫn một báo cáo của Công ty Kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers, phương pháp khai thác kiểu mới mà Chú Sam đang dùng có thể khiến giá dầu xuống thấp hơn 40% so với mức được dự kiến cho năm 2035 trước đây. Giá dầu thô sẽ còn thấp hơn 90 USD/thùng so với mức giá 145 USD/thùng vào năm 2008.

Nhà phân tích rủi ro của Allan & Associates có trụ sở tại Hong Kong Gavin Greenwood nhận định trên tờ Diplomat rằng chắc chắn phương pháp “đào ngang” kết hợp “vỡ thủy lực” sẽ giúp giảm chi phí khai thác dầu khí, chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ những nước hay có biến động. Và thực tế, nhận định của Gavin Greenwood đã được người Mỹ chứng minh một cách hùng hồn khi nước này tiến hành “tấn công” một đại gia ngành dầu khí - “Gấu Nga”.

Cuộc chiến dầu khí: Washington lật ngược thế cờ

Đầu tháng 11-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định sự thao túng chính trị đã kéo giá dầu thế giới liên tục giảm. Tuy ông Putin không đề cập đến ai nhưng những nhận định dựa trên các nghiên cứu cụ thể của nhiều chuyên gia chính trị quốc tế, trong đó có nhà kinh tế học Thomas Friedman, cho thấy Washington và Saudi Arabia đã bắt tay trở thành liên minh năng lượng đứng sau kịch bản giá dầu tuột dốc trong một khoảng thời gian dài nhằm trừng phạt Nga.

Mỹ muốn trừng phạt Nga để tạo nên sức ép chi phối đối với cục diện chính trị hiện tại ở Ukraine. Mặt khác, Saudi Arabia lại muốn dạy cho Nga một bài học để nhất cử lưỡng tiện vừa trừng phạt Nga dám giúp đỡ chính quyền Syria của Tổng thống Assad, vừa tấn công luôn cả kẻ thù địa chính trị là Iran, vốn cũng là một cường quốc dầu mỏ.

Giá dầu giảm, hoạt động sản xuất dầu tăng vọt của Mỹ đã thúc đẩy Washington cùng các đồng minh vững lòng hơn để áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào các cường quốc dầu khí như Nga và Iran mà không hề lo ngại sẽ mất lượng dầu nhập khẩu từ các quốc gia này. Mặt khác, trước việc giá dầu giảm, Nga lại phải đối mặt với viễn cảnh đánh mất đi sức nặng lá bài mặc cả dầu khí trước các lệnh cấm vận khắc nghiệt từ Washington và phương Tây.

Chính phủ Nga đã lập ngân sách ba năm với kỳ vọng giá dầu vẫn ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay Saudi Arabia lại quyết định ghim giá dầu thế giới với mức 80-90 USD/thùng, làm cho bài toán hoạch định chi thu của Nga cũng thay đổi theo đáng kể khiến kinh tế Nga chao đảo, gần tới mức suy thoái. Nếu giá dầu tiếp tục giảm trong thời gian dài thì sẽ có tác hại trầm trọng tới kinh tế Nga và làm tăng thâm hụt ngân sách.

Một số nhà phân tích năng lượng bắt đầu nghĩ tới khả năng Nga sẽ xuống nước ở Ukraine và các nơi khác nếu giá dầu sụp đổ. Bộ trưởng tài chính Nga cảnh báo rằng Nga có thể không còn đủ khả năng chi hàng tỉ đôla để nâng cấp các lực lượng vũ trang của mình theo một chương trình đã được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn.

Nga là nước đứng đầu với trữ lượng dầu đá phiến lên đến 75 tỉ thùng. Tiếp sau đó là Mỹ, Trung Quốc, Argentina và Libya với trữ lượng lần lượt là 58, 32, 27 và 26 tỉ thùng. Về khí đá phiến, Trung Quốc là nước đứng đầu với trữ lượng 32.000 tỉ m3. Theo sau là Argentina, Algeria, Mỹ và Canada với trữ lượng lần lượt là 23.000, 20.000, 19.000 và 16.000 tỉ m3.

ĐẠI THẮNG - TRUNG NHÂN

(Pháp Luật TP HCM)

Không có nhận xét nào: