Pages

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Hồng Kông : Một đất nước, một chế độ ?

Thụy My/ RFI
Cảnh sát và biểu tình Hong Kong ngày 18/10, ảnh lấy từ BBC
Liên quan đến Hồng Kông, Libération đăng bài viết của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) nhận định Occupy Central (Chiếm lĩnh Trung Hoàn), phong trào dân chủ mới được khởi động đúng một tháng tại Hồng Kông đã khiến thế giới chú ý đến vùng đất này.

Tuy vậy ý muốn nói lên tiếng nói của mình không hề là một ngạc nhiên đối với những ai đã và đang sống tại Hồng Kông. Đó là phản ánh một sự độc lập cao độ về tinh thần của đại đa số 7,5 triệu dân cựu thuộc địa Anh.

Điều hành lãnh thổ này từ 150 năm qua, chính quyền thuộc địa đã đối phó với nhiều cuộc biểu tình trong đó có phong trào cánh tả được một Trung Quốc mao-ít hỗ trợ vào mùa xuân 1967. Phong trào bạo động này đã gây ra khoảng năm chục nạn nhân.

Trưởng đại diện đầu tiên của Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa được Bắc Kinh bổ nhiệm năm 1997, năm nay đã 77 tuổi bất ngờ tái xuất hiện, kêu gọi « trở lại yên tĩnh », « đã đến lúc chấm dứt việc chiếm đóng ». Nay là Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, cơ quan tương đương Thượng viện mà ông là đại diện của Hồng Kông, Đổng Kiến Hoa xuất thân từ một gia đình Thượng Hải định cư ở Hồng Kông năm 1949, đã xây dựng nên cơ nghiệp với tập đoàn hàng hải OOCL.

Nhiệm kỳ của ông từ 1997 đến 2005 là một chuỗi thất bại liên tiếp, từ việc quản lý (dịch cúm gà, kinh tế) cho đến quan hệ với dân chúng, vốn rất lo ngại về quyền tự trị trước Bắc Kinh. Người kế nhiệm ông là Donald Tsang, bị gọi bằng biệt danh Donald Duck tức vịt Donald, cũng không nổi bật mấy dưới mắt người Hồng Kông.

Từ năm 2012, Lương Chấn Anh lên nắm quyền. Nhân vật 60 tuổi này lại còn quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh từ lúc còn trẻ. Người ta đồn rằng thậm chí ông ta còn là đảng viên bí mật hoạt động tại Hồng Kông trong thập niên 70. Điều mỉa mai là nay Lương Chấn Anh đang đứng ở đầu sóng ngọn gió, đối mặt với sinh viên.

Một nhà tài phiệt, một quan chức thuộc địa cũ, một người thân cộng. Đó là ba nhân vật đại diện cho ba phe phái đã điều hành Hồng Kông từ năm 1949. Cùng với những người thân tín, họ nắm quyền với giới ăn trên ngồi trước về chính trị và kinh tế. Từ năm mươi năm qua, Hồng Kông vẫn dành ưu đãi cho giới kinh doanh. Giới làm ăn luôn đứng về phía chính quyền, để bảo vệ quyền lợi của mình tại đặc khu cũng như ở Hoa lục.

Các tuyên bố của cộng đồng doanh nhân, phản ánh quan điểm của Bắc Kinh, đương nhiên không được cuộc Cách mạng những chiếc dù tán đồng. Phong trào này đại diện cho một thế hệ « hậu trao trả ». Ngược với các sinh viên thế hệ trước biểu tình ủng hộ sinh viên Hoa lục đòi dân chủ ở Thiên An Môn, lớp trẻ mới xuống đường vì tương lao của mình. 

Thế nhưng tương lại của Hồng Kông khó thể rạng rỡ như trong phát biểu của các lãnh đạo hay đại gia. Từ 20 năm qua, tại Trung Quốc đã nổi lên nhiều thành phố hay tỉnh lớn như Quảng Đông, Thâm Quyến, Thành Đô, Trùng Khánh, Đại Liên, Hàng Châu, Nam Kinh, và nhất là Thượng Hải. Trong khi Bắc Kinh điều hành về chính trị, Thượng Hải đang trở thành thủ đô kinh tế và tài chính của châu Á. Với dân số 24 triệu người, cơ sở kỹ nghệ, dịch vụ trên tất cả lãnh vực, sự nhạy bén thương mại, Thượng Hải trở thành người cạnh tranh đáng sợ đối với Hồng Kông đã bị mất đi độc quyền.

Bên cạnh nỗi lo về tương lai, người Hồng Kông cũng không muốn trở thành một « Thượng Hải phương nam », như cách đây hai chục năm, người ta nói về « Hồng Kông phương bắc ».Phong trào dân chủ là cơ hội cho Hồng Kông, giúp vùng đất này tìm lại linh hồn của mình và tiến vào tương lai.

Theo RFI

Không có nhận xét nào: