Pages

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Bao giờ bỏ được sổ hộ khẩu?

Khái niệm “bỏ sổ hộ khẩu” được hiểu là thay thế hình thức quản lý hộ khẩu cũ bằng hình thức mới tiên tiến hơn: dùng CMND thông minh. Muốn vậy, ngành công an phải nhanh chóng xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư

Sổ hộ khẩu đơn giản chỉ là giấy chứng nhận đăng ký thường trú của các hộ gia đình. Với mỗi quốc gia, việc đăng ký thường trú của công dân tại địa phương là cần thiết, không chỉ để quản lý cư trú mà còn để công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi của mình tại địa phương đăng ký. Phải có đăng ký cư trú thì chính quyền địa phương mới biết mình đang quản lý ai, dân số bao nhiêu, lực lượng lao động như thế nào…, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

“Thằng mù cõng thằng què”

Bất kỳ nước nào, với nhiều quy mô công nghệ quản lý khác nhau, cũng đều phải tiến hành quản lý cư trú công dân, tức là quản lý hộ khẩu. Khi sinh ra, mỗi công dân được cấp giấy chứng sinh, từ giấy chứng sinh sẽ làm giấy khai sinh và đăng ký hộ khẩu nơi cha mẹ cư trú. Thông thường, người ta chỉ quản lý danh tính công dân dưới 15 tuổi theo cha mẹ.
Hầu hết các thủ tục hành chính hiện nay đều cần đến hộ khẩu, CMND. Trong ảnh: Người dân đi đăng ký xe tại TP HCMảnh: Tấn Thạnh
Hầu hết các thủ tục hành chính hiện nay đều cần đến hộ khẩu, CMND. Trong ảnh: Người dân đi đăng ký xe tại TP HCM

Khi đăng ký hộ khẩu cho con, cơ quan đăng ký hộ khẩu địa phương yêu cầu cha mẹ xuất trình sổ hộ khẩu cùng CMND để xác thực danh tính. Thủ tục tương tự với các sự kiện hộ tịch khác, như: kết hôn, ly hôn, khai tử.... Như vậy, nói đến hộ khẩu không thể không nói đến mối quan hệ của nó với hệ CMND (để nhận biết danh tính cá nhân) và hệ hộ tịch (quản lý sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nhận con nuôi, quốc tịch, giới tính...).

Quyển sổ hộ khẩu chung cho cả hộ gia đình, trong đó có phân từng trang riêng cho mỗi cá nhân như hiện nay, là một hình thức quản lý thủ công nên có nhiều hạn chế. Sổ hộ khẩu cho phép cập nhật thông tin cư trú cùng lúc cho cả gia đình nhưng lại không có ảnh để nhận biết danh tính từng thành viên. Trong khi đó, CMND có ảnh, có vân tay để nhận biết danh tính cá nhân nhưng lại không cập nhật được nơi thường trú (nơi thường trú ghi trên CMND chỉ là nơi thường trú tại thời điểm cấp CMND). Vì vậy, khi giao dịch, người dân phải trình thêm CMND (cho người lớn) hoặc giấy khai sinh (cho trẻ em) thật bất tiện. Cách kết hợp theo kiểu “một thằng mù cõng một thằng què” như vậy là lỗi thời, cần thay đổi.

CMND thông minh

Vì vậy, khái niệm “bỏ sổ hộ khẩu” được hiểu là thay thế hình thức quản lý hộ khẩu cũ bằng hình thức mới tiên tiến hơn: dùng CMND thông minh. Tuy nhiên, để thay đổi theo hướng dùng CMND thông minh thay sổ hộ khẩu, ngành công an phải nhanh chóng xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư quy mô cả nước trên cơ sở điện tử hóa và kết nối 3 hệ: hệ CMND (bảo đảm danh tính công dân), hệ hộ khẩu (quản lý quá trình cư trú của công dân) và hệ hộ tịch (quản lý khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn, nhận con nuôi, quốc tịch, thay đổi họ tên, giới tính).

Có cơ sở dữ liệu dân cư, các cơ quan nhà nước làm dịch vụ công chỉ cần dựa vào số CMND (nếu có) hoặc theo vân tay (nếu không có CMND) là có thể nắm được đầy đủ thông tin về danh tính, quá trình cư trú, trạng thái hộ tịch của công dân đó thông qua truy cập mạng, tra cứu trên cơ sở dữ liệu dân cư. Giấy CMND khi đó vẫn cần để giao dịch, nếu có gắn chip điện tử thì có thể tự động cập nhật nơi cư trú, còn nếu dùng mã vạch thì cần phải cấp lại sau mỗi lần thay đổi nơi cư trú.

Rồi sẽ đến lúc ngay cả việc in CMND cũng do nhân dân tự in lấy từ chương trình máy tính có sẵn. Có thể hình dung quá trình bỏ sổ hộ khẩu cũng tương tự bỏ vé máy bay trong vận tải hàng không. Vé máy bay in sẵn (bắt buộc phải có) đã bị thay thế bằng vé do khách hàng tự in ra trên mạng (không bắt buộc phải có).

Với cách làm như hiện nay, sẽ rất lâu chúng ta mới điện tử hóa được tàng thư CMND, cũng có nghĩa còn lâu mới xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư để thay hộ khẩu bằng CMND thông minh.

TS Nguyễn Ngọc Kỷ

(Người Lao Động)

Không có nhận xét nào: