Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Đài không lưu TSN mất điện, trách nhiệm về ai?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
matdien-622.jpg
Đài kiểm soát không lưu phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất.
Photo courtesy of TNO

















Sự cố mất điện gần một tiếng đồng hồ tại đài không lưu Tân Sơn Nhất vào ngày 20 tháng 11 đang là đề tài gây chú ý cho báo chí trong và ngoài nước, đặc biệt trong thời kỳ tranh cãi có nên mở rộng sân bay mới tại Long Thành hay không. Mặc Lâm tìm hiểu thêm vấn đề khá nhạy cảm đối với ngành hàng không Việt Nam trong lúc đang dồn nỗ lực hình thành một hình ảnh mới của đất nước qua một phi trường hiện đại trong khu vực.

Hình ảnh thất bại

Hầu hết các phi trường quốc tế trên khắp thế giới hiếm khi có sự cố mất điện tại đài không lưu trong suốt gần một giờ đồng hồ như sự việc vừa xảy ra tại phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 20 tháng 11 vừa qua.
Do mất điện, đài không lưu không hoạt động nên một số máy bay phải bay vòng tròn chờ đáp và một số khác phải đổi hướng và có chiếc phải hạ cánh nhờ tại Ban Mê Thuột. Chưa nói tới thiệt hại kinh tế, hình ảnh thất bại của Việt Nam không thể che dấu trước cặp mắt hàng không dân dụng thế giới vốn luôn coi trọng kỹ thuật an toàn hàng không và không thể chấp nhận một sự cố khó hiểu đối với một phi trường quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi nghe tin chỗ điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện thì chúng tôi rất ngạc nhiên và tôi có kết luận theo như báo chí nói thì đây không phải là sự cố kỹ thuật.
-TS Nguyễn Bách Phúc
Vụ việc mất điện rộ lên nhiều suy đoán từ sự bất cẩn của nhân viên điều hành đến khả năng hạn hẹp về nghề nghiệp của một số lớn nhân viên tại đây đã khiến chính Bộ trưởng Giao Thông Đinh La Thăng phải lên tiếng trấn an dư luận khi tuyên bố sẽ sa thải bất cứ người nào có liên quan đến biến cố này. Ông Thăng không những nói mà còn ra lệnh cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam phải xác minh, điều tra làm rõ. Dư luận mong chờ một cuộc duyệt xét toàn diện không những về thiết bị kỹ thuật mà còn về khả năng chuyên môn của nhân viên trong một cơ quan quyết định sinh mạng của hàng trăm con người cũng như tiếng tăm của cả một nền công nghiệp mũi nhọn quốc gia.
Phân tích về nguồn điện cung cấp cho đài không lưu hoạt động TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội tư vấn Khoa học Công nghệ và quản lý TP/HCM gọi tắt là HASCON cho biết như sau:
“Khi nghe tin chỗ điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện thì chúng tôi rất ngạc nhiên và tôi có kết luận theo như báo chí nói thì đây không phải là sự cố kỹ thuật. Sự việc nó như thế này:

1416556457-san-bay-400.jpg
Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Photo to courtesy of 24h.
Có 4 nguồn điện tất cả. Nguồn thứ nhất là lưới điện bình thường, nguồn thứ hai là lưới điện lưới dự phòng. Đối với các cơ sở quan trọng như nơi điều hành sân bay chúng tôi gọi là điện  tiêu thụ loại 1 luôn luôn lúc nào cũng có hai nguồn, hai đường dây hai biến thế khác nhau cho nên nếu một cái bị sự cố thì sẽ có cái thứ hai thay thế.
Nguồn thứ ba đề phòng trường hợp cả hai nguồn kia bị mất thì sẽ có một máy phát điện Diesel sẽ nổ lên khi hai nguồn điện kia bị mất.
Trong trường hợp cả ba nguồn bị mất, là một điều hãn hữu thì sẽ có một nguồn thứ tư dự phòng là UPS. Thiết bị UPS được tích điện từ ba nguồn điện vừa nói dùng dự phòng khi có sự cố nó sẽ tự động mở ra sau khi ba nguồn điện chính mất đi.”

Không đúng với nguyên lý vận hành

Kết quả mà báo chí có được từ Tổng công ty quản lý bay VN cho biết lý do mất điện tại đài không lưu sân bay Tân Sơn Nhất do hỏng thiết bị cung cấp điện dự phòng UPS. Trước kết quả này TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng không đúng với nguyên lý vận hành của nó do ông là người tìm hiểu hệ thống điện ngay tại đài không lưu phi trường Tân Sơn Nhất, ông nói:
“Trong trường hợp vừa qua theo những người trách nhiệm công bố thông tin tới báo chí thì nguồn điện chính không bị mất, như vậy thì thiết bị UPS chưa cần dùng tới, chỉ nằm chờ. Thế nhưng họ lại nói UPS bị hỏng dẫn đến mất điện thì hoàn toàn sai về nguyên tắc, nguyên lý. Vừa rồi tôi nói hoàn toàn theo nguyên lý mà chúng tôi giảng dạy. Vừa rồi sau khi tới phi trường Tân Sơn Nhất để kiểm tra lại thì tôi được đọc sơ đồ cung cấp điện của Điều hành bay cảu Tân Sơn Nhất thì thấy đúng như thế, tức là có 4 nguồn.
Riêng cái nguồn UPS thì lại có ba thiết bị song song với nhau như vậy thì nguồn điện tại đây không những chỉ có 4 mà có tới 6 nguồn cung cấp. Tôi xin nhắc lại điều rất đơn giản là nếu điện lưới không mất thì thiết bị UPS chỉ ngồi chơi mà thôi và không thể có chuyện điện lưới không mất mà UPS lại hỏng.
Theo những người trách nhiệm công bố thông tin tới báo chí thì nguồn điện chính không bị mất, như vậy thì thiết bị UPS chưa cần dùng tới, chỉ nằm chờ. Thế nhưng họ lại nói UPS bị hỏng dẫn đến mất điện thì hoàn toàn sai về nguyên tắc, nguyên lý.
-TS Nguyễn Bách Phúc
Theo chính họ nói là lưới điện còn hoạt động thì không ai dại gì lại đi thắp máy Diesel lên cả chỉ khi nào hai nguồn lưới dự phòng mất thì người ta mới sử dụng chứ không ai lại dùng điện dự phòng nhất là lại không dùng UPS vì UPS chỉ làm việc khi cả ba nguồn kia bị mất cho nên khi nói rằng UPS bị hỏng làm mất điện như vậy là không đúng theo nguyên lý và cũng không đúng theo sơ đồ đấu giây tại Tân Sơn Nhất. Theo nguyên lý và thực tế của sơ đồ thì không có chuyện mất điện khi lưới điện đang còn và UPS cũng không thể mở ra khi lưới điện còn hoạt động vì thiết bị UPS chỉ ngồi chơi khi nào các nguồn khác hư ỏng thì UPS mới tham gia. Trong khi ba nguồn đang còn thì tại sao UPS lại hư hỏng?”
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không VN, Trung tâm kiểm soát không lưu có đến 3 bộ lưu điện UPS. Theo thiết kế, 1 bộ UPS có thể đảm bảo cho toàn bộ hệ thống, và khi 1 UPS bị hỏng thì một trong hai UPS còn lại có thể cung cấp điện cho thiết bị quản lý bay.
Các UPS này rất hiện đại, có chức năng lưu trữ điện để khi mất điện nguồn máy không phải khởi động lại. Tuy nhiên khi sự cố xảy ra cả 3 hệ thống dự phòng đều bị sập và ngắt điện cả 3 UPS. Lý do được đưa ra là ông Lê Trí Tình kíp trưởng ca trực hôm ấy đã thực hiện sai thao tác dẫn tới toàn bộ hệ thống điện bị sập.
Ông Đinh Việt Thắng, TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN nói rằng "Về nguyên lý, khi hệ thống UPS bị sập thì cũng không thể mất điện được nếu nhân viên kỹ thuật đóng lại điện lưới. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống này, nhân viên kỹ thuật thay vì lại điện thì lại tiến hành sửa UPS"
Bộ trưởng Đinh La Thăng ít nhất ba lần nhắc đi nhắc lại rằng ông không bỏ qua yếu tố phá hoại do một thế lực nào đó có thể nhúng tay vào và ông đề xuất Bộ công an vào cuộc làm rõ tính chất thật sự của việc mất điện là gì.
Tổ chức Hàng không Dân dụng thế giới ICAO vừa lên tiếng cho biết rất quan tâm tới vấn đề này và có thể họ sẽ kiểm tra hệ thống không lưu của Việt Nam nhằm có biện pháp sửa đổi, bổ xung.
Báo chí thế giới cũng nhập cuộc vì sự an nguy của hành khách đa quốc gia có thể sẽ sử dụng phi trường Tân Sơn Nhất như một nơi chuyển tiếp hay điểm đến du lịch.
Hãng tin AFP cho rằng mặc dù hồ sơ an toàn bay của Việt Nam là khá tốt nhưng vụ mất điện có thể làm cho khách không còn tin vào các yếu tố mà Việt Nam đã đạt được.
Tân hoa xã trích lời một viên chức Việt Nam nói rằng “đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng chưa bao giờ xảy ra trogn lịch sử hàng không Việt Nam.
Từ Strait Times cho tới Channel News Asia hay Global Post của Mỹ đều chú ý và đưa tin chi tiết vụ này với các bình luận không thể cho là nhẹ nhàng. Các bản tin đều có chung một dụng ý: Sự lơ là trong công tác huấn luyện nhân sự là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo này.

Không có nhận xét nào: