Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Việt Nam và Trung Quốc cố hàn gắn quan hệ song phương

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (hàng thứ hai, bên trái) trong ảnh chụp ngày 16/10/2014 với một số lãnh đạo tham gia Thượng đỉnh Á Âu tại Milano (Ý). Ở hàng trước, bên phải là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.REUTERS/Alessandro Garofalo
    Trung Quốc và Việt Nam đồng ý nối lại quan hệ quân sự và xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Đó là kết quả cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) ngày 17/10/2014 tại Bắc Kinh.






    Quan hệ Việt-Trung đã trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh vào tháng 5/2014, đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đang tranh chấp. Tàu của hai bên đã va chạm nhau nhiều lần ở khu vực giàn khoan và nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến bạo động gây chết người đã nổ ra ở một số khu công nghiệp của Việt Nam.
    Nhưng với chuyến đi Trung Quốc của tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Hà Nội cố hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt với việc tăng cường quan hệ quân sự.
    Theo Thông tấn xã Việt Nam, khi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm qua, ông Phùng Quang Thanh đã cho rằng, về tổng thể, quan hệ hai nước « vẫn đang phát triển tốt, chỉ tồn tại bất đồng về chủ quyền trên biển ». Ông còn cam kết là Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Quân đội Trung Quốc « góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung có bước phát triển lành mạnh, ổn định ».
    Về kết quả cụ thể của chuyến đi Trung Quốc lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, đáng chú ý là hai bên đã ký Bản ghi nhớ kỹ thuật về việc thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai bộ trưởng Quốc phòng.
    Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, ông Phùng Quang Thanh cũng đã đề nghị là quân đội hai nước « không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển », cũng như « cư xử nhân đạo với ngư dân và không tịch thu phương tiện làm ăn của ngư dân ».
    Nhưng không biết là phía Trung Quốc đáp lại những yêu cầu này như thế nào, để chấm dứt tình trạng nhiều ngư dân Việt Nam trong những năm qua vẫn bị Trung Quốc bắt giữ tàu cá, tịch thu trang thiết bị, đánh đập... khi đánh bắt cá tại khu vực Hoàng Sa-Trường Sa.
    Về phần Tân Hoa Xã thì loan tin là trong cuộc hội đàm hôm qua giữa ông Phùng Quang Thanh và ông Thường Vạn Toàn, hai bên đã đạt được ba « nhận thức chung nguyên tắc » về việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc. Một trong ba nguyên tắc này là hai quân đội sẽ « tăng cường đoàn kết » và « bảo đảm vững chắc cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước ».
    Cũng như mọi khi, cách đưa tin của Tân Hoa Xã hơi khác với tin của Thông tấn xã Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm của đồng nhiệm Việt Nam đã thể hiện « nguyện vọng chính trị tích cực của Đảng và quân đội Việt Nam trong việc thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung -Việt ». Tuyên bố này ngầm cho thấy rằng chính là phía Việt Nam đã muốn hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc.
    Cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc diễn ra sau khi tại Milano, Ý, ngày 16/10, bên lề cuộc họp thượng đỉnh Á-Âu ASEM, hai Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý là hai nước sẽ « xử lý thỏa đáng » các tranh chấp trên biển và duy trì quan hệ tốt giữ hai nước.
    Trong khi cố hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, Hà Nội vẫn phải tìm hậu thuẫn để đủ sức đối đầu với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Cường quốc duy nhất có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ chính là Hoa Kỳ.
    Đầu tháng 10 vừa qua, Washington cuối cùng đã quyết định giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quyết định đã bị phía Trung Quốc chỉ trích là có tính chất « can thiệp » và « phá vỡ thế cân bằng lực lượng » ở Biển Đông.

    Không có nhận xét nào: