Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Đức im ắng về chuyến thăm của ông Dũng?

Ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức
Ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức theo lời mời của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.
Truyền thông Đức khá im lặng về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sang thăm nước này, mặc dù có một bức thư kiến nghị của một nhóm nhân sỹ trí thức của Đức đề nghị Thủ tướng nước chủ nhà lưu ý Việt Nam về một số vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.

Trong chuyến thăm châu Âu của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức cộng hòa liên bang Đức theo lời mời của người đồng nhiệm Đức, bà Angela Merkel, trong các ngày từ 13 - 15/10/2014.
Tuy nhiên, theo một nhà báo người Việt Nam từ Berlin, truyền thông Đức khá im lặng về chuyến thăm này.
Trao đổi với BBC hôm 16/10, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói:
"Đúng là một điều không thực may mắn lắm cho đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam, đứng đầu là ông (Nguyễn Tấn) Dũng, qua châu Âu lần này, đặc biệt là qua Đức.
"Nó nằm vào đúng thời kỳ mà có quá nhiều tin nóng bỏng mà dân chúng đang quan tâm như nào là cuộc chiến chống IS (quân Nhà nước Hồi giáo), nào là dịch Ebola..."
Hôm thứ Năm, cũng từ Berlin, một nhà quan sát nói với BBC:
"Các báo lớn của Đức, các trang mạng chủ chốt của Đức hầu như không có tin tức gì, hay tin chính nào về chuyến thăm này. Tất nhiên là cách đưa tin tức của truyền thông Đức và truyền thông ở Việt Nam khác nhau," nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính này nói.
"Tôi cũng có đọc qua bức thư của nhóm các nhân sỹ, trí thức, chính trị gia... gửi bà Merkel (Thủ tướng Đức) nhân chuyến thăm của Thủ tướng của Việt Nam.
"Nhưng cách đưa tin ở Đức khác với Việt Nam, ngay những bức thư như vậy cũng có nhiều và người ta thường đợi khi có tác động, phản hồi từ bên nhận, mà đây là chính phủ Đức, thì khi đó có thể người ta mới đưa tin, chứ không như bên Việt Nam."

'Còn phải chờ thời gian'

Hôm 07/10, ngay trước thềm chuyến thăm Đức của ông Nguyễn Tấn Dũng, một Giáo sư từ thành phố Neustadt thuộc phía Tây nước Đức cùng một nhóm 158 dân biểu liên bang, tiểu bang, dân cử, các học giả, trí thức, nhân sỹ, linh mục, nghệ sỹ, nhà báo v.v... ký tên, đã gửi thư cho bà Angela Merkel đề nghị nữ Thủ tướng Đức 'cứng rắn và mạnh mẽ' yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do 'tức khắc và vô điều kiện' cho Luật sư Lê Quốc Quân.
Bức thư do Giáo sư Johannes Kals 'thay mặt các giáo sư và trí thức' tại châu Âu cũng đề cập việc Việt Nam 'đe dọa sẽ san bằng Chù Liên Trì tại Thủ Thiêm' cũng như có 'chính sách xóa sạch mọi cơ sở tôn giáo tại Thủ Thiêm" và nhắc nhở chính quyền Việt Nam rằng quốc gia này đã ký tên vào các Công ước Quốc tế về tôn trọng nhân quyền và tự do tôn chính trị, cùng nhiều công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc.
"Tôi cũng tình cờ đọc được bức thư này qua một số trang mạng cũng khá không phổ biến của cộng đồng người Việt ở Đức, tôi nghĩ là nhóm nhân sỹ trí thức tập hợp được khá nhiều nhân vật cũng quan trọng ở cả các đảng cánh tả, cánh hữu, hay đảng của chính bà Merkel,
"Tuy nhiên tác động của bức thư này ra sao thì còn phải chờ thời gian trả lời," nhà báo Lê Mạnh Hùng nói thêm với BBC.
Theo truyền thông Việt Nam, sau chuyến thăm Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ mười (ASEM 10) tại Milan, Ý từ ngày 16 - 17 tháng này và sau đó, ông sẽ thăm Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis vào ngày 18/10.

Không có nhận xét nào: