Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Tuổi trẻ Việt Nam từ sức bật của gương sáng Thế giới Nobel Hòa Bình Malala Yousafzai, và Joshua Wong dân chủ hóa Hồng Kông



Giáo Già (Danlambao) - Cùng với tấm gương của Josua Wong trong cuộc biểu tình tại Hong Kong mấy tuần qua; cùng với Malala Yousafzai với giải Nobel Hòa Bình 2014; tất cả là nguồn cổ vũ lớn cho tuổi trẻ Việt Nam, cho sức bậc mạnh thêm của những Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thảo Chi, Đào Trang Loan, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Thị Yến Trang…; của Mạng lưới Blogger VN, của những buổi Dã Ngoại Nhân Quyền, những buổi Café Nhân Quyền, những buổi họp mặt tâm tình…; đặc biệt của phong trào “Tôi Muốn Biết" ngày càng lan rộng từ quốc nội đến hải ngoại… Sức sống của họ là sức sống của dân tộc như một dòng sông tuôn chảy, như những mạch nước ngầm trong lòng đất, triền miên chảy… để… như Trần Trung Đạo nói “Khi chuyến tàu lịch sử dừng lại bên sân ga thế hệ, các em đã chọn bước lên như hai ngàn năm trước hai người phụ nữ đất Mê Linh chọn lựa”… 

*

Tin được Thụy My đưa lên đài RFI ngày 10-10-2014 cho biết: “Giải Nobel hòa bình hôm nay 10/10/2014 vừa được trao cho cô gái Pakistan 17 tuổi Malala Yousafzai – khôi nguyên trẻ nhất trong lịch sử giải này, và nhà hoạt động Ấn Độ Kailash Satyarthi, để tặng thưởng cho quá trình chiến đấu chống bóc lột trẻ em và cho quyền được học hành của thanh thiếu niên”. 

Bản tin cho biết thêm:

“Đang trong lớp học vào thời điểm công bố giải, Malala Yousafzai [xem hình], chỉ mới 17 tuổi, là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử 114 năm của giải Nobel. Trước đó chỉ có Lawrence Bragg, người Anh gốc Úc 25 tuổi cùng chia giải Nobel vật lý với người cha vào năm 1915. Thủ tướng Nawar Sharif ngay sau đó đã gởi tin nhắn chúc mừng, gọi Malala là ‘niềm tự hào của Pakistan’.

Được tin người con gái mới 17 tuổi được vinh dự nhận giải Nobel Hòa Bình này nhiều nguồn tin được đưa lên mạng cho biết thêm nhiều chi tiết về Malala như sau:

“Ngày 9 tháng 10 năm 2012, trên một chiếc xe buýt, Malala Yousafzai (sinh năm 1997) và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Vừa mới thi cuối học kỳ, ai cũng vui vẻ. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan thì có hai người đàn ông cầm súng chận lại. Chúng bước lên xe, hỏi: ‘Đứa nào là Malala Yousafzai?’ Mọi người đều im lặng, nhưng một cách tự phát, một số em quay nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai tên sát thủ nhận diện ra ngay được Malala. Không nói không rằng, một tên giơ súng lên, chĩa thẳng vào em. ‘Đoành! Đoành’. Hai phát súng vang lên khô khốc. Một phát trúng đầu và một phát trúng cổ. Sẵn trớn, tên sát thủ bấm cò, bắn thêm hai phát nữa vào đám bạn của Malala khiến hai em bị thương. Xong, chúng xuống xe. Và tẩu thoát. Hai tên sát thủ ấy thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban vốn hoạt động rất mạnh trong khu vực Mingaro, Pakistan. Vấn đề là: Tại sao các tên Hồi giáo quá khích lại muốn giết một nữ sinh mới 15 tuổi như vậy? Lý do: Taliban ra lệnh cấm toàn bộ phụ nữ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Với chúng, phụ nữ, từ trẻ em đến người lớn, không cần biết chữ và chỉ được phép quanh quẩn trong nhà. Mà Malala lại không chấp nhận điều đó. Em vẫn bướng bỉnh đến trường, hơn nữa, còn cổ vũ các bạn nữ của mình đến trường. Việc cổ vũ của Malala có tầm ảnh hưởng rất rộng, khi em, vào năm 2009, lúc mới 12 tuổi, nhận viết blog cho đài BBC tại Anh. Trong các bài viết, Malala mô tả cuộc sống tại quê nhà của em, Swat Valley, nơi Taliban đang chiếm đóng. Em hô hào việc phổ cập giáo dục cho phụ nữ, một điều trái với chủ trương của Taliban. Năm sau, báo New York Times cử phóng viên Adam B. Ellick sang Pakistan làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời của em, từ đó, tên tuổi em vang dội khắp nơi như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt nữ quyền trong một quốc gia Hồi giáo. Chính vì thế, Taliban xem em như một kẻ thù và ra lệnh phải hạ sát em. Bản án tử hình em được đăng tải rộng rãi trên báo chí địa phương, thậm chí, còn được nhét dưới cửa nhà em. Cảnh giác, nhưng Malala không hề sợ hãi. Em vẫn tiếp tục đến trường và tiếp tục vận động các bạn gái của mình đi học. Hậu quả là em bị bắn trên chuyến xe buýt của trường. May, dù bị trọng thương nhưng em vẫn không chết. Các bác sĩ Pakistan đã tận tình cứu chữa cho em qua khỏi cơn nguy hiểm ban đầu. Nhiều bệnh viện lớn ở Tây phương hứa sẽ điều trị cho em. Gia đình em chọn bệnh viện Queen Elisabeth Hospital Birmingham ở Anh, nơi nổi tiếng điều trị các quân nhân bị thương tật. Sau mấy tháng nằm viện, sức khoẻ của em được khôi phục. Đầu năm 2013, em đi học trở lại tại Birmingham. Hơn nữa, em lại tiếp tục cuộc vận động cho quyền được đi học của phụ nữ. Tháng 7 năm 2013, Malala được mời nói chuyện tại trụ sở Liên Hiệp Quốc về vấn đề phổ cập giáo dục; tháng 5, 2013, em được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường University of King’s College tại Halifax, Canada; mấy tháng sau, nhận được giải Sakharov về tự do tư tưởng của Quốc hội Âu châu. Dần dần em trở thành một thiếu niên (teenager) nổi tiếng nhất trên thế giới. Khẩu hiệu ‘Tôi là Malala’ (I am Malala) xuất hiện trong hầu hết các cuộc vận động giáo dục cho nữ giới, kể cả chiến dịch phổ cập giáo dục do Uỷ ban Giáo dục Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tổ chức. Báo Times, số ra ngày 29 tháng 4 năm 2013 xếp Malala vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, ở đó, hình của em được đăng ngay trên trang bìa. Và bây giờ, em nhận được giải Nobel Hòa bình (cùng với Kailash Satayarthi, người Ấn Độ). Ở tuổi 17, em là người nhận giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này…”

Phát biểu với báo giới sau khi giải thưởng được loan báo cô Malala Yousafzai nói Giải Nobel Hòa Bình 2014 cô nhận được không phải dành riêng cho cô, mà cho tất cả những trẻ em không có tiếng nói. Thông điệp cô muốn gửi tới trẻ em trên toàn thế giới là các em nên đứng lên vì quyền của mình. Cô nói cô mong muốn tất cả trẻ em đều được đến trường.

Cô Malala cũng ca ngợi người cùng đoạt Giải Nobel Hòa bình năm nay với cô, ông Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động Ấn Độ cổ súy cho quyền trẻ em. Cô nói công việc của ông Satyarthi chống lại nạn nô lệ trẻ em hoàn toàn khơi nguồn cảm hứng cho cô. Cô nói thêm là việc chọn ra một người Hồi giáo Pakistan và một người Ấn Độ theo Ấn giáo cùng chia sẻ giải thưởng này là một thông điệp của tình thương yêu giữa hai quốc gia và hai tôn giáo. Cô cho biết cô đã điện đàm với ông Satyarthi và hai người quyết định cùng làm việc với nhau không chỉ về vấn đề giáo dục mà còn trong lĩnh vực thúc đẩy hòa bình giữa hai quốc gia. Malala và Satyarthi sẽ chia đôi giải thưởng trị giá 1,1 triệu đô la.

Mặt khác, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc tế cũng lên tiếng hoan nghênh sự kiện này. Một trong những chuyên gia hàng đầu về Nam Á trong tổ chức, ông Mustafa Kadri, từ London nói với đài VOA rằng “Không thể coi ngày hôm nay là đích đến cuối cùng hoặc là thời điểm chỉ để ghi nhận các nỗ lực của họ tính tới lúc này.” Ông nói hiện nay quyền của trẻ em đang bị đe dọa nghiêm trọng và mọi người phải nhận thức được nhu cầu cần tăng đôi các nỗ lực toàn cầu.

Trước người con gái 17 tuổi Malala Yousafzai của Pakistan nhận giải Nobel Hòa Bình; ở Hồng Kông, người con trai 17 tuổi Joshua Wong [xem hình] cũng đã nổi bật trong cuộc biểu tình đòi dân chủ mà tới nay đã kéo dài hơn 2 tuần lễ, tuy chưa mang lại kết quả, do thái độ không nhượng bộ của chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh, nhưng nó đã mang lại nhiều phấn khởi ngay từ buổi đầu phát động. 

Cho đến giờ, chưa ai biết kết quả cuộc biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu cho người dân Hồng Kông vào năm 2017 tới đây có đưa đến kết quả mong muốn hay không; nhưng cách hành xử của các sinh viên biểu tình trong 17 ngày qua đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng rất đẹp. Nhiều hình ảnh tiêu biểu cho cuộc biểu tình được cho là “tuyệt vời” của các em, được giới truyền thông cả chuyên nghiệp lẫn tự do đưa lên tràn ngập các trang mạng xã hội, gồm: cảnh các sinh viên học sinh ngồi ở ngoài đường giúp nhau làm bài tập, dùng bình điện dự trữ charge phones và tablets cho người tham dự, làm thông dịch cho giới truyền thông, phát thức ăn nước uống cho nhau, và thức đến khuya để đi nhặt từng cọng rác nơi giới biểu tình “chiếm đóng”. Thậm chí trong lúc trời đổ mưa tầm tã, sinh viên biểu tình còn cầm dù che cho người cảnh sát đứng đối diện, qua hàng rào cản…

Dù vậy, tin mới nhứt được Đức Tâm đưa lên đài RFI ngày 15-10-2014 cho biết từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài tường trình: “Hiển nhiên, vụ bạo hành mới của cảnh sát sẽ như đổ thêm dầu vào lửa đối với phong trào bất phục tùng dân sự hiện đang đấu tranh đòi phải có một hệ thống chính trị thực sự dân chủ tại Hồng Kông. Vào khoảng 3 giờ sáng, sau nhiều giờ xô xát, đôi khi dữ dội, với một bên là cảnh sát dùng dùi cui, khí bột tiêu cay và bên kia là những người biểu tình chỉ có cây dù và chai nước, cảnh sát lại một lần nữa tìm cách tấn công để giải tán đám đông chiếm giữ đường phố và ngăn chặn lối vào văn phòng Trưởng đặc khu Hồng Kông. Thế nhưng, vào lúc có một người biểu tình đã bị bắt, tay bị trói bằng dây nhựa, thì một nhóm cảnh sát, trong số đó có người mặc thường phục, đã quật người này xuống đất, và đánh đập tàn bạo. Một dân biểu thuộc đảng Công dân (Civic Party), thuộc phe đối lập đã quay được toàn bộ cảnh này và cuộn băng video đã được phát trên kênh truyền hình chính thức. Hình ảnh bộ mặt và thân thể người biểu tình bị đánh sưng vù đã gây nỗi kinh hoàng. Ngay lập tức, cảnh sát lên án vụ bạo hành này và cho biết viên cảnh sát dính líu trong vụ đánh đập người biểu tình đã bị trừng phạt và thông báo thêm là trong vụ xô xát vào đêm qua, có 4 cảnh sát bị thương và 55 người biểu tình bị bắt giữ”

Trong khi đó tin được BBC loan đi cho biết: “…kênh truyền hình địa phương TVB chiếu cảnh một người biểu tình bị cảnh sát kéo sang một bên và đánh đập. Daniel Cheng, một phóng viên tường thuật vụ này, nói với hãng thông tấn AFP rằng ông cũng bị cảnh sát đánh”. Ông nói: "[Cảnh sát] túm lấy tôi, có hơn 10 cảnh sát viên, và họ đánh tôi: đấm, đá, dùng cùi chỏ. Tôi cố nói với họ tôi là phóng viên nhưng họ không nghe".

Rõ hơn nữa, theo tin đài VOA, người biểu tình bị cảnh sát hành hung đó tên Ken Tsang. Sau khi được tin anh bị bắt, Nghị viên Alan Leong, Chủ tịch Đảng Công dân, đã phái các luật sư tới Học viện Cảnh sát, nơi anh Tsang bị giam. 9 tiếng đồng hồ sau đó, toán luật sư đã hộ tống anh Tsang cùng với 7 người biểu tình khác tới bệnh viện. Nghị viên Leong nói: "Việc sử dụng vũ lực, sử dụng sức mạnh của cảnh sát, trong trường hợp này là một vụ lạm quyền trắng trợn. Chúng tôi yêu cầu cảnh sát bắt giam ngay lập tức 6 cảnh sát viên này và tiến hành các cuộc điều tra hình sự."… Những người biểu tình mỗi lúc một đông đã kéo tới Viện Lập pháp trong lúc các nghị viên chuẩn bị cho phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè. Phó Chủ tịch Hội đồng Độc lập về Khiếu tố Cảnh sát, ông Lam Tai Fai nói rằng ông hiểu được sự tức giận của công chúng. Các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới, kể cả Hội Ân xá Quốc tế, đã cùng nhau lên án sự thô bạo của cảnh sát Hồng Kông. Ông Law Yuk Kai, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hồng Kông nói rằng vụ hành hung đó vi phạm luật lệ của Hồng Kông về tra tấn, theo đó các giới chức lạm quyền có thể phải lãnh án tù chung thân. Ông yêu cầu giới hữu trách đưa các cảnh sát viên đó ra trước ánh sáng công lý. Trong lúc Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tham dự phiên họp của Viện Lập pháp vào ngày mai vì căng thẳng leo thang các sinh viên cho biết họ nhất định sẽ tiếp tục ở lại trên đường phố

Tuy nhiên, trước đó, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 13/10/2014, một số người đến từ Hoa Lục đã dũng cảm xuất hiện tại các cuộc biểu tình nổ ra cách đây hai tuần, góp sức cho phong trào đòi dân chủ cả về mặt hậu cần lẫn tinh thần. Những người này đã bộc lộ công khai những gì bị cấm đoán nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Phát biểu với hãng tin Pháp, một nữ sinh viên xã hội học 21 tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, cho biết: “Tại Hoa lục, ai cũng có thể bị tống vào tù vì niềm tin của mình”. Người nữ sinh viên xin được giấu tên này đã tỏ ý hết sức hoan hỉ nhưng cũng rất thận trọng khi tham gia biểu tình. Cô không bao giờ trò chuyện bằng tiếng quan thoại, chỉ dùng tiếng Quảng Đông lơ lớ ‘giọng Đài Loan’, và luôn tập hợp với các bè bạn phương Tây trong cùng trường đại học của cô ở Hồng Kông, và luôn che mặt để cha mẹ của cô ở Quảng Đông không bị ‘bất kỳ rắc rối nào‘. Cũng theo AFP, rất khó mà xác định được xem có bao nhiêu người đến từ Hoa Lục ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông như trường hợp nữ sinh viên kể trên, nhưng bản thân sự tồn tại của những người này đã củng cố thêm kịch bản ác mộng đối với chính quyền Bắc Kinh, vốn hết sức lo sợ về một hiệu ứng đôminô, với phong trào từ Hồng Kông lan truyền vào đất liền, tuy khả năng mở rộng phong trào qua Đại Lục rất ít. Dầu vậy, cô cũng cho biết là trang facebook của cô đã biến thành bãi chiến trường từ khi cô bắt đầu công bố hình ảnh của các cuộc biểu tình từ nơi cô ở tại Hồng Kông.

Riêng VN, ngày 12.10.2014 phóng viên Trà Mi của đài VOA đã có bài viết cho biết “Một cô gái trẻ người Việt hải ngoại gác bỏ công việc bận rộn hằng ngày, một mình sang tận Hong Kong để ủng hộ cuộc biểu tình vì dân chủ của giới trẻ tại đây và để học hỏi kinh nghiệm giúp thúc đẩy dân chủ cho Việt Nam. Cô Nancy Nguyễn, định cư tại bang California, cho biết chuyến đi tuy ngắn ngủi 1 tuần nhưng rất đáng giá vì cô được tận mắt chứng kiến, trực tiếp cảm nhận, và chia sẻ sức mạnh từ nỗi khát khao dân chủ của các bạn đồng trang lứa ở Hong Kong làm nên sự kiện lịch sử gây chú ý công luận thế giới.”

Trà Mi cho biết Tạp Chí Thanh Niên VOA có cơ hội trao đổi với Nancy sau 3 ngày cô đặt chân tới Hong Kong, hòa vào dòng người biểu tình phản đối sự kèm kẹp của Trung Quốc và kêu gọi quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo. Nancy Nguyễn nói: 

“…Mình nghe ở đây họ biểu tình rất ôn hòa và có những cách tránh bạo động trên cả tuyệt vời. Qua đây mình thấy đúng là như vậy. Họ có cách tổ chức biểu tình không thể ngờ tới. Họ phục vụ cả việc charge pin điện thoại và máy móc cho phóng viên tác nghiệp. Các bạn trẻ xin một góc ở siêu thị để charge pin miễn phí cho mọi người. Ai đi qua tự để phone xuống, sau 2-3 tiếng ăn cơm xong chạy lại lấy, rất trật tự. Những lối lên ở quảng trường chỗ biểu tình, các bạn trẻ mang các vật dụng ra để làm thành các bậc thang để người ta bước lên cho dễ. Ngay lối đi đó luôn có 2-3 bạn đứng canh để bảo đảm an toàn. Trên các ngã đường, họ đều dặn nhau là phải giữ bình tĩnh và phải dọn dẹp sạch sẽ. Một khối người rất đông mà không có một cọng rác trên đường phố là điều bất ngờ. Họ dọn ngay tại chỗ, rồi sau đó có các bạn tình nguyện ở lại để quét rác.” [xem hình]

Khi được Trà Mi hỏi: “Ở hải ngoại cũng có nhiều người trẻ có cùng mong muốn như Nancy, có nhiều hoạt động và các phong trào vận động hướng về Việt Nam. Bạn nghĩ gì về các hoạt động của giới trẻ người Việt hải ngoại?” Nancy Nguyễn trả lời: 

“Người Việt hải ngoại đã làm những việc này suốt 40 năm qua và càng ngày các hoạt động càng quy mô hơn, có tầm vóc hơn. Vài năm gần đây song song với các phong trào ở Việt Nam, các phong trào ở hải ngoại cũng lớn mạnh lên rất nhiều và mình cảm thấy rất vui, có hy vọng. Mình có viết lên facebook của mình, chia sẻ rằng người trẻ Hong Kong có một suy nghĩ cực kỳ đơn giản rằng tất cả những việc họ làm có thể nguy hiểm tới tính mạng hay tương lai của họ, nhưng Hong Kong cần họ. Mình chỉ hy vọng tất cả những bạn trẻ ở Việt Nam có thể nói được điều đó, có thể dấn thân. Việt Nam cần họ. Có quá nhiều thứ để học hỏi từ họ, thứ nhất là sự tổ chức, thứ hai là sự sáng tạo. Mình không nghĩ một ngày nào đó nếu người Việt xuống đường thì sẽ giống như Hong Kong hôm nay. Nhưng những gì mình thấy hôm nay, mình vẫn hy vọng một ngày nào đó có khả năng và cơ hội truyền đạt lại cho các bạn trẻ ở Việt Nam.” 

Trên facebook Nancy Nguyễn tâm sự: “…Những người khởi xướng đầu tiên, cho phong trào đòi dân chủ làm chấn động cả thế giới hôm nay, là những người rất rất trẻ. Trẻ đến nỗi theo ‘cái nhìn Việt Nam’ thì các bậc phụ huynh có lẽ sẽ bảo các bạn ấy nên về bú cho xong bình sữa. Nói thế để biết rằng, thưa các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam, các bạn không hề là quá nhỏ cho cuộc chơi chính trị. ĐỪNG BAO GIỜ cho phép bất cứ ai bảo với bạn rằng ‘nhãi con biết gì’, hay ‘đã có người lớn lo!’ vì chính các bạn cũng hiểu rằng tất cả những điều đó đều là ngụy biện!... Nếu ai đó nói các bạn chưa đủ trưởng thành, hãy hỏi họ câu này: Tổng bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản Việt Nam tham gia chính trị lúc mấy tuổi, và được bổ nhiệm chức vụ tổng bí thư lúc mấy tuổi? Không ai, không cá nhân hay tổ chức nào được quyền bảo các bạn còn quá trẻ. Và, nên nhớ, các bạn không hề là quá trẻ để thay đổi vận mệnh đất nước này, dân tộc này… 90 triệu người Việt Nam là chúng ta! Là chính chúng ta! Chứ không phải ai khác. Chính các bạn, chứ không phải là ai khác, sẽ phải là những con người làm nên cuộc đổi thay… Đừng bao giờ để bất cứ ai bảo với bạn rằng, Việt Nam nhỏ bé, phải đối đầu với Trung Quốc một cách khôn ngoan. Bởi chính các bạn hiểu sâu sắc rằng: Đó cũng là nguỵ biện! Hong Kong không có đến một người lính của riêng mình… Nhưng chính trong khó khăn đó, Hong Kong làm cả thế giới nghiêng mình ngả mũ. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai bảo các bạn hãy bỏ cuộc chỉ vì Việt Nam yếu hơn Trung Quốc nhiều lần. Vì chính các bạn biết rằng sức mạnh của tập thể còn mạnh mẽ gấp triệu lần súng đạn… Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, vì đó là phần Người nhất trong mỗi một con người… Ngày hôm nay Hong Kong xuống đường, bao giờ sẽ đến Việt Nam?… Bạn biết không, đôi khi, những điều phi thường nhất lại được diễn tả bằng những điều bình thường nhất trong cuộc sống… Chỉ đến khuya nay, khi ngồi lại bên nhau trong bữa tối, nhìn các bạn và vội vài miếng cơm trong cơn đói mèm, tôi ngắm họ ăn say sưa đến quên cả trời đất, mới chợt nhớ ra một điều mình đã quên mất từ lâu: các bạn ấy cũng chỉ là những con người… Thế giới nói về sinh viên Hong Kong như những chiến binh, những người hùng. Còn tôi, tôi thấy họ Người lắm, như chính tôi, NHƯ CHÍNH BẠN. Họ bảo với tôi, họ không hề gan dạ, quả cảm như báo chí ca ngợi. Họ cũng hèn nhát, cũng sợ hãi, Đại Lục có tất cả, còn họ, họ có gì?… Họ thừa nhận hết, rằng họ cũng sợ bị thanh trừng, sợ từ nay về sau có thể cuộc sống của họ sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Rồi học hành, rồi công việc, rồi cả mẹ cha… Có vài người đã khóc. Trong giọt nước mắt không đủ nặng để lăn trên gò má, chỉ đủ để làm khóe mắt long lanh dưới ánh đèn siêu thị, tôi thấy được những cuộc đời trần trụi. Rồi họ nhìn tôi, kiên nghị: Nếu bảo chúng tôi không sợ hãi, thì đó là nói láo, nhưng nếu Hong Kong cần, chúng tôi cũng vẫn sẽ dấn thân, bởi vì, Hong Kong cần chúng tôi… Ở Hong Kong, tôi thấy được sự vĩ đại của những con người bình thường. Và chính sự bình thường đó, làm nên điều vĩ đại… Việt Nam ơi!… Hãy tỉnh dậy đi!… Có một điều tôi nhận được từ chuyến đi này, đó là, tôi không đơn độc. Đó, có lẽ là kỷ vật quý giá nhất mà chuyến đi mang lại cho tôi. Và bạn tôi ơi, nay tôi tặng nó lại cho tất cả mọi người: TÔI KHÔNG ĐƠN ĐỘC, VÀ BẠN CŨNG VẬY!…”[Xem hình Nancy Nguyễn đứng tại khu Central Mong Kok, Hongkong, phía sau là các sinh viên Hongkong tập trung đòi dân chủ].

Phần VN, ở tại VN, một bạn trẻ tên Phúc, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ:“…Theo Phúc, hiện tại, giới sinh viên Việt Nam đã bắt đầu nóng lên, nghĩa là thành phần ủng hộ sinh viên Hồng Kông đã tăng rất cao, theo cách này hoặc cách khác, giới sinh viên Việt Nam thể hiện sự đồng cảm của họ. Có nhóm tổ chức buổi thảo luận nhỏ về giá trị dân chủ cũng như tương lai đất nước khác nhau như thế nào giữa dân chủ và độc tài bằng một bữa tiệc sinh nhật ngụy trang hoặc bữa cà phê nhỏ chừng năm, bảy người. Cũng theo chỗ tìm hiểu và chia sẻ thông tin của Phúc qua trang mạng xã hội facebook thì hiện nay, ở các làng khu vực có nhiều trường đại học tại Hà Nội cũng như làng đại học Thủ Đức, Sài Gòn, hầu như hệ thống an ninh đã siết chặt một cách bất thường, các chốt chặn bất ngờ xuất hiện khắp các lối ra vào ở các làng đại học mà theo Phúc nhận xét thì đây là một dấu hiệu khá nhạy cảm… Câu chuyện biểu tình ở Hồng Kông chỉ là câu chuyện khởi sự cho mùa xuân dân chủ khắp các châu lục. Nơi nào còn chìm trong nạn độc tài chuyên chế, nơi ấy sẽ có những mùa đấu tranh dân chủ chất ngất hào khí của tuổi trẻ… Phúc cho rằng cuộc cách mạng dân chủ của giới trẻ Hồng Kông cũng như nhiều cuộc cách mạng dân chủ khác ở các nước độc tài trên khắp thế giới là những cuộc cách mạng bắt buộc phải xảy ra, không thể tránh khỏi, điều này nằm trong qui luật bảo tồn nòi giống của thế giới con người. Và nhu cầu tiến bộ là nhu cầu quan trọng giống như máu phải luân lưu trong cơ thể…”

Nói về giới trẻ VN, được mời phát biểu trong buổi ra mắt sách Chánh Luận Trần Trung Đạo tại Sacramento, Giáo sư Trần Minh Xuân [xem hình] đã cho biết ông không biết tác giả mấy tuổi, nhưng ông biết tác giả trẻ hơn Giáo Già rất nhiều, và văn phong của tác giả cũng cho thấy Trần Trung Đạo rất trẻ, nhứt là khi tác giả nói về tuổi trẻ VN, trong đó có người con gái cùng ở xứ Quảng Nam với tác giả tên Huỳnh Thục Vy, mà trong một bài viết có tên “Những cánh én của mùa xuân dân tộc”, viết tặng 3 người con gái còn rất trẻ là Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy và Trịnh Kim Tiến, tác giả đã nhận xét: “Thục Vy sinh năm 1985 tại Tam Kỳ. Tình yêu quê hương và nỗi đau mười năm tuổi thơ là những ngày đi thăm cha trong tù, đã hun đúc tâm hồn của cô bé xinh đẹp, hồn nhiên lớn lên bên dòng sông Bàn Thạch, Quảng Nam thành một nhà lý luận chính trị vững vàng. Kiến thức Thục Vy dẫn chứng trong các bài viết vượt trội hơn tuổi tác và điều kiện trưởng thành thiếu thông tin bên ngoài mà em đã phải trải qua…”

Về 2 người con gái trẻ còn lại có tên trong bài viết, Trần Trung Đạo đã có những lời thơ viết cho Trịnh Kim Tiến, người con gái có cha là ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết như sau:

Khi em khóc cha bị Công An đánh chết
Đồng bào khóc cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh khóc cùng em
Sài Gòn khóc cùng em
Hà Nội khóc cùng em
Trong nước khóc cùng em
Ngoài nước khóc cùng em
Những giọt nước mắt chảy vào sông
Sông mỗi ngày thêm rộng
Những giọt nước mắt hòa trong biển
Biển mỗi ngày mặn hơn
Những giọt nước mắt nhỏ trên cánh đồng khô
Đất mỗi ngày thêm màu mỡ.
Có dân tộc nào trên trái đất này
Lịch sử được đong bằng nước mắt
Nguyễn Trải khóc cha bên ải Nam Quan
Đặng Dung khóc cha trước khi trầm mình xuống biển
Người con gái của anh Ngụy Văn Thà khóc cha ngã xuống ở Hoàng Sa
Người con gái của anh Trần Đức Thông khóc cha ngã xuống ở Trường Sa
Những người mang trên lưng nhiều quá khứ
Nhưng hy sinh vì một tương lai.

Khi em xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa
Đồng bào bước cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em
Sài Gòn bước cùng em
Hà Nội bước cùng em
Trong nước bước cùng em
Ngoài nước bước cùng em
Có dân tộc nào trên thế giới này
Lịch sử được đo bằng những đôi chân bước
Từ chiếc khố che thân với hai bàn chân rỉ máu
Cuộc hành trình gian nan về phương nam của tổ tiên hơn bốn ngàn năm.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường)

Về Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Trung Đạo viết: “Đỗ Thị Minh Hạnh đã chọn lựa đứng lên để đi cùng 
dân tộc, sống với nỗi đau của dân tộc và dâng hiến đời mình để làm cánh én cho mùa xuân dân tộc”. Tác giả cũng có bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh như sau:

Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.

Và tác giả nói thêm là “Đã qua rồi thời đại của anh hùng cá nhân, minh quân, minh chủ. Ngày nay, mỗi cá nhân là một tập hợp thu hẹp chứa đựng các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và phụ thuộc vào nhau của cộng đồng xã hội, dân tộc và nhân loại. Chính các em, chứ không ai khác sẽ là những lãnh đạo, những minh quân của thời đại mình” và viết thêm: [xem hình Trần Trung Đạo tại hội trường ra mắt sách - Photo: BXK] [Hình dưới, từ trái: Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy và Trịnh Kim Tiến].


Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh…

Về vấn nạn Trung quốc, Giáo sư Trần Minh Xuân có cùng quan điểm với tác giả Chính Luận Trần Trung Đạo; đó là Trung Quốc rất sợ dân tộc VN, cho dầu cấp lãnh đạo CSVN là những thái thú của chúng. Chúng sợ VN có dân chủ rồi thì Hoa lục cũng sẽ “tanh bành” ra thành nhiều mảnh như chúng đã “bấy nhậy” ở thời Xuân Thu Chiến Quốc và thời Đông Châu Liệt Quốc; đến thời Tần Thủy Hoàng cho dầu có độc tài gian ác hơn CSVN nó cũng sụp đổ.

Cùng với tấm gương của Josua Wong trong cuộc biểu tình tại Hong Kong mấy tuần qua; cùng với Malala Yousafzai với giải Nobel Hòa Bình 2014; tất cả là nguồn cổ vũ lớn cho tuổi trẻ Việt Nam, cho sức bậc mạnh thêm của những Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thảo Chi, Đào Trang Loan, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Thị Yến Trang…; của Mạng lưới Blogger VN, của những buổi Dã Ngoại Nhân Quyền, những buổi Café Nhân Quyền, những buổi họp mặt tâm tình…; đặc biệt của phong trào “Tôi Muốn Biết” [xem hình] ngày càng lan rộng từ quốc nội đến hải ngoại… Sức sống của họ là sức sống của dân tộc như một dòng sông tuôn chảy, như những mạch nước ngầm trong lòng đất, triền miên chảy… để… như Trần Trung Đạo nói “Khi chuyến tàu lịch sử dừng lại bên sân ga thế hệ, các em đã chọn bước lên như hai ngàn năm trước hai người phụ nữ đất Mê Linh chọn lựa”… 


Ngày 15 tháng 10 năm 2014


Giáo Già

Không có nhận xét nào: