Pages

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Trần Thanh Hiệp – Đầu thế kỷ XX, xã hội nông sĩ Việt Nam trên đường duy tân

1Vài Nhận Xét Về Cuộc Bút Chiến Giữa Phan Khôi Và Trần Trọng Kim. Đối Chiếu Hai Xu Hướng Âu Hóa Việt Nam Không Thể Dung Hòa
Ghi chú: Viết thay Gs Đoàn Viết Hoạt tạm nghỉ một kỳ vì lý do sức khỏe. Nhưng không đi vào mạch tư tưởng của Gs Hoạt mà chỉ cung cấp một tài liệu đọc thêm về đề tài mà ông đang viết cho mục Lịch Sử Tư Tưởng Chính Trị Việt Nam vào đầu thế kỷ XX – Trần Thanh Hiệp

Nước Việt Mới Đầu Thế Kỷ 20
Trong cuốn sách Nhân Chủ Học Thuyết do Cơ sở xuất bản Việt Long ấn hành năm 2000 tại Houston, người ta đọc thấy có nhắc tới một cuộc bút chiến giữa hai nhà nghiên cứu Phan Khôi và Trần Trọng Kim về đường lối duy tân nước Việt Nam vào thời điểm đầu thế kỷ trước.
Cuối thế kỷ XIX, sau những cuộc thảm bại của Phong trào Cần Vương và Phong Trào Văn Thân, và đầu thế kỷ XX, cuộc khởi nghĩa của Đề Thám ở Yên Thế bị dập tắt, Pháp đã hầu như hoàn thành quá trình bình định Việt Nam. Giới sĩ phu Nho học, cũng như lớp trí thức Tây học và dân chúng đều cảm thấy rằng đất nước có tìm được cách tự cường thì mới mong thóat khỏi ách nô lệ để giành lại độc lập quốc gia trong tay người Pháp.
Năm 1903, Phan Bội Châu, một sĩ phu yêu nước người Nghệ An vào Nam ra Bắc để thành lập một tổ chức cách mạng, Duy Tân Hội ở Quảng Nam, kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại. Nhóm sĩ phu này đã chọn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn, làm hội chủ. Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản để cầu viện Nhật giúp Duy Tân Hội đánh đuổi Pháp. Tại Nhật, các cụ gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Quốc, và được khuyên là nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Lại còn được nghe hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Bá tước Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) khuyên là nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này về giúp nước. Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, cụ và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân Hội lên kế hoạch hành động: đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra nước ngoài. lập các hội nông, hội buôn, hội học làm kinh tài, tập hợp quần chúng chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi học ở nước ngoài… Phong trào Đông Du đưọc phát động từ đó và được đông đảo người dân ở cả ba kỳ, nhất là ở Nam Kỳ, tham gia và ủng hộ. Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học trường Chấn Võ. Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật Bản du học lên tới khoảng 200 người, sinh hoạt chung trong một tổ chức dưới danh xưng Cống Hiến Hội.
Hai nhà nho khác, cũng mang tính biểu tượng yêu nước canh tân như Phan Bội Châu là Phan Chu Trinh và Phan Khôi.
Phan Chu Trinh nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, và Phạm Liệu. Khoa Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân. Năm sau (1901), triều đình mở tân khoa, ông đỗ phó bảng, năm Quý Mão (1903), cụ được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Là người có học vấn, lại tiếp xúc với nhiều người có tư tưởng canh tân. và đọc được các tân thư, năm 1905, cụ từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (cả hai đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh ra Nghệ-Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ, rồi lên căn cứ Đề Thám quan sát tình hình, nhưng thấy khó có thể tồn tại lâu dài. Năm 1906 cụ bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều nhà chính trị tại đây – trong số đó có Lương Khải Siêu – và tìm hiểu công cuộc duy tân của Nhật Bản.
Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm trong nền văn minh và trong con người Việt Nam. Do đó, cụ chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ là con người, cùng lúc với những yếu tố khác như văn hóa, ý thức hệ, phong tục tập quán… Theo Phan Chu Trinh, Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh để giành độc lập chứ không nên chỉ đi cầu viện ngoại bang rồi dùng bạo lực mong thâu hồi độc lập. Chỉ như vậy, Việt Nam mới mong có một nền độc lập chân chính, lâu bền từ chính trị đến kinh tế trong quan hệ với ngoại bang.
Mùa hè năm 1906, Phan Châu Trinh về nước. Việc làm đầu tiên là gửi một bức chữ Hán cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ phong kiến thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Việt, sửa đổi chính sách cai trị để giúp nhân dân Việt sớm trở thành văn minh.
Sau đó, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã giới thiệu Phan Khôi như sau:
Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học. Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
Vận động canh tân đất nước không phải chỉ có các nho sĩ cựu học mà còn có những trí thức tân học sớm tiếp thu được văn hóa phương Tây, như Phạm Qùynh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Mạnh Tường v.v… Ở đây chỉ bàn sơ lược tới trường hợp Trần Trọng Kim, người đã công khai tranh luận với nho sĩ cựu học Phan Khôi.
Trần Trọng Kim, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Trần Trọng Kim xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán. năm 1897, ông theo học chữ Pháp tại Trường Pháp-Việt Nam Định. năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và tốt nghiệp năm 1903. Năm 1905 qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Sau học thêm tại các trường ở Ardèche, Lyon rồi tiếp tục học ở trường thuộc địa. Năm 1909, vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939).
Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử. Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo.
Trước bối cảnh “Một nước Việt Nam mới đầu thế kỷ XX” (nhóm chữ do Gs Đoàn Viết Hoạt đề xuất), đã xảy ra cuộc bút chiến giữa hai nhà nghiên cứu Phan Khôi và Trần Trọng Kim.
Một cuộc bút chiến không thể dung hòa về việc tìm đường Âu hóa
1. Nguyên do có bút chiến
Giữa năm 1930, trên tờ báo Phụ Nữ Tân Văn, người ta đọc thấy bài viết “Đọc cuốn “Nho giáo” của ông Trần Trọng Kim” của Phan Khôi. Sự thực qua bài viết này, Phan Khôi không có ý định gây bút chiến mà chỉ viết một bài điểm sách: “Mới rồi, tòa soạn Phụ nữ tân văn giao cho tôi một cuốn sách mới xuất bản, mà tác giả là Trần Trọng Kim tiên sanh đã gởi tặng, cậy tôi đọc qua và viết một bài phê bình cho xứng đáng. Sách, tên là Nho giáo, dày 344 trang, in thiệt đẹp, tại nhà in Trung Bắc Tân Văn… ”. Trước khi trình những nhận xét của mình về tác phẩm của Trần Trọng Kim, Phan Khôi xác định: “về Nho giáo, ý Trần tiên sanh với ý tôi khác nhau” và “Trong khi tôi viết bài nầy (…) là chỉ như kiểm soát lại coi thử cuốn sách ông Trần có thiệt đúng với Nho giáo không; chớ còn, về cái ý kiến của ông Trần và của tôi đối với Nho giáo thế nào, tôi không nói tới (…) tôi muốn chỉ ra một vài chỗ không đúng (…) Nhưng tôi dựa vào đâu mà dám nói là không đúng? Ấy, chẳng có gì chắc chắn cho bằng lấy những chứng cớ trong sách họ Khổng ra mà đối cứu lại” .
Theo Phan Khôi, tác giả cuốn Nho Giáo đôi lúc đã “lầm lộn Khổng Tử với Tống Nho, (…) có chỗ không khỏi bị Tống nho qua mặt mình”. Mặt khác, vẫn theo Phan Khôi, đem các học thuyết Đông, Tây so sánh với nhau thì nên làm nhưng không nên “đánh nhập vào một” các danh từ triết học Đông, Tây với nhau. “Như trong danh từ triết học, tây có chữ “Intuition”, chỉ nghĩa là sự biết thẳng, không cần phải suy nghĩ, phải lý luận. Chữ trong ấy triết học Tàu không có, nên người Tàu phải dịch là “Trực giác”. Cũng như chữ “Raison”, không có chữ sẵn, phải dịch “Lý tánh” hay là “Lý trí”. Vậy mà trong sách Nho giáo, ở trang 23-24 và 31, tác giả cho “Lương tri” tức là “Trực giác” và “Trí” tức là “Lý trí”. Chữ “Lương tri” xuất trong sách Mạnh Tử. Mạnh Tử nói rằng: “Nhân chi… sở bất lự nhi tri giã, kỳ lương tri dã” (Cái điều người ta không cần suy nghĩ mà biết, ấy là lương tri). Cứ như ý nghĩa câu đó thì có hơi giống với “trực giác” thiệt, nhưng vốn khác nhau xa. Ngoài ra, Phan Khôi còn cho rằng “có những chỗ mà Trần tiên sanh lấy ý mình cắt nghĩa Khổng giáo” (…) Cái lẽ trung dung của Khổng Tử, nó ra làm sao, không có thể đem mà bàn luận ở đây. Duy nói tóm một điều, tôi cho nó là lẽ cao siêu quá, người ta khó làm theo được. Nếu đem cái lẽ trung dung mà truyền bá cho cái xã hội nầy thì hầu hết tín đồ của nó sẽ thành ra “hương nguyện”, là một hạng người mà Khổng Tử đã ghét cay ghét đắng. Cho nên trong bài Ảnh hưởng Khổng giáo của tôi, tôi bảo bỏ cái thuyết trung dung đi, đừng nói đến là hơn, vì theo nó thì chưa chắc làm được “thánh hiền”, mà thiệt dễ làm ra “hương nguyện” quá (…). Sau hết, vẫn theo Phan Khôi, “Khổng giáo không dung được với Tây học ngày nay vì có hai điều: một là cái vẻ huyền học của Khổng giáo trái với khoa học; hai là cái chủ nghĩa tôn quân của Khổng giáo trái với chủ nghĩa duy dân (démocra-tisme). Rồi tôi kết luận rằng ta ngày nay theo Khổng giáo chỉ nên lấy nội cái phần tu thân để đạt đến cái mục đích làm quân tử mà thôi; còn phàm những cái gì nghịch với hai cái của Tây học kia thì nên bỏ đi, vì sự theo Tây học cần cho ta ngày nay lắm..”
Bốn điểm phê bình này của Phan Khôi đã đưa tới những phản ứng của Trần Trọng Kim. Trong “Nhân Chủ Học Thuyết” (Sđd, tr. 45-49), Trần Trọng Kim đã phản bác như sau: “Phan tiên sinh với tôi cùng nhau đã được trò chuyện một đôi lần, tôi biết tiên sinh là người có học thức và lại có nhiệt tâm về sự cải cách của xã hội ta. Nhưng tôi e rằng tiên sinh nóng ruột quá nên vội muốn theo Tây học…”. Trong khi Phan Khôi cổ võ cho việc nên tư tưởng, lý luận theo “lô gích” Phương Tây thì Trần Trọng Kim lại đề cao “trực giác”. Chữ này theo sự giải thích của Trần Trọng Kim, là một chữ mới người Nhật dịch ch ữ “intuition” của Pháp để chỉ cái năng lực biết rất nhanh rất rõ, hoặc về sự vật, hoặc về những điều quan hệ đến lý trí, đến đạo lý. Bởi thế nên hiểu chữ “intuition” theo ba nghĩa. Nếu là trực giác về sự vật thì đó là intuition sensible, trực giác đối với trí tuệ thì gọi là intuition intellectuelle, trực giác đối với đạo lý là intuition morale. Vậy dùng chữ trực giác mà chỉ nghĩa cho chữ lương tri tưởng cũng không là sai. Trần Trọng Kim nhấn mạnh “muốn tìm cái hệ thống của Nho giáo thì phải dùng trực giác mà xem, phải lấy ý mà hội thì thấy các mối liên lạc trong đoạn lý tưởng, tuy về phần hình thức thì lỏng lẻo, rời rạc nhưng về phần tinh thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi. Ngay trong Tây học, người hiền triết như Pascal cũng đã nói: Ta biết cái chân lý không những bởi lý trí mà còn bởi cái tâm nữa (Nous connaissons la vérité, non seulement par la raison, mais encore par le coeur)…, và cái tâm có những lẽ của nó mà lý trí không biết được, (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point)”.
Trần Trọng Kim đã bác bỏ ý kiến của Phan Khôi theo đó chủ nghĩa tôn quân trái với chủ nghĩa duy dân [dân chủ, démocratisme] như sau: “Khổng giáo đã có cái chủ nghĩa chuyên chế thì tất là có cái chủ nghĩa duy dân [dân chủ]. Song cái chủ nghĩa duy dân của Khổng giáo không giống cái chủ nghĩa duy dân của thời nay. Cái chủ nghĩa duy dân của thời nay cốt ở sự bình đẳng, chính nghĩa là bình đẳng trong luật pháp, nhưng nhiều người hiểu là bình đẳng hoàn toàn cả cho hạ dân cũng có quyền cai quản, cùng tham dự chính trị. Cái chủ nghĩa duy dân ở Khổng giao thì chủ ở trật tự, lấy đức lấy tài mà phân trên dưới và nhận có cái trong luật pháp mà không nhận có cái trong bình đẳng hoàn toàn khắp cả… Vua làm điều tàn bạo, dân có quyền trừ bỏ đi. Đó là cái chủ nghĩa duy dân của Khổng giáo mà tôi cho rằng chính đáng hơn cả. Tôi dám chắc rằng Khổng giáo không trái với chủ nghĩa duy dân”.
Trần Trọng Kim kết luận: “Cái gì của ta hay thì ta giữ lấy, cái gì ta không có thì ta đi học của người, làm thế nào cho ta lớn lên được mà ta vẫn là ta, chứ không lẫn với người… Tôi vẫn biết Nho giáo như ta đã thi hành ra tự xưa đến nay có nhiều điều dở. Nhưng cái dở đó là vì người mình không biết dùng lấy cái tinh thần mà chỉ khư khư giữ lấy cái cặn bã, không biết tùy thời mà biến đổi… Giả sử ta bỏ hết những cái vụn vặt cặn bã đó đi, rồi ta rút lấy cái tinh thần gây nó lên cho mạnh mẽ thì biết đâu ta lại không làm được việc rất đáng làm hay sao? Trước kia tôi cũng như Phan Quân, điều gì của ta tôi cũng cho là dở, muốn bỏ đi cho hết, để đi lượm lặt của người mà thay vào, sau dần tôi thấy những cái mình muốn lượm của người là những cái bã người ta nhai chán đã muốn bỏ ra. Nếu mình lại chạy theo mà lượm lấy đem về làm của qúy, thế chẳng hóa ra mình dại lắm ru!…”
2. Bút chiến để đối chiếu thâm tín không phải để tìm chung quyết. Cuộc tranh luận giữa hai nhà nghiên cứu đã chỉ cho thấy sự khác biệt giữa hai thâm tín về giá trị đích thực của Nho giáo. Nhưng nó đã không ngã ngũ để vạch ra đường lối Âu hóa thích hợp để nước Việt Nam tự cường hầu giành lại độc lập quốc gia.
© Trần Thanh Hiệp
(5.10.2014)

Không có nhận xét nào: