Pages

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Tại sao Tập Cận Bình muốn giữ chứ không phá hủy Hồng Kông

Để bảo vệ di sản của chính mình, Tập Cận Bình có đủ lý do để không mang xe tăng vào thành phố

Lịch sử hiện đại Trung Quốc cho chúng ta biết nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nổi tiếng với những vết nhơ trong các thành tựu lịch sử của họ. Tập Cận Bình, chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc không muốn di sản của ông bị bôi nhọ tương tự. Đó là lý do tại sao ông không thể lặp lại một Quảng trường Thiên An Môn bằng cách đưa xe tăng vào Hồng Kông, ngay cả khi người biểu tình ủng hộ dân chủ tiếp tục bao vây trụ sở chính phủ và chiếm giữ các khu mua sắm. Thực ra, cuộc khủng hoảng Hồng Kông đem lại cho Tập một cơ hội hiếm có để chứng minh sự khôn ngoan chính trị của mình nếu như ông ta có thể kết thúc nó mà không cần đến một viên đạn.
http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/590/amz/worldservice/live/assets/images/2014/09/29/140929082616_hong_kong_1.jpg

Một số người đã so sánh các cuộc biểu tình hiện tại - vốn đòi hỏi gọi người đứng đầu chính phủ Hồng Kông, Trưởng Đặc Khu Leung Chun-ying phải từ chức, và một cuộc phổ thông đầu phiếu bầu cử lãnh đạo kế tiếp phải thực sự dân chủ - với cuộc biểu tình năm 1989 của sinh viên ở trung tâm Bắc Kinh, từng kết thúc bằng một cuộc đàn áp đẫm máu. Nhưng nếu những chiếc xe tăng được nhìn thấy trên đường phố Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh và là đặc khu hành chính hiện nay của Trung Quốc, sẽ hiển thị không chỉ sự kết thúc của một Hồng Kông như thế giới đã biết, mà còn là đoạn kết của câu chuyện về Trung Quốc đang lưu truyền trong thế giới kinh doanh toàn cầu ba thập kỷ qua khi đất nước này đạt được những tăng trưởng kinh tế rất nhanh chóng. Mặc dù Hồng Kông không còn là thành phố giàu có duy nhất của Trung Quốc, nó vẫn còn có ý nghĩa về mặt kinh tế là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất ở bên ngoài Trung Quốc đại lục, nơi có thể giúp Bắc Kinh toàn cầu hóa đồng tiền của mình. Nó cũng vẫn là nơi dừng chân đầu tiên của nhiều nhà doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc muốn tìm cách mở rộng kinh doanh ra toàn thế giới. Nếu Tập gửi Quân đội Giải phóng Nhân dân đến đàn áp những người biểu tình, tất cả những giá trị này sẽ bị đe dọa.

Tập biết rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã được nhớ đến với đủ cả thành quả lẫn ngớ ngẩn. Chủ tịch sáng lập đảng Cộng sản Mao Trạch Đông, người lãnh đạo Đảng Cộng sản chiến thắng cuộc nội chiến của Trung Quốc, giúp cả nước đoàn kết lại lập nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 01 tháng 10 năm 1949. Đó là một thành quả tuyệt vời, nhưng bất cứ khi nào nhắc đến Mao, thiên hạ không bao giờ quên chê trách ông về cuộc Cách mạng Văn hóa thảm hại, một nỗ lực muốn tái tạo xã hội Trung Quốc đã trở thành 10 năm khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân, đẩy đất nước đến bờ tan rã và gieo một ý thức mất tin tưởng thấm đẫm trong Trung Quốc đến tận ngày nay.

Hoặc nhìn Đặng Tiểu Bình, người được rộng rãi công nhận như nhà lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc đương đại, người đủ can đảm quay lưng lại với phong cách xã hội Chủ nghĩa Liên Xô thất bại. Đặng Tiểu Bình đã mở cửa của Trung Quốc ra cho dòng vốn nước ngoài, và việc dỡ bỏ nền kinh tế và đời sống thường ngày từng một thời bị kiểm soát chặt chẽ đã đẩy đất nước đến sự thịnh vượng mà Mao chỉ có thể mơ ước. Nhưng di sản của Đặng Tiểu Bình đã bị hỏng bởi cuộc đàn áp Thiên An Môn vào năm 1989 tại Bắc Kinh, trong đó hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, sinh viên và người dân đã thiệt mạng và bị thương.

Rồi đến người kế nhiệm của Đặng là Giang Trạch Dân, đã bị chỉ trích rộng rãi vì cách cư xử của ông với Pháp Luân Công. Giang đã mở đường cho các doanh nghiệp tham gia vào hàng ngũ đảng và giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, bất chấp sự chống đối trong nội bộ. Tuy nhiên, ông cũng bị nhớ đến vì Pháp Luân Công. Được thành lập vào năm 1992, Pháp Luân Công đã thu hút hàng chục triệu tín đồ ở Trung Quốc trước khi bị chính quyền của Giang Trạch Dân ngăn cấm như một "tà giáo" trong năm 1999. Chính phủ Trung Quốc có thể có những lý do chính trị thực dụng rất vững chắc để ngăn cấm một lối thực hành tâm linh đã trở thành mối đe dọa cho nền cai trị độc đảng. Tuy nhiên, cách xử lý cuộc khủng hoảng của Giang - một cuộc đàn áp của các thành viên Pháp Luân Công trên toàn quốc, đôi khi không có cơ sở pháp lý mạnh mẽ - đã lấy đi một cái giá rất lớn trong hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, và di sản của Giang Trạch Dân.

Đối với Tập, tất cả đó là đủ những dữ liệu lịch sử để cho phép ông tránh một cái bẫy tương tự. Các nhà bình luận cả ở trong và ngoài nước cho rằng Tập rất muốn được nhớ đến như một nhà lãnh đạo tích cực trong khuôn mẫu của Đặng Tiểu Bình - một nhà cải cách có tác động thực sự - chứ không phải một vị chủ tịch không làm gì cả như Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của mình. Tập sẽ không để cho Hồng Kông làm hỏng tất cả. Đìều này còn đặc biệt đúng khi lời hứa cho phép phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông của Bắc là lời hứa của Đặng Tiểu Bình chứ không phải của Tập. Cái gọi là giải pháp "một quốc gia, hai chế độ", cho phép Hồng Kông được điều hành theo một bộ luật khác cho đến năm 2047, từng được rộng rãi công nhận là một trong những thành tựu lớn nhất của Đặng Tiểu Bình. Thậm chí cho đến ngày nay, khoảng 17 năm sau khi Đặng Tiểu Bình mất đi, tư tưởng của ông vẫn có ảnh hưởng lớn trong số các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh. Nếu Hồng Kông sụp đổ về chính trị hoặc về kinh tế trong tay lãnh đạo của Tập, ông sẽ được ghi vào lịch sử Đảng như là một trong những người để cho các thành tựu chính sách lớn nhất của Đặng Tiểu Bình phải thất bại.

Rủi thay, thời gian không đứng về phía Tập. Cho đến nay, hầu hết các sai lầm ở Hồng Kông có vẻ như là vì Leung. Mức ủng hộ Leung đã liên tục xuống thấp trong các cuộc thăm dò công chùng khác nhau được tiến hành kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Bảy năm 2012. Các nhà lãnh đạo phe đối lập, lãnh đạo sinh viên, và người biểu tình đã nhiều lần kêu gọi Leung nên từ chức để có thể xây dựng lại lòng tin giữa xã hội và chính phủ nhưng ông từ chối.

Theo tờ Wall Street Journal, Bắc Kinh đã ra lệnh cho Leung phải giải quyết tình hình mà không được nổ súng. Chưa rõ là mệnh lệnh này có thực sự được đưa ra hay không nhưng rõ ràng là quyết định bắn hơi cay vào người biểu tình trên 87 lần vào ngày 28 đã được thực hiện bởi lãnh đạo thành phố chứ không phải ở Bắc Kinh. Lựa chọn đinh mệnh đó đã chỉ khiến cuộc biểu tình dâng cao hơn, và làm cho Hồng Kông nhìn như một bãi chiến trường trong hình ảnh và các tường thuật trên Internet, truyền hình, và báo chí trên toàn thế giới. Hồng Kông, nơi từng là bằng chứng tốt nhất để Bắc Kinh phải thuyết phục thế giới rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có thể cùng tồn tại dưới dù che "một nước Trung Quốc", đột nhiên trở thành thách thức mới nhất và lớn nhất đối với Tập, chồng chất thêm vào những bất ổn xã hội ở hai khu vực tự trị Tây Tạng và Tân Cương. Giờ Leung phải hy vọng rằng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của mình - với việc cảnh sát trở lại mềm mỏng hơn, và người Phó của Leung, tổng thư ký Carrie Lam, lập kế hoạch đối thoại với người biểu tình - có thể đạt được kết quả. Nguồn tin của tôi ở Bắc Kinh cho biết là đích thân Tập đã theo dõi tình hình, cho thấy rằng việc ủy quyền cho cấp dưới của mình ở Bắc Kinh đã phản tác dụng. Đó là một cơn nhức đầu cho Tập nhưng nó cũng đặt ông vào một vị trí giúp đi ngược lại cuộc cuộc xung đột và sẽ được nhớ đến như một trong những người từng cứu được lời hứa nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình.

Tất nhiên, Tập cũng không chịu mất mặt và bị xem là mềm yếu trong con mắt của thế giới. Quyết tâm đặt Hồng Kông dưới chủ quyền của Trung Quốc của Tập có thể thấy rõ trong một bài xã luận ngày 4/10 trên cơ quan tuyên truyền, tờ Nhân dân Nhật báo, phủ nhận bất kỳ cơ hội nào cho cái gọi là "cuộc cách mạng màu" từng làm rung chuyển một số quốc gia ở Trung Đông. Nhưng điều đó không có nghĩa là Tập sẽ gửi xe tăng đến Hồng Kông để phô diễn sức mạnh của mình.

Phong trào phản đối của Hồng Kông đã đã đạt được một cơ sở của sự chiến thắng - nó đã buộc Bắc Kinh phải có một cách giải quyết thực tiễn hơn chứ không phải là một cuộc đàn áp quân sự nhanh chóng, và nó đã đạt được sự ủng hộ và tôn trọng Hồng Kông từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng vài ngày qua cũng đã cho thấy sự kiềm chế của Bắc Kinh. Nếu một cuộc biểu tình tương tự như thế diễn ra tại một thành phố đại lục lớn như Thượng Hải hay Quảng Châu - nơi người dân địa phương, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và cũng đang ngày càng quan tâm đến các quyền của họ - Bắc Kinh sẽ hoàn toàn không dung thứ. Điều ấy lập lại những gì Anson Chan, cựu Tổng thư ký Hong Kong, hiện là một tiếng nói hàng đầu trong phong trào ủng hộ dân chủ, đã mong ước rằng thành phố này sẽ không trở nên "một thành phố khác của Trung Quốc". Hiện giờ, tối thiểu hồng Kông chưa là như thế. Và về điểm này, Tập chắc sẽ phải đồng ý.
George Chen - Foreign Policy
Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
 

Không có nhận xét nào: