Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Song Chi - Từ tư duy cho tới hành động… “vũ như cẩn”

Đã quá ngán ngẩm với những phát ngôn, với quan trí của các chính khách, lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, vậy mà lại vẫn cứ đành phải nói.

Báo VietnamNet ngày 15.10 có bài “Một bộ phận không nhỏ không biết nằm ở đâu”. Đọc cái tít mà hoang mang không biết bài báo đang nói về cái gì, đọc tiếp hóa ra là câu nói của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc với cử tri quận 4, TPHCM cùng ngày. Câu nói được trích dẫn thế này:
Chủ tịch nước, bộ phận không nhỏ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: TTXVN
“Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy (chú thích: tức là có “tinh thần trách nhiệm, chết sống với công việc, với đất nước”) nhưng có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”-Chủ tịch nước đánh giá.

Theo ông, đi tìm “một bộ phận không nhỏ” này nhằm để sửa bản thân bộ máy công quyền và phục vụ dân tốt hơn.”

Đọc xong cả bài cũng không hiểu “một bộ phận không nhỏ” là gì. Lại còn “không biết nằm ở đâu, Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được.” Muốn “sửa bản thân bộ máy công quyền và phục vụ dân tốt hơn” mà không biết cái “bộ phận không nhỏ” (chú thích: tức là lớn) bị hư đó là cái gì, nằm ở đâu thì làm sao sửa?

(Thật ra người dân cũng thừa biết đó là đang nói về “một số lượng không nhỏ” cán bộ, đảng viên, quan chức…tham nhũng, thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…)

Nghe ông Chủ tịch nước nói đầy bất lực mà cảm thán!

Nhưng hóa ra đây không phải là lần đầu tiên ông than thở như vậy. Năm ngoái, với tư cách đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cũng với cử tri quận 4, TP.HCM.

Bài “Chủ tịch nước: “Một bộ phận không nhỏ” là câu hết sức đau đầu” trên báo Tuổi Trẻ viết:

“Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri than phiền tình trạng tham nhũng của đất nước không giảm mà còn có dấu hiệu tăng.

Chủ tịch nước đồng cảm: “Tôi nói điều này với tư cách cá nhân thôi: Ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn câu “Một bộ phận không nhỏ” là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận thì rất nhiều nhưng tìm thì không thấy… Phương thức phát hiện ra “bộ phận không nhỏ” này thông qua phương thức tự phê bình chỉ là một cách thức thôi chứ không phải là tất cả. Vai trò của những cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra là cực kỳ quan trọng. Nếu những cơ quan này tìm không ra thì Đảng cũng chịu thua thôi”.

Có nghĩa là sau một năm, phát ngôn của ông Chủ tịch nước không có gì thay đổi. Về nội dung, vẫn là không biết làm sao để tìm ra những cán bộ, đảng viên, quan chức tham nhũng, hư hỏng, biến chất…Về tâm trạng, vẫn là sự bất lực. Về thái độ, vẫn luôn tỏ ra đau đáu với nạn tham nhũng, với những vấn đề chưa giải quyết được của đất nước và nỗi bức xúc của người dân.

Cũng có nghĩa là công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch đảng mà đảng “ta” hô hào ít nhất cũng mười, hai mươi năm nay có vẻ như chả có chút tiến triển nào. Càng chống thì những kẻ tham nhũng, biến chất trong đảng, nhà nước càng xuất hiện nhiều như nấm độc sau mưa, thi nhau phá tàn mạt đất nước này.

Nói thật, người dân mà được quyền nói thẳng vào mặt các ông thì họ sẽ nói thế này: Không thể nào tiêu diệt được tham nhũng, dẹp sạch được những kẻ bất tài, cơ hội, ăn hại đái nát… bởi vì chính cái cơ chế này đã tạo điều kiện cho nạn tham nhũng và những kẻ như vậy tồn tại, phát triển.

Một cơ chế trong đó đảng nắm trọn quyền hành trong tay, không có sự giám sát của hệ thống tam quyền phân lập cộng với quyền lực thứ tư của một nền báo chí độc lập, và quyền tự do dân chủ của người dân, không có cả sự cạnh tranh giám sát của bất cứ đảng phái chính trị nào khác cho tới các tổ chức dân sự, phi chính phủ…Cái đảng cầm quyền ấy không trở nên tồi tệ, tham nhũng tràn lan, đảng viên quan chức thì bất tài, thiếu đức…mới là lạ.

Nhớ hồi ông Trương Tấn Sang mới nhậm chức, có những người dân cũng còn cố hy vọng vào ông, một phần vì “thành tích” tham nhũng của ông Sang không đến nỗi, một phần vì ông luôn tỏ ra chân tình, thấu hiểu, có những phát biểu đầy tâm trạng kiểu như :

“Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm… Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết cái đất nước này” (nói về tham nhũng, khi tiếp xúc cử tri TP.HCM tháng 5.2011).

Nhưng rồi năm tháng qua người ta thấy ông cũng chả làm được gì. Trong cuộc chiến mà dư luận đồn đoán giữa ông và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dù có sự hậu thuẫn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Sang cũng không thắng được. Ông cũng chẳng có tầm của một Chủ tịch nước. Cuối cùng cứ thấy ông trở về tâm sự với cử tri TP.HCM là nơi ông đã từng giữ công tác nhiều năm, quen thuộc hơn cả.

Trước đó mấy ngày, báo chí “lề trái”, các blogger…đã bình “loạn” khá nhiều về quan điểm chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định" ("Tổng Bí thư: Diệt chuột, đừng để vỡ bình”, VietnamNet).

Dư luận chỉ trích rằng câu nói chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” (ở đây là các quan chức tham nhũng, lợi ích nhóm…), rằng mục đích chính của ông Tổng vẫn là làm sao “giữ được cái ổn định” tức là giữ được chế độ, giữ được đảng, bất chấp quyền lợi của đất nước, dân tộc v.v…

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn là một Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cả đời chuyên về lý luận Mác Lênin, chuyên về công tác tư tưởng, tuyên giáo…Một con người với vẻ ngoài hiền lành như một ông giáo già, nhưng đầu óc thì lại kinh viện, xơ cứng, giáo điều.

Con người như vậy tư duy, cái nhìn rất khó thay đổi. Còn trong hành động, mọi việc ông làm chỉ là nhằm bảo vệ đảng, chế độ bằng mọi giá. Cũng vì bảo vệ đảng, bảo vệ sự ổn định bề mặt mà công cuộc chống tham nhũng hay làm trong sạch đảng mà ông hô hào chỉ là nửa vời. Điển hình là vụ tập trung mũi dùi “đánh” vào ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trước kia cuối cùng cũng chỉ là kiểm điểm, phê bình, không thi hành kỷ luật.

Nạn tham nhũng đã phát triển thành căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, vậy mà ông Tổng lại coi chỉ như ngứa ghẻ:

“Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu”. Chỗ nào cũng thấy phải có tiền”. (“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quan trọng là làm sao cho cán bộ công chức phải trong sạch”, Lao Động).

Ông còn ví von:

“Có quyền lực trong tay thì có tham nhũng. Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng” (“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đồng tiền đã xuyên cả vào giáo dục, y tế”, Tiền Phong).

Cách ví von sai lạc này đã bị một số blogger, nhà báo… vạch ra.

Sau bao nhiêu năm quyết liệt chống tham nhũng, với những khẩu hiệu rổn rảng nào phải quyết tâm, phải có cái nhìn khoa học, biện chứng, phải có lòng tin, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chứng tỏ đã bất lực, cứ nhai đi nhai lại những câu nói sáo mòn cũ. Không có thực tài, không thực sự nắm trọn quyền lực trong tay, cũng không có một tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "diệt ruồi" còn không xong nói gì đến "đả hổ" mà hổ to như Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang cũng bất lực từ lâu.

Còn ông Thủ tướng do ít phát biểu nên ít để lộ sự dốt nát, bất lực như hai vị kia nhưng ai mà chả biết trùm tham nhũng, con sâu chúa lớn nhất, là ông? Ông Thủ tướng cũng là thủ phạm của hàng loạt chính sách sai lầm về kinh tế đã đưa nền kinh tế nước này trở thành khủng hoảng, nợ nần tràn lan còn bản thân ông cứ phải vác mặt đi xin, đi vay chỗ này nước kia…

Thêm vào đó, qua thời gian, những phát ngôn của từng người đều không có gì mới, chứng tỏ tư duy, đầu óc cho tới chính sách, chiến lược, hành động của họ không có gì thay đổi.

Thế giới đang lao đi với vận tốc của ánh sáng, nhưng ở Việt Nam thì thời gian dường như ngưng đọng lại, tù hãm, trì trệ, quẩn quanh không lối thoát, bởi đảng cộng sản kiên quyết độc quyền lãnh đạo đất nước đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa nhưng chính ông Tổng Bí thư thì từng phải thú nhận: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”!

Song Chi

(FB Song Chi)

Không có nhận xét nào: