Pages

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Sản phẩm dối trá: Nguyễn Văn Trỗi

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/f/fe/Nguyen_Van_Troi.jpg

Cách đây 50 năm, vào một sáng sớm mùa Thu tháng 10 năm 1964, học sinh trường tiểu học chúng tôi tập trung ngoài sân chào cờ. Nhưng buổi chào cờ hôm ấy mang một bầu không khí đặc biệt. Sau lễ chào cờ, chúng tôi không giải tán để đi vào lớp mà ở lại nghe thầy hiệu trưởng nói về người “anh hùng liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi, và làm lễ mặc niệm.

Thầy hiệu trưởng nói về Nguyễn Văn Trỗi, là biệt động quân Sài Gòn, một người thợ điện còn rất trẻ, mới 24 tuổi, vừa mới lấy vợ chưa có con, đã xung phong nhận nhiệm vụ đánh bom ám sát Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNanara đang ở thăm Sài Gòn. Dự tính bom sẽ được đặt dưới cầu Công Lý, nơi phái đoàn cao cấp của Mỹ do McNamara dẫn đầu, đi qua. Kế hoạch bị bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử hình. Ngày 15 tháng 10 năm 1964, bản án được thi hành.

Tôi nhớ, buổi sáng chào cờ hôm ấy, thầy hiệu trưởng đọc lại lời của Hồ Chí Minh, đại ý là “Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là các cháu thanh niên, học tập.”

Và thế là phong trào nổi lên. Người ta cho tổ chức thi giỏi văn toàn miền Bắc với đề bài nói về “anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi. Âm thanh kích động còn được khuếch trương trên báo đảng. Tố Hữu thì làm thơ, mô tả toàn bộ cuộc hành quyết Nguyễn Văn Trỗi trên báo Nhân Dân qua bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi,” trong đó có 3 lần nhắc lại “Hồ Chí Minh muôn năm!”

Các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn thì đồng loạt cho ra đời các tác phẩm ngợi ca Nguyễn Văn Trỗi, “biểu tượng của ngọn lửa anh hùng cách mạng.”

Chưa hết, phim ảnh cũng xây dựng “hình ảnh” Nguyễn Văn Trỗi; âm nhạc cũng nói về Nguyễn Văn Trỗi.

Vân vân và vân vân...

Trong xã hội miền Bắc, con người sống như bị giam hãm trong “trại súc vật,” bị tẩy não, bị thuần hóa, mù tịt thông tin, chỉ biết thế giới bên ngoài qua các phương tiện báo chí truyền thông của đảng. Lúc ấy cũng chưa có Internet, dường như ai ai cũng tin, tin như đinh đóng cột vào cả những điều phi lý hiển nhiên. Một con người nơi pháp trường đã bị trói gập khuỷu tay làm sao có thể giật mảnh băng đen bị mắt. Rằng, đã bị súng bắn chết gục sao còn có thể “thắng dậy” mà hô khẩu hiệu! Nhưng tuyệt nhiên không hề có một sự nghi kỵ nào!

Phải đợi tới 34 năm sau, năm 1998 khi cuốn sách “Chân dung và đối thoại” của Trần Ðăng Khoa phát hành, thì một số ít người mới biết được sự thật. Diễn biến toàn cảnh Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử hình trên không như Tố Hữu ca ngợi mà bị xiên xẹo, bịa đặt, dối trá. Cả một nửa đất nước đã bị lừa gạt thảm hại bởi bút pháp “bậc thầy” và nghệ thuật bịa của “nhà thơ lớn.”

Trong một lần tâm sự với Trần Ðình Khoa, Tố Hữu, lúc này là một con người thất thế, chán nản nhân tình thế thái, như một lời tự thú, đã nói ông ngồi nhà bịa như thật khiến người đọc cứ tưởng như ông đang ở ngoài mặt trận, khi viết bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và cũng dịp ấy ông thú nhận: “Tôi hô khẩu hiệu đấy, tôi chả sợ. Tôi muốn nói rằng: Không có cái gì là không thành thơ được. Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia.”

Cái kim bọc kỹ lâu ngày cũng lòi ra. “Anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi bị bắn chết nhưng “nhà thơ” đã kịp nhét khẩu hiệu vào mồm! Ðể hô. Hô to cho dân miền Bắc nghe qua báo đảng!

Sau này xem lại clip video mới thấy Nguyễn Văn Trỗi, một kẻ khủng bố đúng nghĩa với ngôn ngữ ngày nay, chẳng thấy anh ta hô hoán khẩu hiệu nào, mà cũng chẳng thấy đâu cái tư thế “lẫm liệt” (https://www.youtube.com/watch?v=wH3RgiZJSaI )


Nhưng cũng hết sức thô bỉ và đáng xấu hổ! Biết là bịa mà Trần Ðăng Khoa củng cố nịnh:

“Tất nhiên, sau ba câu khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm, Tố Hữu đã hạ một câu thơ thật là thần tình: Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần. Và thế là ngay lập tức, mấy câu khẩu hiệu khô khốc trên kia đã không còn là khẩu hiệu nữa, nó đã thành tình cảm, xúc cảm, thành nỗi niềm thiêng liêng của cả một đời người ở cái giây phút hiểm nghèo nhất. Và người đọc bỗng ứa nước mắt. Ðấy là tài nghệ của một bút pháp lớn. Bút pháp bậc thầy.”

Sự dối trá về Nguyễn Văn Trỗi cũng tương tự như “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám trong thời chống Pháp, một nhân vật được Trần Huy Liệu, bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền và Cổ Ðộng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sáng tác, dựng lên.

Trớ trêu thay, cho đến ngày nay, người ta cũng bất chấp dư luận, sống sượng và vô liêm sỉ đến mức vẫn lấy tên Lê Văn Tám để đặt tên cho nhiều trường học và công viên ở Việt Nam. Họ cũng chẳng chỉnh sửa, đính chính những điều không có về hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi.

Các thế hệ sau chiến tranh tiếp tục bị nhồi sọ bằng những biểu tượng lịch sử gian dối, mà đỉnh cao nhất là nhân vật Hồ Chí Minh, được tuyên truyền như “một danh nhân văn hóa.”

Chế độ Cộng Sản tồn tại được nhờ vào hai yếu tố: bạo lực và dối trá. Bạo lực để đàn áp sự chống đối và phủ tâm lý sợ hãi lên toàn xã hội. Dối trá để nhồi sọ, ngu dân.

Cựu Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Liên Xô Michail Gorbachev đã từng cay đắng nói: “Cả cuộc đời tôi đi theo chủ nghĩa Cộng Sản chỉ thấy toàn là nói dối, nói dối và nói dối.”

Lech Walesa, cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, người thợ điện đã làm chập mạch toàn bộ hệ thống Cộng Sản Châu Âu nói rằng, “Người Cộng Sản là những tổ sư chuyên về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi.”

Còn Aeschylus (524 TCN-456 TCN), nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của bi kịch hiện đại, từ xa xưa đã nhận định: “Không có gì tồi tệ hơn sự dối trá được thể hiện bằng những ngôn từ hoa mỹ.”

Lê Diễn Ðức

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: