Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Quan điểm của người Bắc Kinh đối với cuộc biểu tình ở Hong Kong

Bắc Kinh- Trung Cộng. (Reuters) – Trong lúc cuộc biểu tình ở Hong Kong là thách thức lớn nhất đối với Trung Cộng kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989, giới chức kiểm duyệt Trung Cộng tìm mọi cách phong tỏa, không cho tin tức lan truyền trong lục địa. 

Hầu hết báo chí trong Thứ Sáu ngày 3 tháng 10, và các ngày trước đây đều đăng tin Hong Kong ở trang sau và với luận điệu là người biểu tình đang hỗn loạn và chính quyền Hong Kong đã cứng rắn đối phó. Kết quả của hạn chế tin tức là nhiều sinh viên đang nghỉ các ngày lễ quốc khánh ở Bắc Kinh cho biết họ và bạn học của họ chỉ lờ mờ biết tới cuộc biểu tình tại Hồng Kông, với nhiều cảm tưởng rất khác nhau về những gì diễn ra tại Hong Kong. 



Sinh viên Vương Mạnh nói rằng các bạn học trong lớp anh không biết việc gì xảy ra nếu không lên Instagram hay Twitter. Anh ta cũng khám phá trang Weibo nói rằng sinh viên Hong Kong đang ăn mừng Quốc Khánh. Nhiều sinh viên ở Bắc Kinh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Reuters và họ nói rằng Hong Kong đang muốn độc lập với Trung Quốc, là điều người biểu tình Hong Kong chưa bao giờ đòi hỏi. Một sinh viên 21 tuổi nói rằng những người biểu tình đang muốn cắt lìa Hong Kong ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, và đây là những ý định không thể chấp nhận. Nhưng sau khi các phóng viên cho anh ta biết một ít tin tức về cuộc biểu tình thì người sinh viên này nói rằng nếu cuộc biểu tình chỉ đòi quyền tự do chọn người lãnh đạo thì đây là đòi hỏi chính đáng.


Nhà hàn lâm Jean-Pierre Cabestan nói rằng ông ta nghĩ các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cố gắng miêu tả những người biểu tình Hong Kong đang đưa Hồng Kông tới hỗn loạn. Họ muốn nhấn mạnh rằng họ là một lực lượng ổn định và ông ta nghĩ rằng sự so sánh có thể được thực hiện với loại ứng phó mà họ đã dành cho phong trào Thiên An Môn. Cách nay 25 năm, Trung Cộng đã để cho sinh viên biểu tình trong nhiều tháng rồi sau đó đưa xe tăng và quân đội tới đàn áp. Trên trang Weibo, những chữ như Cách Mạng Dù bị cấm dùng.


Tài liệu của nhóm Weiboscope của Trường Đại học Hong Kong theo dõi trang Weibo cho thấy trong lúc xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát lên cao điểm nhất trong ngày 28 tháng 9, những bản tin đưa lên Weibo đã bị đục bỏ cao gấp 5 lần bình thường. Ông Cabestan nói rằng dù bị phong tỏa, tin tức có thể lọt qua Twitter, Facebook và Google. (H. Võ)

Không có nhận xét nào: