Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Philippines, Việt Nam có thể mua tàu giá rẻ

Chuyên gia Singapore gợi ý mô hình hợp tác mua sắm quốc phòng đa phương của châu Âu.

Philippines và Việt Nam cần phải hiện diện đầy đủ trên biển Đông để biến tuyên bố chủ quyền dựa trên luật định thành sở hữu trên thực tế. Muốn thế, hai nước chỉ có một cách duy nhất là tăng cường năng lực hàng hải, cải thiện sức mạnh tuần tra bằng cách tăng số tàu tuần tra và cải tiến thiết bị trên tàu.
Chuyên gia Nah Liang Tuang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore) khẳng định trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 8-10.
Ông ghi nhận dù kém Trung Quốc về sức mạnh hải quân, Philippines và Việt Nam nhận thức rõ không thể để Trung Quốc lấn chiếm dần rồi bao chiếm cả biển Đông.
Do đó Việt Nam đã đặt mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga và hai tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan. Còn Philippines mua lại hai tàu khu trục lớp Del Pilar của Mỹ.
Tuy nhiên, sở hữu tàu chiến công nghệ cao có nhiều bất tiện như không thể triển khai tuần tra liên tục, phải sửa chữa cầu cảng phù hợp, phải thử nghiệm tàu nhiều lượt.




Các binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên Phiblex ở tỉnh Zambales (Philippines) trong 12 ngày từ ngày 29-9. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Do đó để khẳng định chủ quyền trên biển, cần có khả năng triển khai thường xuyên tàu tuần tra dù đó không phải là tàu công nghệ cao.
Để mua sắm tiết kiệm nhất, chuyên gia Nah Liang Tuang gợi ý Philippines và Việt Nam có thể tham khảo mô hình hợp tác phát triển, sản xuất và mua sắm quốc phòng đa phương của châu Âu.
Mô hình này đã hình thành từ những năm 1970. Mục đích nhằm tiết kiệm ngân sách, tăng cường tính độc lập, khả năng cạnh tranh và bảo toàn công ăn việc làm trong sản xuất vũ khí với Mỹ.
Trong những năm 1970, Anh, Đức và Ý đã hợp tác sản xuất máy bay Panavia Tornado; còn Anh và Pháp cùng sản xuất máy bay SEPECAT Jaguar.
Đến năm 1991, Pháp, Đức và Tây Ban Nha bắt tay nhau sản xuất trực thăng Eurocopter Tiger. Eurofighter Typhoon là dự án hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu mới nhất (năm 1994) của ba nước Ý, Anh và Pháp.
Năm 2007, Pháp và Ý cho ra đời tàu khu trục lớp Horizon và tàu khu trục đa năng FREMM.
Với các dự án hợp tác này, các nước không chỉ chia sẻ chi phí phát triển mà còn hoàn thành mục tiêu sản xuất vũ khí đúng chuẩn với chi phí rẻ.
Như vậy, Philippines và Việt Nam có thể áp dụng một phần mô hình của châu Âu như sau:
-Hai nước có thể tìm kiếm hỗ trợ về giá cả từ các nước có nền công nghiệp đóng tàu phát triển và có thiện chí chính trị. Nước đó có thể là Nhật. Mục tiêu này sẽ dễ dàng hơn nếu đơn hàng hai nước gộp lại với số lượng lớn từ 24 chiếc.
-Hai nước có thể cùng đặt mua động cơ từ các nước có mong muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài giá cả cạnh tranh, nếu hai nước cùng đặt mua với số lượng lớn thì sẽ được thêm chiết khấu. Nhật và Mỹ là hai nước phù hợp.
-Hai nước có thể đặt mua chung các hệ thống hàng hải không mang tính nhạy cảm về an ninh, linh kiện vũ khí, súng máy hạng nặng cũng từ các nguồn như Nhật và Mỹ.
Với cách thức này, Philippines và Việt Nam có thể mua được radar, hệ thống viễn thông, vòi rồng tự động và thậm chí thiết bị quốc phòng cao cấp như thiết bị phát hiện tàu ngầm với giá chấp nhận được.
Lợi ích hữu hình đạt được là Philippines và Việt Nam có thể nâng cao khả năng giám sát vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp trên biển và đối phó tốt hơn với âm mưu xâm nhập. Ngoài ra còn có lợi ích vô hình quan trọng là cải thiện ngoại giao quốc phòng trong khối ASEAN, thiết lập một tạm ước giữa Philippines và Việt Nam về vấn đề chủ quyền trên biển Đông để tránh nguy cơ hai bên đối đầu. Riêng Philippines sẽ tự tin hơn rằng có thể tự xây dựng năng lực quân sự chứ không chỉ nhờ vả các nước phát triển.

Theo Đăng Khoa
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào: