Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Nước - vũ khí mới của Nhà nước Hồi giáo

Nguồn: VnExpress.net


Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang biến nguồn nước thành một thứ vũ khí nguy hiểm để chống quân đội của các chính phủ và đe dọa cuộc sống người dân. 

Người Iraq chờ lấy nước từ lô hàng cứu trợ tại Amerli hôm 1/9. Ảnh: AFP
Các chiến binh IS đang hoành hành ở miền bắc Iraq đang mở rộng quyền kiểm soát tại các công trình thủy lợi, và cắt đứt nguồn nước của những làng nào dám chống lại sự thống trị của chúng.
Việc IS nắm quyền kiểm soát nguồn nước là một mối đe dọa nghiêm trọng, khiến Mỹ liên tục không kích các chiến binh IS gần các đập Mosul và Haditha, Iraq. Tuy nhiên, nhóm cực đoan vẫn tiếp tục uy hiếp cả hai con đập này. IS hôm 7/10 đụng độ với quân đội Iraq gần đập Haditha.


IS muốn chiếm giữ những con đập để củng cố lời tuyên bố rằng chúng đang xây dựng một nhà nước thực sự. Chúng đã chiếm được nhiều khu vực tại Iraq và Syria. Trong cuộc tấn công gần đây nhất, nhóm bao vây thị trấn của Kobani, Syria với âm mưu chiếm thêm một phần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đang gia tăng các cuộc không kích vào thị trấn này nhằm ngăn chặn bước tiến của IS.
Việc kiểm soát các đập rất quan trọng vì chúng cung cấp nước cho các cánh đồng lúa mì rộng lớn tại Iraq và cung cấp nguồn thủy điện cho người dân. IS còn kiểm soát tại các công trình khác, gồm 4 đập nước dọc theo sông Tigris và Euphrates, cắt nguồn cung cấp nước trọng yếu cho người dân, khiến họ phải di tản.
"IS hiểu nước là công cụ mạnh mẽ như thế nào, và chúng không ngần ngại sử dụng nó", Washington Post dẫn lời Michael Stephens, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh, cho biết. "Chúng bỏ ra nhiều công sức để kiểm soát các nguồn tài nguyên ở Iraq, điều này không xuất hiện ở các xung đột khác".
Nguy cơ lớn
Nguồn nước từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong đấu tranh vũ trang. Mỹ và đồng minh từng đánh bom các đập của Đức trong Thế chiến II. Cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng từng cho thoát nước đầm lầy miền nam Iraq vào những năm 1990 của để trừng phạt người dân do đã bạo động.
Mưu đồ chiếm những công trình thủy lợi quan trọng của nhóm cực đoan đang làm dấy lên nhiều lo sợ. IS hồi tháng 8 chiếm đập Mosul, tại sông Tigris. Nhận định đây là một mối đe dọa lớn, Mỹ đã hỗ trợ lực lượng Iraq và người Kurd tấn công IS, giành lại con đập.
"Nếu con đập đó bị chiếm, nó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc như lũ lụt, đe dọa sự an toàn của người dân, đồng thời gây nguy hiểm cho đại sứ quán của chúng ta tại Baghdad", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hôm 18/8, vào ngày lực lượng Iraq tái chiếm đập Mosul.
Sông Tigris và Euphrates của Iraq là huyết mạch cho nền nông nghiệp quốc gia. Chúng cũng cung cấp nước cho các hộ gia đình và tạo ra nguồn thủy điện.
Theo Liên Hợp Quốc, trữ lượng nước ở Iraq đã giảm trong những năm gần đây. Đến năm 2055, Iraq có thể thiếu 33 tỷ mét khối nước mỗi năm.
"Iraq đang lâm vào cảnh thiếu nước, tình trạng này đã gây ra những tác động nghiêm trọng về kinh tế và chính trị trong vài năm gần đây", ông Kenneth Pollack, một chuyên gia về các vấn đề quân sự ở Trung Đông tại Viện Brookings, cho biết. Ông nhận định bất kỳ mưu đồ cắt đứt nguồn nước nào của IS cũng sẽ "vô cùng tai hại".
"Thủy chiến" trên cạn tại Iraq
Các phần tử cực đoan người Sunni của IS gọi những người Hồi giáo gốc Shiite là những kẻ phản bội tôngiáo. Tại Iraq, các chiến binh cáo buộc người Shiite hậu thuẫn cho chính phủ để đàn áp người Sunni.
IS hồi tháng 4 chiếm đập Fallujah, phía tây tỉnh Anbar. Một số quan chức Iraq nhận định động thái này nhằm làm chậm dòng chảy xuống các tỉnh có đông người Shiite ở phía nam.
Nước tích tụ ở đập Fallujah sau đó ồ ạt tràn ra kênh tưới tiêu trong một khu vực của người Sunni gần đó, khiến nhà, trường học và đất canh tác ở đây chìm trong nước. Các trận mưa lớn khiến cư dân phải dùng bè tạm để di chuyển, đồng thời cũng cuốn trôi vật nuôi của họ. Nhân viên cứu trợ cho biết trận lũ này đã gây ảnh hưởng cho nhiều nhất là 40.000 người.
IS tháng trước kiểm soát đập Sudur, phía bắc Baghdad, để cắt nguồn nước đến Balad Ruz, một khu vực đông người Shiite ở tỉnh Diyala. Theo người đứng đầu thị trấn này, các chiến binh đặt các thiết bị nổ tự chế dọc theo con đường dẫn vào đập. Chính phủ buộc phải thuê xe tải để mang nước sạch đến cho cư dân.
Một quan chức địa phương ở tỉnh Diyala tháng trước cho biết IS làm ngập lụt 9 làng trong khu vực Shirwain bằng cách làm chệch dòng chảy khỏi những con sông gần đó, nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng an ninh Iraq. Chủ tịch hội đồng thành phố thuộc tỉnh này cũng tố cáo IS làm xáo trộn dòng chảy, nhấn chìm hơn 60 ngôi nhà và 200 héc ta đất nông nghiệp, nhằm ngăn quân chính phủ Iraq tiến vào địa bàn của các chiến binh.
"Hai bên đang giao tranh để kiểm soát nguồn nước tại Iraq. IS muốn đoạt được nó bằng bất cứ giá nào", Abdul Majid Satar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi của Chính quyền Khu vực Kurdistan, một khu bán tự trị ở bắc Iraq, cho biết.
"Họ có thể đe dọa nhiều nơi trên quốc gia nếu họ kiểm soát được nguồn nước", Satar nói.

Các đập nước ở Iraq. Đồ họa: Washington Post.
Gây sức ép bằng nước
Các chiến binh IS hồi tháng 6 chiếm đóng Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq. Hai tháng sau đó, nhóm này mở rộng cuộc tấn công và thậm chí còn tiến sâu hơn vào lãnh thổ phía bắc Iraq.
Với sự hậu thuẫn từ các đợt không kích của Mỹ, lực lượng người Kurd Peshmerga đã tái chiếm nhiều khu vực bị IS cướp trong cuộc giao tranh hồi tháng 8. Nhưng khi các chiến binh IS rời đi, chúng vẫn lợi dụng quyền kiểm soát mạng lưới điện, nước tại Mosul để cắt nguồn điện và nước đến khu vực này.
"Chúng tôi đã trở về làng, nhưng chúng tôi lại phải di tản vì không có điện và nước", Mazoot Shaqer Mohammad, một nông dân người Kurd ở huyện Gwer, bắc Iraq, một trong những nơi lực lượng người Kurd đã tái chiếm từ tay IS, cho biết.
"Ngay cả khi đã rút quân, họ vẫn còn nắm quyền", Mohammad nói về các chiến binh IS. "Họ hiện không còn chiếm đất. Nhưng họ đang kiềm chế người dân trở lại làng".
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một nhân viên cấp cao quản lý nguồn nước ở Mosul, khu vực hiện do IS kiểm soát, đã trả lời về việc cắt nước tại một số làng.
"Tất cả những gì tôi biết là chúng tôi luôn cấp nước cho các ngôi làng, nhưng giờ đây, chúng tôi không thể", người nhân viên lấy tên là Salah, nói. "Nhưng tôi tin rằng IS đang sử dụng nước như một vũ khí".
Trong một ngôi làng nhỏ gần Gwer, IS lại sử dụng một thủ đoạn khác.
Theo Ibrahim Ismail Rasool, một nông dân người Kurd tại thôn trồng lúa mì Talkhaneim, các chiến binh IS đã rút quân nhưng chúng lại cắt nguồn điện dùng để lấy nước từ hai giếng trong thôn. Sau đó, các chiến binh liên lạc với một quan chức địa phương và ra yêu sách. Chúng sẽ cấp điện trở lại nếu người dân chịu trả tiền cho chúng.
"Họ đòi 3.500 USD để cấp điện trở lại. Họ đang vận hành như một chính phủ, thu tiền từ người dân", ông Rasool cho biết.
Theo Rasool, nếu không có nước, người dân không thể về nhà, họ cũng không thể nuôi gia súc, gia cầm. Ông và dân làng đã hỏi những quan chức người Kurd liệu họ có thể trả tiền cho IS để có điện, nước hay không.
"Chính quyền nói không", ông nói. "Họ không muốn giao dịch với IS".

Phương Vũ (Theo Washington Post)

Không có nhận xét nào: