Pages

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Nợ công VN sắp 'vượt ngưỡng an toàn'



Các doanh nghiệp nhà nước trong ngành giao thông vận tải và xây dựng có tỷ lệ nợ xấu cao

Quốc hội Việt Nam vừa thông báo nợ công sắp vượt trần, trong lúc giới chuyên gia cảnh báo mối nguy tiềm ẩn từ khối doanh nghiệp nhà nước.
Báo điện tử VnExpress hôm 14/10 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Hà Nội cho biết nợ công có khả năng "đạt suýt soát 64% GDP" vào cuối năm 2015.

"Chúng tôi quy định nợ công không vượt quá 65% GDP", bà nói thêm.
Trước đó, báo cáo được chính phủ Việt Nam đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 9/10 cho biết nợ công có thể sẽ đạt tương đương 60,3% GDP vào cuối năm 2014.
Tính đến ngày 14/10, nợ công của Việt Nam, theo Đồng hồ nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, là 84,6 tỷ đôla.
Trả lời BBC hôm 14/10, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng tình trạng nợ công gia tăng sẽ làm giảm uy tín của chính phủ trong vấn đề cải cách nền kinh tế.
Ông Thế Anh cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn do việc thống kê nợ công hiện nay không bao gồm nợ từ doanh nghiệp nhà nước.

'Đi ngược lời hứa cải cách'




BBC: Thưa tiến sỹ, ông có thể cho biết những rủi ro nền kinh tế sẽ phải đối mặt nếu nợ công chạm ngưỡng an toàn?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Như Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, trong vòng 1-2 năm tới, nợ công của Việt Nam có thể tăng sát trần, đạt tới 64% GDP.
Ở đây là họ đã tính tới một số các dự án mà chính phủ đang xin phép quốc hội phê duyệt để thực hiện ví dụ như dự án sân bay Long Thành và một số dự án lớn khác.
Các dự án này chủ yếu đều dùng vốn đi vay nên nếu được cho phép thực hiện sẽ đẩy mức nợ công của Việt Nam lên sát ngưỡng an toàn.
Việc này có thể tác động đến các nhà đầu tư tài chính, gây tâm lý lo ngại và có thể làm ảnh hưởng đến đánh giá về độ an toàn của nợ công Việt Nam.
Bên cạnh đó, mức vay nợ của Việt Nam hiện nay tương đối là cao. Trong khi đó, chính phủ vẫn tiếp tục tham gia cam kết thực hiện các dự án kinh tế quá lớn, nằm ngoài khả năng cân đối thu chi.
Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tư nhân, cụ thể là khiến vốn mà lẽ ra khu vực tư nhân có thể tiếp cận bị giảm đi rất nhiều.
Điều này cũng làm giảm giá trị lời cam kết của chính phủ trong việc thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp khu vực đầu tư công trong nền kinh tế, bởi vì chỉ số nợ công đang phản ánh điều ngược lại.


Hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã chậm lại trong thời gian gần đây

Chưa tính doanh nghiệp nhà nước

BBC: Thưa ông, tại Việt Nam, nợ của các doanh nghiệp nhà nước lại không được tính vào nợ công. Điều này dẫn tới những rủi ro nào?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Nợ công được công bố chính thức của Việt Nam hiện nay là nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Theo tôi thì nợ của doanh nghiệp nhà nước mới là nguy cơ tiềm ẩn và là rủi ro lớn nhất với an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay.
Nếu chúng ta nhìn vào thực tiễn thì có thể thấy có một số khoản nợ không được chính phủ bảo lãnh, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì chính phủ vẫn phải đứng ra cam kết trả nợ thay.
Trên thực tế, nợ của doanh nghiệp nhà nước hiện nay mà không được chính phủ bảo lãnh cũng gần tương đương với nợ công chính thức được công bố.

Tiến sỹ Phạm Thế Anh

null

Trong số các doanh nghiệp nhà nước có nợ lớn thì có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, không trả được nợ.
Nhiều doanh nghiệp có tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 30 lần. Có thể điểm tên một số doanh nghiệp nhà nước đó như Công ty Hàng hải của Vinashin chuyển sang Vinalines, nợ có thể lên tới 70.000 - 80.000 tỷ.
Các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải và xây dựng cũng có hệ số nợ rất lớn, có thể lên đến hơn 10 lần.
Đây là những mầm mống, nguy cơ đe dọa đến vấn đề an toàn nợ công của Việt Nam.

'Ngân sách không trả được nợ xấu'

BBC: Vừa rồi Bộ Kế hoạch Đầu tư có đề xuất là sử dụng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Ông nghĩ gì về điều này?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Điều đó theo tôi là không khả thi vì ngân sách hiện nay không đủ để trang trải chi tiêu của chính phủ, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Hàng năm, thâm hụt ngân sách lên đến 6 - 7%.
Như vậy nếu nói lấy nguồn thu từ ngân sách nhà nước để trả nợ xấu thì không khả thi vì nếu có lấy thì cũng không đáng kể so với quy mô nợ xấu hiện nay.




BBC: Ông đánh giá thế nào về mức độ hiệu quả của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: VAMC về bản chất không phải là công ty xử lý nợ xấu. Đây chỉ là một công cụ để kéo dài thời gian xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại hiện nay khi vướn vào nợ xấu thì nguồn vốn của họ bị tắc nghẽn ở khoản nợ xấu đó.
Ngân hàng Nhà nước dùng VAMC để tái cấp vốn cho các ngân hàng đó bằng cách ghi trái phiếu cho các ngân hàng có nợ xấu.
Các ngân hàng này có thể dem trái phiếu thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền dùng vào hoạt động kinh doanh.
Về bản chất, VAMC không phải là công cụ xử lý nợ xấu mà chỉ kéo dài thời gian giúp các ngân hàng thương mại tự giải quyết nợ xấu thông qua tái cấp vốn.
Tôi không nghĩ rằng nó có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu hiện nay của Việt Nam.

Không có nhận xét nào: