Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Nợ công: Không còn là vấn đề của tương lai

Tư Hoàng/ TBKTSG 
Ảnh bên:Hầm đường bộ Hải Vân - công trình xây dựng bằng vốn vay của Nhật Bản. Ảnh Wikipedia

 Ngưỡng an toàn nợ công của Việt Nam đang có nguy cơ bị xô đổ trong thời gian ngắn tới đây nếu căn cứ vào những số liệu chính thức của Chính phủ. Như vậy, nợ công không còn là vấn đề đáng lo ngại của tương lai, mà hiện hữu trước mắt.

Tuy nhiên, ngưỡng an toàn đó thực tế đã bị bỏ lại phía sau từ lâu, nếu nợ công được tính đúng và tính đủ, theo các tài liệu của Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nợ công của Việt Nam đến năm 2015 sẽ tiệm cận mức 64% GDP, gần sát ngưỡng an toàn là 65% GDP - được coi là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh của Quốc hội trong kế hoạch 2011-2015. Mức nợ công sẽ vào khoảng 63% GDP vào cuối năm nay.

“Nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, nếu không muốn dùng từ rất xấu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trong phiên thảo luận gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
\
Ông lo ngại, nếu tốc độ tăng nợ công vượt ngưỡng an toàn 65% vào năm 2015, thì cả Quốc hội và Chính phủ sẽ rất khó để tăng bội chi, hay tăng chi cho đầu tư phát triển.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia công nghiệp hóa đến năm 2020, ông bày tỏ.

Tuy nhiên, tiêu chí tính nợ công của Việt Nam là chưa đầy đủ, và thực tế nợ công của Việt Nam phải lớn hơn nhiều, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển.

Ông Hiển nói, nợ công dự kiến lên gần 64% GDP tính đến cuối năm 2015 phản ảnh ngân sách Nhà nước “đang ở mức rất khó khăn” do nghĩa vụ trả nợ so với tổng ngân sách ở mức cao.

Chính phủ dự kiến sẽ dành 31,9% ngân sách để trả nợ trong năm 2015, tức cao hơn so với giới hạn 25% ngân sách dùng để trả nợ mà Quốc hội cho phép.

Nợ công đáng lo ngại hơn, nếu tính ở góc độ khác.

Ông Hiển giải thích: “Nợ công của chúng ta chưa được tính đầy đủ vì nợ công chưa tính hết nợ của Ngân sách nhà nước như nợ hoàn thuế, nợ bảo hiểm xã hội, và nợ cấp bù lãi suất cho hai ngân hàng thương mại quốc doanh”.

Một ví dụ cụ thể. Chỉ riêng tiền chi lương cho những người về hưu từ năm 1995 trở về trước đã lên tới 22.500 tỉ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chưa được tính vào nợ công, và thực tế là ngân sách Nhà nước chưa có tiền trả, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai.

Một khoản đặc biệt khác, là nợ của doanh nghiệp nhà nước lên tới 1,6 triệu tỉ đồng, theo Bộ Tài chính, cũng không được tính vào nợ công.

Trong kế hoạch năm 2015, Chính phủ đề nghị bội chi ngân sách Nhà nước là 226.000 tỉ đồng, tăng 20.000 ngàn tỉ đồng so với năm 2014.

Mức bội chi này tương đương với 5% GDP, và sẽ lên tới 7% GDP, nếu cộng với 85.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành trong năm sau.

Bội chi ngày càng lớn và được duy trì ở mức 5% GDP trong kế hoạch 2011-2015, cao hơn 4,5% GDP là chỉ tiêu của Quốc hội.

Tuy nhiên, bội chi chưa bao giờ bao bồm trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này phát hành tổng cộng lên tới 680.000 tỉ đồng tính tới nay, tương đương 18% GDP, theo Ủy ban Chứng khoán.

Tuy nhiên, vấn đề của nợ công nằm ở chỗ, nguồn vốn này có được sử dụng hiệu quả hay không.

Về góc độ này, thì nợ công là đáng lo, khi ngân sách Nhà nước dùng tới 72% để chi thường xuyên, tức chi ăn cho bộ máy; và 28% còn lại là chi cho đầu tư phát triển, và chi trả nợ.

Có nghĩa, là chi đầu tư phát triển – nguồn nuôi dưỡng chính để trả lại nợ - là không được đảm bảo.

Bộ Tài chính gần đây chỉ đồng ý chi 180.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển trong năm 2015, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phải cao hơn ở mức 242.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính có vẻ đã thắng thế khi Chính phủ đã trình ra Thường vụ Quốc hội con số 180 ngàn tỉ đồng.

Như vậy, nợ công đã thực sự trở thành vấn đề đáng lo ngại, chứ không phải chỉ là chuyện rủi ro trong tương lai.

Không có nhận xét nào: