Pages

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Nguyễn Văn Tuấn - Việt Nam cần tham khảo tiêu chí quốc tế

Ưu tiên hàng đầu hiện nay có lẽ không phải là cho ra bảng xếp hạng đại học, mà là nghiên cứu khoa học về các tiêu chí xếp hạng.


Xếp hạng: không hoàn hảo nhưng quan trọng

Xếp hạng đại học có một lịch sử khá lâu đời, nhưng các bảng xếp hạng "hiện đại" chỉ mới xuất hiện và gây ảnh hưởng trong khoảng 10 năm qua.

Năm 2003, Nian Cai Liu, một giáo sư hoá học thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, công bố một bảng xếp hạng các đại học hàng đầu trên thế giới có tên là Academic Ranking of World University (ARWU).

Các tiêu chí ARWU rất đơn giản nhưng khá cao, như số cựu sinh viên tốt nghiệp, số giáo sư đoạt giải Nobel và Fields; số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần; số bài báo khoa học trên hai tập san Nature và Science; số bài báo khoa học trên tập san trong thư mục ISI, SCIE, SSCI; và thành tựu của giáo sư, giảng viên và các nhà khoa học.

Bảng xếp hạng đại học ARWU sau đó trở thành nổi tiếng. Một "kĩ nghệ" xếp hạng đại học ra đời, với nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập và tham gia vào việc xếp hạng đại học. Nổi tiếng nhất trong các nhóm này có lẽ là QS, THES, và Leiden.

Nhưng tất cả các bảng xếp hạng đều không hoàn hảo, vì một phần dữ liệu sử dụng chưa được chính xác, và quan trọng hơn là phương pháp thống kê vẫn chưa được mọi người nhất trí. Bảng xếp hạng ARWU tuy rất nổi tiếng, nhưng phương pháp thống kê lại yếu nhất.

Tuy nhiên, dù chưa hoàn hảo, vị trí của các đại học hàng đầu của các bảng xếp hạng đều rất nhất quán. Các đại học như Harvard, Yale, Stanford, Princeton, MIT, Caltech, Oxford, Cambridge, v.v... vẫn là những đại học hạng "top" cho dù dùng tiêu chí của bảng xếp hạng nào. Sự nhất quán này có thể hiểu được, vì tất cả các bảng xếp hạng đều đặt nặng các tiêu chí về đầu ra của nghiên cứu khoa học. Có nhóm như QS chẳng hạn xem nghiên cứu khoa học quyết định 60% thứ hạng của đại học.

Cho đến nay, dù các bảng xếp hạng đại học bị phê bình rất nhiều, nhưng trong thực tế  ban giám hiệu của đại học nổi tiếng trên thế giới vẫn dựa vào thứ hạng trong các bảng xếp hạng để quảng bá đại học của họ. Có nơi, thậm chí sự nghiệp của hiệu trưởng phụ thuộc vào sự tăng hay giảm về thứ hạng của đại học mà họ quản lí. Như vậy, các bảng xếp hạng đại học, dù còn nhiều khiếm khuyết chúng sẽ tồn tại, và có thể gây ảnh hưởng.

xếp hạng đại học, du học, Harvard, GS Nguyễn Văn Tuấn, bài báo khoa học, giảng viên đại học
Đại học Harvard luôn nằm trong top dẫn đầu các bảng xếp hạng đại học.
xếp hạng đại học, du học, Harvard, GS Nguyễn Văn Tuấn, bài báo khoa học, giảng viên đại họcxếp hạng đại học, du học, Harvard, GS Nguyễn Văn Tuấn, bài báo khoa học, giảng viên đại học

Việt Nam cần nhiều nghiên cứu hơn

Do đó, nỗ lực xếp hạng và phân tầng đại học của Bộ GDĐT nằm trong trào lưu thế giới. Muốn hay không, trước hay sau, thì VN sẽ phải xếp hạng đại học vì nhu cầu không chỉ của Nhà nước, của sinh viên, mà còn của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, tôi nghĩ phải xem lại mục tiêu xếp hạng, vì hiện nay mục tiêu còn quá hạn hẹp. Phải xem xếp hạng đại học là một thước đo cho phát triển khoa học giáo dục bậc cao, chứ không đơn thuần là tăng tính cạnh tranh.

Mặt khác, dù là mục tiêu hướng đến đại học nghiên cứu hay vươn đến tầm cao của thế giới, tôi nghĩ Việt Nam vẫn nên dựa vào các tiêu chuẩn ở nước ngoài, từ đó có một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình trong nước. Tham khảo khá nhiều tiêu chuẩn từ nước ngoài và các bảng xếp hạng quốc tế (1), tôi có vài đề nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất là giữ những tiêu chí mang tính liên tục. Chẳng hạn như các tiêu chí như phần trăm giảng viên có bằng tiến sĩ, hay số bài báo khoa học công bố là những biến số liên tục (từ 0 đến 100), và không có lí do gì để "nhị phân hoá" theo một ngưỡng số nào đó. Nhị phân hoá tuy đơn giản vấn đề nhưng sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng và có thể dẫn đến sai sót trong xếp hạng.

Thứ hai, giảm các tiêu chí mang tính đầu vào (input) và tăng các tiêu chí đầu ra (output).  Hiện nay, trong số 15 tiêu chí được đề ra thì đã có đến 12 tiêu chí mang tính đầu vào. Tôi đề nghịthêm các tiêu chí liên quan đến giảng dạy (như số sinh viên trung bình tính trên giảng viên, trình độ giảng viên và danh tiếng trong giảng dạy). Ngoài ra, cần phải có những cuộc điều tra xã hội để đánh giá mức độ danh tiếng trong giảng dạy và nghiên cứu.

Một tiêu chí liên quan đến đầu ra mà các nhóm xếp hạng đại học quốc tế thường sử dụng là các cựu sinh viên được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng trong chính phủ và tập đoàn kĩ nghệ, hoặc được trao những giải thưởng danh giá trong chuyên ngành.

Thứ bachuyên ngành hoá. Đại học ở VN phần lớn là các đại học chuyên ngành, do đó xếp hạng chung cho một đại học là điều không thực tế. Và, theo đó, bảng xếp hạng đại học, nếu thực hiện, cũng nên xếp hạng theo từng chuyên ngành thay vì xếp hạng chung.

Thứ tư, cần phải thêm các tiêu chí liên quan đến tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu,thay vì chú trọng quá vào số lượng.Rất khó đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, nhưng một số chỉ số có thể chấp nhận được là chỉ số tác động (impact factor - IF) của tập san mà nhà khoa học công bố. Ngoài ra, tần số trích dẫn cũng có thể xem là một chỉ số đánh giá tầm ảnh hưởng của nghiên cứu.

Thứ năm, cần thêm tiêu chí về ứng dụng thực tế. Một trong những thành tựu của nghiên cứu không chỉ là bài báo khoa học, mà còn chuyển giao thành bằng sáng chế (patent). Do đó, các bảng xếp hạng có giá trị thường có tiêu chí về số bằng sáng chế được công nhận bởi các tổ chức tác quyền khoa học quốc tế.

Thứ sáu, tính quốc tế hoá. Trong thời đại toàn cầu hoá, đại học ngày nay là một trung tâm xuyên quốc gia, do đó cần phải có tiêu chí phản ảnh số giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) và sinh viên từ nước ngoài.

Thứ bảy, nghiên cứu tìm trọng số thích hợp. Trọng số, trong thống kê học, là một cách để đánh giá tầm quan trọng của một tiêu chí. Chẳng hạn như trong bảng xếp hạng AWRU, tiêu chí số bài báo khoa học trên hai tập san Science và Nature có trọng số 20%, tức quan trọng hơn tiêu chí số cựu sinh viên được trao giải Nobel và Fields (có trọng số 10%).

Để có trọng số, các nhóm nghiên cứu phải tiến hành những nghiên cứu về đánh giá khoa học hay khoa học trắc (scientometrics), vốn là một bộ môn khoa học tương đối mới. Những nghiên cứu này không phải chỉ đơn giản phân tích dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẵn có hay do trường đại học cung cấp, mà phải là những điều tra qui mô trong cộng đồng và giới kĩ nghệ.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có những nghiên cứu đánh giá khoa học một cách chuyên nghiệp và chuyên sâu. Các tiêu chí xếp hạng mà Bộ GDĐT đề ra không có giá trị như nhau, thậm chí trùng hợp nhau. Nhưng đồng thời chúng ta không thể phân tầng và xếp hạng đại học dựa vào những tiêu chí nhị phân hoá và thậm chí chưa có trọng số.

Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay có lẽ không phải là cho ra bảng xếp hạng đại học, mà là nghiên cứu khoa học về các tiêu chí xếp hạng. Nếu không có cơ sở khoa học, các tiêu chí xếp hạng sẽ không thuyết phục được ai và không thể áp dụng trong thực tế.

Nguyễn Văn Tuấn

(Tuần Việt Nam)

------
Chú thích:
(1) Xem "Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập", Nhà xuất bản Tổng Hợp 2012.

Không có nhận xét nào: