Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

NGUYỄN CAO QUYỀN – Á CHÂU TRONG HAI TẦM NHÌN TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

1            Về phương diện lịch sử người Trung Hoa coi nước họ như bao trùm cả một vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng-Mạnh gồm hai nước Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản và quần đảo RyuKyu.  Trong nước họ coi mình là chủ của các vùng đất Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng, Uighurs và Thổ.  Ngoài nước họ tự coi là chúa tể của tất cả những bộ lạc chịu thần phục vua Tầu.

            Ngày nay, đối với họ nền văn minh Trung Quốc (Sinic Civilization) cũng bao gồm những lãnh thổ tương tự, nghĩa là một trung tâm người Hán cộng thêm Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong. Macao, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân và Nam Bắc Triều Tiên.
            Trong Chiến Tranh Lạnh, sau khi chia rẽ với Liên Xô vào đầu thập niên 1960, Trung Quốc tự coi mình như đại diện cho Thế Giới Thứ Ba.  Đến đầu thập niên 1970, để cô lập Liên Xô Bắc Kinh ngả theo Hoa Thịnh  Đốn.  Sau khi Liên Xô sụp đổ, dưới con mắt của Hoa Kỳ “lá bài Trung Quốc” mất dần giá trị nên Bắc Kinh phải đều chỉnh lại vai trò của mình trên bàn cờ quốc tế.
            Sự điều chỉnh nói trên nhằm hai mục đích.  Thứ nhất, đại diện cho văn hóa Trung Quốc để thu phục dưới trướng tất cả những quốc gia nào có cùng một nền văn hóa.  Thứ hai, nổi lên như quốc gia bá chủ vùng Đông Á.
            Chính phủ cộng sản Bắc Kinh tự coi mình như quốc gia cốt lõi của nền văn minh Trung Quốc, đại diện cho tất cả những gì liên quan đến nền văn hóa nói trên.  Như vậy có nghĩa là bất cứ ai cùng giống, cùng huyết thống, cùng văn hóa đều được coi là thuộc nền văn minh Trung Quốc.
                                                                        *
            Những thay đổi về kinh tế Á Châu, đặc biệt tại vùng  Đông Á là một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong hậu bán thế kỷ 20.   Thoạt đầu người ta tưởng sự thay đổi đó sẽ đem lại hòa bình, nhưng thực tế đã tỏ ra không phải như vậy.  Phát triển kinh tế thật ra đã tạo bất ổn giữa các quốc gia và làm mất quân bình lực lượng  giữa các địa phương.  Mậu dịch mang lại lợi tức nhưng lại là đầu mối của các vụ xung đột.
            Sự phát triển của nền kinh tế Á Châu và sự phục hồi lòng tự tín của các quốc gia trong vùng đã phá vỡ sự yên ổn của trật tự thế giới vì ba lý do.  Thứ nhất, sự phát triển kinh tế khiến các nước Á Châu có khả năng tăng cường quân lực và quay lại thực hiện những thứ mà họ đã kông thể thực hiện được trong thời gian Chiến Tranh Lạnh.  Thứ hai, phát triển kinh tế gia tăng cường độ của những vụ xung đột giữa các nước Á Châu và Tây phương, và giúp cho Á Châu đạt thế thượng phong trong những vụ xung đột này.  Thứ ba, phát triển kinh tế giúp cho Trung Quốc tạo thêm ảnh hưởng trong vùng và khẳng định lại uy quyền thống trị của họ ở Á Châu, tạo nên những bè phái ủng hộ hoặc đối lập.
            Đông Á là nơi tập trung của bảy nền văn minh nhân loại:  Trung Quốc, Nhật Bản, Chính Thống Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Tây phương và Ấn Độ.  Những quốc gia cốt lõi của bốn trong bẩy nền văn minh đó là: Nhất Bản, Trung Quốc, Nga và Hoa kỳ.  Hậu quả là quan hệ quốc tế ngày nay trở nên phức tạp giống như trong những thời kỳ của thế giới đa cực.
            Chính vì tính đa cực này mà gần đây đã xảy ra nhiều vụ xung đột phát xuất từ Á Châu, như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Trung – Ấn, và chiến tranh Trung-Việt.  Đó  là chỉ kể những vụ đã xảy ra.  Bên cạnh những vụ này, hiện tại còn những vụ chưa giải quyết giữa Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân và một số nước khác ở vùng biển Đông.  Với tình hình này khó có thể tiên đoán ai là bạn, ai là thù, trong vùng đất này của thế giới.
            Chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

          Giữa thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trở nên đối nghịch.  Tại Hoa Lục, Đắng Tiểu Bình và báo chí Trung Quốc bắt đầu nói đến một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.  Tháng 8 năm 1995 cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc tuyên bố quan hệ ngoại giao giữ hai nước đã xuống tới mức thấp nhất kể từ ngày họ tái lập bang giao vào năm 1979.  Tháng 8/1995 Giang Trạch Dân tuyên bố : “Các thế lực thù địch Tây phương không lúc nào ngớt từ bỏ ý định Tây phương hóa và chia rẽ đất nước chúng ta”.
            Thật ra trong thời gian nói trên thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cũng không được thân thiện lắm.  Washington tiếp tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, bán 100 máy bay F16 cho Đài Loan, gọi Tây Tạng là một nước có chủ quyền bị chiếm đóng, tố cáo Trung Quốc lạm dụng nhân quyền, không chấp nhận cho Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội 2000, tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, phản đối Trung Quốc bán vũ khí hóa học cho Iran, bán hỏa tiễn cho Pakistan, dọa trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc . .
            Tại Trung Quốc, thành phần giữ thái độ thù địch nhất với Hoa Kỳ là nhóm tướng lãnh quân đội.  Nhóm này tạo áp lực thường xuyên lên chính quyền để đòi hỏi phải giữ thái độ cứng rắn đối với Hoa Thịnh Đốn.
            Sư gia tăng cường độ thù địch giữa hai nước, thật ra, một phần cũng là do những vấn đề nội bộ.  Tại Hoa Kỳ nhóm diều hâu xếp Trung Quốc vào loại kẻ thù thứ hai của Koa Kỳ sau Iran và chủ chương áp dụng chiến lược bao vây quốc gia này.  Tại Trung Quốc thì tập đoàn lãnh đạo cũng đang cần tạo nên hình ảnh một loại “kẻ thù mới” để kích thích lòng yêu nước của dân chúng và kéo dài thế chính danh của Đảng.
            Thái độ thù địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay căn bản là do sự khác biệt về văn hóa giữa hai nền văn minh Á Châu và Tây phương.  Bên Á Châu đặt nhà nước trên xã hội và xã hội trên cá nhân.  Bên Tây phương, trái lại, chủ trương tự do bình đẳng, dân chủ, cá nhân chủ nghĩa và hạn chế tối đa quyền hạn của nhà nước.  Nguồn gốc của thù địch là sự khác biệt  căn bản về xã hội và văn hóa.
            Hoa Kỳ hy vọng là các chính quyền Á Châu chấp thuận mình là người lãnh đạo cộng đồng thế giới và áp dụng những giá trị Tây phương cho xã hội của họ.  Trong khi đó các quốc gia Á Châu chỉ muốn Hoa Kỳ giữ vai trò “người giữ trẻ” chứ không được là kẻ bắt nạt.  Họ muốn được đối xử ngang hàng với các quốc gia Tây phương.
            Sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh đã làm gia tăng ảnh hưởng qua lại giữa Á Châu và Hoa Kỳ.  Sự lớn mạnh của Trung Quốc đang là một thách thức căn bản cho nước Mỹ. Hiện nay, tình trạng đối nghịch giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm một số vấn đề rộng lớn. Ngoái vấn đề kinh tế còn có các vấn đề nhân quyền, Đài Loan, Tây Tạng, Biển Đông và việc phổ biến võ khí hạt nhân.
Trong khi sự đối nghịch giữa Hoa kỳ và các nước Á Châu khác chỉ là những đối nghịch về văn hóa xã hội thì sự đối nghịch với Trung Quốc lại là một đối nghịch về quyền lực.   Trung Quốc không nhìn nhận sự lãnh đạo hay bá quyền của Mỹ đối với thế giới, trong khi Mỹ không chấp nhận cho Trung Quốc làm bá chủ Á Châu.
Vấn đề không để cho nước nào làm bá chủ Á Châu trong đó có bán đảo Âu Châu là một chính sách mà từ lâu Hoa Kỳ đã chủ trương.  Để thực hiện chiến lược này Hoa Kỳ đã tham gia hai cuộc thế chiến và một cuộc chiến tranh lạnh.  Lợi ích này của hiệp chủng quốc đến nay các tổng thống Mỹ vẫn còn tiếp tục bảo vệ.
Sự xuất hiện của Trung Quốc, như một quyền lực áp đảo tại Đông Á, nếu cứ tiếp tục sẽ đi ngược lại với quyền lợi của Hoa kỳ.  Đối với cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Bắc Kinh vấn đề quân bình lực lượng ở Á Châu-Thái Bình Dương là một vấn đề có tầm quan trọng sinh tử.
Tầm quan trọng của Á Châu-Thái Bình Dương

Với 6 nền văn minh và 18 quốc gia đang phát triển nhanh chóng vùng Á Châu-Thái Bình Dương có thể đưa ra bất cứ một hình mẫu quan hệ ngoại giao nào giữa các nước của họ.  Họ cũng có thể tạo ra bất cứ một hình mẫu nào về thế quân bình lực lượng trong vùng với sự tham gia của các đại cường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga hoặc Ấn Độ.
Vào lúc này hai mẫu hình về quân bình lực lượng có thể nằm trong viễn tượng chính trị của vùng.  Thứ nhất, mẫu hình lưỡng cực giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hoặc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với một số quốc gia đàn em xếp hàng sau lưng tùy theo hoàn cảnh thích hợp về lợi ích và văn hóa.  Thứ hai, trở về mẫu hình cổ điển là tất cả các nước đàn em sẽ chịu thần phục một uy quyền trung ương duy nhất là Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã lợi dụng sự phát triển kinh tế của nước họ để gia tăng tiềm lực quân sự.  Giữa các năm 1988 và 1993 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã lớn gấp đôi và tăng 50%/năm.  Ngoại trừ những sự đe dọa tại biển Đông, không thấy có đấu hiệu gì chứng tỏ là Bắc Kinh đang có tham vọng đất đai bằng võ lực.  Có nhiều phần và đúng hơn là Bắc Kinh đang muốn những nước nhỏ trong vùng tôn trọng và thi hành một số việc sau đây :
Tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc gồm Tây Tạng, Tân Cương và đảo quốc  Đài Loan.
Chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Nam Hải (tức biển Đông) và chủ quyền trên Mông Cổ.
Ủng hộ và yểm trợ Trung Quốc trong các vụ tranh chấp với Tây phương về các vấn đề kinh tế, nhân quyền, phổ biến võ khí nguyên tử và một số vấn đề khác.
Chấp nhận ưu thế quân sự của Trung Quốc trong vùng và không tìm cách phá vỡ ưu thế quân sự đó.
Ủng hộ các chính sách mậu dịch và đầu tư của Trung Quốc và hợp tác hữu hiệu để làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển.
Giao phó cho Trung Quốc quyền lãnh đạo và quyền đại diện cho các vấn đề liên quan đến quyền lợi của vùng.
Không gia nhập những liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ,Tây phương hay các nước khác tổ chức.
Phổ biến rộng rãi việc dùng tiếng Quan Thoại để thay thế tiếng Anh trong việc giao thiệp giữa các  nước trong vùng.
                                                            *
Trước sự trỗi dậy của một cường quốc mới, phản ứng của các quốc gia nhỏ bé hơn thường xuất hiện dưới một trong hai thái độ sau đây:  một là, tìm đồng minh mới để bao vây cường quốc đó và tạo thế quân bình; hai là, ngả về cường quốc mới đó để bảo vệ những quyền lợi thiết yếu của mình.  Theo kinh nghiệm của lịch sử thì tìm đồng minh mới là phương cách bảo đảm nhất và được nhiều quốc gia lựa chọn.  Sở dĩ như vậy là vì ngả theo phe mới đòi hỏi một sự tin tưởng lẫn nhau ở một mức độ phải được coi là chắc chắn và sự thể này thường ít khi thực hiện được.
Nếu trong vài thập kỷ nữa Trung Quốc có thể giữ cho kinh tế phát triển liên tục theo cấp độ hiện nay và giữ cho nội tình chính trị ổn định như lúc này thì rất có thể Trung Quốc sẽ bước vào vị thế bá quyền ở Á Châu.  Còn về phần mình, nếu Hoa Kỳ không muốn thấy hiện tượng này trở thành sự thật thì sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho một chiến lược mới.  Trong trường hợp Hoa Kỳ không có thái độ và hành động cương quyết trước tiến trình  đang thay đổi này thì có thể tiên đoán được là các nước trong vùng sẽ ngả theo Trung Quốc.
Từ sau Chiến Tranh Lạnh, hành động làm đẹp lòng Trung Quốc đã thấy nổi lên tại một vài nước trong vùng.  Ngoài Bắc Triều Tiên và Việt Nam là hai nước đã quy phục Bắc Kinh ngay từ khi Liên Xô có dấu hiệu sụp đổ thì sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt một vài nước khác cũng đã có thái độ lạnh nhạt với Hoa Kỳ để khỏi làm mất lòng Trung Quốc.
Phi Luật Tân đã đóng cửa căn cứ quân sự tại Subic Bay không cho Hoa Kỳ mướn lâu hơn nữa.  Căn cứ Okinawa cũng bị dân Mhật biểu tình phản đối.  Năm 1994, Thái Lan, Mã Lai Á và Nam Dương  không đồng ý cho tàu chiến của Mỹ có nhiệm vụ tiếp liệu hoạt động trong vùng biển của họ.
Tổ chức ASEAN trong phiên họp đầu tiên, theo lời yêu cầu của Trung Quốc, đã không đưa vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa vào nghị trình.  Năm 1995 khi Bắc Kinh chiếm đóng mỏm đáMischief Reef của Phi Luật Tân cũng không thấy quốc gia nào lên tiếng phản đối.  Kíp đến năm 1995-1996, khi Đài Loan bị bắn phá và đe dọa thì  tất cả các quốc gia trong vùng đều đã giữ một sự im lậng đồng lõa, làm như không nghe thấy tiếng súng và không hề hay biết gì cả.
Sư trỗi dậy của Trung Quốc cũng là một thách thức quan trọng đối với Nhật Bản. Nhìn vào lịch sử của nước này ta thấy rằng lúc nào Nhật Bản cũng tìm cách liên kết với những thế lực mạnh nhất hoàn cầu.  Trong thập niên 1950 Nhật Bản đã đồng minh với Hoa Kỳ để lợi dụng chiếc dù nguyên tử.  Tuy nhiên, nếu ngày nay Hoa Kỳ không còn khả năng đó nữa, hoặc nếu sự va chạm với Trung Quốc có thể làm tổn hại đến kinh tế hay đưa đến chiến tranh, thì chắc chắn Tokyo sẽ xét lại vấn đề.
Nhiều người cho rằng tương lai của Trung Quốc sẽ giống như quá khứ của xứ này.  Nghĩa là Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa ổn định và chiến tranh. Trái banh đang ở trên sân chơi của Trung Quốc.  Điều quan trọng là Bắc Kinh không nên quên rằng, mặc dù Hoa Kỳ và các cường Quốc Tây phương rất ưa chuộng hóa bình nhưng lúc nào họ cũng sẵn sàng chấp nhận chiến tranh.  Thời kỳ mà các cường quốc Tây phương có thể ăn hiếp Trung Quốc đã chấm dứt rồi.  Trung Quốc rồi đây sẽ có thể lấy lại vị thế bá chủ ớ Á Châu với điều kiện là đừng để cho Á Châu rối loạn.  /.

Không có nhận xét nào: