Pages

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Mỹ giảm nhẹ cấm vận vũ khí cho Việt Nam : Trung Quốc ấm ức ?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) and Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam
 Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao Mỹ (Washington) ngày 02/10/2014.
Reuters
Đầu tháng 10/2014, Mỹ chính thức loan báo quyết định giải tỏa một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, ưu tiên giúp Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ trên biển. Vào lúc Bắc Kinh đang dùng sức mạnh lấn lướt Hà Nội và các nước khác trong vùng để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, giới phân tích cho rằng quyết định của Washington sẽ làm Bắc Kinh khó chịu, nhưng không thể phản ứng mạnh mẽ.
Quyết định giải tỏa một phần lệnh cấm vận vũ khí mà Hoa Kỳ áp đặt trên Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chính thức loan báo với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 02/10/2014, nhân một cuộc hội đàm tại Washington.



Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, ông Kerry đã thông báo với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh rằng phía Mỹ đã « thực hiện những bước đi nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai. »


Trong một cuộc họp báo riêng rẽ, hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ -xin giấu tên - xác nhận rằng việc bán bất cứ loại vũ khí cụ thể nào cho Việt Nam sẽ được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp một, nhưng chỉ tập trung trong lãnh vực phòng thủ, và hoàn toàn không phải là « một động thái chống Trung Quốc ».


Nội dung trấn an trên đây đã từng được Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nêu lên trước đó (24/09/2014) trong một buổi nói chuyện tại Hiệp hội Châu Á Asia Society (New York) khi cho rằng nếu không mua vũ khí của Mỹ thì Việt Nam vẫn mua của các nước khác, do đó « Tại sao Trung Quốc phải lo ngại » ?



HD-981: Động lực liên kết Việt Nam với Mỹ


Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố trấn an kể trên, giới quan sát đều gắn liền quyết định giảm nhẹ cấm vận vũ khí với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là vụ cho đặt giàn khoan dầu HD-981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông từ đầu tháng Năm cho đến giữa tháng Bảy vừa qua.
Đối với chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, được báo mạng Defense News ngày 03/10/2014 trích dẫn, sự cố đó đã nhắc nhở Việt Nam rằng phải hết sức cảnh giác trước người láng giềng phương Bắc của mình.


Theo chuyên gia Hiebert, trong những năm gần đây, Mỹ đã quan tâm đến việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam, nhưng sự cố giàn khoan dầu của Trung Quốc có thể là cú hích quyết định, thúc đẩy Washington và Hà Nội biến mong muốn thành hiện thực.
Điều có thể gọi là bước ngoặt trong quan hệ quân sự Mỹ-Việt thể hiện qua quyết định giảm nhẹ cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam đã được hầu hết các nhà quan sát đánh giá là sẽ không làm cho Trung Quốc hài lòng. Báo mạng Defense News đã trích dẫn Giáo sư Trung Quốc Trang Kiến Trung (Zhuang Jianzhong) thuộc Đại học Giao Thông (Jiao Tong) ở Thượng Hải cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ không vui với sự kiện mà Bắc Kinh xem là Mỹ võ trang cho Việt Nam.
Chuyên gia này nhận định : « Đó là một hành động bố trí trước thiết bị chống lại Trung Quốc và chúng tôi không hài lòng với quyết định này ». Tuy nhiên, vị giáo sư Trung Quốc nói tiếp : « Chúng tôi sẽ không phản ứng thái quá, vì không có xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ nói về điều đó khi ông Obama đến Bắc Kinh » tham gia Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC (10-11/11/2014).
Ông Murray Hiebert cũng đồng ý là Bắc Kinh sẽ bất bình với việc Mỹ sẵn sàng cấp vũ khí cho Việt Nam, nhưng rất có thể sẽ không làm lớn chuyện.
Riêng ông Gary Sands, một chuyên gia tham vấn về rủi ro chính trị và tài chánh cho một công ty Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã dự đoán rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể biểu hiện thái độ bất bình bằng một số biện pháp trả đũa tại Biển Đông.
Trên trang blog của chuyên san đối ngoại Mỹ Foreign Policy ngày 03/10/2014, chuyên gia này đã nhắc lại sự kiện Bắc Kinh đang đòi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông để cho rằng :
« Bất chấp các bảo đảm từ cả phía Washington lẫn Hà Nội, các quan chức Bắc Kinh sẽ có thể cảm thấy bị xúc phạm trước hành động (của Mỹ) bị cho là can thiệp vào sân nhà của họ. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền trên 90% Biển Đông và chắc chắn sẽ giải thích động thái của Washington như là một ví dụ về việc Mỹ đang tiến hành chiến lược xoay trục qua châu Á, một chiến lược bị Trung Quốc căm ghét… Trong những ngày tới đây…, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy một số hình thức trả đũa để gỡ thể diện của Bắc Kinh ở Biển Đông ».
Để hiểu rõ thêm về ý nghĩa thực thụ của quyết định của Mỹ, sẽ giảm nhẹ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines cũng như Malaysia và Brunei, RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
Đối với Giáo sư Thayer, quyết định của Mỹ đối với Việt Nam đã thể hiện một thay đổi rõ nét trong chiến lược của Mỹ tại Biển Đông, một chiến lược mang tính chất cứng rắn hơn trước đây. Việc được mở cửa vào kho vũ khí của Mỹ, sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực giám sát biển, mà khiếm khuyết đã lộ rõ nhân vụ giàn khoan HD-981 vừa qua. Cho dù vậy, Giáo sư Thayer cho rằng Bắc Kinh dù ấm ức, nhưng sẽ tránh có những phản ứng quá cứng rắn, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị đón nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Obama về Bắc Kinh dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2014.

Bắc Kinh "thích" Việt Nam mua vũ khí của Nga hơn !


Trước hết về phản ứng có thể của Bắc Kinh trước việc Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam, giáo sư Thayer ghi nhận :


Thayer : Truyền thông Nhà nước Trung Quốc sẽ chỉ trích cả Mỹ lẫn Việt Nam là gây tổn hại cho an ninh an ninh khu vực và tìm cách kềm chế Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cũng sẽ tỏ ý khinh thường các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường năng lực bảo vệ biển của Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc sẽ lập luận rằng Trung Quốc không hề cảm thấy bị việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam đe dọa hay hù dọa.


Quan chức chính quyền Trung Quốc thì rất có thể là sẽ chừng mực hơn trong các nhận định công khai, cho rằng Trung Quốc thông cảm với việc Việt Nam, và các nước khác, cần mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ bên ngoài đế đáp ứng nhu cầu chính đáng về quốc phòng. Cả Trung Quóc lẫn Việt Nam chẳng hạn, đều mua vũ khí của Nga.


Quan chức Trung Quốc cũng sẽ ghi nhận là Mỹ chỉ cung cấp cho Việt Nam vũ khí về bản chất mang tính cách phòng thủ. Điều này không thay đổi thế tương quan lực lượng trên biển.


Nhân Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Chiến lược Biển của Trung Quốc tại Macao vào tháng trước, một nhà phân tích an ninh khu vực cho rằng Trung Quốc hiểu được nhu cầu hiện đại hóa lực lượng quân sự của Việt Nam và thích Việt Nam mua thiết bị của Nga hơn là mua của Mỹ.


Có ba lý do giải thích cho việc đó : Một là Trung Quốc nắm rõ hệ thống vũ khí của Nga ; hai là Nga có nhiều khả năng là sẽ không cung cấp thêm tên lửa cho Việt Nam trong trường hợp một cuộc chiến tranh quy ước nổ ra với Trung Quốc.


Lý do thứ ba là vũ khí Mỹ vẫn là một ẩn số về số lượng, về những thỏa thuận kèm theo trên vấn đề bảo hành, phụ tùng thay thế, nâng cấp. Các yếu tố đó có thể giúp Mỹ có chân đứng tại Việt Nam, điều mà hiện nay họ đang thiếu.


Trung Quốc có lẽ sẽ không có bất kỳ hành động nào để ‘gỡ thể diện’ bởi vì họ đang chuẩn bị đón Hội nghị Thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) vào tháng 11 tới đây. Hơn nữa, Mỹ chỉ mới tuyên bố đường hướng, chưa có hành động cụ thể nào.


Diễn biến sẽ tùy thuộc vào các yêu cầu của Việt Nam về vũ khí, và vào việc Mỹ đáp ứng các yêu cầu đó ra sao, trên cơ sở xem xét từng từng trường hợp một. Hiện còn quá sớm để phán đoán về phản ứng của Trung Quốc trước khi Mỹ thực thụ bán vũ khí.

Mỹ đã thay đổi chính sách về Biển Đông

 
RFI : Giáo sư đánh giá như thế nào về quyết định của Mỹ ? Có tính chất lịch sử như nhiều nhà bình luận đã nói hay không ? 


Thayer : Quyết định của Mỹ đồng ý bán vũ khí sát thương và các hệ thống vũ khí liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam là một thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.


Trước đây, khi chưa thay đổi chính sách, Mỹ tuyên bố sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp pháp lý liên quan đến Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Khía cạnh này của chính sách vẫn không thay đổi.


Tuy nhiên bây giờ Mỹ lại trang bị vũ khí cho các quốc gia ven biển để bảo vệ lợi ích của các nước đó ở vùng Biển Đông.


Việc Hoa Kỳ giúp đỡ Philippines là một phần trong liên minh quân sự giữa hai nước. Cho dù vậy, khi chuyển giao cho Philippines các chiến hạm cũ của lực lượng tuần duyên Mỹ, Hoa Kỳ đã tháo gỡ trước toàn bộ súng ống gắn trên boong. Thế nhưng giờ đây, Mỹ sẵn sàng cung cấp vũ khí phòng thủ cho Việt Nam, vốn không phải là một đồng minh có hiệp ước.


Nói cách khác, để tránh phải lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Hải quân Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ trang bị vũ khí cho các nước trong khu vực để tăng cường khả năng giám sát vùng biển và tự vệ.


RFI : Việt Nam có thực sự cần đến vũ khí của Mỹ hay không ? Hay đó chỉ là một vấn đề mang tính biểu tượng ?


Thayer : Trong những năm qua, Hà Nội luôn luôn cho biết rằng họ muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí để Việt Nam có thể mua phụ tùng và các bộ phận khác để bảo trì các loại thiết vận xa và trực thăng Huey đã tịch thu được từ thời chiến tranh Việt Nam.

Gỡ bỏ cản lực ngăn chặn giới ủng hộ tiến trình xích lại gần Mỹ


Nhưng động cơ chủ yếu của Việt Nam là chính trị. Hà Nội muốn Washington dỡ bỏ cấm vận vũ khí để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với Việt Nam. Khi Thượng nghị sĩ John McCain đến thăm Việt Nam vài năm trước đây, ông đã được trao một "danh sách" trang thiết bị mà Hà Nội muốn mua. Danh sách này chưa hề được công bố. Một số quan chức Mỹ, khi giải thích về các cơ sở dẫn đến các thay đổi hiện nay trong chính sách của Hoa Kỳ, đã cho biết rằng Việt Nam chưa hề có đơn đặt hàng nào.


Tóm lại, giới bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra việc giải tỏa lệnh cấm vận vũ khí như là một điều kiện tiên quyết cho một bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ. Yêu cầu đòi Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí đã giới hạn hành động của những người trong Đảng muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ. Việc giải tỏa một phần lệnh cấm vận vũ khí là một thắng lợi cho Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và những người muốn thúc đẩy việc xích lại gần hơn với Mỹ.

Việt Nam ưu tiên cho phi cơ tuần thám P3 Orion


RFI : Việt Nam muốn mua những phương tiện quốc phòng nào từ Mỹ ?


Thayer : Việt Nam đang quan tâm đến loại radar đặt ở vùng duyên hải và máy bay tuần tra trên biển để nâng cao năng lực giám sát vùng biển của mình. Việt Nam đặc biệt ưu tiên cho loại phi cơ giám sát trên biển P3 Orion. Mỹ đang thay thế loại máy bay Orion này bằng loại Poseidon P8, và do đó có thặng dư thiết bị cần thải đi.

Vì lẽ loại phi cơ P3 Orion có thể được trang bị tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm, có khả năng là Việt Nam muốn có được loại thiết bị kể trên khi điều kiện chín muồi. Việt Nam hiện không có năng lực tốt trong lãnh vực chống tàu ngầm.


RFI : Còn Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những loại vũ khí nào ?


Thayer : Chính sách đã thay đổi của Hoa Kỳ đã làm rõ rằng chỉ bán vũ khí liên quan đến an ninh hàng hải. Một số quan chức Mỹ đã cho biết rằng ưu tiên sẽ được giành cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Lực lượng này trực thuộc Bộ Quốc phòng.


Mỹ có vẻ như sẵn sàng bán cho Việt Nam tàu tuần tra được trang bị súng trên boong. Mỹ cũng sẵn sàng bán loại phi cơ P3 Orion, nhưng không rõ là Mỹ cũng sẽ bán tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm cho Việt Nam hay không.

Việt Nam bị bất ngờ khi HD-981 xuất hiện trong vùng biển của mình


RFI : Có tin cho rằng Việt Nam đã bị bất ngờ khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam vì không có phương tiện chính xác để phát hiện. Ý kiến của Giáo sư ra sao ? 


Thayer : Tôi nghĩ rằng rất có khả năng là Việt Nam biết được sự di chuyển của giàn khoan dầu HD-981 từ một nguồn thứ ba trước khi có thể tự mình xác minh là giàn khoan dầu đã đột nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Việt Nam không có nhiều phương tiện giám sát hải phận từ trên không và khó có thể tin rằng phi cơ Việt Nam bay gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Loại máy bay P3 Orion sẽ tăng cường khả năng giám sát hàng hải của Việt Nam.

Không có nhận xét nào: