Pages

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Mọi tốt đẹp đều đến từ đấu tranh



Le Nguyen (Danlambao) - Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh liên tục không ngừng nghỉ. Đấu tranh với thú dữ, với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Đấu tranh chống đàn áp, bóc lột để thực hiện công bằng xã hội. Đấu tranh để khẳng định quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc như là quyền tự nhiên mà mọi người sinh ra đều được hưởng. Qua đó cho chúng ta thấy, nền tảng để xã hội loài người phát triển là đấu tranh - nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh nhằm giúp cho xã hội loài người phát triển ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn như là chân lý không bao giờ thay đổi.

Hẳn ai cũng biết, đấu tranh mỗi thời mỗi khác, thời bộ lạc khác với thời quân chủ... thời quân chủ khác với thời dân chủ và đấu tranh đòi quyền, lợi ích của nhiều tầng lớp hợp thành xã hội cũng không giống nhau. Đấu tranh trong chính thể dân chủ và đấu tranh trong chế độ độc tài toàn trị hoàn toàn khác biệt. Đấu tranh bạo động không giống với đấu tranh bất bạo động, ngay cả cùng mục tiêu đấu tranh bất bạo động nhưng vẫn không hoàn toàn giống nhau về phương thức trong cách thực hiện tổ chức đấu tranh...

Những nét phác họa tổng quát về đấu tranh vừa nêu không lạ, nó rất quen thuộc với những cá nhân, tổ chức đấu tranh dày dạn kinh nghiệm của người Việt Nam, có đọc học lịch sử, từ quá khứ xa đến quá khứ gần và ngay cả trong thời điểm đấu tranh hiện tại. Biết thế nhưng chúng ta cũng cần phải nhắc lại một số phương thức đấu tranh và cùng nhau nhận diện, phân biệt giữa tổ chức xã hội với tổ chức chính trị để có cái nhìn thoáng hơn, đúng đắn hơn trong phương hướng lẫn mục tiêu đấu tranh của các tổ chức đấu tranh trong, ngoài nước đã đang thực hiện đấu tranh đòi quyền, lợi ích chính đáng lẫn đấu tranh chống độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam. 

Đấu tranh chính trị trong chính thể dân chủ khác với đấu tranh chính trị trong các thể chế độc tài, cụ thể là độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam có một số khác biệt như sau:

Đấu tranh chính trị trong thể chế chính trị dân chủ là hợp pháp, là đấu tranh giữa các đảng phái chính trị qua việc công khai tranh luận giữa các đối thủ chính trị, công khai phổ biến các chính sách được quyết định bởi lá phiếu tín nhiệm của cử tri trong các cuộc bầu cử, tranh cử có định kỳ. Và trong các cuộc tranh cử này, ngoài các ứng cử viên có nguồn gốc đảng phái chính trị, còn có các ứng viên độc lập không đảng phái, các ứng viên đại diện cho các đoàn thể xã hội có khuynh hướng, quyền lợi khác nhau, còn được gọi là các tổ chức xã hội dân sự ra tranh cử giành lấy quyền đại diện nhằm có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp của họ.

Đấu tranh chính trị trong chế độ độc tài cộng sản Việt Nam là bất hợp pháp, là bị đặt ngoài vòng pháp luật và Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất độc quyền chính trị, lãnh đạo nhà nước, xã hội. Những tổ chức khác ý đảng, nằm ngoài sự chỉ đạo của cộng sản đều là phản động, là bị ghép vào thế lực thù địch, kể cả các tổ chức tôn giáo tín ngưỡng, các đoàn thể xã hội có mục tiêu từ thiện, tương trợ đều là bất hợp pháp nếu không được sự cho phép của “ông vua” đảng, nhà nước địa phương đến trung ương. Do đó các tổ chức đấu tranh chính trị, các đoàn thể xã hội hoạt động độc lập trong nước Việt Nam cộng sản đều hoạt động bí mật và ẩn mình trong một vỏ bọc “vô thưởng vô phạt” an toàn nào đó! 

Nhìn lại quá trình đấu tranh chống cộng sản liên tục không ngừng nghỉ, có nhiều cá nhân đã bị cộng sản bắn giết, bỏ tù vì những mục tiêu hoạt động đấu tranh chống độc tài toàn trị cộng sản lẫn đấu tranh thuần túy xã hội, đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho chính họ trong thời gian dài đảng cộng sản cướp chính quyền giành độc quyền lãnh đạo chính trị có đến mấy chục năm dài đăng đẳng. Đến hôm nay các tổ chức đấu tranh có mục tiêu chính trị, mục tiêu xã hội đã có những bước tiến bộ vượt bậc đáng kể, là đã bước qua sợ hãi, công khai tuyên bố thành lập các tổ chức xã hội, không chờ sự cho phép của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam mà trước đó có một số tổ chức đã không thể vượt qua.

Nói về tổ chức chính trị với tổ chức xã hội thì lằn ranh của mục tiêu đấu tranh của hai loại tổ chức này khá mờ nhạt khó nhận ra trong các nước độc tài nhưng trong các nước dân chủ thì tổ chức chính trị với tổ chức xã hội không khó để nhận ra:

Một là tổ chức chính trị hay đảng chính trị là một tổ chức có tổ chức nhân sự, có cơ sở song song với bộ máy nhà nước đương quyền và sẵn sàng cầm quyền lẫn đủ năng lực đảm trách công tác nhà nước một khi biến động chính trị xảy ra hoặc chiến thắng trong cuộc bầu cử tranh quyền lãnh đạo quốc gia.

Hai là tổ chức xã hội không quy mô hay có tổ chức quy mô lớn có cơ sở không thua kém các tổ chức, đảng phái chính trị và có bày tỏ thái độ chính trị nhưng không có tham vọng tranh lấy quyền lãnh đạo quốc gia như các tổ chức chính trị mà chỉ đấu tranh cho mục tiêu công bằng xã hội, cho quyền lợi của thành phần của họ mà thôi.

Điển hình như các tổ chức tôn giáo có nhân sự, có quy mô tổ chức rộng khắp từ trung ương xuống địa phương không thua kém đảng cộng sản Việt Nam nhưng các tổ chức tôn giáo không có mục đích tranh quyền lãnh đạo quốc gia mà chỉ đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo, tự do hành đạo, không chịu sự chi phối của đảng cộng sản. Cho dù các tổ chức tôn giáo có thể hiện thái độ chính trị, có lên tiếng phê phán các chính sách đối nội lẫn đối ngoại của đảng cầm quyền gây di hại lâu dài cho dân cho nước nhưng không có mục tiêu đấu tranh để giành lấy quyền hành cai trị.

Nói chung tổ chức chính trị và tổ chức xã hội đa phần có cùng mục tiêu đấu tranh như đấu tranh về quyền con người, về chống bất công để thực hiện công lý, công bằng xã hội nhưng khác biệt cốt lõi là tổ chức chính trị có mục tiêu đấu tranh để tranh lấy quyền cai trị nhưng tổ chức xã hội thì không.

Ngoài sự khác biệt của tổ chức chính với tổ chức xã hội chúng ta còn thấy sự khác biệt về các phương thức đấu tranh phát sinh do điều kiện lẫn hoàn cảnh lịch sử từ các mô hình tổ chức cai trị thời quân chủ với dân chủ, thể chế độc tài với thể chế dân chủ. Điển hình là cuộc đấu tranh cách mạng dân chủ Hoa Kỳ khác với cuộc cách mạng dân chủ Pháp. Cuộc đấu tranh cách mạnh dân chủ giả mạo do cộng sản quốc tế thực hiện khác với cuộc cách mạng dân chủ của các nước Đông Âu giật sập thành trì xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh cách mạng của các nước Bắc Phi, Trung Đông diễn ra không giống với đấu tranh chống độc tài quân phiệt của Myanmar...

Gần nhất là cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của người dân Hongkong, chính xác là do sinh viên, học sinh phát động chống lại trò diễn dân chủ “đảng cử dân bầu” của nhà nước Trung Cộng áp đặt trên phần lãnh thổ cựu thuộc địa này, cũng không giống với những cuộc đấu tranh cách mạng đã diễn ra trong dòng lịch sử nhân loại.

Tuy thế, trừ cuộc đấu tranh cách mạng “dân chủ giả mạo” đẫm máu, nhiều nước mắt do cộng sản thực hiện thì những cuộc đấu tranh cách mạng còn lại đều có cùng một điểm chung là không mất nhiều xương trắng máu đào của loài người như cuộc đấu tranh cách mạng của cộng sản. Nhất là những cuộc đấu tranh cách mạng kết thúc độc tài quân chủ, độc tài quân phiệt, độc tài cộng sản trong thời đại dân chủ đều bắt đầu với chủ trương bất bạo động, qua những mục tiêu đấu tranh ngắn hạn đòi quyền lợi cụ thể cho một hay nhiều thành phần thiệt thòi trong xã hội trước khi tạo nên những cơn địa chấn, diễn biến bạo động không thể kiềm chế bằng những cuộc xuống đường quy mô rộng khắp và kết thúc có hậu hay không có hậu là do sự ngoan cố của giai cấp cầm quyền!

Có lẽ mọi người đều biết để có một cuộc xuống đường quy mô nhằm kết thúc các loại độc tài, các thể chế độc tài là không thể thiếu sự đóng góp của cải, tâm trí kể cả sự hy sinh gia đình, mạng sống của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức đấu tranh liên tục không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được thành công và những kết quả của những cuộc cách mạng dân chủ mà chúng ta chứng kiến, là nỗ lực của thời gian dài đấu tranh âm thầm lẫn công khai của các cá nhân, tổ chức đấu tranh chống độc tài, độc ác phi nhân tính.

Những phương thức đấu tranh dẫn dắt cách mạng dân chủ đến thành công rất đa dạng, không cuộc cách mạng nào giống cuộc cách mạng nào. Tất cả đều là những sáng tạo nối tiếp sáng tạo đầy bất ngờ và chúng ta chỉ nhận thấy để bình luận, phân tích kết quả của các cuộc cách mạng dân chủ là khi mọi chuẩn bị đủ chín muồi để kết thúc chế độ độc tài. Chắc chắn đằng sau các cuộc xuống đường kết thúc chế độ độc tài đều có một hay nhiều tổ chức âm thầm lẫn công khai vận động tổ chức và các tổ chức này không phải là thế lực thù địch “nước ngoài”, nhất là không phải do CIA “giật dây” như loa đài của đảng cộng sản thường đổ vấy cho bất cứ người dân các nước nào xuống đường chống các loại độc tài, có cả độc tài cộng sản.

Với đầu óc tư duy độc lập ai cũng có thể nhận ra CIA không tài đến mức, là cuộc đấu tranh cách mạng lật đổ độc tài ở đâu, ở nơi nào trên thế giới đều có CIA nhúng tay vào xúi giục lôi kéo người dân xuống đường chống phá “tổ quốc”(?) Nếu tỉnh táo và không bị tuyên truyền cộng sản định hướng, mọi người ai cũng biết, không ai... không tổ chức “nước ngoài” nào có khả năng lôi kéo được cả vạn, nhiều vạn người xuống đường chống chế độ độc tài ở Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông... Myanmar, Hongkong...

Với đầu óc tỉnh táo thì ai cũng thấy, một khi người dân bất chấp sư an nguy của bản thân để xuống đường chống độc tài, chắc chắn phải phát sinh từ động lực, niềm khát khao bỏng cháy nào đó thúc đẩy nên họ mới rầm rập xuống đường thực hiện giấc mơ của họ. Quyền tự do, quyền được sống như một con người đúng nghĩa con người, là sự tốt đẹp không thể thiếu trong cuộc sống con người và đó mới chính là động lực thúc đẩy họ xuống đường đấu tranh.

Loài người tìm kiếm sự tốt đẹp, sự hoàn thiện cho cuộc sống là không thể thiếu đấu tranh bởi mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc, nhân phẩm, nhân quyền của người dân sống trong các nước dân chủ tiên tiến văn minh được tôn trọng, được như ngày hôm nay đều đến từ sự cật lực đấu tranh của người dân nước họ chứ mọi sự tốt đẹp, có ý nghĩa trên đời này không phải từ trên trời rơi xuống. 

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ! Muốn giành lấy tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, nhân quyền... như người dân các nước dân chủ văn minh đang thụ hưởng, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải đấu tranh - đấu tranh cách mạng lật đổ chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam. Nhất là mọi người trong chúng ta cần tích cực nhiều hơn nữa trong việc góp một bàn tay vạch ra bộ mặt xấu xa, thối nát, dối trá của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam và chỉ ra những quyền tự nhiên mà mọi người sinh ra đều được hưởng. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền vận động, thúc đẩy toàn dân xuống đường làm cuộc đấu tranh đường phố, đấu tranh cách mạng dân chủ kết thúc chế độ độc tài cộng sản Việt Nam như dân tộc các nước trên thế giới bước qua nỗi sợ hãi xuống đường làm cuộc cách mạng loại trừ độc tài trên xứ sở của họ.


Le Nguyen

Không có nhận xét nào: