Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Hồng Kông và Thiên An Môn : Một so sánh thô thiển

mediaMột thanh niên biểu tình với ảnh ,người bị cảnh sát đánh phải nằm viện. Ảnh ngày 15/10/2014.Reuters
    Thời sự tại Châu Á khá phong phú trên các mặt báo Pháp ra ngày hôm nay (15/10/2014), từ phong trào Hồng Kông và sự trở lại của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho đến việc Nhật Bản vừa ngăn chặn được một công dân xứ Phù tang gia nhập nhóm thánh chiến djihad. Về thời sự nước Pháp, các nhật báo đồng loạt quan tâm đến tình trạng thâm hụt ngân sách của nước Pháp.





    Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Le Monde trở lại phân tích phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông qua bài viết : « Hồng Kông và Thiên An Môn hơi có điểm tương đồng ». Nhiều nhà quan sát vẫn hay so sánh sự sôi sục của phong trào « Occupy Central » diễn ra tại cựu thuộc địa Anh Quốc từ đầu tháng Mười với phong trào « mùa xuân Bắc Kinh » nổ ra vào năm 1989. Cuộc đàn áp đẫm máu sinh viên trong lòng thủ đô Bắc Kinh vẫn còn in đậm trong ký ức người dân Hồng Kông.
    Hằng năm, ở Hồng Kông, hàng chục nghìn vẫn người tưởng niệm sự kiện bi thương này. Năm 2003, giới cầm quyền Hồng Kông đã cố công đưa tội danh « lật đổ chính quyền » vào trong tiểu Hiến pháp của đặc khu Hồng Kông nhưng không thành. Đây là tội danh mà Trung Quốc vốn sử dụng để kết án thành phần ly khai. Nhưng cũng từ đó lại càng có nhiều người tưởng niệm sự kiện này và căng thẳng với « mẫu quốc » cũng tăng cao.
    Tuy nhiên, theo nhà sử học người Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc Jeffrey Wasserstrom, việc so sánh với sự kiện Thiên An Môn làm chúng ta không thể hiểu được bản chất của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, được xem là « sáng tạo và phức tạp ». « Phong trào chiếm đóng trung tâm tại Hồng Kông không thể và sẽ không được xếp vào một khuôn duy nhất. Cuộc biểu tình này có những điểm tương đồng với những cuộc phản kháng trước, nhưng không phải là một sự lập lại hay một sự bắt đầu », Jeffrey Wasserstrom viết.
    Để hiểu rõ những gì xảy ra trong quá khứ, Denise Y.Ho, thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của một đại học Hồng Kông dẫn chứng một số phong trào sinh viên khác như Mai 68 (Tháng Năm 1968) tại Pháp hay phong trào phản kháng của sinh viên mới đây tại Chilê và tại Québec, hoặc chỉ riêng trong lịch sử Trung Quốc cũng từng nổ ra phong trào sinh viên vào 04/05/1919, một dấu móc quan trọng đối với Trung Hoa hiện đại và sự trỗi dậy của phong trào dân tộc chủ nghĩa, vừa là hiện thân của Quốc dân Đảng được sáng lập vào năm 1912 và Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời vào năm 1921.
    Bắc Kinh phải thường xuyên thích ứng với thời cuộc
    Theo nhật báo Le Monde, nếu chỉ dừng lại ở việc so sánh với sự kiện Thiên An Môn, một giai đoạn lịch sử cấm kỵ đối với Hoa lục thì sẽ không giúp chúng ta hiểu được đất nước này đã thay đổi đến mức nào từ năm 1989. Nếu hiểu theo hướng tích cực, với sự phát triển của một xã hội đô thị hóa và phát triển hơn trước, người dân kết nối nhiều hơn qua các trang mạng xã hội, ý thức được quyền lợi của họ và đưa yêu sách ngày càng nhiều, nên chế độ Bắc Kinh buộc phải thường xuyên thích ứng với thời cuộc. Còn nếu suy theo hướng tệ nhất, thì với sự lớn mạnh của Trung Quốc ngày nay và trước thái độ ngạo mạng, hung hăng trên các tranh chấp biển đảo dưới con mắt của các nước láng giềng thì Thiên An Môn quả là một bài học để đời.
    Mọi ý đồ hoạt động chính trị ngoài vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) đều bị trừng phạt thắng tay. Những tiếng nói công kích đều lãnh án nặng nề. Ví dụ như nhà văn Lưu Hiểu Ba lãnh án 11 năm tù với tội danh « lật đổ chính quyền » và giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, bị kết án chung thân hồi tháng Chín với tội danh « ly khai ».
    Tuy nhiên, Le Monde cho rằng, kịch bản một cuộc trấn áp đẫm máu như Thiên An Môn có vẻ sẽ không tái diễn. Ông Hàn Đông Phương, nhân chứng sống của phong trào Thiên An Môn, nhà đấu tranh cho quyền lợi của công nhân đã phát biểu trên trang mạng Quartz như sau : « Tôi khẳng định là đa số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đều rút ra bài học từ sự kiện năm 1989. Phần đông không muốn gửi quân đội đến Hồng Kông để giải quyết sự việc. Đó là một sự tự sát. Tôi cũng nghĩ, thậm chí ngay cả khi phong trào tương tự như thế diễn ra tại Bắc Kinh, họ cũng không dám gửi chiến xa đến càng quét, huống chi là Hồng Kông. »
    Hơn nữa, xã hội Hồng Kông cực kỳ đa dạng. Thế hệ trẻ Hồng Kông chưa từng trải qua chế độ thuộc địa Anh Quốc nên họ không thể chấp nhận được ách áp bức của Bắc Kinh và luôn khao khát tự do. Tuy nhiên, một bộ phận dân Hồng Kông lại đòi trực thuộc vào mẫu quốc và mong muốn được thương thuyết. Đối với giới tài phiệt, họ đã biết cách ưu tiên thắt chặt quan hệ chính trị, kinh tế với Bắc Kinh.
    Phương Tây nhu nhược trên hồ sơ Hồng Kông
    Cuối cùng, phương Tây vẫn là một ngọn đuốc soi đường cho sinh viên năm 1989, song phương Tây dường như không muốn áp đặt mô hình dân chủ của mình lên Trung Quốc, do những lợi ích kinh tế trước mắt.
    Giới quan sát nhấn mạnh thái độ khá nhu nhược trong bản thông cáo được lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông đăng tải, ngay giữa lúc cao trào của cuộc biểu tình : « Chúng tôi không đưa ra quan điểm trong việc tranh luận về sự phát triển chính trị của Hồng Kông. Chúng tôi cũng không ủng hộ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có liên quan đến phong trào ». Jushua Kurlantzich thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế lấy làm tiếc : « Sự mền yếu trong thông cáo trên cho thấy Hoa Kỳ không hề quan tâm phong trào Hồng Kông có thành công hay không ».
    Theo tờ New York Times, Hồng Kông chỉ chiếm một vị trí ngoài lề trong cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) hôm 1/10, trong khi ông Obama sẽ đến Bắc Kinh vào tháng 11 nhân Thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
    Lương Chấn Anh bị tai tiếng tài chính
    Trong lúc Hồng Kông đang trong tình trạng khủng hoảng xã hội nghiêm trọng và lãnh đạo Lương Chấn Anh là đối tượng công kích của người biểu tình đòi dân chủ thì nhân vật này lại đang rơi vào vụ tai tiếng tài chính làm cho thanh thế của ông càng bị hoen ố. Số là ông nhận của một công ty Úc số tiền lên đến 4 triệu bảng Anh mà không kê khai. Nhật báo Le Monde quan tâm đến phản ứng của ông sau vụ bê bối này.
    Theo tờ báo, ông Lương cho rằng, việc nhận khoản tiền trên không hề có vấn đề gì, kể cả về mặt « pháp lý và đạo đức ». Do đó, không có khả năng ông sẽ từ chức. Ngày 7/10, luật sư John Dalzell, một trong những cây đại thụ của đoàn luật sư Úc, nhân danh thân chủ của ông là ông Lương, đã gửi một bức thư cho tập đoàn Fairfax Media yêu cầu không được đăng tải những « thông tin không có cơ sở và mang tính phỉ báng ». Luật sư khẳng định trong bức thư rằng, mọi cáo buộc của tập đoàn báo chí trên « đồng nghĩa với việc cáo buộc ông Lương Chấn Anh là một viên chức tham nhũng, bất lương, vô đạo đức, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng có các hành vi gian lận gây hại cho nhân dân và do đó không xứng đáng để đảm đương chức vụ một viên chức nhà nước ». Tuy nhiên, khi bài báo được tung ra, ông Lương Chấn Anh không hề phản đối sự việc. Thời điểm tiết lộ xảy ra đúng lúc dầu sôi lửa bỏng tại Hồng Kông, càng khiến Bắc Kinh xem ông Lương như một nhân tố làm cho khủng hoảng xã hội chính trị hiện tại nghiêm trọng hơn.
    Cho đến lúc này, sự việc trên gây sốc cho công chúng nhưng vẫn chưa ai chứng tỏ được khoản tiền kếch xù mà ông Lương nhận là bất hợp pháp.
    Sự trở lại của Kim Jong-un vẫn không xua tan mọi ngờ vực
    Nhìn sang đất nước khép kín nhất hành tinh, nhật báo Le Figaro quan tâm đến sự trở lại của lãnh đạo trẻ 31 tuổi họ Kim. Sau 6 tuần bặt vô âm tín, ông Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại với tư thế chống gậy.
    Ngày 14/10, nhật báo chính thức Quang Minh Nhật Báo đã đăng một loạt ảnh của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên khi đi thị sát một khu dân cư. Các bức ảnh được đăng mà không hề chú thích ngày giờ gây nhiều bất ngờ, ba ngày sau khi ông Kim vắng mặt trong buổi lễ quan trọng kỷ niệm 69 năm thành lập Đảng Lao động. Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong Institute nhận xét : « Cần phải đánh tan những đồn thổi điên rồ là ông Kim bị đảo chính đang được lan truyền và xâm nhập vào các vùng biên giới ».
    Tình báo Hàn Quốc khẳng định, rất khó kiểm chứng được các tấm ảnh trên. Chuyên gia Cheong nhận định: « Ông Kim được các bác sĩ người Đức giải phẫu mắt cá chân nên phải mất ít nhất 2 tháng để bình phục ». Theo Le Figaro, việc tái xuất hiện của ông Kim vẫn không xua tan được mọi ngờ vực về tương lai của nhà lãnh đạo trẻ được nuôi dạy tại Thụy Sĩ, cũng như về sự ổn định của vùng đông-bắc Á. Bởi vì, nguyên nhân bệnh tật của ông Kim còn rất bí ẩn và có thể trở thành mãn tính. Theo tin đồi tại Bình Nhưỡng, ông Kim bị thương ở mắt cá chân trên « trận tuyến ». Đây chính là cách để chế nhạo điểm yếu của ông , vì lãnh đạo trẻ vốn luôn xây dựng hình tượng là người gần gũi với quân đội. Về lâu dài, nếu tình trạng sức khỏe yếu của ông Kim vẫn tiếp diễn có thể làm suy yếu đế chế độc tài gia đình trị họ Kim.
    Nga ngày càng xích lại với Trung Quốc
    Liên quan đến quan hệ Nga-Trung, bị phương Tây cô lập, Nga xích lại gần với Trung Quốc để tìm cơ hội mới. Đó là nội dung bài viết trên nhật báo kinh tế Les Echos. Theo đó, hai nước đã ký kết với nhau khoảng 40 hợp đồng trong mọi lĩnh vực, từ buôn bán dầu khí đến ngành sản xuất xe hơi, đường sắt và tài chính.
    Lĩnh vực hợp tác được xem là mới mẻ của hai nước là ngành tài chính. Một hiệp định trao đổi tiền tệ đã được hai bên thông qua, cho phép hai nước tăng lượng giao dịch bằng đồng nội tệ và giảm sự lệ thuộc vào đồng đô la trong trao đổi thương mại hai nước. Ngân hàng VTB, VEB và ngân hàng nông nghiệp Nga được ngân hàng China Exim Bank cho vay vốn tín dụng mới, trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây hạn chế cho một số công ty Nga vay tín dụng, đặc biệt là 3 ngân hàng lớn trên.
    Tuy nhiên, tình hữu hảo với Trung Quốc cũng gây nhiều ngờ vực. Một nhà quan sát nhận định : « Sự nghi kỵ vẫn tồn tại giữa hai nước Nga-Trung. Người Trung Quốc biết rằng, chúng tôi đang trong thế yếu nên từ nay, họ sẽ gây khó khăn hơn trong việc thương lượng. »
    Nobel kinh tế : Đại học Mỹ vẫn thống lĩnh và Châu Phi vẫn vắng mặt
    Mục kinh tế và doanh nghiệp báo Le Monde tiếp tục bàn về giải Nobel kinh tế 2014 rơi vào tay nhà kinh tế Pháp Jean Tirole và đồng thời điểm lại thành tích của các châu lục thông qua giải thưởng này. Theo thống kê, ¾ các nghiên cứu gia đều là người Anh-Mỹ và các trường đại học Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trong bảng vàng.
    Theo Le Monde, giải Nobel kinh tế được trao cho giáo sư người Pháp quả là một điều hiếm hoi, tuy trong lịch sử đã từng có hai vị tiền nhiệm Pháp được vinh danh. Ông Jean Tirole, giáo sư Đại học Toulouse được xem là giáo viên ở tỉnh đầu tiên của Pháp nhận được giải thưởng danh giá Nobel.
    Trong lịch sử, các trường đại học Hoa kỳ vẫn giữ vị trí quán quân và thay nhau đoạt giải. Trong đó, đại học Chicago đạt giải 15 lần, Princeton : 6 lần, Berkeley và Havard, mỗi trường đoạt 5 lần, Columbia và MIT (4), Stanford và Yale (2).
    Trường đại học duy nhất không thuộc Hoa Kỳ là đại học Cambridge (Anh) xếp hạng thứ năm. Hai đất nước Bắc Âu đoạt hai giải là đại học Oslo và Stockholm School of Economics.
    Bảng thống kê trên cho thấy nguồn gốc của các nhà nghiên cứu : gần ¾ đạt giải Nobel là người Anh-Mỹ, hơn ½ nhà nghiên cứu mang quốc tịch Hoa Kỳ. Một giáo sư giảng dạy tại đại học Princeton (Hoa Kỳ), gốc Sainte-Lucie vùng Caribê cũng đoạt giải một lần.
    Châu Âu (trừ Anh quốc) giành được 14 giải. Nga đăng quang 3 lần nhưng trong đó 2 lần tại đại học Havard. Hàn lâm khoa học Nga chỉ đoạt giải một lần là Leonid Kantorovich vào năm 1975.
    Tại khu vực Trung Đông, Israel đoạt giải hai lần, Châu Á được một lần là Ấn Độ. Duy chỉ có Châu Phi là chưa một lần có tên trên bảng vàng Nobel kinh tế.

    Không có nhận xét nào: