Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

‘Hôm nay Hồng Kông, ngày mai Việt Nam!’


‘Hôm nay Hồng Kông, ngày mai Việt Nam!’
* Giới trẻ Việt phát biểu ở Hồng Kông
Một bạn trẻ Việt Nam tên là Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, từ Úc đến Hồng Kông hỗ trợ nhóm thanh niên sinh viên tại nơi biểu tình, được mờì lên sân khấu phát biểu lúc 8:30 tối mùng 2 tháng Mười, lúc đó số người biểu tình, theo ước lượng của ban tổ chức lên đến khoảng 200,000 người.


Lời phát biểu ngắn gọn của anh được các sinh viên Hồng Kông vỗ tay hưởng ứng:
“Chào các bạn! Hôm nay các bạn khỏe không? Tôi là người Việt Nam và tôi đến đây để sát cánh cùng các bạn. Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ từ giới hoạt động Việt Nam chúng tôi. Từ Sài Gòn đến Hà Nội nhiều người hoạt động chúng tôi lên tinh thần vì việc làm của các bạn. Chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi yêu Hồng Kông.
Chúng ta muốn gì? Tự Do! Tự Do! Ngay bây giờ!
Chúng tôi mong các bạn thành công và chúng tôi mong rằng những gì diễn ra ở Hồng Kông hôm nay, sẽ là Việt Nam ngày mai.”
Ba tiếng đồng hồ sau đó, qua một cuộc họp báo ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh tuyên bố đã sẵn sàng tiếp xúc với đoàn biểu tình.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Người Việt, anh Thanh Tâm cho biết rất “lên tinh thần bởi sự dấn thân và lòng quyết tâm của giới trẻ Hồng Kông” và “học được rất nhiều từ cách tổ chức rất nhịp nhàng và chu đáo của họ.” Anh nói:
“Em nghĩ ban tổ chức rất khéo léo huy động và giữ vững tinh thần mọi người, tất cả sinh hoạt nhịp nhàng và tuân thủ nguyên tắc chung.”
Được hỏi anh có lo lắng cho sự an toàn của các sinh viên này không, anh Thanh Tâm trả lời:
“Rất lo, vì lực lượng cảnh sát đông gấp 4-5 lần chiều tối hôm qua, và chỉ cần một bên “nóng lòng”, nhất là cảnh sát, chính quyền là bạo loạn có thể xẩy ra, như cách đây vài hôm.” (H.G.)

———————
Video clip provided by Nguyễn Hoàng Thanh Tâm
Đinh Quang Anh Thái & Đỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Hồng Kông)
HỒNG KÔNG (NV) - Mặc dù trời oi bức, khoảng 20,000 thanh niên Hồng Kông đổ về khu vực hành chánh và tài chánh trung tâm chiều ngày 2 Tháng Mười, biểu tình trong không khí ôn hòa, trật tự và rất ngăn nắp.Sở dĩ buổi chiều luôn đông hơn buổi sáng vì lúc đó hết giờ làm việc, vả lại, 2 Tháng Mười là Quốc Khánh Trung Quốc, nên nhiều người được nghỉ.
Người biểu tình tập trung ở một đoạn đường Connaught Road Central. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)


Những người này, đa số mặc áo đen, đeo nơ vàng, nói rằng họ thuộc phong trào “Umbrella Revolution” (Cách mạng che dù).Cô Christine Wong, một người trong ban tổ chức, giải thích với nhật báo Người Việt: “Ban đầu phong trào biểu tình do nhóm ‘Occupy Central’ thực hiện. Sau đó, truyền thông quốc tế gọi là ‘Umbrella Revolution’ có lẽ vì thấy nhiều người mang dù để che khi bị cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su. Thế là chúng tôi chọn tên này luôn.”

Ôn hòaDù chiếm đóng khu vực tài chánh trung tâm, làm hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp xung quanh tê liệt, hoặc ngay cả trước tòa nhà hành chánh của đặc khu Hồng Kông, chỉ cách cảnh sát cái hàng rào, người biểu tình không hề có một sự ồn ào náo nhiệt nào.
Không có âm nhạc, không có hoạt náo viên kích thích tinh thần người biểu tình, không cãi vã hoặc có lời nói hoặc hành động khiêu khích nhân viên công lực.
Đa số người biểu tình là sinh viên rất trẻ. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Cô Alice Chen, một sinh viên còn rất trẻ, mặc áo thun màu đen, giải thích: “Màu đen tượng trưng cho hòa bình. Chúng tôi đến đây để bày tỏ quan điểm. Chúng tôi biết được cuộc biểu tình qua các trang mạng xã hội. Chúng tôi hy vọng có sự thay đổi. Chúng tôi muốn có một chính quyền công bằng.”
Ngoài nơ màu vàng gắn trên người, những người biểu tình còn dán lên ngực miếng giấy nhỏ có hàng chữ “Keep calm, be alert” (Bình tĩnh, tỉnh táo), hoặc một số nơi treo tấm bảng lớn viết bằng tiếng Hoa là “Tiếp tục cho tới khi cuối cùng chiến thắng.”
“Bởi vì chúng tôi muốn có nhiều người tham gia để ủng hộ chúng tôi,” anh Tony Yu, cựu sinh viên đại học UC Davis ở California, chia sẻ.
Tấm giấy được viết bằng tiếng Việt ủng hộ dân chủ Hồng Kông. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Chúng tôi không thể đối đầu với Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA). Đó là văn hóa của chúng tôi. Đó là cách biểu tình của chúng tôi. Chúng tôi không chấp nhận bạo động. Cho dù chưa biết cuộc biểu tình này có thành công hay không, bạo động không phải là cách để giải quyết vấn đề.”Vào khoảng 8 giờ tối, khi hay tin cảnh sát có thể dùng hơi cay để giải tán biểu tình, hàng ngàn người ngồi xuống đất, trước lối vào của tòa nhà hành chánh đặc khu. Bên kia hàng rào, hàng trăm cảnh sát chống bạo động chờ sẵn.

Tuy nhiên, không bên nào nói chuyện với nhau, ngay cả không có những phảt biểu khiêu khích, không ai ném bất cứ vật gì về phía cảnh sát, dù hai bên chỉ cách nhau một hàng rào và đứng đối diện nhau rất gần.
Cô Juliana Wang chia sẻ: “Khiêu khích không phải là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi chỉ phản đối chính sách của Trung Quốc không để cho dân Hồng Kông tự chọn lãnh đạo của mình. Chúng tôi đến đây để muốn nói với Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh là chúng tôi không chấp nhận tình trạng hiện nay.”
Trật tự
Tuy có cả chục ngàn người tham dự, cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông rất trật tự.
Không có tình trạng đập phá hoặc vẽ bậy lên các cơ sở thương mại hoặc cơ quan chính phủ xung quanh. Tất cả những gì người biểu tình muốn bày tỏ đều được viết lên giấy, dán lên tường, hoặc treo lên một chỗ nào đó, một cách tạm thời.
Một số biểu ngữ được treo trên các cầu vượt của người đi bộ, hoặc nhỏ hơn thì dán xuống mặt đường. Một số người cũng viết chữ xuống đường. Nói chung, hoàn toàn không có gì bị hư hại xung quanh khu vực biểu tình.
Trong khi đó, nhiều sinh viên và học sinh tự động cầm bao đi lượm rác. Họ nhặt không sót một thứ gì, với khuôn mặt rất vui vẻ.
Một sinh viên cầm bao đi lượm rác. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Tại một số nơi, mặt đường hai phía một bên cao một bên thấp, ở giữa có bức tường bê tông chặn lại, làm nhiều người phải trèo qua. Một số sinh viên đứng giữ thang để giúp họ. Họ chia ra, một thang leo lên và một thang leo xuống, và có người đứng hướng dẫn đàng hoàng.
Khi tôi, Đỗ Dzũng, leo xuống để qua bên kia đường chụp hình, một người giữ thang, một người cầm tay, và một người còn cẩn thận đỡ máy hình của tôi.
Thời tiết Hồng Kông chiều Thứ Sáu rất oi bức, một số sinh viên cầm bình xịt nước nhỏ đi qua đi lại, xịt vào không trung, để làm mát không khí. Một số người khác còn đứng tại chỗ, cầm quạt tay, quạt cho người qua lại.
Ở một vài nơi, thỉnh thoảng có người đứng nói chuyện, giải thích cho mọi người biết điều gì nên làm và điều gì không nên, để mọi thứ được trật tự.
Có một lúc, hai nhóm người, một trẻ một lớn tuổi, tranh luận với nhau trong khi nhiều người đứng xung quanh chứng kiến.
Điều đặc biệt là không bên nào giành nói và nói quá lớn tiếng. Bên nào cũng đợi bên kia nói xong rồi mới nói. Và mỗi khi bên nào đưa ra kết luận, mọi người đều cùng vỗ tay hoan nghênh, không có cảnh chỉ trích gay gắt, hoặc la ó phản đối.
Ở một vài nơi, từng nhóm người ngồi thắt những chiếc nơ màu vàng, biểu tượng của cuộc biểu tình, cung cấp cho người tham dự.
Một số sinh viên khác, cầm bảng đi khắp nơi, trên bảng có hàng chữ: “Free translation for the media” (Chúng tôi sẵn sàng giúp thông dịch cho giới truyền thông).
Ngăn nắp
Dù cuộc biểu tình lớn và quy mô chưa từng có ở Hồng Kông, mọi thứ đều được tổ chức rất ngăn nắp.
Giải thích về vấn đề này, cô Christine Wong nói: “Chúng tôi chỉ là từng người, từng nhóm, cùng ủng hộ lẫn nhau. Chúng tôi không có cá nhân lãnh đạo, chúng tôi không có Martin Luther King, mà là người dân lãnh đạo.”
Martin Luther King là nhà lãnh đạo dân quyền đấu tranh cho quyền lợi người Mỹ gốc Châu Phi trong thập niên 1960.
“Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi chúng tôi có một cá nhân lãnh đạo, người đó rất dễ bị mua chuộc,” cô Christine nói tiếp. “Ngoài ra, tất cả đều là do thời điểm thuận tiện. Khi người dân Hồng Kông biết cảnh sát dùng hơi cay ngăn chặn biểu tình, họ tự động ủng hộ chúng tôi.”
Cô nói thêm: “Bản chất con người ở đây là tự động khép mình vào tập thể, giống như đàn kiến. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi có cùng mục tiêu và cùng quan điểm, nên mọi chuyện tự nó rất ngăn nắp.”
Trong lúc cuộc biểu tình diễn ra, các sinh viên khác tiếp tục bận rộn với việc cung cấp thực phẩm.
Từng chiếc xe tấp vào lề, từng thùng chuối, thùng cam, thùng bánh, được các sinh viên mang xuống, đưa vào các lều dự trữ.
Trong khi đó, nhiều người mang nước uống và thực phẩm phân phát cho mọi người. Họ chuyền tay nhau, một cách tự động, không có cảnh giành giựt.
Khi đi qua các lều để thực phẩm, mọi người có quyền lấy bất cứ thứ gì mình muốn.
Khẩu trang và mắt kiếng chống hơi cay cũng được phát không. Các sinh viên cũng cung cấp cho mọi người một miếng giấy màu xanh để dán lên trán hoặc cổ cho mát.
Và tại lều, có một tấm bảng dựng lên, với hàng chữ: “No cash donation.” (Không nhận ủng hộ tiền mặt).
Khi nói chuyện với tôi, Đỗ Dzũng, một sinh viên phát hiện chai nước của tôi chỉ còn một nửa, anh bèn lấy ra một bình nước khác rất lớn, ngỏ ý châm tiếp cho đầy. Tôi cảm ơn và nói khi nào hết sẽ lấy chai khác. Anh vui vẻ cười và nói lời cảm ơn.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt, người từng đi làm phóng sự và chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, phải thốt lên:
“Chưa bao giờ tôi thấy có cuộc biểu tình nào mà mọi người tham dự thể hiện thái độ văn minh như ở đây.”
Hệ quả
Dù những gì đang xảy ra ở Hồng Kông rất lịch sử, người biểu tình vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt rằng có lo sợ và chùn bước nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa quân đội và xe tăng đến đàn áp, cô Christine Wong nói, giọng bình thản: “Nếu xảy ra tình huống đó, có ai muốn bỏ cuộc, tôi sẽ không trách họ, nhưng tôi sẽ ở lại hy sinh để tỏ quyết tâm muốn gìn giữ những giá trị cao đẹp của mảnh đất này dành cho những thế hệ sau.”
“Sự kiện này cũng giống như ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, năm 1989, nhưng chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra,” cô Christine Wong nói. “Tuy nhiên, chúng tôi không sợ hãi. Người dân Hồng Kông rất kiên quyết. Đây là thành phố hàng đầu của thế giới. Nếu để chuyện này đi qua, không biết bao giờ chúng tôi mới có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình.
Cảnh sát và người biểu tình đối đầu trong ôn hòa ngay tại lối vào tòa nhà hành chánh đặc khu Hồng Kông. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Anh Hy Chong, một nhà báo tự do tham gia cuộc biểu tình, chỉ lên tòa nhà cao tầng của PLA ngay khu trung tâm và nói: “Tôi nghĩ hôm nay là ngày lễ và có thể từ nay đến cuối tuần sẽ không có gì. Nhưng họ có thể ra tay vào Thứ Hai, nhưng chưa biết họ sẽ ra tay như thế nào.”
Cô Sarah Cheung, một người tham gia biểu tình, giải thích: “Có thể vì thấy chúng tôi ôn hòa, nên họ để chúng tôi ngồi ở đây mấy ngày qua. Nhưng tôi không biết chuyện này sẽ diễn ra bao lâu.”
Khi rời khu tòa nhà hành chánh đi bộ về khách sạn, vào khoảng 10 giờ tối, chúng tôi đi ngang qua tòa nhà của PLA nhìn thấy phía trên có một ngôi sao màu đỏ rất lớn. Ngay cổng vào của tòa nhà là một cái cổng sắt đóng lại. Phía bên trong, bốn binh sĩ Trung Quốc cầm súng trường trong tay, ngón trỏ để vào cò súng, mặt trông rất căng thẳng.
Trên một cây cầu dành cho người đi bộ, người biểu tình treo một biểu ngữ lớn có hàng chữ: “You may say I am a dreamer, but I am not the only one” (Có thể bạn nói tôi là người mơ mộng, nhưng không phải chỉ có tôi), được trích trong bài hát “Imagine” của cố danh ca John Lennon của ban nhạc The Beatles.
Một biểu ngữ khác có hàng chữ: “Do you hear the people sing?” (Các bạn có nghe tiếng nói của người dân không?)
Trên một bức tường thấp trên đường Connaught Road Central của trung tâm tài chính, nhiều miếng giấy màu vàng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình. Trong số này, có một miếng giấy màu trắng viết bằng tiếng Việt: “Ủng hộ Hong Kong dân chủ – Việt Nam.”
Đêm Thứ Sáu, chúng tôi, Đinh Quang Anh Thái và Đỗ Dzũng, sẽ thức một đêm với người biểu tình Hồng Kông, ngay tại khu trung tâm tài chánh.

Không có nhận xét nào: