Pages

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Giá dầu giảm ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Kính Hòa, phóng viên RFA

Mua-ban-xang-dau-3-305.jpg

Một cây xăng tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
RFA

Nghe Bài Này

Giá dầu thô trên thế giới đã nhanh chóng giảm đến 25% từ mùa hè đến nay. Theo nhiều chuyên gia thì việc giảm giá này có thể còn tiếp tục. Giá xăng dầu của Việt Nam cũng liên tục được giảm.

Ảnh hưởng xuất khẩu của VN

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết về ảnh hưởng của việc này đến Việt Nam và những biện pháp cần làm để bảo đảm an toàn năng lượng cho Việt Nam trong tương lai:
TS Lê Đăng Doanh: Giá dầu trên thế giới giảm có tác động hai mặt đến Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô, giá dầu giảm 25% thì thu nhập từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm ở mức độ tương ứng. Đó là sự sụt giảm đau đớn, có ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ngược lại là Việt Nam là nước phải nhập khẩu xăng dầu, và rất nhiều nguyên vật liệu sản xuất từ dầu thô như phân bón, sợi tổng hợp, thuốc trừ sâu… tất cả các sản phẩm đó đều có ít nhiều liên hệ với giá dầu thô. Cho nên giá dầu giảm đáng kể đã làm cho giá xăng trong nước giảm liên tục đến 7 lần, tức là một lít xăng giảm đến 2500 đồng. Đó là mức giảm đáng kể góp phần làm giảm lạm phát. Và việc giảm giá các sản phẩm đáng kể khác cũng góp phần làm cho Việt Nam có lợi.
Giá dầu giảm 25% thì thu nhập từ xuất khẩu dầu thô của VN cũng giảm ở mức độ tương ứng. Đó là sự sụt giảm đau đớn, có ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của VN.
-TS Lê Đăng Doanh
Vậy thì cái phần nào có lợi hơn, phần nào thiệt hại hơn, thì cái đó phải có tính toán và nghiên cứu, tính toán mới có thể trả lời được.
Kính HòaTheo một vài nguồn thì phần dầu thô trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam chiếm 25%, điều đó có đúng không?
TS Lê Đăng Doanh: Điều đó tùy thuộc vào số dầu xuất khẩu mỗi năm. Nó từ 20 đến 25%.
Kính HòaHiện giờ xăng dầu ở Việt Nam đang được trợ giá là 300 đồng 1 lít. Nếu nhìn sang nước Indonesia nới có trợ giá xăng dầu rất lớn, thì Tổng thống mới muốn bỏ chuyện trợ giá đó để lấy tiền làm việc khác. Trong tình hình giá dầu giảm như hiện nay thì Tiến sĩ nghĩ rằng chuyện trợ giá xăng dầu ở Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn phải nên như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Về dài hạn thì chính phủ đã quyết định chấp nhận cơ chế thị trường đối với lại xăng dầu. Sẽ không có chuyện hỗ trợ giá dầu gì cả. Bên Campuchia thì không có trợ giá xăng dầu, nếu Việt Nam trợ giá thì luồng xăng dầu buôn lậu sang Campuchia sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.
xang-305
Một trạm bán xăng dầu ở Hà Nội (ảnh minh họa chụp trước đây).
Theo tôi hiểu thì cái cách bù lỗ này là lấy từ một cái quỹ để bù vào giá xăng, gọi là quỹ bình ổn giá và lấy ra từ 300 đến 500 đồng cho một lít xăng. Số tiền trích ra bao nhiêu sẽ do bộ tài chính và bộ công thương xác định. Cơ chế này khác cơ chế trợ giá của Indonesia. Bên Indonesia thì trợ giá từ ngân sách, còn Việt Nam là từ một cái quỹ. Nếu như giá xăng dầu mà thấp thì không dùng cái quỹ đó mà dự trữ lại cho tới khi nào giá trên thế giới tăng cao thì dùng cái quỹ đó để làm cho giá xăng dầu không quá cao ảnh hưởng tới lạm phát.
Cơ chế bù lỗ như vậy là khác. Nhưng mà trong tương lai thì chính phủ muốn có một cơ chế điều hành nó phù hợp hơn, và muốn như vậy thì sẽ công khai minh bạch giá xăng dầu nhập khẩu, rồi các chi phí, tiến tới công khai minh bạch giá cả xăng dầu. Như thế thì chuyện bù lỗ nó cũng sẽ không quan trọng như trước đây.

An toàn năng lượng

Kính HòaTrong tình trạng năng lượng của thế giới như hiện nay, với những kỹ thuật mà Việt Nam có thể có và thế giới đang có thì chuyện an toàn năng lượng của Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam thì có một nguồn năng lượng hóa thạch nhất định. Có dầu ở ngoài khơi, gần đây cũng phát hiện được một số mỏ dầu và khí nhất định. Việt Nam cũng có than nhưng Việt Nam là một nước có tài nguyên đa dạng nhưng không giàu, tức là trữ lượng không lớn. Cho nên Việt Nam đã khai thác tiềm năng thủy điện ở mức tối đa. Việt Nam đang tiến tới chuyện nhập khẩu than để sản xuất điện. Trong tương lai cũng phải tính đến việc tìm kỹ thuật thích hợp để khai thác trữ lượng than nâu rất lớn bên dưới bồn trũng sông Hồng. Nếu thành công thì sẽ giúp Việt Nam cân đối được năng lượng ở mức độ nhất định.
Trong tương lai cũng phải tính đến việc tìm kỹ thuật thích hợp để khai thác trữ lượng than nâu rất lớn bên dưới bồn trũng sông Hồng. Nếu thành công thì sẽ giúp Việt Nam cân đối được năng lượng ở mức độ nhất định.
-TS Lê Đăng Doanh
Về lâu về dài, Việt Nam có dự kiến là phát triển năng lượng nguyên tử, cũng như là các loại năng lượng tái sinh như là mặt trời, gió ở những nơi thích hợp.
Kính HòaNăng lượng hạt nhân thì không dễ dàng và cũng hay bị chỉ trích phải không Tiến sĩ?
TS Lê Đăng Doanh: Gần đây thì chính phủ đã quyết định hoãn thời điểm vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân ở Ninh Thuận để chuẩn bị tốt hơn về nhân lực. Đó cũng là cách cách mà chính phủ làm để bảo đảm an toàn hạt nhân.
Kính HòaĐúng là Việt Nam có tiềm năng lớn về thủy điện nhưng mà cũng kéo theo những câu hỏi lớn về môi trường. Ở Việt Nam có nhiều con sông ngắn, rồi hai mùa mưa nắng bất lợi. Tiến sĩ nghĩ là nên đối xử với chuyện thủy điện ở Việt Nam như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Ở Việt Nam tôi nghĩ là thủy điện nên được khai thác nhưng cần có điều chỉnh. Tức là phải bảo đảm các công ty kinh doanh thủy điện phải trích nộp đầy đủ phí môi trường, cũng như đền bù thỏa đáng cho người nông dân.
Gần đây có hiện tượng là các công ty thủy điện xả lũ khi để giữ an toàn cho đập khi bị mưa lớn, mà không báo kịp thời, gây thiệt hại cho nông dân. Đó là chuyện rất mẫn cảm. Và có một số công ty không nộp đủ chi phí môi trường, cho các cơ quan nhà nước đang thu phí đầy đủ, và chính phủ cũng có điều chỉnh và đình chỉ hàng loạt dự án thủy điện nhỏ vì các dự án ấy cho thấy rằng lợi ích về mặt năng lượng không đủ bù thiệt hại về môi trường cũng như số đất đai bị mất đi.
Kính HòaXin cám ơn Tiến sĩ dành thì giờ trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do
.

Không có nhận xét nào: