Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Để dân không còn phải 'quan tài diễu phố'

Vụ quan tài diễu phố ở Móng Cái, Quảng Ninh
Gia đình ông Nguyễn Văn Sửu đưa quan tài của ông tới các trụ sở công quyền ở TP. Móng Cái.
Chính quyền cần kiểm điểm lại cách thức làm việc và thi hành công vụ, cũng như tiếp đón dân và giải quyết oan sai để tránh tiếp diễn các bức xúc của dân như các vụ 'quan tài diễu phố' vẫn xảy ra trong thời gian gần đây, theo một nhà quan sát từ trong nước.

Việc các cấp thừa hành công vụ mắc sai phạm trong quá trình làm việc có thể xảy ra, nhưng sai tới đâu, nếu có, cần được điều tra, xử lý tới đó và không 'lẩn tránh đối thoại', trao đổi thậm chí 'xin lỗi' dân có thể là các cách làm ổn hơn là dùng sức mạnh và 'đóng cửa' hay 'lẩn tránh' đối thoại, vẫn theo ý kiến này.
Trao đổi với BBC hôm 19/10/2014, nhân việc tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra một vụ 'quan tài diễu phố' của dân khiếu nại về việc một nghi can bị cơ quan công an giam giữ đã tử vong với lý do 'thắt cổ tự tử' bất bình thường, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói:
"Tôi nghĩ chính quyền cần phải kiểm điệm lại sâu sắc cách thức làm việc. Bởi vì chính quyền nào cũng thế thôi, không có chuyện này thì chuyện kia, ngay cả ở các nước tư bản, thì bộ phận thừa hành công vụ người ta làm sai là chuyện hết sức bình thường.
"Nhưng mà ai sai, ở đâu sai, ngành nào sai, chỗ nào sai thì họ xử lý rất là quyết liệt và công bằng, cần phải có công lý thì những sự việc này mới tránh được."
Về cách thức công an và chính quyền thành phố Móng Cái vừa xử lý trong vụ gia đình ông Nguyễn Văn Sửu, 41 tuổi, người bị chết trong đồn công an trong lúc bị tam giam và điều tra, đã mang quan tài của ông tới các trụ sở công an, công quyền của thành phố, kỹ sư Lân Thắng nói tiếp:
"Tôi nghĩ rằng việc dù có xảy ra trong đồn công an lỗi của ai cũng không phải là lỗi của cả ngành công an, mà là lỗi của người thừa hành công vụ.
"Thế thì những người có trách nhiệm ở trong sự việc này, nếu như họ có một sự quyết đoán và sự nhận trách nhiệm về mình, mà họ xử lý rốt ráo sai phạm của cấp dưới và không bao che, thì tôi nghĩ sự việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều."

'Không chính danh?'

Vụ quan tài diễu phố ở Móng Cái, Quảng Ninh
Truyền thông mạng đưa tin cảnh sát dùng xe lớn bịt lối vào cửa các trụ sở công quyền ở Móng Cái.
Cũng hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập của Việt Nam, đưa ra bình luận với BBC.
Ông nói: "Vấn đề những cái chết xảy ra ở trong đồn công an xảy ra cho tới giờ thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở một số nơi, ngay sau khi dư luận và công luận quốc tế và trong nước đã lên án đối với ngành công an để xảy ra những cái chết như vậy.
"Và nếu chúng ta thống kê, có thể thấy từ năm 2012 tới nay, đã có ít nhất ba chục trường hợp bị chết ở trong đồn công an vì nhiều lý do khác nhau, mà trong đó cũng khá nhiều trường hợp đã treo cổ tự tử, giống như trường hợp ở Móng Cái.
"Và đó là lý do mà người dân đặc biệt nghi ngờ thái độ, hành vi và sự trung thực của ngành công an, do đó ngành công an không thể có lý do nào để giải biện những việc này ngoài việc họ phải dỡ ngay những chiếc xe ra khỏi cổng đồn của họ và họ phải đứng ra giải thích cho dân chúng nghe.
"Nhưng tôi hoài nghi là ngành công an có được tính chính danh đó và họ cũng chưa thấm nhuần được Công ước chống tra tấn là như thế nào."
Bình luận về cách thức ứng xử của công an và chính quyền của thành phố Móng Cái, khi sử dụng nhiều xe tải, xe công trình lớn chặn ngang cổng, cửa vào các trụ sở của công an, chính quyền và trên đường mà quan tài diễu phố đi qua, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói:
"Hành vi của ngành công an, tôi cho là không có lửa thì không có khói, bản thân ngành công an họ đã có những dấu hiệu có lẽ là có những điều sai trái, cho nên họ cảm thấy là họ phải ngăn chặn.
"Và việc đó cũng theo thói quen của họ thôi, khi họ ngăn chặn dân oan đất đai, hay đình công, hay người dân tộc thiểu số, thì đối với những trường hợp như thế này, họ cũng dùng xe tiêu trường, tiêu trọng để họ ngăn chặn và điều đó cho thấy công an không chính danh."

'Không ai từ chức'

Vụ quan tài diễu phố ở Móng Cái, Quảng Ninh
Gia đình cho rằng nạn nhân không thể tự tử bằng 'thắt cổ khi trần nhà thấp hơn chiều cao' của ông.
So sánh cách thức xử lý các vụ việc được cho là 'oan sai' làm người dân bức xúc với công an và chính quyền giữa Việt Nam và một số quốc gia ở phương Tây, trong đó có châu Âu, nhà báo Phạm Chí Dũng nói thêm:
"Tôi biết rằng ở các nước châu Âu, khi xảy ra một trường hợp như vậy thì vài chục ngàn người biểu tình, người ta xuống đường rất đông, và ngành tư pháp, bộ trưởng bộ công an phải đứng ra xin lỗi và thậm chí phải từ chức về chuyện đó.
"Nhưng ở Việt Nam cũng xảy ra ba, bốn chục trường hợp rồi, nhưng không có một ai từ chức cả, cũng không có ai đứng ra nhận lỗi.
"Làm mãi thì vụ 5 công an Phú Yên dùng nhục hình với bị can mới được đưa ra tòa xét xử, nhưng cho tới giờ vụ này vẫn chưa đi tới đâu."
Tường trình vệ vụ quan tài diễu phố mới nhất vừa xảy ra ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, một số báo chí chính thống đã sử dụng một số cụm từ như "hiếu kỳ" để phản ánh người dân theo dõi hoăc tham gia vụ phản đối, hay dùng từ 'can phạm' để nói về những nạn nhân được cho là mới chỉ là 'nghi can' khi thiệt mạng trong lúc bị giam giữ.
Bình luận về các cách thức sử dụng ngôn từ này trên các tờ báo và truyền thông nhà nước, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói:
"Từ trước đến nay, rất nhiều bài báo ở trong nước đã sử dụng không ổn từ ngữ để chỉ người, sự việc liên quan đến các vụ án này, mà nhất là không sử dụng từ nghi can, bởi vì người ta có vào đồn công an, người ta có bị điều tra, thì người ta vẫn chưa có kết luận của tòa án về tội của họ, thì không thể nào dũng những từ ngữ nặng nề để gọi họ được."

'Sẽ xử lý nghiêm?'

Vụ quan tài diễu phố ở Quảng Ninh
Truyền thông mạng VN phản ánh việc đông đảo công an dùng các xe lớn, nhỏ chặn đám diễu quan tài.
Nhiều tổ chức giám sát nhân quyền, dân chủ ở quốc tế và khu vực đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành vi lạm dụng bạo lực, bạo hành, ngăn chặm và xâm phạm các quyền cơ bản của người dân.
Trong đó có việc nhiều tổ chức đã yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng công ước quốc tế về chống tra tấn, sử dụng nhục hình và ngược đãi mà chính quyền Việt Nam đã ký.
Mới đây, ngày 16/9/2014, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch lần đầu tiên ra phúc trình về tình hình bạo lực của công an Việt Nam đối với những người bị giam giữ dưới tiêu đề ‘Công (bất) an: Những cái chết trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt Nam’.
Chính quyền Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng phản bác báo cáo này, gọi đó là ‘những luận điệu sai trái' của tổ chức quốc tế nói trên.
Bộ Ngoại giao Nam khẳng định nhà nước Việt Nam 'cam kết chống lại' mọi hành vi tra tấn, nhục hình, và đối xử tàn bạo trong điều tra, xét xử, điều 'được thể hiện rõ' qua việc ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tra tấn từ tháng 11 năm ngoái.
Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Trần Thị Bích Vân, nhấn mạnh:
"Một khi có hành vi tra tấn hay nhục hình thì sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật Việt Nam."

Không có nhận xét nào: