Pages

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

‘Cuộc biểu tình ở Hong Kong là tấm gương cho giới trẻ Việt Nam’


Sinh viên viết thông điệp ủng hộ dân chủ dán trên một bức tường ở Hong Kong. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)
Sinh viên viết thông điệp ủng hộ dân chủ dán trên một bức tường ở Hong Kong. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)
Trà Mi-VOA
Một nhà hoạt động trẻ gốc Việt nhận xét các phong trào biểu tình vì dân chủ đang diễn ra ở Hong Kong là tấm gương và là mô hình kiểu mẫu rất đáng cho giới trẻ yêu chuộng dân chủ Việt Nam học hỏi.
Anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm từng được vinh danh Giải Người Úc gốc Việt Trẻ của Năm 2000, một gương mặt tích cực hoạt động cổ súy cho dân chủ-nhân quyền Việt Nam, cho biết anh thật sự cảm phục khát vọng dân chủ, quyết tâm dấn thân vì lý tưởng của người trẻ Hong Kong, và rằng cuộc biểu tình khiến cả thế giới phải chú ý này thật sự là một nguồn cảm hứng quý báu cho giới trẻ Việt Nam.
Vừa rời Hong Kong sau 5 ngày tham gia, quan sát, và học hỏi kinh nghiệm từ cuộc xuống đường đòi quyền tự do chính trị của học sinh-sinh viên ở đây, anh Tâm tường thuật với VOA Việt ngữ chi tiết những gì ghi nhận được từ chuyến đi.
Thanh Tâm: Đây là cuộc biểu tình, cuộc bất tuân dân sự được tổ chức rất chu đáo của các anh em trẻ. Họ giữ được tinh thần kỷ luật rất cao. Mọi người rất phấn chấn.
Sinh viên biểu tình bên cạnh những cây dù với thông điệp ủng hộ dân chủ. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)
Sinh viên biểu tình bên cạnh những cây dù với thông điệp ủng hộ dân chủ. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)
VOA: Đó là về những người biểu tình. Còn về phía giới hữu trách, sự đáp ứng và đối phó của họ ra sao?
Thanh Tâm: Hiện nay giới hữu trách đang cố tình câu giờ để đoàn người biểu tình mệt mỏi đi vì phản ứng mạnh của họ hôm 28/9 vừa qua đã gặp phản ứng nặng nề từ công luận thế giới. Cũng chính việc sử dụng bạo lực đó đã góp phần thổi lớn thêm phong trào.
VOA: Tin cho biết có một số thành phần trà trộn quấy phá bị phát hiện là người của công an Trung Quốc cử qua. Theo ghi nhận trên thực tế, anh thấy việc này thế nào?
Thanh Tâm: Đó là nguồn tin rất chính xác. Ví dụ như tối thứ bảy vừa qua có đoàn người rất đông, ăn mặc chỉnh tề, khiêu khích người biểu tình. Một số người biểu tình bị tấn công ở các khu vực. Hôm thứ sáu trước đó, chúng tôi mục kích tận mắt một đám đông mấy chục người tấn công người biểu tình. Họ la hét và có hành động rất bạo lực nhằm phá rối, tạo nên những căng thẳng trong đoàn biểu tình.
VOA: Những gì anh tận mắt chứng kiến trong chuyến đi và những gì được nghe về cuộc biểu tình trước khi sang Hong Kong, có điều gì anh cảm thấy bất ngờ hay ngoài sức tưởng tượng?
Thanh Tâm: Tôi cảm thấy bất ngờ về tài tổ chức và sự dấn thân của họ. Họ chia sẻ mục tiêu của mình rất rõ ràng. Từ người trong ban ẩm thực tới người trong ban y tế, họ hiểu rất rõ những việc họ đang làm. Họ biểu tình với tinh thần trách nhiệm rất cao. Ví dụ 6,7 giờ sáng họ đã có người thức dậy ngồi trên vệ đường để hướng dẫn người qua lại. Họ làm với bầu nhiệt huyết rất hăng say. Hoàn toàn không có sự hỗn loạn trong đoàn biểu tình. Một đoạn đường dài, rộng lớn với 7, 8 làn xe với đoàn người biểu tình có lúc lên tới cả trăm ngàn nhưng rất trật tự. Khi có đông người, họ tự động đứng thành hàng và tách ra thành lối đi lên-đi xuống. Họ hoạt động trong tinh thần ý thức rất cao.
Sinh viên biểu tình giúp nhau vượt qua một chướng ngại vật trên đường phố Hong Kong. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)Sinh viên biểu tình giúp nhau vượt qua một chướng ngại vật trên đường phố Hong Kong. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)
VOA: Cuộc biểu tình đòi quyền chính đáng là tự do bầu cử-tự do chính trị, nhưng sự tập trung đông người kéo dài nhiều ngày cũng tạo ra những bất lợi ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống thường nhật của người dân. Cân nhắc lợi-hại của việc họ đang làm, họ suy nghĩ thế nào? Trao đổi với người biểu tình Hong Kong, anh có nêu câu hỏi đó không?
Thanh Tâm: Đặt câu hỏi này với các anh em trẻ ở đó, họ chỉ cho chúng tôi những khẩu hiệu treo trên suốt đoạn đường biểu tình. Một trong những khẩu hiệu đó nói rằng ‘Chúng tôi xin lỗi gây phiền phức tới mọi người, nhưng chúng tôi đang đấu tranh cho tương lai của mình.’ Một biểu ngữ khác nói rằng ‘Đấu tranh có tạo ra sự bất tiện nhưng thà bất tiện nhỏ còn hơn cả tương lai phải cúi đầu.’ Nói chuyện với các anh em trong ban tổ chức, họ khẳng định sẽ đi đến cùng.
VOA: Anh có suy nghĩ gì từ sự kiện Hong Kong liên hệ tới phong trào dân chủ Việt Nam?
Joshua Wong, lãnh đạo phong trào sinh viên phát biểu bên ngoài văn phòng của Trưởng quan Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh.Joshua Wong, lãnh đạo phong trào sinh viên phát biểu bên ngoài văn phòng của Trưởng quan Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh.
Thanh Tâm: Từ sự kiện Hong Kong, mình thấy rằng một khi nắm vững các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động, nắm vững mục tiêu và quản giữ được mục tiêu đó trong quần chúng thì con đường chúng ta đi có rất nhiều ánh sáng. Qua 5 ngày sinh hoạt với các anh em ở Hong Kong, tôi thấy mình còn phải học họ nhiều lắm. Có nhiều cái mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
VOA: Giới trẻ Việt Nam có thể học tập những gì, một cách cụ thể nhất, từ phong trào dân chủ ở Hong Kong?
Cuộc biểu tình ở Hong Kong là tấm gương cho giới trẻ Việt Nam

Nghe Bài Này
Thanh Tâm: Điều cụ thể nhất học tập được từ các bạn đồng lứa bên Hong Kong là phải làm chủ lấy tương lai của chính mình. Phải đối diện với nghịch cảnh trước mắt và chấp nhận những khó khăn hiện tại để nhắm đến một tương lai tươi tốt hơn, vì nếu chúng ta không làm điều đó thì ai sẽ làm. Đúng là tinh thần của giới trẻ Hong Kong mở mắt cho chúng ta rất nhiều. Họ có tài tổ chức. Cũng một nội dung tự do-dân chủ, nhưng cách chúng ta quản giữ thông điệp đó chưa sống động bằng họ, chưa thật sự đánh vào tâm cảm của chính tập thể giới trẻ xung quanh mình, chưa nói tới quảng đại quần chúng rộng lớn hơn nữa. Một số kỹ thuật trong vận hành, tổ chức, cách huy động, cách chuyển đạt thông tin để thế giới cùng lắng nghe với mình. Đó là cái chúng ta còn thiếu. Qua cuộc đấu tranh của sinh viên Hong Kong, chúng ta phải học hỏi họ. Đó là những kỹ thuật sẽ đóng góp rất nhiều cho phong trào đấu tranh hiện nay của giới trẻ Việt Nam.
VOA: Xin cảm ơn anh về thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào: