Pages

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Chuyện Hồng Kông, chuyện Việt Nam và “Núm Ruột ngàn dặm” ở hải ngoại

Từ chuyện Hồng Kông…

Sau ngày Anh quốc trao trả Hồng Kông cho Trung cộng, người ta thường xuyên nghe nói tới những cuộc xuống đường của người dân nơi đây. Với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 7 triệu người, nhưng rất nhiều lần các cơ quan truyền thông quốc tế ghi nhận số người tham gia biểu tình tại đảo quốc này lên tới 5, 7 trăm ngàn thuộc đủ mọi giai cấp, thành phần xã hội, bất phân trẻ già, phái tính. Có nhiều căn do dẫn tới biểu tình, nhưng tựu trung đều quy vào cung cách hành sử của giới cầm quyền Hồng Kông do Trung Quốc chỉ định, bị coi là xâm hại tới quyền tự do, dân chủ của người dân nơi đây. Do sự ràng buộc bởi những văn kiện ký kết giữa Bắc Kinh và Luân Đôn từ nâm 1997, dù với quy chế dân chủ nửa vời, vô hình chung Hồng Kông đã trở thành nơi duy nhất đại diện cho tiếng nói lương tâm của 1 tỷ 300 triệu người dân ở Hoa Lục về mọi vấn đề, từ vấn đề thuần túy chính trị cho tới vấn đề dân chủ, tự do, trong đó có tự do tôn giáo.




Sự khác biệt nền tảng của cuộc xuống đường hiện nay là hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên đã sắm vai trò chủ động, trong đó nổi bật lên một khuôn mặt trẻ còn ở tuổi vị thành niên là Joshua Wong, người được báo chí thế giới mệnh danh là đã tạo nên cơn địa chấn làm rung chuyển Hồng Kông, khiến giới hữu quyền Bắc Kinh phải lo ngại. Mục tiêu cuộc vận động lần này nhằm đòi hỏi một cuộc phổ thông đầu phiến chọn người cầm đầu đặc khu hành chánh Hồng Kông vào năm 2017 hoàn toàn tự do, dân chủ, thay vì ngụy trang theo kiểu “đảng cử dân bầu”. Để đạt mục tiêu này, những người tham gia biểu tình chủ trương:

1/ Tuyệt đối ôn hòa, bất bạo động. 2/ Tuyệt đối không xúc phạm nhân phẩm các cảnh sát viên vì họ chỉ là người thừa hành. 3/ Gìn giữ vệ sinh, trật tự công cộng tối đa ở những vị trí biểu tình. 4/ Mỗi người tham gia biểu tình tự giác nhận lấy trách nhiệm của mình và là sứ giả, là người phát ngôn cho toàn khối.

Báo giới quốc tế không khỏi ngạc nhiên và công khai bày tỏ lòng cảm phục trước những điều lạ tai, lạ mắt đang diễn ra trên đường phố Hồng Kông những ngày qua. Làm sao không ngạc nhiên và ngưỡng phục khi chứng kiến một nữ sinh ở vị trí người biểu tình đang cầm dù che mưa cho người cảnh sát với cương vị sẵn sàng theo lệnh trên áp dụng mọi biện pháp để ngăn cản hoặc giải tán những người biếu tình?! Bằng cách nào khách bàng quan giữ cho lòng mình khỏi xúc động khi thấy người cảnh sát đang dùng chai nước sạch rửa mắt cho một em trong đám biểu tình vừa bị xịt hơi cay? Chưa hết, trên những ngựa gỗ, những sợi giây kéo ngang các ngả đường dẫn vào khu tập trung biểu tình, người ta đọc được những tấm bảng ghi lời xin lỗi của học sinh, sinh viên về những bất tiện mà vì hoàn cảnh bất đắc dĩ họ đã gây ra. Cũng những nơi ấy, dù ban đêm hay ban ngày, kẻ qua người lại bắt gặp từng toán học sinh nam nữ đi lượm rác để giữ vệ sinh và mỹ quan trên đường phố…

Cả thế giới đang chăm chú bám sát những biến chuyển từng ngày ở Hồng Kông.

… chuyện giới trẻ trong nước?

Bảo rằng những người trẻ Việt Nam trong nước hoàn toàn vô cảm trước cao trào học sinh, sinh viên Hồng Kông nô nức xuống đường đòi hỏi dân chủ tư do hiện nay là thiếu cơ sở. Và nói rằng vì tình trạng thiếu thông tin nên ra nông nỗi cũng không đúng. Bằng chứng là thượng tuần tháng 10 vừa qua, 22 tổ chức xã hội dân sự trong số có cả những tổ chức do giới trẻ điều hành, như Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, đại diện là cô Huỳnh Thục Vy và tổ chức Lao Động Việt của cô Đỗ Thị Minh Hạnh… đã ra tuyên cáo ủng hộ các học sinh, sinh viên Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ. Trong khi ấy, hơi khác với thời gian nổ ra cuộc cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi mấy năm trước, lần này, ban Tuyên giáo Trung Ương tạm nhắm mắt cho một số báo chí trong nước đưa tin và hình ảnh về các cuộc biểu tình của giới trẻ Hồng Kông như tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động.

Thế thì tại sao, do nguyên nhân nào đã tạo nên tình trạng im hơi lặng tiếng của đám đông giới trẻ trong nước, nói chung, trước hiện tượng có một không hai ở Hồng Kông mấy tuần qua?

Có nhiều cách lý giải cho câu hỏi này.

Trước tiên người ta nói tới hàng ngàn, hàng vạn bàn tay bạch tuộc của đảng, đoàn thường xuyên chi phối giới trẻ, từ cấp mẫu giáo cho tới những năm cuối cùng ở đại học. Bằng những xảo thuật học đòi từ bên Tàu, bên Nga, Hà Nội nuôi tham vọng biến các thế hệ trẻ thành bầy đàn chỉ biết nhắm mắt, cúi đầu tuân theo sự sai khiến của đảng. Tham vọng này có luôn luôn thành công hay không lại là chuyện khác.

Xuyên qua những hành vi đàn áp không nương tay của cảnh sát để ngăn cản, cấm cách những cuộc biểu tình chống Trung cộng hồi tháng 5 vừa qua, người ta cũng chỉ ra những thủ đoạn tinh vi, tàn độc được áp dụng để theo dõi từng đường đi nước bước, từng lời nói hành vi khác thường của tập thể trẻ. Ngoài lực lượng hùng hậu công an đường phố, công an mạng, trong rất nhiều trường hợp họ còn mua chuộc cả những thành phần du đãng thuộc xã hội đen để cầm chân –thậm chí hành hung- những học sinh, sinh viên toan tính ‘xé rào’ chống lại nhà nước.

Xa hơn nữa, trong phạm vi sách lược, từ rất lâu, chính quyền đã nghiên cứu những phương thức tinh vi nhằm ru ngủ các thế hệ trẻ, khiến chúng trở thành vô cảm, không còn thiết tha gì tới chuyện quốc gia dân tộc. Họ buông thả -nếu không muốn nói là khuyến khích- giới trẻ lăn lưng vào những sinh hoạt ăn chơi, trụy lạc! Cho nên người ta không ngạc nhiên khi thấy những buổi trình diễn văn nghệ, nhất là có sự hiện diện của những minh tinh, tài tử Hồng Kông, Đại Hàn, đã dễ dàng thu hút được cả chục ngàn những người trẻ nô nức đua nhau tới tham dự[1]. Trong điều kiện như thế, còn mong gì họ nghĩ tới chuyện nước non?

Nhớ lại những thập niên 30, 40 thế kỷ trước, vì không muốn những người trẻ dấn thân đi làm cách mạng chống lại chúng, thực dân Pháp cũng chủ trương hướng thanh niên vào những đam mê khác, bằng cách tổ chức những cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương, khuyến khích việc thiết lập những sân đá banh, cổ võ việc thành lập những câu lạc bộ thể thao như bóng chuyền, quần vợt, bơi lội v.v…

… tới “khúc ruột ngàn dặm” hải ngoại

Từ thái độ miệt thị coi tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại như kẻ thù, như lớp người phản bội, với nghị quyết 36, suốt một thập niên qua, Hà Nội đã quay ngược 180 độ, uốn lưỡi biến lớp người này thành ‘khúc ruột ngàn dặm’ của quê hương, dân tộc! Ngoài mục tiêu bòn rút tài nguyên của đồng bào hải ngoại qua những chiêu bài khuyến khích du lịch, gửi tiền về giúp thân nhân, đầu tư vào các dự án kinh doanh, mua nhà, mua đất… , mà hàng năm họ khoe đã nhận được cả chục tỷ Mỹ Kim, bằng phương tiện văn hóa, giáo dục, bao gồm cả loại ca hát, văn nghệ rẻ tiền, đảng và nhà nước còn dốc toàn lực vào việc thâm nhập để gây ảnh hưởng và phá hoại các cộng đồng Việt Nam tị nạn.

Trong thời gian qua, công luận đã bàn tán khá nhiều về hiện tượng có những bàn tay dài đang âm thầm luồn lách vào các trung tâm giảng dạy Việt ngữ, kể cả sự có mặt ngày càng nhiều của những ca sĩ trong nước. Nó không chỉ tạo ảnh hưởng xấu về mặt chính trị mà một cách nào đó đang bào mòn cả những giá trị truyền thống về tinh thần, nhân cách và đạo đức mà tập thể người Việt ở hải ngoại hằng kiên trì gìn giữ.

Từ những nhận định trên, công luận nghĩ gì, thấy gì qua bài viết mới đây của Ngọc Lan với tựa đề ‘Sự nham nhở của ca sĩ Thu Minh’?

Với tư cách khán giả trong chương trình ca nhạc ‘Ánh Sáng Tân Kỳ’ tối Thứ Bảy 20-9-2014 ở Long Beach, Ngọc Lan kể lại những điều mắt thấy tai nghe sau đây:

“Điều đầu tiên nàng này làm tôi hơi ‘choáng’: nàng là một ca sĩ từ Việt Nam sang trình diễn cho khán giả Việt Nam coi, nhưng trong khi các ca sĩ ở hải ngoại thường xuất hiện trong các chương trình lớn… chỉ nói rặt tiếng Việt thì nàng ‘diva Việt Nam’ này cứ tiếng Mỹ mà tuôn không à, ‘Rìu lý?’ ‘Đu du hia mí?’ ‘Ai khan hia u!’ ‘Ai phiu hót. A du hót?’…”

Tác giả ghi tiếp: “Nhưng đó là chuyện nhỏ…” Thế thì đâu là chuyện… không nhỏ?

“…trong khi chờ người đệm đàn so dây lấy nốt, nàng ‘diva’ quyết định ngồi xuống ngay mé sân khấu, thòng 2 chân xuống…. Mà nàng đang mặc váy… bỗng nghe tiếng nàng vang trên micro, ‘Em không có chiếu tướng anh đâu mà lo!’

Định thần nhìn lại thì ra nàng đang vừa nhích mông qua lại chỉnh sửa tư thế vừa nói với ông khách nào đó ngồi ngay hàng ghế trước mặt nàng. Chưa kịp hiểu hết ý nghĩa câu nói ấy thì nàng ‘phang’ tiếp thêm câu, ‘Này, em còn vắt chéo chân thế này thì không thấy gì đâu!’… “

…‘Ừm, ông bà mình ngày xưa nói thấy… sẽ bị xui, đúng không? Nhưng bây giờ thì điều đó không đúng rồi. Thấy là hên đấy. Đúng không? Người ta bỏ ra bao nhiêu tiền cũng chỉ để muốn thấy đó thôi.’… Vẫn chưa hết, nàng bồi tiếp, ‘Nhưng hôm nay anh đi với chị, cho nên em không ‘be nice’ với anh được. Chịu thôi.’

… Tôi tự hỏi không hiểu người ta cười ồ lên là để gượng gạo cho qua đi sự ăn nói không chỉ nham nhở mà còn thô tục của cô ca sĩ này hay thực sự họ thấy cô ta đùa có duyên và đó là điều có thể chấp nhận trên một sân khấu ca nhạc?

Riêng tôi, tôi nghĩ đó là một sự xúc phạm. Khán giả mua vé đến một rạp hát lớn như thế để xem ca nhạc, để thưởng thức nghệ thuật, chứ không phải để xem “cái” của Thu Minh. Và nếu tôi là những khán giả ngồi ngay vị trí của những người mà nàng ca sĩ đùa cợt, tôi sẽ kiện cô ta về tội xúc xiểm đó…”

Chắc chắn không chỉ Ngọc Lan mà tất cả những người Việt Nam có giáo dục, trọng liêm sỉ không thể không nghĩ đấy là một sự xúc phạm, -mà là một xúc phạm nặng-. Có điều ngoài sự xúc phạm nó còn ẩn giấu một mưu toan đê tiện: Rõ ràng là người muốn đưa những loại ca sĩ như Thu Minh ra hải ngoại trình diễn nhằm ‘cào bằng’ nhân cách, ‘cào bằng’ lòng tự trọng và khí lực của giời trẻ Việt ra đời, lớn lên bên ngoài đất nước xuống thấp như đã và đang làm cho mấy chục triệu mầm non ở quốc nội!

Trần Phong Vũ

Nam California, trung tuần tháng 10-2014

-------------------

[1] Người ta vẫn chưa quên cảnh tượng điếm nhục thuở nào: Sau một buổi trình diễn, khi cặp tài tử Hàn quốc vừa đứng dậy, cả một bày trai gái chen nhau nhào lên ôm hôn mặt ghế họ vửa ngồi!

 (Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào: