Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Chống tham nhũng: Tập Cận Bình chùn bước trước hổ?

mediaNgày 15/11/2012, ông Tập Cận Bình (trái) ra mắt báo chí trên cương vị lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, ít tháng sau ông phát động chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn trong đảng.REUTERS/Carlos Barria/Files
    Hôm qua, 08/10/2014, chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức lễ bế mạc chiến dịch kéo dài 16 tháng nhằm tân trang lại hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ, vốn bị hoen ố nghiêm trọng do nạn tham nhũng. 



    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra hài lòng về kết quả này, thế nhưng, theo giới phân tích, dường như lãnh đạo Trung Quốc đã chùn bước trước các con hổ lớn, hàm ý nói đến phát biểu của ông Tập Cận Bình khi khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng, khẳng định phải đập cả ruồi lẫn hổ.

    Tuy Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố, việc « kết thúc chiến dịch không có nghĩa là chấm dứt phương pháp làm việc tốt » và « các kết quả đạt được mới chỉ là bước khởi đầu », nhưng, ngoại trừ một hai « con hổ lớn » đã bị sa cơ, từ nay, công cuộc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sẽ không nhắm tới các con hổ khác.
    Mang tên « chiến dịch vì đường lối quần chúng », một thành ngữ được sử dụng từ thời Mao Trạch Đông để nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa đảng Cộng sản cầm quyền và người dân, chiến dịch này, theo Tân Hoa Xã, đã cho phép giảm tới 8,6 tỷ đô la trong các chi phí công, xóa bỏ hơn 160 000 lao động giả, trả lương nuôi dưỡng các « quan chức ma », chấm dứt việc sử dụng 115 000 xe hơi công vào mục đích cá nhân. Đảng Cộng sản Trung Quốc có 86 triệu đảng viên. Trong chiến dịch này, hơn 74 000 đảng viên đã bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về sinh hoạt, sống xa hoa.
    Vẫn theo các nguồn tin Trung Quốc, chiến dịch này còn giảm được 586 000 cuộc họp chính thức, khoảng 25%, so với trước đây. Thành tích của chiến dịch đã phơi bày trước ánh sáng một thực tế hiển nhiên : Theo xã luận của tờ China Daily, các biện pháp này càng mang lại kết quả, thì càng chứng tỏ Đảng và chính phủ rất tham nhũng.
    Tính cho tới nay, chiến dịch chống tham nhũng đã « sờ gáy » ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ, trong đó có Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), nguyên Thường vụ Bộ Chính trị và Từ Tài Hậu (Xu Caihou), nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
    Thế nhưng, ngoài hai nhân vật này ra, không một ai trong số các quan chức loại « con ông cháu cha » bị dính lưới. Giới quan sát nhấn mạnh, sẽ không có thêm « các con hổ lớn » khác bị bắn hạ.
    Theo một chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật, Thượng Hải, được South China Morning Post trích dẫn, « ông Tập Cận Bình sẽ không nhắm vào bất kỳ một quan chức loại « con ông cháu cha » nào nữa bởi vì họ đáng tin cậy hơn những quan chức khác », vốn xuất thân từ tầng lớp dưới. Bản thân ông Tập Cận Bình cũng là loại « con ông cháu cha ». Bố của ông là Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cán bộ lão thành của đảng Cộng sản Trung Quốc.
    Sáng kiến tổng kết phong trào vì đường lối quần chúng của Tập Cận Bình diễn ra vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị họp Hội nghị toàn thể ban chấp hành Trung ương, từ 20 đến 23/10 tới đây, với chủ đề chính là « pháp quyền ». Giới quan sát luôn luôn thận trọng khi nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc. Đương nhiên, ông Tập đã đập được khá nhiều ruồi và một hai con hổ, giúp ông củng cố quyền lực và có được sự ủng hộ của người dân.
    Thế nhưng, ông không thể đi xa hơn, vì sẽ đụng chạm, đe dọa nền móng của chế độ độc đảng lãnh đạo, như đồng nhiệm của ông Tập Cận Bình tại Việt Nam là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, trong cuộc gặp cử tri của một số quận tại Hà Nội, ngày 06/10 vừa qua, « làm sao đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình ».

    Không có nhận xét nào: