Pages

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Chính quyền và sinh viên HK đàm phán

Người biểu tình vẫn đang tụ tập tại Mong Kok và những nơi khác ở Hong Kong
Giới chức Hong Kong vừa kết thúc vòng đối thoại đầu tiên với sinh viên và nhà đàm phán của chính quyền nói bà hy vọng sẽ tiếp tục có các cuộc đối thoại khác với sinh viên.
Các đại diện sinh viên tham gia đối thoại lặp lại yêu cầu đòi không hạn chế ứng viên cho chức đặc khu trưởng trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

Tuy nhiên cả giới chức Hong Kong và Bắc Kinh đã nói điều này là không thể được.
Người biểu tình đã chiếm nhiều địa điểm chính của thành phố, mặc dù số lượng người tham gia đã giảm.
Phóng viên Juliana Liu của BBC tại Hong Kong nói mặc dù những người biểu tình biết rằng hầu như không có khả năng đòi hỏi của họ được đáp ứng, họ vẫn bám trụ trên đường phố để cho chính quyền biết rằng đấu tranh cho cải cách dân chủ là một quá trình lâu dài.

'Bài toán số'

Đoàn đàm phán của chính quyền Hong Kong do bà Carrie Lam, chánh văn phòng Đặc khu, dẫn đầu trong khi có 5 người đại diện cho các sinh viên.
Các cuộc đối thoại đã bị hai lần hủy trước đó.
Vòng đối thoại đầu tiên, bắt đầu lúc 18:00 giờ địa phương, tập trung vào yêu sách của các sinh viên về việc chính quyền trung ương phải thay đổi lập trường về cách chọn lọc ứng viên cho cuộc bầu cử sắp tới.
Các thủ lĩnh sinh viên tái khẳng định quan điểm muốn lãnh đạo Hong Kong được bầu cử một cách dân chủ hơn - điều đã bị bà Carrie Lam bác bỏ.
"Nếu quan điểm của họ vẫn như vậy thì tôi e rằng chúng tôi sẽ tiếp tục bất đồng," bà nói.
Alex Chow, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, nói lập trường của chính quyền là "mơ hồ".
"Chúng tôi cho rằng chính quyền cần giải thích rõ ràng hơn trước công chúng," ông nói thêm.
Đây là vòng đối thoại đầu tiên giữa hai bên
Cuộc đối thoại diễn ra một ngày sau khi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tiếp tục bác bỏ yêu cầu của sinh viên và cho rằng điều này sẽ dẫn đến những chính sách dân túy.
"Nếu đây hoàn toàn là một bài toán số thì có lẽ quý vị sẽ phải đối thoại với một nửa người dân Hong Kong có thu nhập dưới 1.800 đô la Mỹ một tháng," ông Lương nói trước báo giới, "Khi đó mới có thể có những kiểu chính trị và chính sách như thế."
Ông Lương nói những vấn đề như thiếu năng động xã hội và giá nhà quá cao là 'không thể chấp nhận' và chính quyền cần làm nhiều hơn để giải quyết.
Nhưng ông cũng nói lập trường của Bắc Kinh, trong đó bất cứ ứng viên nào cũng cần được một ủy ban phê chuẩn, là "tốt hơn".
Ông nói việc bản thân ông được đề cử hồi năm 2012 là được một ủy ban gồm 1.200 thành viên từ nhiều thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau lựa chọn.
Ông Lương nói cơ cấu của ủy ban đề cử này là vấn đề có thể đàm phán.

Không có nhận xét nào: