Pages

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Chiến lược xoay trục và sự thoái bộ dân chủ tại Đông Nam Á

Phải chăng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á có khả năng khuyến khích các chế độ độc tài trong khu vực?
Joshua Kurlantzick, The Diplomat 4/10/2014
Trần Ngọc Cư dịch
clip_image002
Những thách thức nghiêm trọng đối với thể chế dân chủ tại Indonesia trong tuần qua, tiếp theo sau cuộc bầu cử tổng thống thành công vào tháng Bảy, chắc hẳn nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù khu vực này có những tiến bộ chính trị to lớn từ thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nhưng thể chế dân chủ vẫn chưa bén rễ vững chắc tại Đông Nam Á. Những thế lực phản dân chủ, như liên minh các chính trị gia thuộc phe của Prabowo Subianto tại Indonesia, vẫn tiếp tục cản trở các cải tổ dân chủ. Tại một số quốc gia Đông Nam Á, như Thái Lan và Malaysia, các thế lực phản dân chủ đã thành công cao độ trong nỗ lực đảo ngược các tiến bộ hướng tới dân chủ hóa đất nước. 

Malaysia đã đi thụt lùi từ cao điểm dân chủ hóa trở về lại một nhà nước đàn áp hơn trước và là một nhà nước trong đó các tiểu vương Hồi giáo không do dân bầu lên và nhiều ông hoàn toàn không xứng đáng ở vai trò lãnh đạo; những nhân vật này một lần nữa đang nắm quyền lực chính trị quan trọng. Thái Lan, một nước vào thập niên 1990 được coi là một trong những gương thành công về dân chủ hóa trong thế giới đang phát triển, hiện nay đang được lèo lái bởi một chính phủ dựng lên từ cuộc đảo chánh, một chính phủ đang xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh thủ lĩnh đảo chánh Prayuth Chan-ocha và đang thực thi những luật lệ khắt khe không khác gì các luật lệ dưới các chế độ tàn bạo tại Thái Lan trong thập niên 1950 và những năm đầu của thập niên 1960. (Tyrell Haberkorn thuộc Đại học Quốc gia Australia đã viết một cách sâu sắc về việc ban lãnh đạo quân sự hiện nay tại Thái Lan đã sao chép nhiều phương cách và luật lệ của các ban lãnh đạo quân sự thuộc thời đại của các thập niên 1950 và 1960.) Myanmar đã đi thụt lùi từ các cải tổ của những năm 2012 và 2013, trong khi đó Việt Nam vẫn thẳng tay tiếp tục đàn áp bất đồng chính kiến, tiếp theo sau bốn năm liền đàn áp gay gắt. Trong tuần này tại Hồng Kông, nơi mà gần như tất cả các cuộc biểu tình công khai qua hàng thập niên nay đã diễn ra một cách êm thấm, các lực lượng an ninh đã vung tay đàn áp thô bạo các nhà hoạt động dân chủ.
Chiến lược xoay trục hướng về châu Á của Mỹ, vốn được thực thi hiệu quả hơn tại Đông Nam Á so với phần còn lại của khu vực, đóng vai trò gì trong sự thoái bộ dân chủ tại Đông Nam Á? Chiến lược này có đóng vai trò gì chăng? Hiện nay tôi đang nghiên cứu về chiến lược xoay trục và có một vài kết luận – tôi thực tâm nghĩ rằng việc chính quyền Obama cầu thân với Đông Nam Á, mặc dù là tích cực trong một số cung cách, đã thúc đẩy bước thụt lùi của thể chế dân chủ. Hẳn nhiên, chiến lược xoay trục không phải là yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm cho sự thoái bộ dân chủ trong khu vực, nhưng nó đã đóng một vai trò.
Tình hình này đã diễn ra như thế nào? Đã diễn ra trong một số cung cách như sau:
Một là, chính cái tham vọng của chính quyền Obama muốn có những quan hệ vững mạnh hơn khắp Đông Nam Á có vẻ đã khiến chính quyền này trở nên dè dặt không dám hành động mạnh khi các chính phủ dân cử tại đây bị lật đổ. Nhà Trắng cũng bớt nhấn mạnh việc cổ vũ dân chủ tại Đông Nam Á với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc trong khu vực và, trong vài trường hợp, đã chuyển ngân sách viện trợ ra khỏi các nỗ lực cổ vũ dân chủ. Chính quyền Obama còn tìm cách, trong ngân sách năm 2015, yêu cầu Quốc hội hủy bỏ tu chính án Brownback, một điều khoản được thông qua năm 2005 không cho phép bất cứ một chính quyền Mỹ nào yêu cầu chính phủ nước ngoài chấp thuận việc Mỹ phân phối viện trợ cổ vũ dân chủ cho các sứ quán, tổ chức phi chính phủ, và các nhà tham vấn hoạt động tại các nước này. Tu chính án Brownback được soạn thảo nhằm đảm bảo rằng các chính phủ độc tài không thể ngăn chặn các dự án viện trợ Mỹ. Nhà Trắng đang vận động ráo riết để hủy bỏ tu chính án này, một phần để chính quyền Obama có thể chắc chắn rằng các chính phủ độc tài Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược xoay trục sẵn sàng chấp thuận các dự án viện trợ của Mỹ.
Hai là, sự thiếu quan tâm trong việc cổ vũ dân chủ và quyết định nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tuyển cử gian lận hoặc việc hủy bỏ kết quả của các cuộc tuyển cử tại Campuchia, Malaysia, và Thái Lan, đã làm nguy hại đến tình hữu nghị về lâu về dài của Mỹ với giới thanh niên, nam cũng như nữ, khắp Đông Nam Á, là khu vực đang trải qua hiện tượng gia tăng dân số trẻ. Những thanh niên nam nữ này sẽ là tương lai của Đông Nam Á, và vì thế việc gây bất bình cho họ sẽ có hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho khả năng duy trì các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác Đông Nam Á. Tại Malaysia, chẳng hạn, giới thanh niên đã dồn hết hậu thuẫn cho liên minh đối lập PKR [Đảng Công lý Nhân dân], một liên minh đã thắng số phiếu do dân bầu [the popular vote] trong các cuộc tuyển cử quốc hội cấp quốc gia năm 2013 nhưng đã không giành quyền kiểm soát quốc hội từ tay liên minh cầm quyền của Najib do gian lận ở thùng phiếu và do việc chia lại các khu cử tri rộng lớn. Trong cuộc bầu cử 2013, dân số Malaysia dưới 40 tuổi gần như đã đồng tình dồn phiếu cho liên minh PKR. Tại Campuchia, nơi mà nguyên một thế hệ người lớn đã bị Khmer Đỏ tàn sát, dân số hiện nay nói chung là cực kỳ trẻ, và thanh niên tại các thành thị Campuchia đã nhiệt liệt hậu thuẫn liên minh đối lập trong các cuộc bầu cử 2013.
Tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực, nhiều người trẻ có đầu óc cải tổ, từng bỏ phiếu cho các đảng đối lập chính trị, gần đây đã hết sức ngỡ ngàng khi Hoa Kỳ, một cường quốc cách đây một thập niên đã mạnh mẽ lên tiếng cổ vũ dân chủ tại Đông Nam Á và hãy còn ảnh hưởng đáng kể đối với các chính phủ trong khu vực, gần như không có một động thái nào sau khi các cuộc bầu cử tại đây bị phá hoại và những người đắc cử bị bội ước.
Ba là, việc tăng cường quan hệ giữa quân đội Mỹ với quân đội của từng nước Đông Nam Á đi đôi với chiến lược xoay trục đã không nêu cao cam kết rằng những quan hệ này sẽ giúp thay đổi bầu khí văn hóa đang trùm lên các quân đội trong khu vực và khiến chúng trở nên có trách nhiệm hơn và bớt đàn áp hơn.
Tôi sẽ viết thêm một số bài về chính sách Mỹ và sự thoái bộ dân chủ trong những tuần tới.
J. K.
Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ.

Dịch giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào: