Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc 'tích cực'

Quốc hội Việt Nam
Đo tín nhiệm các quan chức tại Quốc hội, có khía cạnh 'tích cực', theo nhà quan sát trong nước.
Dù còn có nhiều tranh cãi, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với các quan chức vẫn là một việc làm 'tích cực' theo một cựu quan chức lãnh đạo ở Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Trong khi đó, các thể thức lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định hiện hành cho 50 vị trí quan chức mà Quốc hội sắp tiến hành vẫn 'rối rắm', 'hình thức' và chưa đảm bảo quyền 'tham gia', giám sát trực tiếp của người dân, theo một chuyên gia trong về đánh giá từ Sài Gòn.

Trao đổi với BBC hôm 18/10/2014 nhân dịp kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa 13 sắp nhóm họp kín về lấy phiếu tín nhiệm với năm chục chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở Việt Nam bầu hoặc phê chuẩn, một cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực văn phòng Quốc hội nói:
"Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là câu chuyện hai mặt của vấn đề, một mặt về công khai, nhân dân và báo chí rồi Quốc hội hoan nghênh", luật sư Trần Quốc Thuận nói.
"Nhưng về mặt bên trong, tôi được biết là cũng có những ý kiến, tranh luận nhau gay gắt về câu chuyện đấy.
"Cho nên bây giờ dẫn đến tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm theo 3 mức, theo Nghị quyết 35 cũ... nó cũng là đáp ứng lại yêu cầu của nhân dân, của dư luận, của Quốc hội, thì đó cũng là một mặt tích cực."

'Tranh luận gay gắt'

Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Việt Nam thời gian gần đây được tiến hành trong khuôn khổ của Nghị quyết 35/2012/QH13, tuy đã có một số ý kiến của các cử tri và kể cả Đại biểu Quốc hội Việt Nam được truyền thông trong nước đăng tải 'phàn nàn' rằng các quy định, thể thức đánh giá với hai nấc, ba nấc v.v... được cho là khá 'rối rắm', gây khó hiểu.
Bình luận về điều này, luật sư Trần Quốc Thuận nói thêm:
"Có sửa Nghị quyết 35 hay không, thì tôi được biết cũng tranh luận gay gắt lắm, cho nên đến bây giờ, thực sự người ta cũng chưa tiến được theo bước đó.
"Và hình thức bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp có quy định gọi là 'bỏ phiếu tín nhiệm', nhưng cũng không có quy định cụ thể là bỏ phiếu 'tín nhiệm' hay 'không tín nhiệm', không ghi cụ thể...
"Còn việc cần phải sửa hay không Nghị quyết này, thì người ta cũng cho biết rằng sau khi bỏ phiếu xong, sẽ sửa trong vòng năm tới, hay là phải sửa ngay trong kỳ họp này."

'Sẽ lắng nghe thêm'

Ông Nguyễn Hạnh Phúc
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, nói lấy tín nhiệm bởi Quốc hội vẫn giữ nguyên '3 mức'.
Hôm thứ Bảy, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam được truyền thông nhà nước trích dẫn cho hay Nghị quyết sửa đổi lần này 'vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm như Nghị quyết 35 cũ.
"Lấy phiếu tín nhiệm cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, đồng thời là kênh tham khảo giúp cho các cơ quan để quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới," ông Phúc được tờ Lao Động dẫn lời nói.
"Thực hiện Nghị quyết 35, Trung ương cũng bàn rất kỹ. Đây là điểm khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu.
"Lấy phiếu thì cần 3 mức. Nếu 2 mức thì bỏ phiếu luôn, chứ cần gì lấy phiếu. Do đó, giữ nguyên 3 mức như cũ."
Ba mức được đề cập này gồm 'tín nhiệm cao', 'tín nhiệm' và 'tín nhiệm thấp' và vẫn theo ông Phúc, về sửa đổi các quy định về đo tín nhiệm, mà đặc biệt là Nghị quyết 35, Quốc hội lần này sẽ tiếp tục 'lắng nghe' thêm các ý kiến đóng góp từ các Đại biểu.
"Cử tri cũng có ý kiến là nên có 2 mức. Tại kỳ họp trước, do thời gian ngắn nên mới có 30% số đại biểu Quốc hội có ý kiến. Vì vậy, trong kỳ họp lần này sẽ lắng nghe thêm nhiều ý kiến. Trên cơ sở đánh giá sẽ có kết luận cuối cùng," ông Phúc được tờ Lao động trích dẫn nói.
Chủ nhiệm Phúc cũng cho truyền thông Việt Nam hay kỳ này, Quốc hội Việt Nam sẽ lấy phiếu tín nhiệm cho 50 chức danh thay vì 49 chức danh như trước, với người thứ 50 là Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, người vì lý do 'mới được bổ nhiệm, chưa đủ thời gian công tác' nên chưa được đo độ tín nhiệm vào lần trước.

'Hình thức, giảm nhẹ'

Hôm 18/5, một chuyên gia về đánh giá từ Việt Nam bình luận với BBC về hiệu quả các công việc đo độ tín nhiệm với quan chức bởi Quốc hội vốn được áp dụng qua các hình thức được tuyên bố là 'lấy phiếu' và 'bỏ phiếu'.
"Hệ thống công quyền hay các cơ quan của nhà nước ở Việt Nam có nhiều hình thức đã đánh giá hàng năm rồi," Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC từ Sài Gòn.
"Hàng năm có bình bầu, có thi đua, khen thưởng của các hệ thống công. Tôi nghĩ là với những người làm ở chức vụ cao thì càng như vậy. Rồi nó lại có nhiều vòng, nhiều mức của chính quyền, của Đảng, của đoàn thể v.v...
"Tôi nghĩ tất cả những điều đó đều đã làm và hầu như những gì... thực hiện ở Việt Nam thì đa số đều mang tính hình thức và không có tác dụng gì.
Ông Lê Như Tién
Đại biểu Lê Như Tiến nói Quốc hội nên tuân thủ Hiến pháp và bỏ phiếu tín nhiệm 'theo hai mức'.
"Do đó khi đặt ra vấn đề lấy phiếu tín nhiệm lần trước, cũng nhiều cũng nghĩ đó là bởi vì muốn làm một cách kiên quyết. Tức là đã có nhiều cách làm 'hình thức' rồi. Và đây là một cách làm mà 'không hình thức', lúc trước người ta mong đợi như vậy, nhưng chỉ làm được một lần.
"Tất nhiên nó cũng... lộ ra được một số điều. Tuy cũng đã giảm nhẹ, nhưng cũng có người bị thấp và có người được cao, ngay lập tức sau đó, tôi lại thấy có khuynh hướng muốn bào chữa, muốn giảm nhẹ đi nữa, tức là nói đây chỉ là thông tin để làm cho tốt lên, chứ không phải là loại ngay.
"Thì tôi thấy rõ ràng là nếu thỉnh thoảng có một khuynh hướng muốn làm thật, thì ngay lập tức nó lại bị kéo lại bởi khuynh hướng chỉ muốn xuê xoa mà thôi. Và tôi nghĩ rằng nếu làm như vậy thì nó chỉ tốn thêm thời gian. Tức là cái đó vẫn là một cách hình thức thôi."

'Trái với Hiến pháp?'

Gần đây, một số Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam công khai nêu quan điểm không tán đồng với các quy định, hình thức, thể thức đo tín nhiệm của Quốc hội.
Hôm 28/4/2014, Đại biểu Lê Như Tiến nêu quan điểm trên tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói rằng Quốc hội nên 'bỏ phiếu tín nhiệm' theo hai mức và việc đo tín nhiệm cần thực hiện theo đúng Hiến pháp.
"Bỏ phiếu tín nhiệm đã được hiến định trong Hiến pháp mới (sửa đổi năm 2013), trong đó cũng chỉ quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải lấy phiếu tín nhiệm", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhin đồng của Quốc hội nói.
"Trước kia chúng ta lấy phiếu tín nhiệm, nhưng giờ Hiến pháp đã quy định như thế thì phải thực hiện theo Hiến pháp. Mà bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ có hai mức là 'tín nhiệm' hoặc 'không tín nhiệm."
Vẫn theo quan chức này thì Quốc hội phải tuân thủ Hiến pháp. Ông Tiến nói tiếp với tờ Đại Đoàn Kết:
"Phải thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp là bỏ phiếu tín nhiệm. Chứ bây giờ thêm một nấc nữa là 'lấy phiếu tín nhiệm' sẽ rắc rối thêm.
"Nếu muốn xem người đứng đầu của các cơ quan trong Chính phủ ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào thì chỉ có động tác 'bỏ phiếu tín nhiệm' thôi," ông Tiến nói.

'Đảng cử, dân bầu?'

TS Vũ Thị Phương Anh
TS Phương Anh cho rằng ở VN nhiều quyền chính trị của người dân vẫn còn hạn chế.
Cũng bình luận về điều này, hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC:
"Tôi nghĩ là nó dứt khoát, 'bất tín nhiệm' là 'bất tín nhiệm', còn không thì không cần làm, còn đã làm thì cách làm càng đơn giản, càng rõ ràng thì càng tốt'.
Còn về khía cạnh quyền giám sát, tham dự của người dân trong đánh giá tín nhiệm, bất tín nhiệm đối với các quan chức, chuyên gia về đánh giá và nhà hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội nói thêm:
"Tôi nghĩ là nhiều người dân, trí thức, những người có hiểu biết ít nhiều vẫn mong là người dân phải có quyền tham gia trực tiếp hơn những quyền chính trị đó.
"Hiện nay, nói thẳng ra là phần lớn chỉ những người, những Đảng viên mới có quyền tham gia vào những hoạt động chính trị ở trong nước, người dân không có cái quyền đó, dù người dân cũng có bỏ phiếu này khác, nhưng bỏ phiếu vẫn do Đảng cử, dân bầu mà thôi," nữ chuyên gia nói.
Theo truyền thông Việt Nam, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Việt Nam khóa 13 sẽ được nhóm từ ngày 20/10 đến 28/11, trong các nội dung làm việc theo nghị trình, phiên họp về lấy phiếu tín nhiệm sẽ được nhóm với hình thức họp kín để các đại biểu có thể làm việc với hiệu quả mà 'không bị áp lực'.

Không có nhận xét nào: