Pages

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Biểu tình ở Hồng Kông: Ông Tập Cận Bình sẽ “thí tốt” Lương Chấn Anh?

Trần Trí (theo The Wall Street Journal)Một thế giới


 

Cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông (HK) có thể thật sự tăng uy tín cho Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình, nếu ông chọn phương án đặc khu trưởng HK Lương Chấn Anh từ chức, theo một yêu sách của người biểu tình...

Cho đến nay, ngoài vài bài xã luận trên các báo TQ nói cuộc biểu tình là “phi pháp”, các lãnh đạo cấp cao TQ vẫn giữ im lặng, không đưa ra một tuyên bố nào. Nên nhiều người nói cuộc biểu tình là một thách thức cho ông Tập.

Họ nói đúng, nhưng các diễn tiến ở HK cũng có thể giúp ông Tập tăng uy tín. Chắc chắn ông không hài lòng việc người biểu tình nói Bắc Kinh “xù” lời hứa cho dân HK bầu cử tự do.

Bắc Kinh từng hứa như thế khi Anh trao trả xứ nhượng địa HK cho Trung Quốc năm 1997. Nhưng hồi đầu tháng 8.2014, ban thường vụ quốc hội TQ đã ra nghị quyết, quy định họ có quyền phê duyệt vài ứng cử viên cho cuộc bầu cử chức đặc khu trưởng HK sẽ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2017. 
Nghị quyết này đã khiến hàng chục ngàn người - đa số là sinh viên - xuống đường ở đặc khu hành chính HK thuộc TQ từ ngày 28.9 để phản đối trong hòa bình. Họ cũng yêu sách, đòi đặc khu trưởng Lương từ chức, nhưng ông Lương không chấp nhận.

Ông Tập cũng thường bác bỏ, rằng “nền dân chủ kiểu phương Tây” không thể là mô hình cho TQ, mà những yêu sách của người biểu tình chính là sự tiếp cận phần nào nền “dân chủ phương Tây” đó. 
Tầm cỡ và độ dài của cuộc biểu tình cũng khiến ông Tập đứng trước lựa chọn khó khăn: nếu nhượng bộ trước vài yêu sách của người biểu tình, sẽ có thể kích thích họ tăng các yêu sách và làm hỏng uy tín “người không bao giờ nhượng bộ” của ông Tập tại Hoa lục.

Và dù có dùng vũ lực giải tán nhóm biểu tình thành công, thì uy tín của Bắc Kinh sẽ bị phai mờ nặng thêm trong mắt dư luận quốc tế, cùng với khả năng cuộc đối thoại với người biểu tình ở HK sẽ không thể bắt đầu một cách hòa bình.

Vậy thì sao cuộc biểu tình lại có thể giúp tăng uy tín ông Tập ?

Trước tiên, tình hình HK giúp ông Tập chứng minh được với Đảng Cộng sản TQ và nhân dân TQ, rằng TQ đang “đối mặt với nhiều thế lực thù địch nước ngoài”.

Dù có hay không sự hậu thuẫn người phản đối của các chính phủ nước ngoài, Bắc Kinh đã nêu cuộc biểu tình là từ nước ngoài kích động để can thiệp vào chuyện nội bộ của TQ.

Từ lúc nắm quyền lực, ông Tập đã xây dựng hình ảnh ông là một lãnh đạo mạnh ý chí, sẵn sàng đương đầu với những cường quốc đang toan kiềm chế sự trỗi dậy của TQ.

Và cuộc biểu tình ở HK không chỉ thổi thêm tinh thần dân tộc giúp tăng uy tín ông Tập, nó còn củng cố quan điểm cải tổ của ông tại Hoa lục.

Ông Tập đã tập trung nỗ lực để cải thiện hoạt động của đảng Cộng sản TQ, cảnh báo rằng nếu không cải thiện lớn, Bắc Kinh sẽ phải đối phó với những bức xúc ngày càng lớn của xã hội TQ.

Theo ông Tập, một trong những vấn nạn lớn là các đảng viên Cộng sản mất quá nhiều thời gian xây dựng quan hệ (thường là phi pháp) với các doanh nghiệp trong khi không quan tâm tới nhân dân, xa rời quần chúng.

Vấn nạn khác là các quan chức ráng chạy đua lập thành tích tăng trưởng kinh tế bất chấp hậu quả, không chịu thừa nhận rằng GDP tăng không là tấm giấy bảo đảm không có sự bất mãn chính trị.

Vấn nạn thứ ba là đảng Cộng sản TQ thường thất bại trong việc giao lưu hiệu quả với nhân dân, khi các đảng viên thường có những hành vi hống hách cùng những chỉ đạo đầy tính mệnh lệnh mà không thông cảm được với những bức bách của nhân dân.

Cả 3 vấn nạn này đều xảy ra ở HK và sự bức xúc đã bùng lên thành cuộc xuống đường biểu tình.

Đặc khu trưởng Lương đã chọc giận người HK, vì xem ra ông không quan tâm tình trạng cách biệt thu nhập quá lớn, và ông bị nhiều người đánh giá là xa rời quần chúng.

Mối bận tâm của chính quyền HK là ưu đãi giới doanh nghiệp, cùng các nỗ lực ép buộc người HK phải “yêu mẫu quốc”, càng góp phần vào sự bất tin ngày càng lớn trong tim óc người biểu tình.

Người phản đối ở HK đã soi rọi nhiều sai sót trong chính quyền mà chính ông Tập cũng chỉ trích. Nay Bắc Kinh đối diện với sự phẫn nộ của người HK, càng khiến quan điểm cần đổi mới Đảng Cộng sản TQ của ông Tập càng tăng thêm ý nghĩa.

Các bài xã luận của giới truyền thông chính thức TQ đều nêu: cần thiết phải tuân thủ luật pháp và trật tự trị an ở HK, và sẽ không có chuyện rút lại nghị quyết lựa chọn ứng viên đặc khu trưởng.

Nhưng đến nay, người biểu tình chưa bị quan điểm cứng rắn trên khuất phục. Nhưng ông Tập có thể sẽ kéo giảm sự căng thẳng bằng cách để ông Lương ra đi.

Đó là yêu sách của người biểu tình, nhưng ông Tập có thể xem đó không phải là môt sự nhượng bộ. Mà là một ví dụ rõ ràng về việc một công bộc không hiểu được người dân.

Còn phải chờ xem ông Tập có chọn giải pháp này hay không.

Ngày 6.10, công chức HK đã có thể trở lại làm việc, các trường học mở cửa trở lại, trong khi nhóm biểu tình lớn “chiếm” đa phần khu trung tâm thành phố suốt một tuần qua đã mỏng dần.


Các sinh viên biểu tình nói họ đã tiến hành các bước đầu tiên để có thể đối thoại với chính quyền về yêu sách cải tổ chính trị rộng hơn của họ, nhưng cuộc đối thoại chưa bắt đầu và vẫn còn những bất đồng.

Một số nhà hoạt động không đồng ý rút bớt số người biểu tình trước các trụ sở công quyền, và một liên minh sinh viên nói họ sẽ tiếp tục phản đối, cho đến khi vạch ra được chi tiết cuộc đối thoại.
Họ nói sẽ tẩy chay cuộc đối thoại ngay lập tức, nếu chính quyền dùng vũ lực để giải tán số người biểu tình còn lại.





Cảnh sát xịt nước vào người biểu tình

Thủ lĩnh sinh viên Alex Chow nói anh không ngại việc giảm số người biểu tình: “Vì mọi người cần nghỉ ngơi, nhưng họ sẽ lại ra đường. Không có chuyện phong trào đã xẹp. Vẫn còn nhiều người ủng hộ”.
Nhưng một số sinh viên dù tính sẽ tiếp tục bám lâu trước các trụ sở công quyền, lại không nghĩ sẽ đạt được yêu sách chính là bầu cử tự do, vì chính quyền HK không có phản ứng và TQ một mực phản đối. 

Không có nhận xét nào: