Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Bác sĩ cử tuyển – Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Chân Như, phóng viên RFA

uDKrrfwz-622.jpg

Sinh viên ngành y hệ cử tuyển năm thứ 4 thực tập tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Courtesy photo

Nghe Bài Này

Những tuần qua, người dân trong nước và đặc biệt là cộng đồng mạng xôn xao, bức xúc và phẫn nộ về việc bác sĩ cử tuyển. Theo báo Tuổi Trẻ trong nước, những bác sĩ này là những học sinh học lằng nhằng, trượt đại học hoặc chỉ trúng tuyển vào các trường điểm thấp. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt nhân sự trong ngành y tại địa phương, họ lại được cử đi học bác sĩ, dược sĩ - những ngành học vốn chỉ dành cho những người rất giỏi. Và đây cũng là đề tài cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham gia của ba bạn Khanh Nguyễn, Bùi Trung và Thanh Tùng.

Một giải pháp chắp vá

Chân Như: Xin chào các bạn, một trong nhiều các lời bình luận chia sẽ mà phải nói là đáng chú ý đó là “bác sĩ mà học năm thứ 6 vẫn không nắm rõ ruột thừa nằm ở vị trí nào trong ổ bụng” thì làm sao dám giao tính mạng cho họ? Ngay chính một giảng viên tham gia giảng dạy cũng cảm thấy không an tâm về “chất lượng” của việc học và dạy như thế. Nhận xét của các bạn về các bác sĩ cử tuyển này?
Khanh Nguyễn: Thứ nhất bác sĩ tuyển cử này là kết quả của chất lượng việc học và dạy ở Việt Nam không được tốt. Nhưng cũng có thể hiểu rằng một phần cũng do sức ép của xã hội, con người càng lúc càng tập trung vô các đô thị lớn. Trong khi đó, những nơi vùng sâu vùng xa chính phủ chưa quan tâm cho lắm và những bác sĩ thật sự có kinh nghiệm thì họ tập trung vào những đô thị để đáp ứng được sức ép đó. Vì vậy, những học sinh, sinh viên ở các tỉnh lẻ phải chấp nhận làm bác sĩ cử tuyển. Đó chỉ là cho một giải pháp chắp vá để giúp đỡ những người dân vùng sâu vùng xa.
Bác sĩ tuyển cử này là kết quả của chất lượng việc học và dạy ở Việt Nam không được tốt. Nhưng cũng có thể hiểu rằng một phần cũng do sức ép của xã hội.
-Khanh Nguyễn
Thanh Tùng: Vâng thưa anh, nhận xét của em về tình trạng bác sĩ cử tuyển này thì em nói thẳng luôn là không thể chấp nhận được. Bởi vì bác sĩ mà học đến năm thứ sáu mà không biết ruột thừa nó nằm ở bụng dưới phía bên phải của con người thì thật sự không thể chấp nhận được. Và nghề y dược nói chung là những nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của con người; Thế nên những nghề này đòi hỏi trình độ phải rất sít sao. Bác sĩ mà không nắm rõ được về cơ thể người thì rất là nguy hiểm. Còn về nguyên nhân thì thật ra có rất nhiều nhưng nói chung là nguyên nhân chủ yếu là do việc dạy và học ở Việt Nam không tốt. Ngay từ khâu tuyển sinh của bên bác sĩ cử tuyển đã không tốt, rồi việc đào tạo cũng không tốt nữa. Do đó dẫn đến việc khi những bác sĩ cử tuyển ra trường phân đi những cơ sở với kiến thức về y khoa của họ không vững vàng. Như thế là rất nguy hiểm.
Bùi Trung: Theo bản thân của em, không chỉ là những bác sĩ cử tuyển mà thậm chí ngay những bác sĩ chính thức ở những thành phố, nhiều lúc cũng có những trường hợp sai sót rất trầm trọng. Chính vì như vậy nên chúng ta có thể thấy được cái bất cập trong ngành tế Việt Nam; Nó rất trầm trọng, không thua gì những ngành khác. Cái quan trọng ở đây chính là bác sĩ là một trong những ngành nghề rất quan trọng trong một xã hội. Họ là những người nắm giữ sinh mạng của những người bệnh. Chính vì như vậy mà tình trạng bác sĩ cử tuyển dấy lên một báo động đáng quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện nay trong tình trạng là những thành phố lớn luôn tập trung những người bác sĩ giỏi. Và những vùng sâu, vùng xa lực lượng y tế thiếu hụt từ cơ sở vật chất cho đến những vị bác sĩ tay nghề cao cũng đều khá hiếm. Chính vì như vậy nên em nghĩ đây cũng là một vấn đề rất đáng được quan tâm để xem xét trong xã hội Việt Nam.
Chân Như: Lý do mà bác sĩ cử tuyển được chính sách nhà nước chấp nhận là vì ở các vùng sâu, vùng xa việc thiếu bác sĩ đã đến mức báo động. Theo các bạn, việc làm này có nên được Bộ Y tế chọn là một giải pháp để giải quyết vấn đề?
Khanh Nguyễn: Theo em nghĩ thì dù có tốt hay không thì bộ y tế cũng đã lựa chọn chính sách này làm biện pháp chắp vá rồi vì hiện tượng này thực ra bây giờ nó mới nổi cộm lên nhiều, chứ ngày xưa tình trạng này nó đang trong giai đoạn phát triển lên. Trong một tương lai gần, hiện tượng này nó sẽ trở thành một hiện tượng phổ biến và rất khó để mà nắm bắt được. Và cũng vì thế , thay vì khả năng cứu mạng người ở vùng sâu vùng xa cao lên thì thay vào đó là khả năng những người mà kém may mắn hơn, những người có khả năng chịu hậu quả từ chính sách này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.

daih_XBUR-400.jpg
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nơi đào tạo bác sĩ hệ cử tuyển. Courtesy photo.
Bùi Trung: Theo em đối với mặt bằng chung Việt Nam hiện nay thì những trường đại học như sinh viên có năng lực cũng như là có chất lượng giảng dạy tốt cũng không phải là thiếu đến nỗi trầm trọng quá. Việc những bác sĩ cử tuyển ở các vùng sâu vùng xa được tuyển chọn vào có lẽ là do một phần những bác sĩ năng lực không muốn đi đến những vùng miền đấy để làm việc cũng như là những cơ sở vật chất cũng như những mối lợi có thể có được từ vùng sâu vùng xa sẽ không bao giờ được nhiều như ở thành phố. Em nghĩ đây không phải là cách giải quyết tốt cho tình hình y tế chung ở Việt Nam hiện nay của bộ y tế.
Thanh Tùng: Vâng thưa anh, theo em nghĩ thì bộ y tế có nhiều phương án khác để có thể giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở các vùng sâu vùng xa vùng nông thôn. Bởi vì việc thiếu hụt này đầu tiên là do việc Việt Nam, nói chung là thiếu các cơ sở đào tạo về y khoa tốt. Cả khu vực miền Bắc quanh đi quẩn lại chỉ có đại học y Hà Nội, đại học y Thái Nguyên và ngoài ra là các đại học dược nữa thôi, nói chung là thiếu. Người Việt Nam hiện nay là 90.000.000 dân mà tỉ lệ bác sĩ trên đầu người lại thấp. Em nghĩ bộ y tế nên mở rộng thêm các cơ sở đào tạo y tế ở các tỉnh khác với cả đầu tư thêm các hệ thống y tế ở các tuyến vùng huyện thì có thể phần nào giải quyết được vấn đề thiếu bác sĩ này. Ngoài ra việc tăng lương và các phúc lợi cho bác sỹ cũng có khi khuyến khích họ đi những vùng sâu vùng xa hơn.

Lương y có còn như từ mẫu?

Chân Như: Có vẻ như việc đào tạo một người để cứu triệu người đã không còn tồn tại ở VN, mà thay vào đó là đào tạo bác sĩ là để làm kinh tế, kiếm tiền. Ảnh hưởng này lên người dân như thế nào và là một người dân bạn sẽ nói gì về điều này?
Bùi Trung: Theo quan điểm của em thì, việc như anh vừa nói hiện nay nó rất là đáng buồn, nó là một tình trạng hiện hữu không những mặt kinh tế mà những mặt khác như giáo dục, rồi những mặt khác ở Việt Nam nó đều như vậy. Trong một xã hội con người có thể vứt bỏ lương tâm nghề nghiệp để chạy theo đồng tiền nó đang rất khá lớn. Chính vì như vậy nên bản thân em là một người công dân thì em mong muốn có một chế độ cải cách hơn về mặt giáo dục để có thể những người, nhất là những người làm nghề y, nghề giáo viên có thể đặt trách nhiệm công việc nghề nghiệp của mình lên cao hơn lợi nhuận. Khi đó câu “lương y như từ mẫu” nó có thể vẫn sẽ hiện hữu trong xã hội chúng ta hiện nay.
Em mong muốn có một chế độ cải cách hơn về mặt giáo dục để có thể những người, nhất là những người làm nghề y, nghề giáo viên có thể đặt trách nhiệm công việc nghề nghiệp của mình lên cao hơn lợi nhuận.
-Bùi Trung
Khanh Nguyễn: Theo em nghĩ , thì người dân sẽ rất phẫn nộ về chính sách này tại vì chính bộ y tế và những bác sĩ này đặt tính mạng người dân thấp hơn cái đồng tiền mà họ kiếm ra, cho nên người mà hứng chịu hậu quả nặng nề nhất đó là người dân. Họ phải mất công, họ tới bác sĩ họ trả tiền thuốc hoặc họ trả tiền thuế cho nhà nước để mà trả lương cho những bác sĩ này, nhưng mà những người bác sĩ này lại không quan tâm đến công việc của họ là cứu chữa cho người dân mà họ quan tâm nhiều hơn đến việc kiếm tiền. Như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với người bác sĩ. Câu “lương y như từ mẫu” bây giờ thực sự không còn đúng. Vả lại, bây giờ như em đã nói cái sức ép kinh tế, sức ép của xã hội lên những người bác sĩ này cũng quá lớn. Do sự thiếu quản lý của nhà nước cho nên thay vì cứu chữa cho người dân thì những bác sĩ này cũng phải nhìn lại cuộc sống của họ và họ cũng bắt buộc phải chạy theo hướng kiếm tiền để họ giảm sức ép cho cuộc sống của họ. Đó là ý kiến của em về cách nhìn của người dân về những bác sĩ này.
Thanh Tùng: Vâng thưa anh, ảnh hưởng của việc bác sĩ cử tuyển với trình độ kém như thế này lên người người dân như thế nào thì rõ ràng là Việt Nam gần đây đã xảy ra những vụ chết người và đã có những vụ các y bác sĩ không nhiệt tình cứu chữa người bệnh bởi vì không có tiền hoa hồng. Với tư cách một người dân thì đương nhiên em thấy điều này không thể chấp nhận được. Bởi vì nghề này là nghề đòi hỏi có tư cách đạo đức rất cao, bởi vì là chữa cho tính mạng con người chứ không phải là đơn giản. Theo em nghĩ, rõ ràng bây giờ nhà nước cần phải xem lại việc đãi ngộ các y bác sĩ và đào tạo y bác sĩ để họ có thể sống được với đồng lương của mình chứ không đến nước phải tìm mọi cách để kiếm tiền từ bệnh nhân như vậy. Em nghĩ như thế tình trạng đạo đức của ngành y sẽ được cải thiện hơn.

Giải pháp

Chân Như: Và sau cùng các bạn nghĩ Bộ Y tế nên có những thay đổi như thế nào để đáp ứng đúng với chức năng của ngành?
Thanh Tùng: Vâng thưa anh, em nghĩ là bộ y tế nên có những thay đổi đầu tiên là về việc tăng cường siết chặt việc đào tạo y bác sĩ và đặc biệt là siết chặt tình trạng đào tạo bác sĩ cử tuyển. Đồng thời, tăng cường xây dựng các hệ thống cơ sở y tế ở các vùng sâu vùng xa để những vùng ấy bớt tình trạng thiếu y bác sĩ và đồng thời tăng những phúc lợi của bác sĩ để họ bớt lo gánh nặng cuộc sống hơn.
Bùi Trung: Theo quan điểm cá nhân của em, em cũng cùng ý kiến với bạn Tùng nhưng thêm vào đó em luôn coi trọng việc giáo dục ý thức con người. Chính như vậy nên em nghĩ ngoài những việc đầu tư cho cơ sở vật chất ở các vùng sâu vùng xa cũng như là cải thiện về phúc lợi và tiền lương cho bác sĩ. Ngoài những việc đó, bộ y tế cũng phải kết hợp với bộ giáo dục để siết chặt đầu vào cũng như là đầu ra của các sinh viên các trường đại học y dược; Và bên cạnh đấy thì phải giáo dục ý thức để một người ngay từ sinh viên đại học, là những người bác sĩ tương lai sẽ nắm trong tay sinh mạng của các bệnh nhân, để họ sẽ hiểu được đạo đức nghề nghiệp của họ quan trọng hơn tất cả mọi sự thứ tiền bạc hay những thứ kinh tế phù du nào khác. Chỉ có như vậy thì họ mới có thể đặt trách nhiệm nghề nghiệp, đặt tính mạng bệnh nhân cũng như sức khỏe bệnh nhân lên hàng đầu; Khi đấy thì em nghĩ những tình trạng còn lại như khó khăn về cơ sở vật chất sẽ có thể dần dần cải thiện. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người bác sĩ, người nắm giữ sinh mạng của bệnh nhân mới là quan trọng.
Khanh Nguyễn: Nếu có những giải pháp để thay đổi tình hình hiện nay thì theo em, có ba giải pháp. Thứ nhất, như hai anh nói là về đạo đức của người bác sĩ cái đó rất là quan trọng. Cho dù có ngành nghề nào thì đạo đức vẫn là phẩm chất mà mỗi người cần có. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ thì đạo đức đó phải cao hơn một tí vì họ là người nắm giữ sinh mạng của người bệnh; vì chỉ có họ mới có thể giúp đỡ người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch.
Thứ hai, thay đổi về chính sách giáo dục và đào tạo cũng như phải tăng cường sự quản lý của nhà nước; Tức là nhà nước phải phân bổ lượng y bác sĩ, tạo sự cân bằng ở mọi vùng miền trong cả nước từ vùng sâu vùng xa cho đến đô thị để người dân khi họ cần đến người bác sỹ thì họ có thể nhanh chóng được cứu chữa được bệnh của chính họ.
Và thứ ba, chính sách bác sĩ cử tuyển này cũng có thể là một tiềm năng trong tương lai, nếu có những yêu cầu nhất định đặt ra cho những bác sĩ cử tuyển. Chẳng hạn như họ cần phải học thêm về ngành mà họ đang theo đuổi, họ cần thêm thời gian và họ cần sự đào tạo của các trường đại học nhiều hơn để trong tương lai sẽ có thêm nhiều bác sĩ y sĩ có thể giúp đỡ ở vùng sâu vùng xa. Dần dần họ có thêm kinh nghiệm để họ cứu giúp người bệnh. Đó là ý kiến của em về các giải pháp.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Khanh Nguyễn, Bùi Trung và Thanh Tùng đã dành thời gian đến với diễn đàn bạn trẻ kỳ này. Chân Như cũng cám ơn phần theo dõi của quý độc giả, hẹn gặp lại tuần sau cũng trong chương trình này.
Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rf
a

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lương y như từ mẫu ( từ là bỏ , mẫu là mẹ ) Gặp lương y vcộng là Bỏ mẹ nhá.

người Việt già đau khổ nói...

Bản Y Đức được trang trọng treo trong các bệnh viện lớn nhỏ tại VN ngày nay là bản Y Đức của các Y,Bác sĩ của cộng sản .Nó rất khác về thứ tự trách nhiệm bổn phận của những người học ngành Y theo ông Tổ ngành Y thế giới (Hypocrates-Y Đức) .Từ đó ta sẽ suy ra được rất nhiều điều về đạo đức,nhân đạo của hệ thống cai trị csVN cũng chỉ vì Tiền (Yêu ông Hồ có trong tờ giấy bạc ấy mà).