Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Đại Nghĩa – Giải mã huyền thoại những anh hùng cộng sản

1“Người Việt Nam chúng ta hôm nay và trong chế độ này là một cộng đồng thiếu trung thực vì chúng ta đã sống trong một môi trường dối trá quá lâu. Chung quanh chúng ta là guồng máy dối trá khổng lồ từ trường học, báo chí, đài phát thanh, truyền hình đến cả một hệ thống quyền lực từ trên xuống dưới được điều hành bằng sự dối trá”. (ĐanChimViet online ngày 23-9-2012)
Mở đầu bài viết này tôi đã mượn lời của nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, một cựu tù nhân lương tâm, là đầu tàu của một gia đình đấu tranh vì dân chủ, tự do cho Việt Nam mới có đủ nhận thức trung thực về chế độ dối trá của CSVN trước khi tôi trình bày về những huyền thoại anh hùng dối trá của họ.

Chính vì sự dối trá được chủ đạo trong tuyên truyền nên đã “sáng tác” chuyện “anh hùng ma” Lê Văn Tám, để cổ vũ, dụ dỗ và lừa gạt những trẻ thơ nhẹ dạ cả tin đi vào chỗ chết. Đây là một sự lừa dối giết người dã man.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nói rõ việc dựng chuyện huyền thoại ma này:
“Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê nhớ lại:
“Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, THL làm BT Bộ Tuyên truyền và Cổ Động), anh THL tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè.[..] Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: ‘Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. (Wikipedia tiếng Việt online ngày 29-9-2014)
Dưới chế động cộng sản ai cũng biết rằng mọi sự đều gian dối và lừa đảo. Ngay cả trong lịch sử mà cũng bị họ tuyên truyền bóp méo và lừa dối; theo giáo sư sử học Hà Văn Thịnh thì chỉ có 30% thật còn lại 70% giả. Do vậy mà môn sử ngày nay thầy không muốn dạy vì bắt phải nói dối và trò không muốn học vì phải nghe thầy nói dối, vì thế cho nên phim “Sống cùng lịch sử” không có người xem là không có gì lạ. Chỉ có cái lạ là cho đến ngày hôm nay người cộng sản còn mơ chưa biết mình nói dối, cho nên vẫn tiếp tục nói dối một cách tự nhiên.
Giáo sư Hà Văn Thịnh nói về anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong phim“Sống cùng lịch sử” như thế nào?
“Chẳng hạn, đến bây giờ mà vẫn còn lấy biểu tượng lấy thân mình lắp lỗ châu mai làm một trong những bản anh hùng ca chính thì thật khó chấp nhận.
Cho dù anh hùng Giót đã làm nên điều phi thường trong chiến tranh, khoa học và thực nghiệm nói không với huyền thoại đó.
Bao nhiêu con người mới lắp cho vừa cái lỗ châu mai? Lỡ có ‘lấp’ xong rồi, kẻ địch có thể chẳng nhọc nhằn gì mà chỉ cần gạt cái xác sang bên rồi bắn tiếp? Tại sao đã có gan, có trí bò đến tận lỗ châu mai mà lại quên đem theo trái lựu đạn vì chỉ một lần nổ thôi là lô cốt địch tắt lửa lặng câm. Không ai chấp nhận nỗi một người có đủ trí và dũng lại phải hy sinh thân mình cho việc ‘lấp’ (nếu như có thể) trong vài giây, một ổ hỏa lực có ý nghĩa sống còn”.  (Motthegioi online ngày 22-9-2014)
Cụ nhạc sĩ Tô Hải, một nhà cách mạng lão thành tự nhận đã từng “dối mình và dối người” trong tuyên truyền, sau “55 năm miệng bị lắp khóa kéo” mới “hết hèn” và nói lên được sự nhận định của mình về cái huyền thoại Phan Đình Giót như sau:
“Nói thật, một người lấy thân mình bịt lỗ châu mai thì ai mà học quân sự đều biết ở phía trong chỉ cần đẩy một cái, là cái xác đó rớt xuống và lại bắn tiếp tục thôi chớ làm gì người đã chết rồi mà còn bịt được lỗ châu mai”. (ĐoiThoai online ngày 7-6-2009)
Về huyền thoại anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo thì cụ Tô Hải nói rõ:
“Tôi có bằng chứng của những người ở ngay cùng đơn vị, cùng tiểu đội đó với Tô Vĩnh Diện, thì đó là một tai nạn. Anh đó bẻ càng, nhưng mà bẻ cái càng trong lúc kéo pháo lên chứ không phải lao xuống dốc. Kéo lên thì đáng lẽ anh đó đánh tay càng về bên trái thì anh lại đánh cái càng về bên phải cho nên nó mới tuột, nó đè phải anh ấy, chớ không phải anh ấy lấy thân anh để chèn cái khẩu súng, chèn cái khẩu pháo. Thì đấy là cách mà báo chí ở cái xã hội này ‘nói dzậy mà không phải dzậy”.(ĐoiThoai online ngày 7-6-2009)
Có một dạo những cái loa tuyên truyền của đảng CSVN thổi phồng giai thoại anh hùng Nguyễn Văn Trỗi thực hiện cuộc đánh bom nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, nhưng không thành. Cụ Tô Hải nhận định về anh hùng này như sau:
“Chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng thì có nhưng mà người ta cứ thêu dệt ra thêm, nó không khoa học”. (ĐoiThoai online ngày 7-6-2009)
Một câu chuyện tôi chưa từng nghe thấy, nhưng bổng dưng gần đây báo Dân Trí lại dựng lên“Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” một cách khôi hài rẻ tiền vì“người nổ” mà súng…không nổ (?) Bà con ai biết chuyện này xin dặm mắm thêm muối dùm cho nó hùng tráng hơn.
“Tháng 9/1970, vị Tổng thống bù nhìn (*) chính quyền Sài Gòn-Nguyễn Văn Thiệu đã có một lần thoát chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện chị Mão đang ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị…
Thấy cơ hội ngàn năm có một đã tới, chị nhanh nhẹn quàng chiếc áo mưa, chen vào đám đông rút súng nhằm vào Tổng thống Thiệu bóp cò. Cạch, cạch 2 phát nhưng súng không nổ
“Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi” (!?) (DanTri online ngày 30-4-2011)
Với cái trò ma giáo sở trường, CSVN tung hình ảnh tuyên truyền bịp bợm giàn dựng cảnh người tù binh Mỹ to con bị cô du kích Việt cộng bé nhỏ dí súng áp giải đi một cách “ngoan ngoãn” để chứng tỏ nhân dân thế giới thấy tuy bé nhỏ nhưng cộng sản vẫn kiên cường còn người Mỹ cao lớn thì chỉ là “Mỹ giấy”. Tìm thấy viên phi công Mỹ rớt máy bay ở xã Hương Phong (Hương Khê-Hà Tĩnh) giữa rừng gần biên giới Lào, ấy thế mà có sẳn một nhà báo để chụp hình và ngay cả một ủy viên Trung ương ở đấy để làm thơ (?)
“Viên phi công đó giơ hai tay xin đầu hàng. Nghe được tiếng súng, mọi người chạy đến, trói tay viên phi công cao lớn…
Thấy o Lai là người nhỏ nhất trong tiểu đội thanh niên xung phong xã và cũng là người phát hiện tên giặc lái, mọi người đã đề nghị để o Lai giải viên phi công lên huyện. Trong thời điểm đó, nhà báo Phan Thoan bấm máy ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy…
Nhìn nó, nhà thơ Tố Hữu đã xuất khẩu liền bốn câu thơ:
                        O du kích nhỏ giương cao súng
                        Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
                        Ra thế to gan hơn béo bụng
                        Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.
                (TuoiTre online ngày 23-4-2014)
Trong chiến tranh cộng sản muốn động viên sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, càng nhiều càng tốt nên họ cố dựng ra những huyền thoại anh hùng thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ và cả những người sắc tộc thiểu số như “anh hùng Núp”. Thời bấy giờ họ luôn rêu rao, khoác lá “ra ngỏ gặp anh hùng”, nhưng tiến sĩ Hà sĩ Phu đã lột trần huyền thoại những loại anh hùng này như sau:
“Thật đáng khôi hài đến chảy nước mắt. Tự nhận: ‘ra ngỏ gặp anh hùng’ mà các anh hùng cứ lúng búng trong xó bếp vậy sao?…
“Anh hùng ‘Núp’ nay sinh nhiều con cháu
Núp cột đền rình phạt xe đi
Núp bác Hồ, núp Mác núp Lê
Núp? ‘16 chữ vàng’ quỷ quyệt
Núp chủ nghĩa, núp nhân dân…kiếm chác!”
            (ĐoiThoai online ngày 13-12-2007)
Người cộng sản chuyên đạo diễn và đóng trò, tuy nhiên bị tổ trác khi dựng phim “Sống cùng lịch sử” chẳng ai coi vì ngày nay người ta còn lạ gì trò bịp bợm của họ nữa, nhất là sự thêu dệt về cái chiến thắng thần thánh Điện Biên Phủ và “anh hùng” Võ Nguyên Giáp.
Võ Nguyên Giáp đã nằm xuống nhưng chưa được nghĩ yên vì những kẻ lợi dụng tô hồng chuốc lục ông ta để kinh doanh trục lợi, hết dựng phim 21 tỷ, người ta lại đang dự trù bỏ ra “Hơn 100 tỷ đồng xây đường vào nhà lưu niệm Đại tướng” (VNexpress online ngày 7-10-2014) để kiếm chác trong khi trẻ con miền núi phải đu dây qua sông đến trường học.
Vị tướng quân này khi còn sinh thời cũng đã bị thất sủng cùng một lúc với thần tượng Hồ Chí Minh sau Đại hội 9. Trong “Đèn cù”, tác giả Trần Đĩnh đã kể rõ sự nhu nhược của một anh hùng huyền thoại được thêu dệt, nên cuối cùng:
Khương Hữu Dụng kể khi làm việc tái bản tập thơ ‘Ta đi tới’ của Tố Hữu, anh rất ngạc nhiên khi thấy Tố Hữu gạch chéo chữ thập lên khổ thơ ‘Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp’ rồi nói ‘Bỏ đi,người này hết vai trò lịch sử rồi”. (Đèn cù trang-234)
Tướng Võ Nguyên Giáp đã bị tước hết binh quyền, chức tước, ngay cả bị loại ra khỏi Bộ Chính trị đảng CSVN. Trong “Bên thắng cuộc” quyễn II của nhà báo Huy Đức cũng có nói về cái anh hùng Giáp này khi còn sống “hèn” như thế nào mà khi chết rồi thì thêu dệt khóc thương chẳng khác chuyện cải lương.
“Cụ Võ Nguyên Giáp cay đắng: ‘Đến một vị tướng đã đánh thắng Điện Biên Phủ mà nguời ta vẫn vu cho là con nuôi của mật thám Pháp”. (BTC.II – trang 136)
“Ông Võ Viết Thanh nói: ‘Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan Tướng Trà và Tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”. (BTC.II – trang 140)
“Năm 1977, Tướng Giáp thôi chức Bí thư Quân ủy Trung ương, theo Điều lệ mới, chức vụ này thuộc về TBT. Năm 1980, ông phải giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Đại tướng Văn Tiến Dũng”.(BTC.II – trang 173)
Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”. (BTC.II – trang 174)
“Năm 1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch trong khi Tố Hữu vào BCT giữ chức Phó thủ tướng thường trực. Dân gian truyền nhau: ‘Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. (BTC. II – Trang 175)
Sau cùng, là giải mã huyền thoại thần tượng Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động chính trị của ông ta thì đã được nhiều người thổi phồng hết giấy mực rồi; nhưng những bậc thầy của ông ta như Lenin, Stalin cũng đã bị lôi đầu xuống rồi. Tôi xin lược kể một vài chuyện “thâm cung” về những ngày hết thời của “ông cụ”. Cụ Nguyễn Văn Trấn, một nhà cách mạng lão thành kể lại trong hồi ký “Viết cho mẹ và Quốc hội” nói lên cảnh thần tượng hết thời bị thất sủng, chỉ ngồi chơi xơi nước như sau:
“-Tao nói cho mầy nghe nha, Bùi Công Trừng nói tiếp, về chuyện lão già Hồ Chí Minh. Tao nghethằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn Chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác-Lênin. Chuyện nước giao cho Nguyễn Chí Thanh…
Mày coi, coi có tội nghiệp không. Đồng chí HCM muôn ngàn kính mến của chúng ta bận bộ đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà hay day mặt ra sân. Có lỗ tai nhưng tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc Hà: ‘Bác để cho anh em nói đã mà’. Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc:
‘Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo’.
Và ông nói xụi lơ: ‘thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra. Có chi mà!”(VCMVQH – trang 328)
Hồ Chí Minh theo sự nhận xét của cựu Đại tá QĐND Bùi Tín, cựu Phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân và báo Nhân Dân trong lần trả lời phỏng vấn của Pv Trà Mi đài RFA thì:
“Tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải biết rõ là ông Hồ trong hoạt động cách mạng có sai lầm lớn là giả dối nhiều lắm. Một ví dụ đơn giản là ông ta tự viết ra quyễn sách nói về tiểu sử của mình, ký tên là Trần Dân Tiên… trong đó còn ghi là HCM không có vợ con, suốt đời chỉ nghĩ đến dân tộc, thế nhưng thật ra, ông ta có nhiều vợ
Rồi sau này, khi ông về Hà Nội rồi, người ta cũng biết chính ông Trần Quốc Hoàn bố trí cho ông một cô tên là Nông Thị Xuân, hằng tuần lễ vào gặp ông, và ông Hồ đã có con là anh Nguyễn Tất Trungnay đã hơn 50 tuổi”. (RFA online ngày 19-5-2007)
Gần đây trong “Đèn cù” của Trần Đĩnh, một người đã từng viết tiểu sử của HCM cho chúng ta thấy rõ tư cách và đạo đức của ông Hồ quá tệ chớ không phải như đảng CSVN ca tụng và bảo trẻ con học theo đạo đức bác Hồ, ông ấy có đạo đức đâu mà học.
Ông Hồ Chí Minh đã lấy con nuôi là Nông Thị Xuân đẻ ra Nguyễn Tất Trung mà không dám nhận vợ, nhìn con. Nhất là cái chết của cô Xuân ai cũng biết do Trần Quốc Hoàn giàn dựng để ém nhẹm hủ mắm của thần tượng.
“…tôi bất thần nhớ tới cô Xuân, cô ‘con gái nuôi của Bác’. Hỏi mấy người đứng tuổi nom có vẻ quen từ trên rừng. A, cô Xuân ấy hả?- Lấy chồng rồi. Chồng lái xe. Nhưng chết rồi!- Ố, sao trẻ thế mà chết?- Về quê Cao Bằng bị ô tô đè…” (Đèn cù trang 183)
Huyền thoại Hồ Chí Minh được triết gia Trần Đức Thảo “Giải mã lãnh tụ” một cách sâu sắc, rõ ràng qua nhiều trang sách“Trần Đức Thảo Những lời trăng trối”, ông đã mô tả con người…Hồ Chí Minh như sau:
“… ‘ông cụ’ đã lần lượt ăn ở với nhiều phụ nữ một cách nghiêm túc, từng đã chính thức lập gia đình, từng đã có con ở Âu, ở Á. Nhưng ‘ông cụ’ vì đã cuồng vọng chính trị, mà phải chứng tỏ mình là người thanh khiết, thanh cao, có đức độ ‘cách mạng’ (cách mạng có cấm ai lấy vợ đâu!…) nên ‘ông cụ’ đã phải phủi tay từ bỏ tất cả vợ con!” (TĐT.NLTT- trang 348)
“Vì cuồng vọng quyền lực, mà ‘ông cụ’ đã không ngần ngại công khai, lộ liễu viết sách, dù đã ký với những cái tên khác, để tự ca ngợi, tự tôn vinh chính mình. Tự chọn lựa từng chi tiết nhỏ nhặt nhất để đề cao, để sùng bái lãnh tụ là…chính mình”. (TĐT.NLTT- trang 319)
“Phải biết rằng huyền thoại và vóc dáng lãnh tụ của ‘bác Hồ’ là tác phẩm của một công trình nghệ thuật hóa trang cao độ, một công trình điểm tô, giàn dựng, để công kênh ‘ông cụ’ lên thành một nhà lãnh đạo uy nghi, kiệt xuất, như bậc thần, bậc thánh, để dân chúng một lòng tin tưởng mà sùng bái”.(TĐT-NLTT trang 262)
Ôi hô! những huyền thoại anh hùng thời cộng sản là như thế!
               Đại Nghĩa
(*) Tôi xin hỏi Ban biên tập báo Dân Trí giữa ông Hồ, ông Duẫn, ông Linh và ông Nguyễn Văn Thiệu ai là người “bù nhìn” của ngoại bang ai hơn ai?
- Ông Hồ nghe lời ai mà diệt chủng trong CCRĐ, NVGP, XLCĐ…?
- Ông Duẫn nghe lời ai mà gây chiến tranh chống Mỹ xâm chiếm miền Nam…?
- Ông Linh nghe lời ai mà làm nô lệ bán nước ở Thành Đô?
- Ai ôm chân Tàu rồi bây giờ phải lo chống Tàu?
- Ai chống Mỹ rồi bây giờ ôm chân Mỹ?

Không có nhận xét nào: