Pages

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

60 năm giải phóng cái gì?



Phạm Trần (Danlambao) - Trên 90 triệu người dân nước Việt Nam Cộng sản lại bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhét bánh vẽ vào miệng nhân dịp kỷ niệm 60 năm“Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2014)” và quên đi những lời dạy của ông Hồ Chí Minh bảo cán bộ phải bảo vệ tự do, dân chủ, cần, kiệm, liêm chính và làm đầy tớ cho dân.

Bằng chứng đã phơi bày ra ngày 19-9-2014, khi Ban Tuyên giáo Trung ương gửi công văn Số 6997- CV/BTGTW về “việc gửi tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2014) tới Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban toàn quốc các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan báo, đài Trung ương.” 

Trong Tài liệu này, những điều được gọi là “thành tích của nhân dân Thủ đô anh hùng” được vẽ rồng rắn như thế này: “Kể từ 'Chiếu dời đô' của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.” 

Nhưng phát triển được những gì, ngoài việc ngửa tay nhận viện trợ kinh tế và súng đạn của Nga-Tầu để làm theo mệnh lệnh bành trướng chiến tranh vào miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) giết hại dân lành vô tội và tiêu hao nhân lực miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) dưới danh nghĩa lừa bịp “giải phóng miền Nam”? 

Điều được gọi là “mốc son lịch sử” của Hà Nội trong ngày 10/10/1954 cũng là khi khoảng 20 triệu người dân miền Bắc chưa kịp vui hòa bình đã bị trói vào gông cùm lao động khổ sai bần cùng từ đời này sang đời khác để thỏa mãn tham vọng chỉ muốn nhìn thấy máu đổ thịt rơi của Lãnh đạo đảng, đứng đầu là ông Hồ trên giải đất nghèo nàn và lạc hậu miền Bắc, từ Vĩ tuyến 17 trở ra cho đến tận biên giới Trung Hoa. 

Hai tội ác của đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của đảng CSVN) đã hiện hình tại miền Bắc, đó là Cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) 1953-1956 và vụ Nhân văn Giải phẩm (NVGP) từ đầu năm 1955 đến tháng 6 năm 1958. 

Cả hai vụ án này đều được đảng, do ông Hồ chỉ huy, đã làm theo lệnh của Nga và Trung Cộng thời bấy giờ. Gần 200,000 người dân vô tội, trong đó có rất đông “ân nhân của cá nhân ông Hồ, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh tụ Cộng sản Việt Nam khác” đã bị vu oan cáo vạ rồi chôn sống, bắn chết, chặt đầu phơi thây, theo tiêu chuẩn mỗi làng phải tìm cho ra 5% thành phấn “địa chủ” trong chiến dịch CCRĐ. 

Về vụ án “bịa đặt là phản động” để đàn áp một số văn nghệ sĩ và chính khách của hai Tạp chí Nhân Văn, do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký tòa soạn và Giai Phẩm do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương. 

Theo tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở thì: “Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài lôi kéo, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo Chính trị và Nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, thậm chí kích động kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình.” 

Vì vậy, chỉ thị tổ chức kỷ niệm của Ban Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đứng đầu mới khoe khoang không biết ngượng rằng: “Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước.” 

Nếu có “phát triển văn hóa, xã hội” thì Hà Nội đâu có là Thủ đô đến nay, 60 năm sau, vẫn còn bị tròng vào cổ hai bản án lương tâm CCRĐ và NVGP ngàn đời không xóa được? 

Tài liệu kỷ niệm 60 năm của Hà Nội cũng còn khoe đủ thứ và mọi thánh tích từ 1954 đến 1975, ngoại trừ không nói đến những tệ nạn xã hội ngày một nghiêm trọng như tội ác xã hội, nghiện ngập trong giới Thanh niên-Thiếu nữ, mại dâm, tham nhũng lãng phí trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương xuống cơ sở ngay tại Thủ đô Hà Nội và văn hóa, giáo dục suy đồi nghiêm trọng. 

Vì thế mà Ban Tuyên giáo vẫn như kẻ “điếc không sợ súng” để bịa ra rằng Hà Nội ngày nay được Quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”! 

Giải phóng hay tiếp quản? 

Cũng chỉ vì khoe khoang lộ liễu này mà Ban Tuyên giáo (BTG) đã thay trắng đổi đen gọi ngày “tiếp quản” là “Ngày giải phóng Thủ đô”. 

BTG viết: “Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. 

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.” 

Tường thuật “vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh” này đã tự phơi bày ra sự kiện “giải phóng mà không mất một viên đạn nào, hay không hề có tiếng súng nổ nào của quân đội Pháp hay lực lượng Việt Minh”! 

Hãy đọc Bút ký của Nhà báo Lê Phú Khải, Nguyên Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Miền Nam: “Đêm 9-10-1954 cả thành phố thiết quân luật. Đường phố như chết, không một bóng người, không có tiếng rao đêm quen thuộc. Nhưng hầu như tất cả Hà Nội đều thức trắng đêm đó, hồi hộp chờ đến sáng… 

Nhà tôi ở đầu phố Hàm Long, gần ngã năm Phan Châu Trinh, Hàn Thuyên, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… Mấy chị em tôi hay dán mắt nhìn qua khe cửa, trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đường, tôi nhìn thấy những tên lính Pháp cao lớn mang súng đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại ở đầu phố nhìn ra ngã năm. 

Khi trời chưa sáng hẳn, từng tốp bộ đội ta vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp đứng. Những tên lính Pháp cao lớn đứng bên những anh bộ đội của ta bé nhỏ, chỉ cao đến ngang vai lính Pháp. Họ nói với nhau những điều gì đó, bàn giao cái gì đó… rồi lính Pháp từ từ rút lên phía Nhà Hát Lớn thành phố theo đường Phan Châu Trinh. 

Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn bộ đội ta thì các cánh cửa hai bên phố đều bật tung, dân chúng ùa ra đường với cờ đỏ sao vàng trong tay reo mừng, hoan hô bộ đội. Đường phố tràn ngập niềm vui.” 

Nhưng niềm vui vừa đến đã vội tắt ngúm trong uất nghẹn của người dân miền Bắc. 

Ông Lê Phú Khải kể lại: “Mẹ tôi và bao nhiêu người buôn bán nhỏ được gọi là tiểu thương của Hà Nội, cũng như bao nhiêu bà tư sản nhà giàu lúc đó, đã đem hoa tươi tung lên xe của đoàn quân chiến thắng trở về… Có hay đâu, chỉ ít tháng sau cái ngày vui đó, họ trở thành nạn nhân của cách mạng. Họ trở thành đối tượng phải “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Nhà xưởng của họ bị công tư hợp doanh. Đến nhà ở của họ cũng bị đo đạc để đưa thêm người khác vào ở, vì… mỗi gia đình chỉ được sử dụng tối đa 120 mét vuông! 

Ông anh ruột của mẹ tôi bị quy là tư sản, có hai cái nhà đã “được” hiến cho nhà nước. Gia đình ông có chín người con, nhưng nhà vẫn phải xếp cho người khác vào ở vì… còn thừa diện tích. 

Còn mẹ tôi, sau 10-10-1954 bà vẫn buôn bán nhỏ, nhưng vì không chịu được người ta gọi mình là “con buôn”, nên một lần nữa, đã theo ông nội tôi, bán ngôi nhà ở phố Hàm Long về làng Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì mua vườn, làm một nông dân bất đắc dĩ. 

Tôi không bao giờ quên hình ảnh của mẹ tôi, những đêm trăng gánh nước tưới rau, đôi vai gầy run run dưới gánh nặng…

Nhà văn Nguyễn Khải trong thiên tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” đã miêu tả rất đúng chân dung của con người Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ:“Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do thì cái đầu cũng được trưng thu luôn, từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối, nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như kẻ bại trận”. 

Những lời tự thuật của Nhà báo Lê Phú Khải và Nhà văn Nguyễn Khải về cuộc đổi đời “trâu bò lên làm người” ở miền Bắc sau ngày bộ đội và ông Hồ Chí Minh “tiếp thu Hà Nội” không mất một viên đạn đã được lập lại y chang khi những người được mệnh danh là “Bộ đội Cụ Hồ” mang dép râu bước vào chiếm Sài Gòn của miền đất phù phú và văn minh Việt Nam Cộng Hòa. 

Hàng chục trại tù lao động khổ sai ở rừng sâu nước độc mệnh danh “Cải tạo” đã được mở ra để trả thù hàng trăm ngàn quân-cán-chính của miền Nam. Hàng ngàn gia đình “tư sản” đã mất nghiệp, tài sản bị tịch thu trắng tay và hàng trăm ngàn người dân vô tội miền Nam đã biến thành mồi cho biển dữ, cá hung tàn ở Biển Đông trên đường thoát dịch Cộng sản. 

Hồ Chí Minh có thật lòng không? 

Lịch sử cũng có mắt đấy chứ? Làm sao mà đảng CSVCN có thể xóa mờ được những vết nhơ này trong lịch sử? 

Cũng như khi đọc lại những lời nói của ông Hồ từ khi ông còn “ẩn náu” ở chiến khu Việt Bắc cho đến ngày về Hà Nội, sau ngày 10-10-1954, sẽ thấy ngay nhiều câu hỏi để so sánh những gì ông nghĩ và những việc làm trong thực tế đời sống nhân dân của chính bản thân ông và những kẻ dưới quyền từ đó đến nay, trong 60 năm dài đăng đẳng, hay cũng chỉ để cho mọi người “đọc nghe sướng tai” như chính ông đã nói: “Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.” (Trích thư Bác gửi các bạn thanh niên, 17-8-1947) 

Hay: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự.” (Trích Lời kêu gọi gửi đồng bào sau khi Hội nghị Geneve thắng lợi, ngày 22/7/1954) 

Hoặc trong Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng (10-10-1954), ông Hồ bảo:“Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong….” 

- Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. 

- Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân. (Theo Tên Người đẹp nhất.net) 

Thế rồi, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội (16-10-1954), Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) lại nói như đinh đóng cột:“Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho...” 

- Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hǎng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.” 

Và trong bản Di chúc để lại cho “nhân dân miền Bắc và đảng” năm 1969, ông Hồ tâm sự: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới." 

- “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.” 

- “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. 

Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.”(Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, 21-7-1956) 

- “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân... Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm "quan" nhân dân.” (Trích bài nói với cán bộ tình Hà Tây, 10-2-1967) 

Vậy thì những chữ “tự do”, “dân chủ” và “đầy tớ cho nhân dân” được ông Hồ lập đi lập lại trong cả đời ông có đang được đám hậu duệ của ông thi hành không hay chúng đã “nước đổ đầu vịt” như các trận “đánh võ mồm” của cán bộ, đảng viên đã diễn ra trong chiến dịch “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”trên cả nước từ năm 2007 đến nay? -/- 

(10/014)

Phạm Trần 

Không có nhận xét nào: