Pages

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

'Sẽ đòi cắt quan hệ với Việt Nam'

Ông Thach Setha nói ông muốn chính phủ Việt Nam phải "tôn trọng chủ quyền" của Campuchia
Gần đây, cộng đồng người Khmer Krom, tức xuất xứ từ Nam Bộ, Việt Nam, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách đất đai của Việt Nam, nhất là sau phát biểu của quan chức sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh rằng miền đất này thuộc về Việt Nam từ lâu đời.

BBC đã nói chuyện với ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia, một trong các lãnh đạo biểu tình. Ông Thach Setha còn là cựu Thượng Nghị sỹ và là nhà hoạt động thuộc đảng Cứu quốc của chính trị gia Sam Rainsy.
Cuối tuần rồi, cộng đồng Khmer Krom tổ chức môt diễn đàn mở về các yêu sách của họ.
Ông Thach Setha: Mục đích của diễn đàn hôm nay là cho người dân tiếng nói nhằm thúc đẩy việc siết chặt luật nhập cư ở Campuchia. Đây là một trong các vấn đề nóng hiện nay.

Nếu như chính quyền không siết chặt luật pháp thì tình hình đất nước sẽ rất nguy hiểm. Mục đích thứ hai là cho phép người dân hiểu rõ ràng hơn về vấn đề đất đai Kampuchea Krom.
Tôi sẽ thu thập tất cả các ý kiến, kiến nghị ngày hôm nay và gửi cho Quốc hội cũng như chính phủ.
"Việt Nam không hiểu đúng về lịch sử của người Khmer, hoặc là họ cố tình muốn quên lịch sử bằng cách tuyên bố rằng đất đai Kampuchea Krom thuộc về Việt Nam từ lâu"
Ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia
BBC: Xin ông nói rõ hơn về yêu sách của các ông đối với vấn đề chủ quyền mà ông nói là đất đai Kampuchea Krom?
Ông Thach Setha: Chúng tôi không đòi lại đất, mà chúng tôi muốn gửi thông điệp tới chính phủ Việt Nam, yêu cầu họ phải tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, không được can thiệp vào công chuyện của chúng tôi.
Việt Nam không hiểu đúng về lịch sử của người Khmer, hoặc là họ cố tình muốn quên lịch sử bằng cách tuyên bố rằng đất đai Kampuchea Krom thuộc về Việt Nam từ lâu.
Đất đai Kampuchea Krom là của chúng tôi, và bị người Pháp giao cho người Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam tôn trọng lịch sử, tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, công khai xin lỗi chúng tôi và không can thiệp vào chính trị của các quốc gia khác.
BBC: Nói thật chính xác, thì đòi hỏi của các ông là gì trong các cuộc biểu tình vừa rồi?
Ông Thach Setha: Chúng tôi muốn phía Việt Nam chính thức công khai xin lỗi người Khmer Krom và công nhận lịch sử của chúng tôi bằng văn bản.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối Việt Nam đã diễn ra trước tòa đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh trong thời gian gần đây
BBC:Ông sinh ra ở Việt Nam nhưng có vẻ không ưa người Việt?
Ông Thach Setha: Chúng tôi không thù ghét người Việt Nam. Chúng tôi tôn trọng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Như tôi nói lúc trước, tôi muốn phía Việt Nam xin lỗi người Khmer Krom. Chúng tôi biểu tình một cách hòa bình. Chúng tôi không phân biệt đối xử. Chúng tôi cũng tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác của khối Asean.
BBC: Bản thân ông còn là một chính trị gia thuộc phe đối lập. Đây có phải là hoạt động chính trị của ông không?
Ông Thach Setha: Đây không phải hoạt động chính trị. Tôi làm công việc này với tư cách lãnh đạo một tổ chức dân sự và chúng tôi cùng các tổ chức dân sự khác biểu tình phản đối Việt Nam hiểu sai lịch sử của chúng tôi.
Nếu như không có phản hồi hay giải quyết gì từ phía Việt Nam thì đầu tháng 10 này chúng tôi sẽ có biểu tình lớn để yêu cầu chính phủ Campuchia tạm cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam thừa nhận lịch sử của chúng tôi.
Chúng tôi cũng kêu gọi người Campuchia tẩy chay hàng hóa Việt Nam.
"Đầu tháng 10 này chúng tôi sẽ có biểu tình lớn để yêu cầu chính phủ Campuchia tạm cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam thừa nhận lịch sử của chúng tôi."
Ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia
BBC: Trong cuộc biểu tình lần trước của người Khmer Krom, một số người đã đốt cờ Việt Nam và xé ảnh ông Hồ Chí Minh. Ông nghĩ thế nào về hành động của họ?
Ông Thach Setha: Chúng tôi không chủ trương đốt cờ. Thế nhưng nếu nhìn vào các cuộc biểu tình ở các quốc gia khác thì quý vị cũng thấy người biểu tình họ đốt quốc kỳ của những nước mà họ phản đối. Họ đốt cờ, đốt xe cộ, thậm chí tiểu tiện lên chân dung lãnh tụ nước kia... Ngay tại Việt Nam một vài tháng trước, người ta cũng đốt cờ Trung Quốc và còn đánh người Trung Quốc nữa.
Chúng tôi chủ trương không bạo động. Thế nhưng một số người không kìm nổi tình cảm của mình, khi họ mang kiến nghị đến sứ quán Việt Nam nhưng bị từ chối tiếp nhận thì họ rất xúc động giận dữ và đốt cờ.
Đối với riêng tôi thì quan điểm là giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua thương lượng. Nhưng đốt cờ cũng không phải là hành động gì tồi tệ lắm mà chỉ là cách biểu thị sự thất vọng của người biểu tình mà thôi.
BBC: Ông có lo ngại sẽ xảy ra bạo lực trong những cuộc biểu tình sắp tới không? Khi đám đông bị kích động thì thường khó kiểm soát được họ.
Ông Thach Setha: Không, tôi không lo ngại về bạo lực. Chúng tôi biểu tình trên đất Campuchia, theo luật pháp của Campuchia và luật quốc tế. Chúng tôi không có lo lắng gì về an ninh cả.
Đây chỉ là hình thức bày tỏ quan điểm công khai, đối thoại của người dân.
BBC đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh để hỏi phản ứng của họ, nhưng không được phản hồi.

Không có nhận xét nào: